Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Tại Thông tư số 43/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính mới đây đã quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí từ 10% - 50%. Cụ thể:
Các loại phí, lệ phí được giảm 50% như:
- Phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng;
- Lệ phí cấp Căn cước công dân;
- Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
- Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
- Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp,...
Các khoản phí, lệ phí giảm 10 - 30% như:
- Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng;
- Phí cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay;
- Lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam;
- Phí hải quan đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam…
Mức thu các khoản phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư 43 được áp dụng từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Từ 01/01/2025, các khoản phí, lệ phí trở lại mức thu như hiện hành. Đây cũng là lần thứ 04, Bộ Tài chính ban hành quy định giảm mức thu phí, lệ phí ở mức từ 10 - 50% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân. Xem chi tiết Thông tư 43/2024/TT-BTC.
Chính phủ ban hành Nghị định giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% đến hết 2024 là Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024.
Cụ thể, Nghị định nêu rõ sẽ giảm 2% từ 10% xuống 8% (với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ) và giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, than cốc, dầu mỏ tinh chế, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), sản phẩm hoá chất..
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Công nghệ thông tin.
Đặc biệt, việc giảm VAT này áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, gia công, sản xuất và kinh doanh thương mại.
Riêng mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả khai thác sau đó qua phân loại, sàng tuyển theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Còn các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra thì không được giảm VAT.
Đồng thời, với mặt hàng than khai thác bán ra, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại các Phụ lục của Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Nghị định 72/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2024 đến hết 31/12/2024.
Xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện từ 01/8/2024 theo hướng dẫn tại Nghị định 71/2024/NĐ-CP.
Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 71/2024/NĐ-CP, việc xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện như sau:
Thứ nhất là khảo sát, thu thập thông tin về các thửa đất cần định giá theo vị trí đất, khu vực quy định trong bảng giá đất, bao gồm:
- Vị trí
- Diện tích
- Loại đất và thời hạn sử dụng
- Thông tin giá đất trong bảng giá đất.
Thứ hai, khảo sát, thu thập thông tin về giá đất cho từng vị trí đất, khu vực theo quy định các điểm a, b, c khoản 3 và khoản 4 Điều 158 Luật Đất đai:
- Thông tin đầu vào để định giá đất theo các phương pháp định giá đất gồm:
(1) Giá đất được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá;
(2) Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính;
(3) Giá đất thu thập qua điều tra, khảo sát đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất theo 2 trường hợp (1), (2).
- Thông tin giá đất đầu vào nêu trên là thông tin được hình thành trong thời gian 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất quy định tại khoản 2 Điều 91 và khoản 3 Điều 155 Luật Đất đai, số 31/2024/QH15 trở về trước. Việc sử dụng thông tin được thu thập quy định tại khoản này ưu tiên sử dụng thông tin gần nhất với thời điểm định giá đất.
Trường hợp thửa đất lựa chọn để thu thập thông tin có tài sản gắn liền với đất thì thực hiện chiết trừ giá trị tài sản gắn liền với đất để xác định giá đất của thửa đất theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 Nghị định 71/2024/NĐ-CP.
Thứ 3 là xác định giá đất thị trường của từng vị trí đất, khu vực:
- Thống kê giá đất thu thập được theo từng vị trí đất, khu vực;
- Trường hợp giá đất thu thập theo từng vị trí đất, khu vực mà nhiều thửa đất có tính tương đồng nhất định về giá đất nếu có trường hợp giá đất quá cao hoặc quá thấp so với mặt bằng chung thì loại bỏ thông tin giá đất này trước khi xác định giá đất thị trường;
- Giá đất thị trường của từng vị trí đất, khu vực được xác định bằng cách lấy bình quân số học của các mức giá đất tại vị trí đất, khu vực đó.
Thứ tư, xác định hệ số điều chỉnh giá đất
Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định theo từng loại đất, vị trí đất, khu vực bằng cách lấy giá đất thị trường chia cho giá đất trong bảng giá đất tại vị trí đất, khu vực đó.
Thứ năm, giá đất của thửa đất cần định giá tại từng vị trí đất, khu vực được xác định như sau:
Giá đất của thửa đất cần định giá | = | Giá đất trong bảng giá đất của thửa đất cần định giá | x | Hệ số điều chỉnh giá đất |
Nghị định 75/2024/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng vừa được Chính phủ ban hành ngày 30/6/2024.
Theo đó, về thời điểm và mức điều chỉnh, Điều 2 Nghị định này quy định như sau:
Từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
Cũng từ ngày 01/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% như nêu trên mà có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:
- Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
- Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Về đối tượng áp dụng, Điều 1 Nghị định 74 nêu rõ 9 nhóm đối tượng như: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng; Quân nhân, công an đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng... Trước đó, tại Kết luận 83-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đề cập đến việc điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024) với các đối tượng quy định. Nghị định 75/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2024 và thay thế cho Nghị định 42/2023/NĐ-CP.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Kết luận 83-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội...
