Chống đối cảnh sát giao thông, khi nào bị đi tù?

Gần đây, tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, tìm cách chống đối cảnh sát giao thông ngày càng tăng. Trong đó, chống đối cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chống đối cảnh sát giao thông bị phạt tù khi nào?

Chống đối cảnh sát giao thông là một trong những hành vi chống người thi hành công vụ. Trong đó, tại Điều 330 Bộ Luật hình sự quy định về Tội chống người thi hành công vụ như sau:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

Theo quy định trên, người chống đối cảnh sát giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống đối người thi hành công vụ với mức phạt lên đến 07 năm tù.

Trong đó, người chống đối cảnh sát giao thông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ khi thực hiện một trong các hành vi:

- Dùng vũ lực chống đối cảnh sát giao thông: hành vi này được thể hiện qua việc dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp đến cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ như đấm, đá, chém,…

- Đe dọa dùng vũ lực với cảnh sát giao thông bằng cách dùng lời nói, cử chỉ đe dọa, uy hiếp khiến cảnh sát giao thông phải chấm dứt việc thi hành công vụ. Trong đó, sự đe dọa là thực tế có cơ sở để người bị đe dọa tin rằng lời đe dọa sẽ trở thành hiện thực.

- Các hành vi chống đối khác như: bôi nhọ, vu khống, đe dọa sẽ cung cấp thông tin bất lợi cho người thi hành công vụ,…

Nặng hơn, nếu chống đối cảnh sát giao thông bằng cách cố ý dùng vũ lực và gây thương tích cho bị hại thì người thực hiện vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích.

chong doi canh sat giao thongChống đối cảnh sát giao thông, khi nào bị đi tù? (Ảnh minh họa)

Chống đối cảnh sát giao thông bị phạt hành chính bao nhiêu?

Trên thực tế, việc chống đối cảnh sát giao thông được thể hiện qua rất nhiều hành vi khác nhau và không phải hành vi nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra của cảnh sát giao thông với người tham gia giao thông là vô cùng thường xuyên. Vì vậy, các hành vi chống đối việc thanh tra, kiểm tra của cảnh sát giao thông xảy ra cũng không ít.

Các hành vi chống đối này đa phần chưa tới mức chịu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ như trên mà chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính.

Cụ thể, tại Điều 22 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức phạt với các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ như sau:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.”

Nếu áp dụng quy định trên, một số hành vi chống đối cảnh sát giao thông như: không chấp hành kiểm tra; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cảnh sát giao thông… để chống lại việc thanh tra, kiểm tra có thể bị phạt đến 03 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu thực hiện một trong các hành vi: dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cảnh sát giao thông để chống lại việc thanh tra, kiểm tra thì có thể bị phạt đến 05 triệu đồng.

Trên đây là một số quy định về xử lý hành vi hành vi chống đối cảnh sát giao thông. Nếu còn vấn đề thắc mắc nào khác, bạn đọc có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm là rất lớn. Nhân cơ hội này, nhiều người đã sản xuất, buôn bán các loại hàng giả để kiếm lời. Vậy buôn bán hàng giả ngày Tết bị phạt thế nào?