1. Nữ có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Theo khoản 2 Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015:
Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
Trong đó, công dân nữ được đăng ký nghĩa vụ quân sự là đủ 18 tuổi trở lên và độ tuổi gọi nhập ngũ là đủ 18 tuổi trở lên đến hết 25 tuổi. Nếu được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ là hết 27 tuổi.
Ngoài ra, khi có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của quân đội, công dân nữ trong độ tuổi có thể được phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp này, công dân nữ phải đủ 18 tuổi trở lên để đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Các ngành, nghề chuyên môn của công dân nữ phù hợp yêu cầu quân đội được nêu tại Điều 3 Nghị định số 14/2016/NĐ-CP gồm:
- Trình độ thạc sĩ, tiến sĩ: Văn thư, lưu trữ; tài chính; kế toán; Luật dân sự và tố tụng dân sự, luật kinh tế, luật quốc tế…
- Trình độ cao đẳng, đại học: Giáo viên toán, tin, vật lý, hóa…; ngành ngôn ngữ anh, pháp…; tài chính, kế toán, luật kinh tế, luật quốc tế, kỹ thuật điện…
Như vậy, theo phân tích nêu trên, công dân nữ không bắt buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự mà nếu tình nguyện, quân đội có nhu cầu hoặc có chuyên môn, nghiệp vụ thì có thể tham gia nghĩa vụ quân sự trong thời bình hoặc phục vụ trong ngạch dự bị.
2. Điều kiện sức khỏe đi nghĩa vụ của nữ giới là gì?
Tiêu chuẩn sức khỏe để đi nghĩa vụ quân sự được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 16 năm 2016. Theo đó, tiêu chuẩn sức khỏe của nữ cũng bao gồm:
- Tiêu chuẩn phân loại theo thể lực:
LOẠI SỨC KHỎE | Cao đứng (cm) | Cân nặng (kg) |
1 | ≥ 154 | ≥ 48 |
2 | 152 - 153 | 44 - 47 |
3 | 150 - 151 | 42 - 43 |
4 | 148 - 149 | 40 - 41 |
5 | 147 | 38 - 39 |
6 | ≤ 146 | ≤ 37 |
- Tiêu chuẩn phân loại theo bệnh tật: Cũng như công dân nam, công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự cũng được khám các bệnh về mắt, răng, hàm, mặt, tai, mũi, họng, thần kinh, tâm thần, tiêu hóa, hô hấp, tim, mạch, cơ, xương, khớp, thận, tiết niệu, khám phụ khoa…
3. Khám nghĩa vụ quân sự nữ như thế nào?
Cũng như công dân nam, khi công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự cũng thực hiện khám sức khỏe theo hai vòng: Vòng sơ tuyển tại Trạm y tế xã và vòng khám sức khỏe chi tiết tại Trung tâm y tế huyện.
Vòng 1: Tại vòng này, công dân sẽ khám về thể lực gồ chiều cao, cân nặng; di tật, dị dạng, các bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, Trạm y tế xã khai thác tiền sử bệnh tật của bản thân công dân nữ và gia đình. Nếu đủ tiêu chuẩn, công dân nữ sẽ được khám vòng 2.
Vòng 2: Công dân nữ được khám chi tiết về thể lực, mạch, huyết áp, thị lực, thính lực, tai, mũi, họng, răng, hàm, mặt… cụ thể như sau:
- Khám thể lực: Nữ được phép mặc quần dài, áo mỏng, bỏ mũ, nón, không đi giày, dép.
- Đo nhịp tim, huyết áp; khám thị lực, đo mắt; tai, mũi, họng (đo sức nghe khi nói thầm, nói bình thường); răng (kiểm tra răng sâu, mất răng và các bệnh răng miệng), hàm, mặt, nội khoa (kiểm tra huyết áp, mạch, phế quản, tim), tâm thần, thần kinh (kiểm tra tình trạng mồ hôi tay, chân, teo cơ, nhược cơ, tật máy cơ…)…
- Khám phụ khoa: Việc khám thực hiện tại nơi kín đáo, nghiêm túc, cán bộ chuyên môn thực hiện là nữ. Nếu không có cán bộ y tế là nữ thì phải là bác sĩ ngoại khoa và có nhân viên nữ tham dự khi khám sản, phụ khoa.
- Xét nghiệm: Công dân nữ được xét nghiệm máu, nước tiểu. Khi đạt tiêu chuẩn sức khỏe gọi nhập ngũ, công dân nữ sẽ được xét nghiệm HIV.
Xem thêm: Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là khám những gì?
4. Công dân nữ đi nghĩa vụ quân sự bao lâu?
Theo quy định tại Điều 22 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định như sau:
- Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ: 24 tháng
- Kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ không quá 06 tháng trong các trường hợp:
+ Nhằm bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ, hạ sĩ quan.
+ Binh sĩ, hạ sĩ quan đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
- Thời hạn nghĩa vụ quân sự theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ: Khi có tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Như vậy, tương tự với công dân nam, công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ phải đi từ 24 - 30 tháng và chỉ đi 30 tháng nếu thuộc trường hợp bị kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ nêu trên trừ trường hợp có chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì thực hiện theo quy định riêng.
Trên đây là quy định về việc khám sức khỏe quân sự nữ thực hiện thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.