Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là cơ sở pháp lý xác lập quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu. Vậy hiện nay, giấy đăng ký nhãn hiệu cấp cho cá nhân, tổ chức với mẫu nào? Mẫu giấy này có hiệu lực bao lâu?
1. Điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ là gì?
Khoản 16 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức và cá nhân khác nhau.
Quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu được xác lập dựa trên quyết định cấp văn bằng bảo hộ (còn gọi là giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Riêng nhãn hiệu nổi tiếng không cần phải đăng ký.
Để được bảo hộ và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu gắn với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 72, Điều 73 và Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Là dấu hiệu nhìn thấy được.
+ Thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó.
+ Được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh đồ họa.
Lưu ý: Một số dấu hiệu không được bảo hộ như: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy; biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước; tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc,…
(2) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ với hàng hoá, dịch vụ của các chủ thể khác.
Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ những yếu tố sau:
- Từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ.
- Từ nhiều yếu tố kết hợp thành tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ.
- Không thuộc các đặc biệt bị coi là không có khả năng phân biệt như: Hình đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc ngôn ngữ không thông dụng; dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được người khác sử dụng; trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ,…
Nếu đáp ứng được các điều kiện trên và thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký nhãn hiệu, các nhân, tổ chức sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
2. Mẫu giấy đăng ký nhãn hiệu mới nhất
Mẫu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có dạng như sau:
Nội dung của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp cho cá nhân, tổ chức sẽ bao gồm các nội dung chính sau đây:
- Số giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Thông tin chủ sở hữu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Tên và địa chỉ.
- Số đơn, ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.
- Số, ngày quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Danh mục sản phẩm, dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu.
- Thông tin gia hạn, sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (nếu có).
3. Giấy đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực đến khi nào?
Theo khoản 1 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ, văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cùng với đó, khoản 6 Điều luật này cũng nêu rõ thời han có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như sau:
6. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Theo quy định này, giấy đăng ký nhãn hiệu cấp cho tổ chức, cá nhân có hiệu lực trong thời gian 10 năm tính từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức sở hữu nhãn hiệu này cũng có thể tiến hành gia hạn để được tiếp tục bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Thời hạn có hiệu lực của mỗi lần gia han cũng là 10 năm.
Theo điểm c khoản 19 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, để được gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì trong vòng 06 tháng tính đến ngày hết hiệu lực, cá nhân, tổ chức phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ đồng thời phải nộp các loại phí, lệ phí sau:
- Phí thẩm định yêu cầu gia hạn giấy đăng ký nhãn hiệu.
- Lệ phí gia hạn hiệu lực của giấy đăng ký nhãn hiệu.
- Phí sử dụng giấy đăng ký nhãn hiệu.
- Phí đăng bạ giấy đăng ký nhãn hiệu.
- Phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực giấy đăng ký nhãn hiệu.
Đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũng có thể nộp muộn hơn thời hạn nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực.
Tuy nhiên, lúc này, tổ chức, cá nhân sở muốn gia hạn giấy đăng ký nhãn hiệu phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn so với thời hạn nêu trên.