Trong chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, thanh tra giao thông có được dừng xe người đi đường không? Đây là thắc mắc của không ít người bởi thông thường người dân vốn chỉ quen với hình ảnh Cảnh sát giao thông dừng xe chứ ít khi gặp thanh tra giao thông.
1. Thanh tra giao thông có được dừng xe không?
Theo quy định hiện hành, thanh tra giao thông có quyền dừng xe người đi đường để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, không phải vi phạm nào, thanh tra giao thông cũng được dừng xe người đi đường. Theo điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, thanh tra giao thông có quyền thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong việc chấp hành quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.
Trong trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, thanh tra giao thông được phép dừng phương tiện.
Thêm vào đó, Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT cũng quy định về các trường hợp thanh tra giao thông được phép dừng xe bao gồm:
(1) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông.
(2) Khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình nhằm kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra với công trình đường bộ, cụ thể bao gồm:
- Hành vi vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ.
- Hành vi vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ.
- Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường.
- Hành vi đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
2. Quy trình dừng xe của thanh tra giao thông thế nào?
Căn cứ Điều 16 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, thanh tra giao thông khi dừng xe người đi đường phải thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Ra hiệu lệnh dừng xe và hướng dẫn phương tiện đỗ vào vị trí phù hợp và an toàn để thực hiện việc kiểm tra.
Hiệu lệnh này được thực hiện thông qua: Gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP; Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện; Barie hoặc rào chắn.
Bước 2: Yêu cầu lái xe xuống và phối hợp kiểm tra.
Khi phương tiện đã dừng ở vị trí theo hướng dẫn, thanh tra giao thông yêu cầu lái xe xuống xe, xuất trình giấy tờ để kiểm tra.
Khi cần thiết có thể tiến hành cân, đo, đếm, kiểm tra chứng từ để xác định tải trọng trục xe, tổng trọng lượng xe, kích thước hàng hóa, khổ giới hạn của phương tiện.
Bước 3: Ngăn chặn và xử lý vi phạm
Tùy theo hành vi vi phạm giao thông mà thanh tra giao thông sẽ yêu cầu người điều khiển xe hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ, lắp guốc vào bánh xích hoặc dọn chuyển ngay phần đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác đã bị đổ trái phép.
Sau đó tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm giao thông theo quy định.
3. Thanh tra giao thông được kiểm tra giấy tờ gì?
Theo khoản 4 Điều 16 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, khi dừng phương tiện thanh tra giao thông được yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra.
Các giấy tờ mà thanh tra giao thông yêu cầu kiểm tra sẽ bao gồm các giấy tờ liên quan đến phương tiện và giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải.
Đơn cử có thể liệt kê một số loại giấy tờ như:
- Đăng ký xe.
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới.
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (còn gọi là giấy đăng kiểm).
- Giấy phép lưu hành đối với xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi di chuyển trên đường bộ.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (còn gọi là bảo hiểm bắt buộc ô tô, xe máy).
- Lệnh vận chuyển đối với xe hoạt động vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe buýt;
- Hợp đồng vận tải đối với xe hoạt động vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch;
- Giấy vận tải (giấy vận chuyển) đối với xe hoạt động vận tải hàng hoá…
Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Thanh tra giao thông có được dừng xe?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc sớm nhất.