Mức bồi thường về nhà đất khi có đường dây điện cao áp đi qua
1. Bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình trong hành lang đường điện
Điều 18 Nghị định 14/2014/NĐ-CP và điểm a khoản 13 Điều 1 Nghị định 51/2020/NĐ-CP quy định bồi thường, hỗ trợ về nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không như sau:
- Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không điện áp đến 220 kV thì được bồi thường, hỗ trợ do làm hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện 01 lần như sau:
+ Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không, được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất trước ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không.
Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND cấp tỉnh) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định.
+ Trường hợp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất thì UBND cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
- Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được xây dựng trước ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì xử lý như sau:
+ Nếu chưa đáp ứng các điều kiện để nhà ở, công trình có người sinh sống, làm việc bên trong được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không điện áp đến 220 kV thì chủ đầu tư lưới điện cao áp phải chịu kinh phí và thực hiện cải tạo nhằm đáp ứng các điều kiện đó (nghĩa là muốn nhà ở, công trình tồn tại thì phải bỏ tiền để cải tạo).
+ Trường hợp phá dỡ một phần, phần còn lại vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật về xây dựng và đáp ứng được các điều kiện để tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không điện áp đến 220 kV thì chủ đầu tư lưới điện cao áp có trách nhiệm: Chi trả, bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại nhà, công trình theo tiêu chuẩn tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ hoặc bồi thường di dời nhà ở công trình theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
+ Trường hợp nhà ở, công trình không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không điện áp đến 220 kV mà phải dỡ bỏ hoặc di dời, thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Xem thêm: Quy định về bồi thường, tái định cư
2. Bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình ngoài hành lang lưới điện
Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 51/2020/NĐ-CP, bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp thực hiện như sau:
- Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và thuộc khu vực có cường độ điện trường lớn hơn 05 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất 01 mét và lớn hơn 01 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất 01 mét thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ để di dời như đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải giải tỏa theo quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
- Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn và giữa hai đường dây dẫn điện trên không điện áp 500 kV, có khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhất của hai đường dây nhỏ hơn hoặc bằng 60 mét thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được lựa chọn một trong hai hình thức xử lý sau:
+ Được bồi thường, hỗ trợ để di dời như như đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải giải tỏa theo quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
+ Nếu không có nhu cầu di dời thì phải có văn bản đề nghị được ở lại gửi UBND cấp huyện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư xây dựng đường dây 500 kV xây dựng sau và được bồi thường đất, nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt.
3. Bồi thường chi phí di chuyển
Khoản 15 Điều 1 Nghị định 51/2020/NĐ-CP quy định nhà ở, công trình đã đáp ứng được điều kiện để tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không, nếu chủ sở hữu di chuyển ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện thì được bồi thường chi phí di chuyển theo quy định của Luật Đất đai, cụ thể:
- Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt.
- Mức bồi thường cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quy định (người dân tại tỉnh, thành nào thì phải xem trong quyết định của UBND tỉnh, thành đó).
4. Bồi thường, hỗ trợ về đất để xây dựng công trình điện lực
Căn cứ khoản 12 Điều 1 Nghị định 51/2020/NĐ-CP quy định về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình điện lực như sau:
“Việc thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp bị thiệt hại do phải giải tỏa được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.”.
Theo quy định trên, người dân cần lưu ý một số quy định sau:
- Điều kiện được bồi thường về đất: Phải có Giấy chứng nhận (Sổ hồng, Sổ đỏ) hoặc không có Giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện được cấp, trừ duy nhất 01 trường hợp.
- Hình thức bồi thường: Bồi thường bằng tiền, ngoài ra nếu thu hồi đất ở thì được bồi thường bằng đất hoặc nhà ở nếu không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi, trừ trường hợp muốn bồi thường bằng tiền.
- Mức bồi thường: Tính theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định hoặc theo thỏa thuận giữa người sử dụng đất và doanh nghiệp nếu công trình điện lực do tư nhân đầu tư và thực hiện (không phải do Nhà nước thu hồi đất).
Xem chi tiết: Điều kiện, mức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
5. Bồi thường đối với cây trồng
Căn cứ khoản 16 Điều 1 Nghị định 51/2020/NĐ-CP, bồi thường với cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp được thực hiện như sau:
- Cây trong hành lang và có trước khi có thông báo thu hồi đất để xây dựng lưới điện nếu không phải chặt bỏ và cấm trồng thì đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm kiểm tra, tỉa, chặt cây để đảm bảo an toàn cho lưới điện và thực hiện bồi thường theo quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
- Cây ngoài hành lang và có thể vi phạm khoảng cách an toàn (xem tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 14/2014/NĐ-CP) thì đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm kiểm tra, tỉa, chặt cây để đảm bảo an toàn cho lưới điện và thực hiện bồi thường như đối với cây trong hành lang an toàn lưới điện.
Mức bồi thường cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp do thực hiện theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Xem chi tiết tại: Mức đơn giá bồi thường khi thu hồi đất của 63 tỉnh, thành
Trên đây là mức bồi thường về nhà đất khi có đường dây điện đi qua. Có thể thấy mức bồi thường không được quy định chi tiết tại Nghị định hướng dẫn Luật Điện lực mà được quy định tại pháp luật đất đai và văn bản của các địa phương.
Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến trường hợp của mình, bấm gọi ngay 1900.6192 và nói với các chuyên gia pháp lý của chúng tôi vấn đề của bạn.