Số 02.2011 (511) ngày 11/01/2011

 

SỐ 2 (511) - THÁNG 1/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

01/2011/NĐ-CP

Nghị định 01/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương

 

* Chính thức bỏ 03 loại trái phiếu Chính phủ

Trang 2

2

01/NQ-CP

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2010

 

* Năm 2010, tăng trưởng GDP đạt 6,78%

Trang 2

3

122/2010/NĐ-CP

Nghị định 122/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006…

 

* Chính phủ bổ sung quy định về sáng chế mật

Trang 2

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

 

 

4

01/2011/QĐ-TTg

Quyết định 01/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển

 

* Ưu tiên sơ tán khẩn cấp người và tài sản khi xảy ra sạt lở

Trang 3

5

2441/QĐ-TTg

Quyết định 2441/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020

 

* Đến 2015, phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia

Trang 3

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

 

 

 

6

01/2011/TT-BKHĐT

Thông tư 01/2011/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết kiểm tra về công tác đấu thầu

 

* 08 nội dung kiểm tra định kỳ về công tác đấu thầu 

Trang 3

BỘ CÔNG THƯƠNG

 

 

 

7

46/2010/TT-BCT

Thông tư 46/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ

 

* Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử

Trang 4

8

45/2010/TT-BCT

Thông tư 45/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2011

 

* Hạn ngạch nhập khẩu năm 2011 đối với 06 mặt hàng

Trang 4

9

44/2010/TT-BCT

Thông tư 44/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010…

 

* Các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng xuất khẩu gạo

Trang 4

BỘ Y TẾ

 

 

 

10

47/2010/TT-BYT

Thông tư 47/2010/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc

 

* Danh mục thuốc dùng cho người cấm nhập khẩu 

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 11/2010, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS12/2010 Emailnhận gửi đến 6689.
 

TÓM TẮT VĂN BẢN:

 

* CHÍNH THỨC BỎ 03 LOẠI TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
 

Trái phiếu Chính phủ sẽ chính thức gồm 3 loại: Tín phiếu kho bạc; Trái phiếu kho bạc và Công trái xây dựng Tổ quốc. Điều này được quy định trong Nghị định số 01/2011/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành ngày 05/01/2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
Như vậy, Chính phủ đã chính thức bỏ 03 loại: Trái phiếu công trình Trung ương; Trái phiếu đầu tư; Trái phiếu ngoại tệ ra khỏi danh sách các loại trái phiếu Chính phủ.
Cũng theo Nghị định thì chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ là Bộ Tài chính mà không phải là Chính phủ như quy định trước đây. Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo 04 phương thức là: đấu thầu; bảo lãnh phát hành; đại lý phát hành và bán lẻ trái phiếu.
Để phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định trong Luật Quản lý nợ công còn phải có đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ phê duyệt. Giá trị phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế phải nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của

 

Chính phủ hàng năm và phù hợp với chiến lược quản lý nợ công, chương trình quản lý nợ trung hạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Ngoài ra, Nghị định này còn quy định về trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Trong đó đáng chú ý là chủ thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án được xem xét cấp bảo lãnh; tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước.
Bộ Tài chính là cơ quan cấp bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.  Mức bảo lãnh thanh toán tối đa bằng 100% giá trị gốc, lãi trái phiếu phát hành theo đề án phát hành trái phiếu đã được Thủ tướng phê duyệt…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2011 và thay thế Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20/11/2003 và các quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế tại Nghị định số 53/2009/NĐ-CP ngày 04/6/2009.

 
* NĂM 2010, TĂNG TRƯỞNG GDP ĐẠT 6,78%
 

Theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 04/01/2011, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2010 diễn ra vào ngày 29/12/2010 đã đánh giá cao sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cộng đồng doanh nghiệp đã hoàn thành mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát cao, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Với sự cố gắng đó, năm 2010, tăng trưởng GDP đạt 6,78%, kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, nhập siêu giảm mạnh bằng 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho đầu tư phát triển tăng 17,1% so với năm 2009.
Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Thành viên Chính phủ cần nêu cao trách nhiệm, quán triệt các Nghị quyết  

 

của Đảng và Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.Đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực thi các chính sách, giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực; khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách... kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, xử lý nghiêm minh những sai phạm.

 Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng kết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan mình nhiệm kỳ qua; kiến nghị những vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình; đề xuất và tham gia chuẩn bị cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ tới.

 
* CHÍNH PHỦ BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ SÁNG CHẾ MẬT
 

Ngày 31/12/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp.

Đáng chú ý là Nghị định bổ sung Chương IIIa quy định về Sáng chế mật. Theo đó, sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước gọi là sáng chế mật. Sáng chế mật chỉ có thể được cấp Bằng độc quyền sáng chế mật hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật. Việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế mật, chuyển giao quyền nộp đơn, quyền sở hữu sáng chế mật phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Kể từ ngày sáng chế mật được cơ quan có thẩm quyền giải mật theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đơn sáng chế mật được tiếp tục xử lý như đơn sáng chế;Bằng độc quyền sáng chế mật, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật được chuyển đổi thành Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế.
Bên cạnh đó, Nghị định này còn bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương và các sửa đổi, bổ sung khác về tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; các điều khoản chuyển tiếp
Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/02/2011.
.

 
* ƯU TIÊN SƠ TÁN KHẨN CẤP NGƯỜI VÀ TÀI SẢN KHI XẢY RA SẠT LỞ
 

Ngày 04/01/2011, Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

Theo đó, sạt lở bờ sông, bở biển (sạt lở) là hiện tượng mất ổn định và chuyển dịch khối đất, đá tự nhiên của bờ sông, suối, bờ biển, đảo do tác động của các yếu tố chấn động địa chất, mưa lớn, dòng chảy, sóng, biến đổi mực nước và các tác động khác.

Khi xảy ra sạt lở đặc biệt nguy hiểm hoặc sạt lở nguy hiểm, phải tiến hành sơ tán khẩn cấp người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm (hoặc phải tổ chức ngay việc di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước). Đồng thời tiến hành thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

 

Quy chế cũng đưa ra 02 biện pháp xử lý sạt lở là biện pháp phi công trình và biện pháp công trình. Trong đó, biện pháp phi công trình bao gồm việc tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa và xử lý sạt lở; quan trắc, cảnh báo vùng có nguy cơ sạt lở cao; kiểm tra ngăn chặn việc khai thác, xây dựng công trình, sản xuất kinh doanh trái phép, sai phép gây ảnh hưởng hoặc gây sạt lở; trồng cây chắn sóng, trồng cỏ mái bờ sông, bờ biển và nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới xử lý sạt lở.
Biện pháp xây dựng kè phòng, chống sạt lở chỉ được thực hiện trong các trường hợp không thực hiện được biện pháp phi công trình, hoặc có thể thực hiện được nhưng không đảm bảo hiệu quả, hoặc đã thực hiện các giải pháp phi công trình nhưng vẫn xảy ra sạt lở nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng…

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2011.

 
* ĐẾN 2015, PHÁT TRIỂN TỐI THIỂU 10 SẢN PHẨM QUỐC GIA
 

Từ năm 2011 đến 2015, sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia (SPQG) dựa trên công nghệ tiên tiến và do các doanh nghiệp khoa học và công nghệ sản xuất; phát triển mở rộng thị trường sản phẩm quốc gia là một trong rất nhiều mục tiêu của Chương trình phát triển SPQG đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010.

Để có những bước tiến vững chắc và hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu trong Chương trình phát triển SPQG, cần phải thực hiện được 03 nội dung quan trọng là nghiên cứu và phát triển SPQG; sản xuất thử nghiệm SPQG, hình thành doanh nghiệp đi tiên phong sản xuất SPQG; đồng thời thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường, hình thành ngành kinh tế - kỹ thuật dựa trên SPQG.

