Thanh tra giao thông được bắt những lỗi gì? Được phạt tối đa bao nhiêu?

Khi phát hiện phương tiện giao thông vi phạm, thanh tra giao thông được bắt những lỗi gì? Họ được phạt tối đa bao nhiêu tiền? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.


1. Thanh tra giao thông được bắt xe trong trường hợp nào?

Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, thanh tra giao thông được “bắt” xe trong các 02 trường hợp sau đây:

(1) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

(2) Khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ nhằm kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ bao gồm:

- Hành vi vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ.

- Hành vi vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ.

- Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường.

- Hành vi đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.

Thanh tra giao thông được bắt xe trong trường hợp nào?
Thanh tra giao thông được bắt xe trong trường hợp nào? (Ảnh minh họa)

2. Thanh tra giao thông được bắt những lỗi gì?

Căn cứ khoản 5 Điều 74 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, thanh tra giao thông được bắt các lỗi sau đây:

- Hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các vị trí bao gồm điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bãi đỗ xe, bến xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ.

- Khi phương tiện có hành vi vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ.

- Hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.

- Hành vi vi phạm về đào tạo sát hạch, cấp Giấy phép lái xe.

- Hành vi vi phạm về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

- Một số hành vi vi phạm khác như:

  • Ô tô đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy nhưng không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm;
  • Ô tô không tuân thủ quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
  • Ô tô dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;
  • Ô tô gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan công an, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
  • Xe máy dừng xe, đỗ xe trên cầu;
  • Xe máy dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng quy định;
  • Xe máy không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
  • Hành vi bán hàng rong trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố cấm bán hàng;
  • Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ;
  • Xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định;
  • Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi để trông, giữ xe;
  • Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
  • Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
  • Chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn để xây nhà ở;
  • Để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông;…
Thanh tra giao thông được bắt những lỗi gì?
Thanh tra giao thông được bắt những lỗi gì? (Ảnh minh họa)


3. Thanh tra giao thông được phạt tối đa bao nhiêu tiền?

Căn cứ Điều 77 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của thanh tra giao thông được giới hạn ở mức tối đa như sau:

- Thanh tra viên ngành giao thông vận tải được phạt tiền tối đa 500.000 đồng đối với vi phạm của cá nhân và tối đa 01 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.

- Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Đường bộ Việt Nam, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam được phạt tiền tối đa 37,5 triệu đồng đối với vi phạm của cá nhân và tối đa 75 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.

- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải được phạt tiền tối đa 52,5 triệu đồng đối với vi phạm của cá nhân và tối đa 105 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.

- Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải được phạt tiền tối đa 75 triệu đồng đối với vi phạm của cá nhân và tối đa 150 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Thanh tra giao thông được bắt những lỗi gì?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Từ 01/01/2025 mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ tăng nặng. Người điều khiển phương tiện cũng cẩn thận, “dè chừng” hơn khi lưu thông. Một trong những vướng mắc nhiều người gửi về LuatVietnam đó là vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị phạt?