7 trường hợp người lao động được nghỉ việc không cần báo trước

Khi không được đảm bảo quyền lợi như thỏa thuận, người lao động hoàn toàn có quyền nghỉ việc. Dưới đây là thông tin về 07 trường hợp được phép nghỉ ngang mà không cần báo trước cho công ty biết.


1. Trường hợp nào được nghỉ việc luôn mà không cần báo trước?

Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 đã chỉ rõ 07 trường hợp người lao động có quyền nghỉ việc luôn mà không cần báo trước. Cụ thể như sau:

1 - Không được bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận.

Trừ: Trường hợp doanh nghiệp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng do gặp khó khăn đột xuất vì thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố về điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

2 - Không được trả đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn.

Trừ: Trường hợp chậm lương do có lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn và chỉ được chậm lương dưới 30 ngày.

3 - Bị ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động bởi người sử dụng lao động.

4 - Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới dạng sau:

- Trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc quan hệ tình dục để đổi lấy lợi ích liên quan đến công việc.

- Hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc cũng như cuộc sống của nạn nhân.

5 - Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc bởi nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Lưu ý: Phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc nếu tiếp tục làm sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

6 - Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Trừ: Các bên có thỏa thuận khác.

7 - Người sử dụng lao động cung cấp các thông tin sau đây không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động:

- Công việc.

- Địa điểm làm việc.

- Điều kiện làm việc.

- Thời giờ làm việc.

- Thời giờ nghỉ ngơi.

- An toàn, vệ sinh lao động.

- Tiền lương, hình thức trả lương.

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

- Quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ.

- Vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng mà người lao động yêu cầu.

Xem thêm: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động 

truong hop duoc phep nghi ngang


2. Nghỉ việc đúng luật, người lao động được hưởng quyền lợi gì?

Nếu nghỉ việc thuộc các trường hợp nêu trên, người lao động dù không báo trước nhưng cũng được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định. Lúc này, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

1 - Tiền lương của những ngày đã làm việc chưa được thanh toán

2 - Trợ cấp thôi việc

Theo Điều 46 Bộ luật Lao động, nếu đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên cho doanh nghiệp, người lao động sẽ có cơ hội được nhận trợ cấp thôi việc.

Tuy nhiên, thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc chỉ tính cho những khoảng thời gian đi làm nhưng chưa được đóng bảo hiểm thất nghiệp và chưa tính hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Xem thêm: Chi tiết cách tính trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất

3 - Tiền phép năm chưa nghỉ hết

Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động, người lao động có từ 12 - 16 ngày phép/năm tùy thuộc vào từng đối tượng người lao động và công việc thỏa thuận. Nếu người lao động làm việc chưa đủ năm thì số ngày phép sẽ được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Tại thời điểm nghỉ việc mà chưa nghỉ hoặc nghỉ hết số ngày phép, người lao động sẽ được thanh toán tiền lương tương ứng cho những ngày chưa nghỉ.

4 - Tiền trợ cấp thất nghiệp

Nếu người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì khi nghỉ việc có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lưu ý, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp phải được gửi đến trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng thì mới được giải quyết chi trả tiền trợ cấp.

Xem thêm: Những khoản tiền người lao động có thể được nhận khi nghỉ việc


3. Không có lý do luật định, nghỉ không báo trước có phải bồi thường?

Nếu không có các lý do được nêu tại mục 1 mà nghỉ việc không báo trước, người lao động sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Lúc này, người lao động sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019. Các khoản bồi thường bao gồm:

1 - Nửa tháng tiền lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

2 - Khoản tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

3 - Hoàn trả chi phí đào tạo nếu trước đó được đi học nghề, đào tạo nghề từ kinh phí của người sử dụng lao động.

Xem thêm: Mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng trái luật

Trên đây là thông tin về 7 trường hợp được phép nghỉ ngang và quyền lợi liên quan. Nếu còn thắc mắc về các vấn đề chấm dứt hợp đồng và bồi thường vi phạm, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6199 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.

>> Xin nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng: Nắm rõ 7 điều sau

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục