Sử dụng bằng lái xe giả bị phạt bao nhiêu tiền?

Mặc dù thi bằng lái không quá khó nhưng để đỡ tốn thời gian học và thi, nhiều người đã chọn cách mua bằng lái xe giả để chống đối. Nếu bị phát hiện, người sử dụng bằng lái xe giả bị phạt thế nào?


Dùng bằng lái xe giả phạt bao nhiêu?

Bằng lái xe chính là tên gọi khác của giấy phép lái xe. Theo Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, bằng lái xe hợp lệ phải được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cấp bằng lái xe trong phạm vi cả nước.

- Sở Giao thông Vận tải: Cấp bằng lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nếu không được cấp bởi các cơ quan nói trên, bằng lái xe sẽ được xác định là bằng giả. Nếu dùng bằng lái xe giả để đi đường, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt về lỗi sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tùy vào loại phương tiện điều khiển mà tài xế sẽ bị phạt như sau:

Phương tiện

Mức phạt lỗi sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp

Xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự

01 - 02 triệu đồng

(Điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Tịch thu Giấy phép lái xe giả

(Điểm a khoản 10 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh

04 - 05 triệu đồng

(Điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô

10 - 12 triệu đồng

(Điểm b khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Bên cạnh đó, người sử dụng bằng lái xe giả còn không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm (theo điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT).

su dung bang lai xe gia phat bao nhieu


Làm thế nào để kiểm tra bằng lái xe thật - giả?

Để biết bằng lái xe mà mình đang sở hữu có phải bằng thật hay không, bạn có thể kiểm tra theo một trong 03 cách sau:

Cách 1: Kiểm tra thủ công bằng mắt thường.

- Màu của bằng lái xe giả có màu vàng sẫm hơn bằng lái xe thật.

- Tem dán hình tròn ở góc phía dưới bên phải của ảnh nếu nhìn nghiêng thấy dòng chữ “Đường bộ Việt Nam” lấp lánh trên tem thì đó là bằng thật. Nếu không thấy thì đó có thể là bằng giả.

- Xem số thứ tư và thứ năm của số bằng lái xe trùng với năm trúng tuyển là bằng thật, trường hợp không trùng thì đó là bằng giả.

Lưu ý: Cách này chỉ nhận biết được với bằng lái xe dạng PET và cũng chỉ mang tính chất tương đối.

Cách 2: Kiểm tra qua SMS.

Cú pháp: TC [dấu cách] [Số GPLX] [Số Seri] rồi gửi đến 0936 081 778 hoặc 0936 083 578 (phí 500 - 2000 đồng/sms).

Ví dụ: TC AS153491 gửi 0936.083.578.

Nếu là bằng lái xe thật thì khi gửi tin nhắn, hệ thống sẽ tự động phản hồi các thông tin GPLX cần tra cứu đến điện thoại bao gồm: Hạng bằng lái, số seri, ngày hết hạn, trạng thái vi phạm.

Lưu ý: Cách này chỉ dành cho bằng lái xe PET.

Cách 3: Kiểm tra qua website https://gplx.gov.vn/.

Bước 1: Truy cập link tra cứu: https://gplx.gov.vn/.

Bước 2: Nhập đầy đủ thông tin.

Bước 3: Ấn nút Tra cứu và kiểm tra thông tin.

- Trường hợp 1: Nếu hiện đầy đủ và đúng với thông tin về bằng lái xe tra cứu thì bằng lái xe đó là thật.

- Trường hợp 2: Thông tin trả về không khớp với bằng lái xe tra cứu thì đó là bằng giả.

- Trường hợp 3: Hệ thống báo “Không tìm thấy số GPLX đã nhập” thì có khả năng đó là bằng giả.

Xem thêm: Hướng dẫn tra cứu Giấy phép lái xe nhanh chóng nhất

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Sử dụng bằng lái xe giả phạt bao nhiêu?” cùng cách kiểm tra bằng lái thật giả. Nếu vẫn còn vướng mắc liên quan, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

>> Giấy phép lái xe các hạng: 10 thông tin quan trọng cần biết
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục