Thành lập doanh nghiệp theo Luật mới: 7 thay đổi cần biết

Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, việc thành lập doanh nghiệp từ 2021 sẽ có nhiều thay đổi đáng chú ý mà các tổ chức, cá nhân cần cập nhật.


1. Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

So với quy định cũ, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm 01 đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp đó là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021 sẽ có 07 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp (theo khoản 1, 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020).

Xem chi tiết: 07 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp

Bên cạnh đó, thêm 01 đối tượng không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp là các đối tượng bị cấm theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng.


2. Không phải thông báo mẫu dấu khi thành lập doanh nghiệp

Hiện nay, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định này; doanh nghiệp không phải làm thủ tục thông báo mẫu dấu đến cơ quan ĐKKD.

Theo đó, Luật này quy định dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số.

Doanh nghiệp được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp (theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020).


3. Thay đổi mẫu Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp

Căn cứ khoản 4 Điều 10 Nghị định 122/2020/NĐ-CP, từ ngày 15/10/2020 sẽ thay đổi mẫu giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp, cụ thể:

TT

Tên mẫu

Link

1

Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

Tải về

2

Giấy đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên

Tải về

3

Giấy đăng ký thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Tải về

4

Giấy đăng ký thành lập Công ty cổ phần

Tải về

5

Giấy đăng ký thành lập Công ty hợp danh

Tải về

6

Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh

Tải về


thanh lap doanh nghiep tu 2021Thành lập doanh nghiệp 2021 có nhiều điểm mới (Ảnh minh hoạ)

4. Tiến hành liên thông khi đăng ký doanh nghiệp

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 122/2020/NĐ-CP, từ ngày 15/10/2020, cơ quan ĐKKD sẽ là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, cụ thể:

Cơ quan phối hợp

Trình tự thực hiện

Cơ quan BHXH

- Cơ quan ĐKKD chia sẻ thông tin về doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan BHXH.

- Mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia BHXH.

- Khi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đóng BHXH, cơ quan BHXH chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng BHXH cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Cơ quan thuế

- Nếu hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp hợp lệ, cơ quan ĐKKD chia sẻ thông tin đăng ký thành lập của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, chi nhánh cho cơ quan thuế.

- Cơ quan thuế chia sẻ thông tin về mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện, phân cấp cơ quan thuế quản lý trực tiếp được tạo tự động bởi Hệ thống thông tin đăng ký thuế cho cơ quan ĐKKD.

- Trên cơ sở thông tin do cơ quan thuế phản hồi, cơ quan ĐKKD cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và thông báo về cơ quan thuế quản lý cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Cơ quan quản lý nhà nước về lao động

Cơ quan ĐKKD chia sẻ thông tin của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập trên địa bàn cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp) nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để quản lý.


5. Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm Tên doanh nghiệp và cụm từ “Địa điểm kinh doanh”

Khoản 2 Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh như sau:

“2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.”

Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định tên địa điểm kinh doanh phải có cụm từ “Địa điểm kinh doanh”. Tuy nhiên, từ 2021 tên của địa điểm kinh doanh phải bao gồm cụm từ này.


6. Giá trị tài sản góp vốn phải được 50% thành viên chấp thuận nếu do tổ chức thẩm định giá thẩm định

Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.

Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được các cổ đông, thành viên chấp thuận. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể về tỷ lệ chấp thuận so với Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:

Luật Doanh nghiệp 2014

Luật Doanh nghiệp 2020

Giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận (theo khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014).

Giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận thì giá trị đó mới được chấp nhận (theo khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020).


7. Doanh nghiệp tư nhân được chuyển thành công ty cổ phần

Theo Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp tư nhân chỉ được chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển thành công ty cổ phần thì phải chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn rồi sau đó mới chuyển thành công ty cổ phần.

Luật mới quy định doanh nghiệp tư nhân được chuyển thẳng thành công ty cổ phần. Đây là điểm mới, tiến bộ so với Luật Doanh nghiệp 2014 (theo khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020).

Tóm lại, quy định thành lập doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi. Trong đó, thay đổi lớn nhất là có mẫu giấy đề đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp mới và thực hiện phối hợp, liên thông khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội và đăng ký sử dụng hóa đơn.

>> 13 thay đổi liên quan đến công ty cổ phần theo Luật mới 

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Từ 01/01/2025, quy định mới về đầu tư lĩnh vực giáo dục, thể thao văn hoá trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có hiệu lực, mở ra những chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024. Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.