Hồ sơ xin việc có cần công chứng, chứng thực không?
Việc chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc kỹ càng và đầy đủ sẽ giúp ứng viên nhanh chóng tìm được việc làm hơn. Vậy hồ sơ xin việc có cần phải công chứng, chứng thực không?
Có cần thiết phải công chứng, chứng thực hồ sơ xin việc?
Thông thường, khi nhà tuyển dụng gọi tới phỏng vấn, ứng viên chỉ cần mang theo hồ sơ photo không cần công chứng, chứng thực nhưng cũng có nhiều nơi yêu cầu hồ sơ xin việc phải có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Đây chính là cơ sở để nhà tuyển dụng nắm được thông tin ứng viên cung cấp là hoàn toàn chính xác. Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền là đại diện bên thứ 3 có tính pháp lý và được công nhận theo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, khi ứng viên được nhận làm chính thức sẽ được ký kết hợp đồng lao động, việc đảm bảo thông tin chính xác là điều quan trọng vì nó liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội cùng các thủ tục khác.
Những giấy tờ gì trong hồ sơ xin việc cần công chứng, chứng thực?
Một bộ hồ sơ xin việc đầy đủ thường gồm các giấy tờ: Đơn xin việc, CV xin việc, sơ yếu lý lịch, giấy chứng nhận sức khỏe, bằng cấp và chứng chỉ nghề nghiệp, chứng minh thư, giấy khai sinh,…
Tuy nhiên, CV xin việc và đơn xin việc không cần phải công chứng, chứng thực mà chỉ yêu cầu chứng thực các loại giấy tờ sau tại cơ quan có thẩm quyền:
- Sơ yếu lý lịch;- Bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân;
- Bản photo sổ hộ khẩu;- Bản photo giấy khai sinh;
-Bản photo bằng tốt nghiệp và chứng chỉ liên quan...Đơn xin việc có cần công chứng, chứng thực không? (Ảnh minh họa)
Chứng thực hồ sơ xin việc ở đâu?
Hiện nay, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người làm hồ sơ có thể đến các cơ quan, tổ chức sau để xác nhận sơ yếu lý lịch hoặc chứng thực bản photo các giấy tờ nêu trên:
- Uỷ ban nhân dân cấp xã;
- Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng;
- Phòng tư pháp cấp huyện;
Đáng chú ý, người làm hồ sơ có thể đến các cơ quan, tổ chức này ở bất kỳ địa phương nào mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu (khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015).
Một số lưu ý khi đi chứng thực giấy tờ
Căn cứ Điều 20 Nghị định 23, để chứng thực bản sao từ bản chính, người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao các giấy tờ yêu cầu.
Theo đó, khi chứng thực bản photo các giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, văn bằng, giấy khai sinh thì người yêu cầu phải mang theo các giấy tờ gốc để đối chiếu, sau đó, người có thẩm quyền mới tiến hành chứng thực.
Hiện nay, theo Công văn số 873/HTQTCT-CT, việc xác nhận sơ yếu lý lịch chỉ được thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên sơ yếu lý lịch. Do đó, việc xác nhận sơ yếu lý lịch sẽ được thực hiện theo thủ tục về chứng thực chữ ký. Như vậy khi đi chứng thực sơ yếu lý lịch, người yêu cần cần mag theo:
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;- Bản sơ yếu lý lịch mình sẽ ký.
Việc ký sơ yếu lý lịch sẽ được thực hiện ngay tại nơi chứng thực, trước mặt người có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cũng cần mang theo tiền để trả phí chứng thực. Tùy thuộc vào nơi thực hiện mà phí phải trả có thể chênh lệch với nhau. Tuy nhiên sẽ không quá đắt đỏ.
Có thể thấy, việc chứng thực hồ sơ xin việc không quá khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ. Bạn chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ những hồ sơ, giấy tờ cần thiết. Đến nơi chứng thực xuất trình giấy tờ tùy thân cùng những văn bản gốc của hồ sơ cần chứng thực là được.
Nói tóm lại, tùy thuộc vào yêu cầu của nhà tuyển dụng mà người nộp hồ sơ xin việc cần chứng thực một hoặc một số giấy tờ như sơ yếu lý lịch, bản photo chứng minh nhân dân, bản photo giấy khai sinh,.... Với những chia sẻ trên đây, hy vọng bạn đọc có được các thông tin hữu ích khi chuẩn bị hồ sơ xin việc.Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.