Số 27.2014 (690) ngày 22/07/2014

SỐ 27 (690) - THÁNG 07/2014

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

 

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong số này:

DOANH NGHIỆP

 

DOANH NGHIỆP

1

69/2014/NĐ-CP

Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty Nhà nước

 

* Tổng công ty Nhà nước có tối đa 3 cấp doanh nghiệp

Trang 2

ĐẤT ĐAI-NHÀ Ở

 

ĐẤT ĐAI-NHÀ Ở

 

2

16/2014/CT-UBND

Chỉ thị 16/2014/CT-UBND về việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

 

* TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trang 2

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

3

70/2014/NĐ-CP

Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối

 

* Tự do hóa đối với giao dịch vãng lai

Trang 2

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

4

2535/QĐ-BYT

Quyết định 2535/QĐ-BYT ban hành "Hướng dẫn theo dõi chăm sóc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng"

 

* Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ sau tiêm chủng

Trang 3

GIAO THÔNG

 

GIAO THÔNG

 

5

15/CT-BGTVT

Chỉ thị 15/CT-BGTVT về việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay

 

* Siết chặt quản lý giá dịch vụ hàng không

Trang 3

KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

 

KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

 

6

20/2014/TT-BKHCN

Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

 

* Từ 1/9, không nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ quá 5 năm

Trang 4

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

7

1168/QĐ-TTg

Quyết định 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

 

* Đến 2020, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 67%

Trang 4

8

18/CT-TTg

Chỉ thị 18/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

 

* Mở rộng đầu tư công trong phát triển sản xuất

Trang 4

9

6300/QĐ-BCT

Quyết định 6300/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

 

* Hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô sang Campuchia

Trang 5

10

6299/QĐ-BCT

Quyết định 6299/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

 

* Dự kiến xây 4 trung tâm mua sắm trên tuyến biên giới Việt - Lào

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 06/2014, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS06/2014 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

 

Ü Doanh nghiệp:


TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC CÓ TỐI ĐA 3 CẤP DOANH NGHIỆP

Đây là một trong những nội dung quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/07/2014 do Chính phủ ban hành về tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định này, từ ngày 01/09/2014, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước mới thành lập phải có tối đa 03 cấp doanh nghiệp (DN), bao gồm: Công ty mẹ (DN cấp I) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối, giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chi phối các DN thành viên trong tập đoàn, tổng công ty; công ty con của DN cấp I (DN cấp II) và công ty con của DN cấp II (DN cấp III), được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên trở lên. Nghị định nhấn mạnh, đối với những tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành lập trước ngày 01/09/2014, có nhiều hơn 03 cấp DN trong vòng 02 năm, phải tổ chức lại, sắp xếp các công ty con của DN cấp III hiện có.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết điều kiện thành lập tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Theo đó, từ ngày 01/09/2014, tập đoàn kinh tế được
 

 

dự kiến thành lập phải có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế; có tối thiểu 50% công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính; tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.

Đặc biệt, vốn điều lệ của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phải không thấp hơn 10.000 tỷ đồng; trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn Nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ... Tập đoàn kinh tế thành lập trước ngày 01/09/2014, nếu không đáp ứng các điều kiện thành lập nêu trên, sẽ phải tiến hành chuyển đổi thành tổng công ty hoặc nhóm công ty tương ứng với các điều kiện thực tế của DN trong vòng 02 năm kể từ ngày 01/09/2014.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2014.
 

Ü Đất đai-Nhà ở:

TP.HCM: ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CẤP
GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 15/07/2014, UBND TP.HCM đã ra Chỉ thị số 16/2014/CT-UBND về việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn TP.HCM; trong đó nhấn mạnh tới nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất dưới hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; rà soát toàn bộ diện tích đất đai đang sử dụng của các tổ chức sự nghiệp công lập, các nông, lâm trường để có hình thức giao đất, cho thuê đất phù hợp. UBND cấp huyện có trách nhiệm lập và thực hiện dự án tái định cư, phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi,
 

 

đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người có đất bị thu hồi…

Đặc biệt, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện công tác đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thống kê các trường hợp vướng mắc pháp lý chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày 01/07/2014. Đối với những quận, huyện đã có danh sách kê khai, đăng ký thì thông báo công khai để người sử dụng đất, sở hữu tài sản chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo quy định nhằm đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận cho những trường hợp đủ điều kiện; đồng thời tổ chức cập nhật và chỉnh lý kịp thời hồ sơ địa chính và dữ liệu địa chính tại địa phương…

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày 25/07/2014.
 

Ü Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:


TỰ DO HÓA ĐỐI VỚI GIAO DỊCH VÃNG LAI

Theo Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư trú và người không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được tự do thực hiện miễn là phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cụ thể, người cư trú, người không cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai; đồng thời, có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đó. Nghị định cũng nhấn mạnh, khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai, người cư trú, người không cư trú không phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.
 

