Nghỉ ốm quá lâu có bị công ty đuổi việc?

Khi gặp vấn đề về sức khỏe, người lao động được nghỉ làm để điều trị, điều dưỡng sức khỏe. Tuy nhiên, nếu người lao động nghỉ ốm quá lâu sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của công ty. Lúc này công ty có được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động đó không?


1. Người lao động được nghỉ ốm trong thời gian bao lâu?

Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động bị ốm đau, tai nạn mà có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì được nghỉ làm hưởng chế độ BHXH như sau:

* Trường hợp nghỉ ốm thông thường:

- Người làm việc trong điều kiện bình thường: Được nghỉ 30 - 60 ngày làm việc tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH.

- Người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên: Được nghỉ 40 - 70 ngày làm việc tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH.

* Trường hợp nghỉ ốm do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày:

Người lao động được nghỉ 180 ngày/năm (tính cả ngày lễ, Tết và nghỉ hằng tuần). Nếu hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Ngoài ra nếu muốn nghỉ làm dài hơn thời gian hưởng chế độ nói trên, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc xin nghỉ không lương.

Căn cứ khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu người sử dụng lao động đồng ý, người lao động hoàn toàn có thể nghỉ ốm với thời gian dài hơn nhưng thời gian kéo dài đó sẽ không được trả lương, cũng không được cơ quan BHXH thanh toán chế độ.


nghi om qua lau co bi duoi viec


2. Công ty cho nghỉ việc vì lý do nghỉ ốm quá lâu, có đúng luật?

Để tạo điều kiện cho công ty có thể chủ động về mặt nhân sự trong sản xuất, kinh doanh, khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ:

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

Theo quy định này, công ty hoàn toàn có quyền đuổi việc nhân viên vì lý do ốm đau nếu người lao động đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn: Bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục mà khả năng lao động chưa hồi phục.

- Người làm việc theo hợp đồng từ 12 tháng đến 36 tháng: Bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng lao động chưa hồi phục.

- Người làm việc theo hợp đồng dưới 12 tháng: Bị ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Ngược lại với những trường hợp nghỉ ốm không liên tục hoặc liên tục nhưng chưa quá thời gian nói trên thì công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đó.


3. Đuổi việc nhân viên vì lý do ốm đau, các công ty dễ gặp rủi ro gì?

Như đã phân tích, người sử dụng lao động chỉ được đuổi việc nhân viên nghỉ điều trị ốm đau nếu thời gian nghỉ của họ vượt quá thời gian quy định.

Theo điểm c khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, lúc này, khi cho người lao động nghỉ việc, công ty phải thông báo trước đến người lao động đó ít nhất 03 ngày làm việc. Thông báo này phải được gửi đến người lao động dưới hình thức bằng văn bản (theo khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019).

Dẫu vậy, nhiều công ty chỉ thông báo đơn giản cho người lao động chứ không gửi văn bản cho người lao động. Hành vi có thể khiến người sử dụng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 01 đến 03 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Thực tế, do ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nên nhiều công ty còn muốn cho nhân viên đang nghỉ điều trị ốm đau nghỉ việc sớm hơn thời gian luật định. Lúc này nếu không thỏa thuận trước với người lao động mà cho họ nghỉ việc, công ty sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019, công ty buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Nghỉ ốm quá lâu có bị đuổi việc?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết bởi các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Học nghề là gì? Tập nghề là gì? Ký hợp đồng học nghề, tập nghề cần chú ý gì?

Học nghề là gì? Tập nghề là gì? Ký hợp đồng học nghề, tập nghề cần chú ý gì?

Học nghề là gì? Tập nghề là gì? Ký hợp đồng học nghề, tập nghề cần chú ý gì?

“Học việc” là cụm từ khá quen thuộc đối với các sinh viên năm cuối, các tân cử nhân khi bắt đầu bước vào thị trường lao động. Tuy nhiên, Bộ luật lao động năm 2019 lại không có khái niệm “học việc” mà chỉ có “học nghề” và “tập nghề”. Vậy học nghề là gì, tập nghề là gì?