Công chứng hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì? Thực hiện ở đâu?

Khi xin việc, nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu hồ sơ xin việc phải công chứng. Vậy có bắt buộc phải công chứng hồ sơ xin việc không? Cần chuẩn bị hồ sơ gì để thực hiện công việc này?

1. Giấy tờ gì trong hồ sơ xin việc cần công chứng?

Dù không được quy định tại bất cứ văn bản nào về lao động bộ hồ sơ xin việc cần những loại giấy tờ gì nhưng thông thường các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu người xin việc cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây: Đơn xin việc, CV xin việc, sơ yếu lý lịch tự thuật, giấy khám sức khoẻ, bằng cấp, chứng chỉ liên quan, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn…

Với những giấy tờ này, khi xin việc thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực tuy nhiên khi vào làm việc chính thức, để thực hiện các thủ tục thông báo mã số thuế, đăng ký bảo hiểm xã hội… doanh nghiệp sẽ yêu cầu bản chứng thực của một số loại giấy tờ gồm sơ yếu lý lịch, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp và các loại chứng chỉ liên quan…

Bởi theo Điều 18 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, các loại giấy tờ, văn bản được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính gồm: Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc do cá nhân, tổ chức tự lập nhưng có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Công chứng hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì? Thực hiện ở đâu?
Hồ sơ xin việc cần chứng thực những loại giấy tờ nào? (Ảnh minh hoạ)

2. Công chứng hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì?

Thực chất công chứng hồ sơ xin việc chính là việc chứng thực hồ sơ xin việc bởi theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chứng thực bảo sao từ bản chính là thủ tục mà người yêu cầu chứng thực muốn nhận được sự xác nhận là bản sao (bản photo, bản chụp, bản in…) đúng với bản chính từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Do đó, căn cứ vào một số loại giấy tờ thông thường trong hồ sơ xin việc, thường ứng viên chỉ cần chứng thực hồ sơ xin việc gồm Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn, sơ yếu lý lịch, chứng chỉ văn bằng, giấy khai sinh…

Theo đó, để công chứng các giấy tờ trong hồ sơ xin việc trong các trường hợp nêu trên, các ứng viên chỉ cần mang theo bản chính (bản gốc) của các giấy tờ cần chứng thực đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tại đây, cơ quan, tổ chức này sẽ thực hiện sao, chụp, in… các giấy tờ gốc này và thực hiện chứng thực theo quy định.

Hoặc nếu cơ quan có thẩm quyền không có điều kiện để sao, chụp, in… giấy tờ, ứng viên có thể mang cả bản chính để đối chiếu và giấy tờ bản photo để chứng thực.

3. Công chứng hồ sơ xin việc ở đâu?

Để công chứng hồ sơ xin việc, thẩm quyền thực hiện được quy định tại Điều 5 Nghị định 23 năm 2015 của Chính phủ gồm:

- Phòng Tư pháp cấp huyện. Tại đây, người có thẩm quyền ký tên, đóng dấu của Phòng Tư pháp là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp.

- Uỷ ban nhân dân cấp xã. Tại đây, người có thẩm quyền ký tên, đóng dấu của Uỷ ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan khác được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Tại đây, người có thẩm quyền ký tên, đóng dấu của cơ quan đại diện là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.

- Tổ chức hành nghề công chứng gồm văn phòng công chứng và phòng công chứng. Tại đây, người có thẩm quyền ký tên, đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng là công chứng viên.

Ứng viên có thể lựa chọn một trong các cơ quan nêu trên và thực hiện chứng thực tại bất cứ địa phương nào thuận tiện nhất cho bản thân.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Công chứng hồ sơ xin việc. Mong rằng bài viết đã góp phần trang bị cho ứng viên xin việc những kiến thức bổ ích. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến công chứng, chứng thực, độc giả có thể liên hệ 19006192 để được chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ, tư vấn.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là một hành vi xảy ra khi doanh nghiệp cố tình tăng giá, khai báo sai giá trị hoặc sử dụng các thủ thuật không minh bạch để trục lợi từ người tiêu dùng. Vậy gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp có hành vi gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?