Điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên là gì?

Để được hưởng các chế độ ưu tiên trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trở thành doanh nghiệp ưu tiên. Đây là những điều kiện vô cùng chặt chẽ mà rất ít các doanh nghiệp có thể đạt được.


Doanh nghiệp ưu tiên là gì?

Pháp luật doanh nghiệp không có định nghĩa về doanh nghiệp ưu tiên. Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 72/2015/TT-BTC, doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được cơ quan hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.

Như vậy doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thẩm quyền công nhận doanh nghiệp ưu tiên là cơ quan Hải quan.

Doanh nghiệp ưu tiên được hưởng các chế độ ưu tiên riêng biệt so với các doanh nghiệp thông thường khi tiến hành hoạt động xuất, nhâp khẩu.


Điều kiện trở thành doanh nghiệp ưu tiên

1. Điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế

Do đặc thù là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nên điều kiện về hải quan, thuế là một trong những điều kiện đầu tiên bắt buộc để được công nhận doanh nghiệp ưu tiên, cụ thể:

Trong thời hạn 02 năm liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi sau:

- Trốn thuế, gian lận thuế; buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan;

- Không nợ thuế quá hạn theo quy định.

2. Điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu

Doanh nghiệp ưu tiên phải đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên hoặc đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên.

Nếu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam thì phải đạt kim ngạch xuất khẩu từ 30 triệu USD/năm trở lên.

Lưu ý:

- Kim ngạch quy định trên là kim ngạch bình quân của 02 năm liên tục, gần nhất tính đến ngày doanh nghiệp có văn bản đề nghị xem xét, không bao gồm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác.

- Không áp dụng điều kiện kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đối với các doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.

3. Điều kiện về thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử

Để được nhận được các chế độ ưu tiên hải quan, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu kiểm tra của cơ quan hải quan.

dieu kien tro thanh doanh nghiep uu tienĐiều kiện trở thành doanh nghiệp ưu tiên (Ảnh minh hoạ)

4. Điều kiện về thanh toán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Một trong những điều kiện để trở thành doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp phải tiến hành thanh toán lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu qua ngân hàng.

5. Điều kiện về kế toán, kiểm toán

Doanh nghiệp phải áp dụng các chuẩn mực kế toán theo quy định của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính nêu trong báo cáo kiểm toán phải là ý kiến chấp nhận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

6. Điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ

Điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm:

- Thực hiện và duy trì các quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp;

- Có các biện pháp, phương tiện, quy trình kiểm soát nội bộ đảm bảo an ninh an toàn dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.


Chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp ưu tiên

Căn cứ Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14 Quyết định 2659/QĐ-TCHQ, nếu được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ được hưởng các chế độ sau khi tiến hành hoạt động xuất, nhập khẩu:

Chế độ ưu tiên

Chi tiết

Ưu tiên về kiểm tra hàng hóa

Được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Lưu ý: Trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

Thông quan bằng tờ khai giấy chưa hoàn chỉnh

Khi Hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan gặp sự cố hoặc tạm dừng hoạt động (được Tổng cục Hải quan thông báo chính thức trên hệ thống/trang điện tử), doanh nghiệp sử dụng tờ khai chưa hoàn chỉnh bằng giấy để làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan

- Trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc trong khâu thông quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp bằng văn bản trong thời gian 08 giờ làm.

- Cục Hải quan có trách nhiệm, phối hợp các tổ chức kinh doanh cảng, kho bãi trên địa bàn quản lý áp dụng các ưu tiên về xếp dỡ, thứ tự giao nhận đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên.

Thủ tục đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành

Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro để thực hiện kiểm tra sau.

Thủ tục về thuế

- Được hoàn thuế trước, kiểm tra sau;

- Được ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.

Thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ

Nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp mua từ kho ngoại quan được thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau.

Kiểm tra sau thông quan

Được ưu tiên miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Như vậy, có tất cả 06 điều kiện trở thành doanh nghiệp ưu tiên cần phải đạt được. Sau khi đã đáp ứng đủ các điều kiện trên, doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải Quan để được xét duyệt doanh nghiệp ưu tiên.

>> 3 đặc điểm ít người biết về doanh nghiệp xã hội

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục