Khi nào người dân được xác lập quyền sở hữu nhà ở theo Luật Nhà ở 2023?

Luật Nhà ở 2023 có nhiều quy định đáng chú ý về vấn đề xác lập quyền sở hữu nhà ở. Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.

1. Đối tượng nào được xác lập quyền sở hữu nhà ở?

Điều 8 Luật Nhà ở 2023 quy định đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

"1. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân trong nước;

b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này."

2. Điều kiện xác lập quyền sở hữu nhà ở

2.1 Điều kiện được xác lập quyền sở hữu nhà ở

  • Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;

  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;

  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.

Theo đó, mỗi giao dịch về nhà ở cần tuân thủ điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật này.

(căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở 2023)

2.2 Giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện đề sở hữu nhà ở

Điều 3 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định các giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

- Giấy tờ chứng minh đối tượng là tổ chức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định như sau:

  • Đối với tổ chức trong nước thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ chứng minh việc thành lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;

  • Đối với tổ chức nước ngoài thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

  • Đối với tổ chức nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

- Giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định như sau:

  • Đối với cá nhân là công dân Việt Nam thì phải có thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam;

  • Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế theo pháp luật về xuất nhập cảnh và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

  • Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài và cam kết bằng văn bản về việc không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

- Giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở được quy định như sau:

  • Đối với tổ chức, cá nhân trong nước thì phải có giấy tờ chứng minh có quyền sở hữu nhà ở thông qua một trong các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Nhà ở;

  • Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm tạo lập nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Nhà ở;

  • Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở;

  • Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ pháp lý tương đương nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở.

3. Khi nào được xác lập quyền sở hữu nhà ở

Theo quy định tại Điều 12, Luật Nhà ở 2023 xác định thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở như sau:

- Trường hợp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.

- Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi đã nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở giữa chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở với người mua, người thuê mua thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

- Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

- Trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Giao dịch về nhà ở quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này phải tuân thủ điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật này.

4. Một số điểm mới đáng chú ý trong Luật Nhà ở 2023

Tại Luật Nhà ở 2023, ngoài những quy định về xác lập quyền sở hữu nhà ở thì còn một số điểm mới đáng chú ý sau đây:

  • Căn hộ chung cư mini sẽ được cấp sổ hồng

  • Mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội

  • Được thỏa thuận số tiền trả trước khi thuê mua nhà ở

Chi tiết xem tại: 5 quy định nổi bật có lợi cho người dân của Luật Nhà ở 2023

Trên đây là giải đáp khi nào người dân được xác lập quyền sở hữu nhà ở theo Luật Nhà ở 2023. Việc nắm rõ các quy định này sẽ giúp người dân bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình liên quan đến nhà ở.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục