1. 3 loại giấy tờ cần mang khi mượn xe máy của người thân
Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 số 23/2008/QH12, giấy tờ cần mang khi mượn xe máy của người thân gồm có:
- Giấy đăng ký xe/ bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực.
- Giấy phép lái xe (hay còn gọi là Bằng lái xe)
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự (hay còn gọi là bảo hiểm xe máy)
Bên cạnh đó, người tham gia giao thông cũng cần chuẩn bị các loại giấy tờ khác như:
- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng như xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp di chuyển trên đường bộ)
- Bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng (khi sử dụng xe máy chuyên dùng)
Tuy nhiên hiện nay, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử (hay còn gọi là VNeID) thì sẽ không cần mang tất cả các loại giấy tờ đó mà cảnh sát giao thông có thể kiểm soát, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh.
Lưu ý: Người lái xe khi lái xe máy cần đủ 16 tuổi trở lên mới được lái xe máy có dung tích dưới 50cm3 và đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô 02 bánh/03 bánh có dung tích 50cm3 trở lên thì mới được lái xe theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Luật Giao thông đường bộ 2008.
2. Mượn xe máy của người thân có bị phạt lỗi không chính chủ?
Hiện nay, lỗi xe không chính chủ không được quy định tại các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, nếu chuyển quyền sở hữu xe máy theo hình thức mua bán, tặng cho, thừa kế… mà không thực hiện việc đăng ký sang tên thì sẽ bị phạt lỗi đi xe không chính chủ (theo quy định tại mục l khoản 3 Điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì bên được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số (theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA).
Nếu không làm sang tên trong 30 ngày, người sử dụng xe máy sẽ bị phạt hành chính từ 400 nghìn - 600 nghìn đồng đối với cá nhân và từ 800 nghìn - 1,2 triệu đồng đối với tổ chức (theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Do đó, mượn xe máy của người thân thì không bị phạt lỗi xe không chính chủ.
Hiện nay, việc không sang tên xe sẽ chỉ bị phạt trong 02 trường hợp:
- Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;
- Qua công tác đăng ký xe.
Như vậy, trừ khi thực hiện các giao dịch liên quan tới chuyển quyền sở hữu tài sản thì nếu người tham gia giao thông mượn xe hợp pháp, chính chủ từ người thân hay bạn bè thì sẽ không bị phạt lỗi đi xe không chính chủ.
3. Cho người chưa đủ tuổi mượn xe máy sẽ bị phạt thế nào?
Theo quy định tại mục đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, khi đưa xe cho người không đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và giấy tờ sẽ bị phạt từ 800 nghìn - 02 triệu đồng đối với cá nhân và từ 1,6 triệu - 04 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo đó, chủ xe không được phép giao xe cho người không đủ tuổi và sức khỏe tham gia lái xe (bao gồm cả việc bằng lái của người tham gia giao thông bị hết hạn/bị tước quyền sử dụng).
Bên cạnh đó, nếu cho người chưa đủ tuổi mượn xe mà người đó lại gây ra tai nạn thì theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ:
(1) Phạt hành chính từ 10 - 50 triệu đồng/phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm khi:
- Làm chết 01 người
- Gây thương tích, tổn hại sức khỏe với tổng tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên cho 01 người.
- Gây thương tích, tổn hại sức khỏe với tổng tỷ lệ tổn thương từ 61% - 121% cho 02 người.
- Thiệt hại tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng.
(2) Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng/phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:
- Làm chết 02 người hoặc gây thương tích cho 02 người với tỷ lệ tổn thương từ 122% - 200%
- Thiệt hại tài sản từ 500 triệu - 1,2 tỷ đồng.
(3) Phạt tù từ 02 - 07 năm:
- Làm chết 03 người trở lên
- Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương từ 201% trở lên
- Thiệt hại tài sản hơn 1,5 tỷ đồng.
Như vậy, người thực hiện điều động hoặc giao cho người không có giấy phép/bằng lái/điều kiện về độ tuổi, sức khỏe mà gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác sẽ bị phạt hành chính lên đến 200 triệu đồng.
Thậm chí đối với mức phạt hình sự, chủ xe có thể bị phạt cải tạo không giam giữ 03 năm hoặc phạt tù lên đến 07 năm.
Đồng thời, chủ xe cũng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thiệt hại thực tế do ảnh hưởng từ vụ tai nạn gây ra hoặc theo thỏa thuận của các bên.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về những loại giấy tờ cần mang khi mượn xe máy của người thân.