 

Ngoài ra, Nghị định cũng cho phép chuyển thu nhập từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo đó, nếu có nhu cầu chuyển các nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam ra nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng và chuyển ra nước ngoài trong 30 ngày làm việc, kể từ ngày mua được ngoại tệ.

Cũng theo Nghị định này, người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để học tập, chữa bệnh; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí; trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài hoặc chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế, chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài và các nhu cầu hợp pháp khác.

Nghị định này thay thế Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/09/2014.

 

Ü Y tế-Sức khỏe:


HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TẠI NHÀ ĐỐI VỚI TRẺ SAU TIÊM CHỦNG

Theo Quyết định số 2535/QĐ-BYT ngày 10/07/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn theo dõi chăm sóc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng”, người được tiêm chủng phải được theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm toàn trạng; tinh thần, tình trạng ăn, ngủ; dấu hiệu về nhịp thở; nhiệt độ, phát ban và các biểu hiện tại chỗ tiêm như sưng, đỏ... Đối với trẻ em, cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn, đồng thời, phải bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm. Nếu phát hiện dấu hiệu tai biến nặng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm chủng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật hoặc trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở... cần nhanh chóng đưa ngay tới cơ sở y tế để theo dõi và điều trị.
 

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng hướng dẫn chi tiết một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng và các biện pháp chăm sóc, điều trị cụ thể, như: Sốt nhẹ dưới 38,50C; đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm hay sưng tới khớp xương gần chỗ tiêm nhất, đau, đỏ, sưng trên 03 ngày và tự khỏi sau vài ngày hoặc 01 tuần; đau khớp; bầm tím... Trường hợp trẻ có các triệu chứng như kích thích, vật vã; mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở, nghẹt thở; đau quặn bụng; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê hay choáng váng, co giật..., cần dừng ngay việc tiêm vắc xin và tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế và chuyển đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 

Ü Giao thông:


SIẾT CHẶT QUẢN LÝ GIÁ DỊCH VỤ HÀNG KHÔNG

Trước tình trạng chậm, hủy chuyến bay hàng không tăng đột biến, nhiều sự cố nghiêm trọng, bất thường về an toàn hàng không ngày càng gia tăng..., ngày 15/07/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BGTVT về việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Đồng thời, đề nghị Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ... chủ động đề xuất, kiến nghị những biện pháp, giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ, siết chặt việc quản lý giá dịch vụ hàng không và phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay; tăng cường kiểm tra, đôn đốc giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp hàng không trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn phụ trách.

Cục Hàng không Việt Nam được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát trực tiếp tại các cảng hàng không, sân bay nhằm nâng cao an ninh, an toàn hàng không, bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý của dịch vụ hàng không, dịch vụ phi
 

 

hàng không, bảo đảm quyền lợi của hành khách; yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện nghiêm những khuyến cáo cần thiết; tăng cường áp dụng chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tổ chức đào tạo nội bộ, nâng cao năng lực của giám sát viên an toàn; chấn chỉnh công tác báo cáo, nhất là đối với các sự cố uy hiếp an toàn bay.

Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải xử lý triệt để những nguyên nhân gây ra sự cố an toàn bay; nâng cao chất lượng vận hành hệ thống quản lý an toàn hàng không; đặc biệt, phải thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay, nâng cao chất lượng dịch vụ trên cơ sở bảo đảm tuyệt đối an toàn bay; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển, đặc biệt là trong các trường hợp chậm, hủy chuyến bay; chấn chỉnh thái độ ứng xử với hành khách và xử lý nghiêm các trường hợp giao tiếp thiếu văn hóa, coi thường hành khách của nhân viên...

 

Ü Khoa học-Công nghệ:

TỪ 1/9, KHÔNG NHẬP KHẨU MÁY MÓC,
THIẾT BỊ CŨ QUÁ 5 NĂM

Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu được phép nhập khẩu vào Việt Nam nếu có thời gian sử dụng không quá 05 năm và có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên là nội dung quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 15/07/2014.

Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp; sử dụng trong ngành rượu, bia, nước giải khát có cồn và không cồn hoặc máy móc, thiết bị ngành bưu chính như thiết bị chia chọn thư, bưu kiện; máy lồng gấp phong bì; máy sản xuất phong bì; thiết bị đăng tải, Thông tư quy định, chỉ được nhập khẩu các máy móc, thiết bị có thời gian sử dụng không quá 03 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

Riêng đối với máy móc, thiết bị cũ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, phục vụ đóng tàu, sửa chữa tàu, xây dựng công trình hạ tầng giao thông hoặc phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in; động cơ máy thủy sử dụng cho tàu đánh bắt xa bờ,
 

 

máy kỵ mã liên hợp phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in và máy in offset, máy in ống đồng, máy in flexco phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in, ngoài việc phải có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% như trên, còn phải có thời gian sử dụng tối đa lần lượt là 07; 10 và 15 năm.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể yêu cầu đối với tổ chức giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Theo đó, tổ chức giám định phải có năng lực giám định đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17020 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 phiên bản hiện hành; có phương pháp giám định chất lượng và quy trình giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ do lãnh đạo tổ chức giám định phê duyệt. Đặc biệt, ít nhất 02 giám định viên của tổ chức phải có trình độ đại học trở lên; có tối thiểu 03 năm làm việc trong lĩnh vực cần giám định và có chứng chỉ giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2014.