Theo đó tại khoản 5.2 Điều 5 Kết luận 83-KL/TW có đề cập đến nội dung:
5.2. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Như vậy, việc thực hiện 05 bảng lương theo vị trí việc làm cũng như 09 chế độ phụ cấp mới của khu vực công sẽ được đề xuất sao cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.
Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 06 nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW (theo kế hoạch trước đó), gồm:
(1) Xây dựng 05 bảng lương mới;
(2) Chế độ phụ cấp;
(3) Chế độ tiền thưởng;
(4) Chế độ nâng bậc lương;
(5) Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương;
(6) Quản lý tiền lương và thu nhập.
Từ thời điểm 01/7/2024, đã thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27.
>>> Xem chi tiết 4/6 nội dung cải cách tiền lương từ 01/7/2024
02 nội dung chưa thực hiện gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 09 chế độ phụ cấp mới cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng do phát sinh nhiều bất cập.
Căn cứ theo nội dung tại Kết luận 83, rất có thể sau năm 2026, 2/6 nội dung cải cách còn lại (bảng lương, chế độ phụ cấp mới) có thể cũng sẽ được thực hiện.
Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng. Trong đó, quy định mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu giờ, áp dụng từ 01/7/2024.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 3 quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng II | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng IV | 3.450.000 | 16.600 |
Về danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Bên cạnh đó, khoản 1, khoản 2 Điều 4 quy định:
- Mức lương tối thiểu tháng:
Là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc/chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
- Mức lương tối thiểu giờ:
Là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Trước đó, tại Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng cũng đã đề xuất tăng 6% mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024.
Nghị định 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ban hành, 01/7/2024, đồng thời chấm dứt hiệu lực của Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Đây là thông tin được nêu tại Nghị quyết 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 13/11/2024.
Theo Nghị quyết 159/2024/QH15, năm 2025 vẫn thực hiện mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP);
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội đã nghị quyết:
- Chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
- Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 34/2021/QH15.
- Cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế;
Cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế...
Ngày 25/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử.
Theo Điều 7, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử như sau:
- Công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên đã cấp thẻ Căn cước công dân/thẻ Căn cước còn hiệu lực thì được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, mức độ 02.
Công dân Việt Nam từ 06 đến dưới 14 tuổi đã cấp thẻ Căn cước thì được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, mức độ 02 khi có nhu cầu. Công dân Việt Nam dưới 06 tuổi đã cấp thẻ Căn cước thì được cấp tài khoản định danh mức độ 01 khi có nhu cầu.
- Người nước ngoài từ 06 tuổi trở lên đã được cấp thẻ thường trú, tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu.
Người nước ngoài dưới 06 tuổi được cấp thẻ thường trú, tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01 khi có nhu cầu.- Cơ quan, tổ chức thành lập/đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử không phân biệt theo mức độ.
Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2024.
Đã có Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Căn cước do Chính phủ ban hành ngày 25/6/2024.
Theo Điều 13 Nghị định này, thông tin về sinh trắc học như vân tay, khuô mặt, mống mắt được thu thập, cập nhật khi thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước cho công dân. Cụ thể như sau:
Thu thập, cập nhật thông tin ADN
- Hình thức sau:
- Trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
- Thông qua ứng dụng định danh quốc gia VNeID.
- Điều kiện được thu thập:
- Xét nghiệm, phân tích, tạo lập dữ liệu đáp ứng tiêu chuẩn.
- Đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, bảo đảm xác định duy nhất công dân đó trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Hồ sơ đề nghị:
- Phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước;
- Giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả xét nghiệm, phân tích, lưu trữ thông tin ADN (nếu có)
- Trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật ADN vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Bước 2: Thực hiện cập nhật
- Nếu thông tin đã có thì kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị.
- Nếu chưa có thông tin trong hệ thống thì báo bằng văn bản, nêu rõ lý do và hướng dẫn thực hiện thu thập, cập nhật ADN.
Với thu thập, cập nhật thông tin về giọng nói
- Hồ sơ: Phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước.
- Giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả thu nhận, phân tích, lưu trữ giọng nói
- Văn bản cam kết bảo đảm sức khỏe bình thường
- Trình tự, thủ tục:
- Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về giọng nói;
- Bước 2: Giải quyết trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị. Khi đó, cơ quan quản lý căn cước sẽ phối hợp điều tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật. Nếu chưa có thông tin thì sẽ trực tiếp thu thập thông tin sinh trắc học về giọng nói để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Nghị định 70/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2024.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.