 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần kiên quyết thực hiện 04 giải pháp bao gồm: phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm SPQG; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ sản xuất SPQG; hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.
Trong đó, phải kể đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất SPQG vay tối đa đến 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động) từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam; lãi suất cho vay, thời hạn cho vay và thời hạn ân hạn với các mức ưu đãi cao nhất. Đồng thời, xem xét bảo lãnh vốn vay, cho vay lại với lãi suất ưu đãi đối với các trường hợp cụ thể khi có nhu cầu vay vốn ODA hoặc tổ chức tài chính quốc tế.

 
* 08 NỘI DUNG KIỂM TRA ĐỊNH KỲ VỀ CÔNG TÁC ĐẤU THẦU 
 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BKHĐT ngày 04/01/2011 quy định chi tiết kiểm tra công tác đấu thầu.

Theo đó, việc kiểm tra công tác đấu thầu có thể được tiến hành định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất; trong đó, kiểm tra định kỳ là việc tiến hành kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên hàng năm được người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra phê duyệt. 
Cơ quan tiến hành kiểm tra định kỳ sẽ kiểm tra 08 nội dung bao gồm: Kiểm tra việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu; Công tác đào tạo về đấu thầu; Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu, chứng chỉ liên quan đến trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên gia đấu thầu; Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch đấu thầu; Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu; Phát hiện những tồn tại, sai sót trong công tác đấu thầu và đề xuất biện pháp khắc phục; Tình hình thực hiện báo cáo về công tác đấu thầu; Việc triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra về công tác đấu thầu. 

 

Thông tư cũng quy định rõ, căn cứ tình hình thực hiện công tác đấu thầu của từng năm, đơn vị chủ trì lập kế hoạch kiểm tra định kỳ cho năm sau trình người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện. Kế hoạch kiểm tra định kỳ được gửi cho đối tượng kiểm tra và cơ quan cấp trên của đối tượng kiểm tra trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày được phê duyệt nhưng phải đảm bảo tối thiểu 10 ngày trước ngày tiến hành kiểm tra.

Kiểm tra đột xuất là việc tiến hành kiểm tra theo từng vụ việc (khi có vướng mắc, kiến nghị, đề nghị) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra; căn cứ theo yêu cầu kiểm tra đột xuất, quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra quy định các nội dung kiểm tra cho phù hợp…

Thông tư này thay thế Quyết định số 327/2007/QĐ-BKH ngày 09/04/2007 về Quy trình kiểm tra đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

 
* HỒ SƠ ĐĂNG KÝ CUNG CẤP DỊCH VỤ SÀN GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
 

Ngày 31/12/2010, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 46/2010/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động của các wesbsite thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

Theo đó, Thương nhân, tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; có ngành nghề kinh doanh hoặc chức năng, nhiệm vụ phù hợp; có tên miền hợp lệ; cam kết tuân thủ các quy định của Thông tư này sẽ là đối tượng được đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử. 

Hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Bản sao có chứng thực Quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân); Quy chế quản lý hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử và Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác.

 

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Khi nhận được hồ sơ đăng ký, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra hồ sơ và thông báo cho thương nhân, tổ chức gửi hồ sơ trong 03 ngày làm việc. Thương nhân, tổ chức có thể theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập Hệ thống đã được cung cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu. Thời gian xác nhận đăng ký là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy do thương nhân, tổ chức gửi về Bộ Công Thương. 

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2011.

 
* HẠN NGẠCH NHẬP KHẨU NĂM 2011 ĐỐI VỚI 06 MẶT HÀNG
 

Ngày 31/12/2010, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 45/2010/TT-BCT quy định việc nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2011.

Theo đó, Bộ Công Thương quy định mã số hàng hóa, số lượng hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2011 đối với 06 mặt hàng bao gồm trứng gà, trứng vịt, các loại trứng khác (38.000 tấn), thuốc lá nguyên liệu (38.000 tấn), muối (102.000 tấn), đường tinh luyện, đường thô (250.000 tấn).
Thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, đường, thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm theo quy định tại Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 06/4/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

 

Cũng theo Thông tư này, Bộ Công Thương phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn muối công nghiệp cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

Phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 150.000 tấn đường tinh luyện và đường thô cho các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, 50.000 tấn đường thô cho một số nhà máy đường để tinh luyện, và 50.000 tấn đường tinh luyện cho một số thương nhân kinh doanh thương mại để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2011 và hết hiệu lực thi hành sau ngày 31/12/2011.

