Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 29/7/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2024/NĐ-CP về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) và Hệ thống thông tin đất đai.
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, gồm các điều khoản:
Khoản 4 Điều 50, khoản 1 Điều 55, khoản 5 Điều 131, khoản 7 Điều 135, khoản 10 Điều 138, khoản 6 Điều 139, khoản 7 Điều 140, khoản 3 Điều 142, khoản 4 Điều 170, khoản 2 Điều 181 và các điểm b, c, d, đ, i và k khoản 1 Điều 223 của Luật Đất đai.
Việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định hết hiệu lực của các Nghị định dưới dây kể từ ngày có hiệu lực thi hành:
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Xem chi tiết Nghị định 101/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
Ngày 30/7/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về quy định phân loại đất theo Luật Đất đai 2024.
Về loại đất trong nhóm đất nông nghiệp được quy định chi tiết tại Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:
- Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc.
Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể:
- Đất trồng lúa: Là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên;
- Đất trồng cây hằng năm khác: Là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.
- Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.
- Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể gồm các loại như:
- Đất rừng đặc dụng
- Đất rừng phòng hộ
- Đất rừng sản xuất
- Đất nuôi trồng thủy sản là đất sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản.
- Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
- Đất làm muối là đất sử dụng vào mục đích sản xuất muối từ nước biển.
- Đất nông nghiệp khác gồm:
- Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;…
- Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi..
- Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp
Các Nghị định sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 102/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành
- Nghị định 119-CP năm 1994 quy định về việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định 42/2024/NĐ-CP về hoạt động lấn biển.
Xem chi tiết Nghị định 102/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.
Chính phủ ban hành Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định 03 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất từ 01/8/2024 với trường hợp Nhà nước cho thuê đất.
Cụ thể, theo Điều 18 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, các trường hợp miễn tiền thuê đất
- Cho cả thời hạn thuê gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số sử dụng đất sản xuất nông nghiệp.
- Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay...
- Trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất khi sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư/tại địa bàn ưu đãi đầu tư trừ trường hợp xây nhà ở thương mại, sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
- Miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản ở trên trừ trường hợp:
- Miễn 03 năm: Dự án sản xuất, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
- Miễn 07 năm: Dự án sản xuất, kinh doanh đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…
- Miễn toàn bộ thời gian thuê: Dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thực hiện các dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Xem chi tiết Nghị định 103/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/8/2024.
Thông tư 52/2024/TT-BTC được Bộ Tài Chính ban hành đã bãi bỏ một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế.
(1) Thông tư 181/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg.
(2)Thông tư 11/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
(3) Thông tư 151/2010/TT-BTC hướng dẫn áp dụng các loại thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với Quỹ phát triển đất quy định tại Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
(4) Thông tư 176/2010/TT-BTC hướng dẫn doanh nghiệp trích trước vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo nguồn hỗ trợ cho các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
(5) Thông tư 104/2011/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
(6)Thông tư 30/2013/TT-BTC hướng dẫn hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
(7) Thông tư 141/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.
(8)Thông tư 187/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 204/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014.
Thông tư 52/2024/TT-BTC được ban hành ngày 23/7/2024.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Kết luận 83-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội...
Theo đó tại khoản 5.2 Điều 5 Kết luận 83-KL/TW có đề cập đến nội dung:
5.2. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Như vậy, việc thực hiện 05 bảng lương theo vị trí việc làm cũng như 09 chế độ phụ cấp mới của khu vực công sẽ được đề xuất sao cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.
Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 06 nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW (theo kế hoạch trước đó), gồm:
(1) Xây dựng 05 bảng lương mới;
(2) Chế độ phụ cấp;
(3) Chế độ tiền thưởng;
(4) Chế độ nâng bậc lương;
(5) Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương;
(6) Quản lý tiền lương và thu nhập.
Từ thời điểm 01/7/2024, đã thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27.
>>> Xem chi tiết 4/6 nội dung cải cách tiền lương từ 01/7/2024
02 nội dung chưa thực hiện gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 09 chế độ phụ cấp mới cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng do phát sinh nhiều bất cập.
Căn cứ theo nội dung tại Kết luận 83, rất có thể sau năm 2026, 2/6 nội dung cải cách còn lại (bảng lương, chế độ phụ cấp mới) có thể cũng sẽ được thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3898/BGDĐT-GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.
Về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, nội dung Công văn nêu rõ việc tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
- Đối với lớp 1 và lớp 2: tiếp tục triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn bảo đảm các yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, gồm tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc đã được Bộ GDĐT ban hành chương trình, căn cứ vào điều kiện triển khai của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, cơ sở giáo dục chủ động thực hiện dạy học tự chọn ở lớp 1 và lớp 2 và thực hiện lựa chọn tài liệu dạy học theo quy định của Bộ GDĐT.
- Đối với lớp 3, lớp 4 và lớp 5: triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 bắt buộc; lựa chọn trong các môn Ngoại ngữ 1 đã có đủ điều kiện triển khai phù hợp với khả năng tổ chức của các cơ sở giáo dục, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm tính liên thông và theo các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn ngoại ngữ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT.
Triển khai sử dụng Hệ thống học liệu tiếng Anh trên máy tính và trực tuyến cấp tiểu học theo Kế hoạch số 160/KH-BGDĐT bảo đảm chất lượng, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của địa phương.
Đồng thời, tổ chức dạy học môn Tin học bắt buộc cho tất cả học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn Tin học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT
Công văn 3898/BGDĐT-GDTH được ban hành ngày 30/7/2024.
Đây là đề xuất của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 23/CT-TTg nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm thống nhất với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Cụ thể như:
- Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức xử phạt phù hợp với mức độ nguy hiểm của một số hành vi có nguy cơ cao, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông hoặc nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đối với hạ tầng giao thông.
- Nghiên cứu, đề xuất hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn đối với đơn vị sử dụng lái xe dương tính với chất ma túy và các chất cấm theo quy định của pháp luật;
Lái xe dương tính với ma túy khi bị phát hiện ngoài việc bị phạt hành chính còn bị thu hồi giấy phép lái xe và phải sát hạch lại để được cấp giấy phép lái xe khi có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xe quá khổ, quá tải, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, các quy định thống nhất về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, bảo đảm phù hợp với Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi có hiệu lực thi hành;
Ngoài ra, bổ sung quy định bắt buộc về trang thiết bị cảnh báo khi phương tiện gặp sự cố phải dừng, đỗ xe tạm thời đối với từng loại phương tiện đường bộ, đặc biệt là phương tiện kinh doanh vận tải; quy định về cảnh báo phản quang; áo phản quang cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi xử lý sự cố vào thời điểm trời tối, ban đêm hoặc các trường hợp hạn chế tầm nhìn như sương mù, mưa.
Quyết định 3967/QĐ-UBND Hà Nội về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng được ban hành ngày 31/7/2024.
Theo đó UBND TP quyết định đặt tên 22 tuyến đường, phố mới như sau:
STT | Tên đường, phố |
Quận Hà Đông | |
1 | Đường Phượng Bãi dài 880m |
2 | Đường Đồng Dâu dài 1.260m |
3 | Đường Hoàng Trình Thanh dài 1.090m |
4 | Phố Nguyễn Văn Luyện dài 2.000m |
Quận Long Biên | |
5 | Đường Cự Khối dài 1.250m |
6 | Phố Hoa Động dài 8.30m |
7 | Đường Nguyễn Gia Bồng dài 1.780m |
8 | Đường Đồng Thanh dài 620m |
9 | Phố Quán Tình dài 500m |
10 | Phố Vo Trung dài 500m |
Huyện Hoài Đức | |
11 | Đường Lý Đàm Nghiên dài 1.260m |
12 | Đường Triệu Túc dài 2.000m |
Huyện Mỹ Đức | |
13 | Đường Phù Lưu Tế dài 2.430m |
14 | Đường Mỹ Hà dài 3.000m |
15 | Đường Sạt Nỏ dài 4.690 m |
16 | Đường Hà Xá dài 430m |
17 | Đường Trung Nghĩa dài 3.000m |
18 | Đường Trinh Tiết dài 540m |
19 | Đường Thượng Tiết dài 2.170m |
Huyện Thanh Trì | |
20 | Đường Quang Liệt dài 1.140m |
21 | Đường Phương Dung dài 2.750m |
Huyện Sóc Sơn | |
22 | Đường Trần Thị Bắc dài 620m |
03 tuyến phố điều chỉnh lại độ dài gồm:
(1) Phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) cho đoạn từ điểm cuối phố Huỳnh Thúc Kháng tại ngã tư giao cắt Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng đến ngã ba giao cắt phố Cầu Giấy tại tòa nhà Icon4 Tower; kéo dài 1.290m, rộng 30m (lòng đường 15m, vỉa hè mỗi bên 7,5m).
(2) Phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) đoạn từ ngã tư giao cắt Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng đến số 8 Pháo Đài Láng (đối diện Trung tâm Khí tượng Thủy văn của Bộ TN&MT). Điều chỉnh 90m; rộng 30m.
(3) Phố Lệ Mật (quận Long Biên) cho đoạn từ điểm cuối phố Lệ Mật (cạnh đình, chùa Lệ Mật) đến ngã tư giao cắt phố Đào Đình Luyện (cạnh số nhà 15, tổ dân phố 8 phường Việt Hưng). Kéo dài 460m, rộng 13,5m (lòng đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m).
Ngoài ra, UBND TP đặt tên 2 công trình công cộng:
- Công viên Long Biên cho khu vực đất đã quy hoạch và xây dựng công viên thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên (mặt trước Trụ sở UBND quận Long Biên)
- Công viên Ngọc Thụy cho khu vực đất đã quy hoạch và xây dựng công viên thuộc phường Ngọc Thụy và phường Thượng Thanh, quận Long Biên.
Quyết định 3967/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.