 

Ü Chính sách kinh tế-xã hội:

ĐẾN 2020, Ô TÔ SẢN XUẤT LẮP RÁP TRONG NƯỚC
CHIẾM KHOẢNG 67%

Nhằm xây dựng ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, sao cho đến năm 2020, tổng sản lượng xe sản xuất trong nước đạt khoảng 227.500 chiếc; tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 67%, trong đó, xe đến 09 chỗ đạt 60%, từ 10 chỗ trở lên đạt 90%, xe tải đạt 78%, xe chuyên dụng đạt 15% và tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 20.000 chiếc..., ngày 16/07/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành và đơn vị liên quan xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải.

Đồng thời, tập trung đầu tư cải tiến, nâng cấp công nghệ để nâng cao chất lượng

 

sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế; hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.

Thủ tướng cũng khẳng định, song song với tập trung vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân, cần chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô... phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 


MỞ RỘNG ĐẦU TƯ CÔNG TRONG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra cho các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/07/2014 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trên quan điểm quán triệt tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trực tiếp chỉ đạo, triển khai xây dựng Chương trình; mở rộng các hình thức hợp tác đầu tư công trong phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn vốn tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn tín dụng; thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng lớn trong nước,

 

coi đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Đồng thời, song song với việc nhân rộng các mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác; tập trung giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác giảm nghèo, chú trọng nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn, giữ vững sự bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và văn hóa cộng đồng ở nông thôn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ban ngành liên quan cần sớm nghiên cứu đề xuất hình thức tôn vinh những hộ gia đình, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp có đóng góp lớn cho xây dựng nông thôn mới để kịp thời khen thưởng vào thời điểm sơ kết 05 năm và nghiên cứu xây dựng, triển khai một số mô hình về bảo vệ môi trường cấp xã, nhất là xử lý rác thải phù hợp với từng vùng để rút kinh nghiệm, nhân rộng...


HẠN CHẾ XUẤT KHẨU NGUYÊN LIỆU THÔ SANG CAMPUCHIA

Nhằm đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát triển mạnh mẽ, làm động lực phát triển kinh tế của các địa phương; mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 về giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 15 - 16%/năm và tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt khoảng 20 - 21%..., ngày 15/07/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6300/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, trên cơ sở tập trung phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu như: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; khai thác tối đa các khả năng tiếp cận với thị trường Campuchia, kết hợp với hạn chế xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, đặc biệt là chế biến từ nông sản..., Bộ trưởng đã đề nghị các ban, ngành và đơn vị liên quan tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu phục vụ cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp;
 

 

đồng thời sớm hoàn thiện hành lang pháp lý giữa 02 nước, tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới giữa 02 nước được trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại.

Về lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải tăng cường công tác điều phối nhằm đảm bảo tuân thủ phân bố không gian phát triển công nghiệp, thương mại trên toàn tuyến để phát huy được lợi thế của từng địa phương, tránh đầu tư chồng chéo, khép kín gây lãng phí; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn, miền núi thông qua hoạt động khuyến công kết hợp với tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống trường, lớp; cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, giá cả và các thay đổi trong chính sách biên mậu. Đặc biệt, phải hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo sản phẩm xuất khẩu và tham gia các hội chợ thương mại biên giới nhằm tìm được những yêu cầu mới, mặt hàng và bạn hàng mới...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

DỰ KIẾN XÂY 4 TRUNG TÂM MUA SẮM
TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT - LÀO

Ngày 15/07/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6299/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới mục tiêu đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào từ chỗ chậm phát triển, kém phát triển trở thành phát triển và phát triển mạnh, làm nòng cốt trong các khu vực kinh tế động lực phát triển của địa phương.

Mục tiêu trong giai đoạn 2014 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp toàn tuyến đạt khoảng 17,5%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 21,5%/năm; giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng bình quân 17%/năm và của ngành thương mại là 18,5%/năm. 

Theo đó, với ngành công nghiệp, tập trung phát triển các ngành công nghiệp

 

khai thác và chế khoáng sản; công nghiệp chế biến nông lâm sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện… Đặc biệt, giai đoạn đến năm 2020, đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 85 công trình thủy điện tại 25 huyện biên giới; phát triển đồng bộ hệ thống nguồn và lưới điện.

Đối với ngành thương mại, tập trung phát triển hệ thống chợ và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị; trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào, dự kiến nâng cấp cải tạo 39 chợ, xây mới 06 chợ thị trấn, chợ trung tâm các huyện biên giới; cải tạo 177 chợ, xây mới 147 chợ và di dời 15 chợ xã (không giáp đường biên) thuộc các huyện biên giới; dự kiến xây mới 43 siêu thị, 04 trung tâm mua sắm và 03 trung tâm thương mại.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.