 
* CÁC NỘI DUNG BẮT BUỘC PHẢI CÓ TRONG HỢP ĐỒNG XUẤT KHẨU GẠO
 

Ngày 31/12/2010, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 44/2010/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo đó, hợp đồng xuất khẩu gạo phải có các thông tin bắt buộc là: Tên, địa chỉ của Bên mua và Bên bán; Tên hàng, số lượng, chủng loại, chất lượng, quy cách đóng gói, bao bì đóng gói (tỷ lệ dung sai về số lượng không vượt quá mức ± 5%); Phương thức giao hàng, thời gian giao hàng, cảng xếp hàng, cảng dỡ hàng, cảng chuyển tải (nếu có); Giá cả, phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán.
Ngoài ra, hợp đồng xuất khẩu gạo còn phải có điều khoản quy định về việc xuất khẩu gạo sang nước thứ 3 (điều khoản tái xuất); thời hạn giao lô hàng đầu tiên của hợp đồng cũng được quy định không quá 90 ngày, kể từ ngày hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết.
Trong vấn đề thực hiện hợp đồng tập trung, Thông tư quy định sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức liên quan, Bộ Công thương chỉ định thương nhân  đầu

 

mối giao dịch hợp đồng tập trung theo 03 tiêu chí: Thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 02 năm gần nhất vào thị trường dự kiến giao dịch hợp đồng tập trung; Thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 02 năm gần nhất; Giao dịch với đối tác nước ngoài được chỉ định hoặc dự kiến được chỉ định làm đầu mối nhập khẩu gạo.
Thương nhân đầu mối phải căn cứ cân đối nguồn gạo hàng hóa để đàm phán số lượng và tiến độ giao hàng phù hợp với tình hình mùa vụ thu hoạch trong nước, không gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá cả thị trường gạo trong nước; giá gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung phải không thấp hơn giá xuất khẩu theo hợp đồng thương mại trên thị trường cùng thời điểm để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2011; đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được đăng ký, hợp đồng tập trung đã được phân bổ thực hiện trước ngày 14/02/2011 thì được tiếp tục thực hiện mà không phải đăng ký, phân bổ lại.

 
* DANH MỤC THUỐC DÙNG CHO NGƯỜI CẤM NHẬP KHẨU
 

Ngày 29/12/2010, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc. 

Theo đó, thuốc thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam có hạn dùng trên 24 tháng thì hạn dùng còn lại tối thiểu phải là 18 tháng; đối với thuốc có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thì hạn dùng phải còn tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Vắc xin, sinh phẩm y tế chưa có số đăng ký, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có hạn dùng còn lại ít nhất là 2/3 hạn dùng kể từ ngày đến cảng Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu vào Việt Nam, trừ dược liệu, phải có hạn dùng còn lại trên 36 tháng, đối với nguyên liệu có hạn dùng bằng hoặc dưới 36 tháng thì ngày hàng về đến cảng Việt Nam không được quá 06 tháng kể từ ngày sản xuất. Thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo có hạn dùng lớn hơn hoặc bằng

 

24 tháng, hạn dùng còn lại của thuốc phải còn tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Trường hợp thuốc có hạn dùng dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại kể từ ngày đến cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc.
Thông tư cũng đưa ra danh mục bao gồm 178 hoạt chất là nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người. 
Doanh nghiệp muốn xuất khẩu và nhập khẩu thuốc có thể gửi hồ sơ trực tiếp đến Cục Quản lý dược - Bộ Y tế. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu. Trường hợp không cấp giấy phép, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do. 

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, KCN Cầu Giấy, Q. Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM: Tòa nhà Hà Phan, 05 Phan Xích Long, phường 2, Q. Phú Nhuận, TP.HCM - Tel:
08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.