1. Di chúc phải công chứng hay chứng thực?
Hình thức của di chúc bắt buộc phải được lập thành văn bản và chỉ có một trường hợp duy nhất được lập di chúc miệng là khi tính mạng của người để lại di sản bị đe doạ và không thể lập di chúc.
Trong trường hợp đó, di chúc miệng cũng phải đáp ứng các điều kiện về di chúc hợp pháp và phải được công chứng, chứng thực trong thời hạn 05 ngày sau khi người có di sản thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt người làm chứng.
Do đó, với di chúc bằng văn bản thì căn cứ Điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc bằng văn bản sẽ gồm các hình thức sau đây: Không có người làm chứng, có người làm chứng, có công chứng, có chứng thực.
Di chúc có thể được công chứng hoặc chứng thực. Và việc công chứng, chứng thực di chúc không phải yêu cầu bắt buộc để xem xét một bản di chúc có hiệu lực pháp luật. Di chúc có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Điều kiện về người lập di chúc: Tinh thần người này minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc và không bị ai đe doạ, cưỡng ép hay lừa dối. Riêng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập di chúc thì phải sử dụng hình thức là bằng văn bản và được cha, mẹ/người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc này.
- Nội dung và hình thức của di chúc: Không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội và không trái quy định của luật.
Riêng trong trường hợp đặc biệt là người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ mà lập di chúc thì di chúc này phải là di chúc bằng văn bản, có công chứng/chứng thực và có người làm chứng.
Như vậy, di chúc có thể chứng thực hoặc không tuỳ vào nhu cầu của người lập di chúc trừ trường hợp đó là di chúc miệng hoặc là di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ. Trong các trường hợp này, có thể chọn công chứng hoặc chứng thực.
2. Thủ tục chứng thực di chúc mới nhất 2023
Thủ tục chứng thực di chúc được Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết tại Quyết định số 1329/QĐ-BTP ngày 01/6/2020 như sau:
2.1 Cần chuẩn bị hồ sơ gì?
Hồ sơ cần chuẩn bị trong trường hợp chứng thực di chúc gồm:
- Dự thảo bản di chúc cần lập (nếu có). Trong đó, trình bày đầy đủ toàn bộ ý nguyện, ý chí của người để lại di chúc. Lưu ý, ý nguyện của người để lại di chúc ghi trong bản dự thảo không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
- Giấy tờ của người để lại di chúc. Trong đó gồm một trong các loại giấy tờ là Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng. Khi đi chứng thực, người yêu cầu chứng thực di chúc phải mang theo bản chính để xuất trình cho cán bộ tư pháp đối chiếu.
- Giấy tờ về tài sản để lại: Người yêu cầu chứng thực di chúc phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu của mình với tài sản được đề cập đến trong di chúc (tài sản sẽ để lại cho người thừa kế theo di chúc sau khi người lập di chúc qua đời) hoặc giấy tờ khác thay thế mà pháp luật quy định là có thể sử dụng được thay giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Với giấy tờ này, người lập di chúc xuất trình thêm bản chính để cán bộ tư pháp đối chiếu với bản sao đã nộp.
Lưu ý: Có thể không cần xuất trình bản sao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản nếu người lập di chúc đang bị cái chết đe doạ đến tính mạng.
2.2 Chứng thực di chúc ở đâu?
Cơ quan thực hiện việc chứng thực di chúc là Uỷ ban nhân dân cấp xã ở bất cứ đâu không phụ thuộc vào nơi cư trú của người để lại di sản (căn cứ điểm e khoản 2 và khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
2.3 Thời gian chứng thực có lâu không?
Thời gian giải quyết là không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu hoặc có thể kéo dài theo thoả thuận với người để lại di chúc. Khi kéo dài, thời ian phải ghi rõ giờ, ngày sẽ trả kết quả.
Việc chứng thực di chúc thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực di chúc.
Bước 2: Người tiếp nhận chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu và thực hiện chứng thực:
- Người lập di chúc phải ký (hoặc điểm chỉ nếu không ký được) trước mặt người thực hiện chứng thực (phải ký từng trang nếu di chúc có từ hai trang trở lên). Nếu nộp tại Một cửa thì phải ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ.
Đặc biệt, nếu người này không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có hai người làm chứng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không liên quan gì đến quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ với người lập di chúc/nội dung trong di chúc.
- Người có thẩm quyền chứng thực ghi lời chứng, ký vào từng trang của di chúc, ghi rõ họ tên, đóng dấu và ghi vào sổ chứng thực. Nếu hồ sơ được nộp ở Một cửa thì cán bộ tiếp nhận cũng phải ký từng trang của di chúc và ký dưới lời chứng.
2.4 Chi phí chứng thực di chúc thế nào?
Phí chứng thực di chúc là 50.000 đồng/di chúc.
2.5 Mẫu chứng thực di chúc đầy đủ pháp lý nhất
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
DI CHÚC
Hôm nay, ngày … tháng ….. năm …., tại ……………………………………
Tôi là: ………………………………………………………………………………………….
Ngày sinh: ………………………………………………..
CMND/CCCD/Hộ chiếu số: ………………. cấp ngày …/…/… tại ……………..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ………………………………………..
Nay trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị bất kỳ một sự lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép nào, tôi lập di chúc này để định đoạt tài sản của tôi sau khi chết đi như sau:
Tài sản
Tài sản của tôi được định đoạt trong di chúc này bao gồm:
1/ ………………………………………………………………………………;
2/ ……………………………………………………………………………….;
Định đoạt tài sản
Sau khi tôi chết, toàn bộ tài sản nêu trên của tôi được để lại cho:
1/ ……………………………………………………………………………….;
2/ ……………………………………………………………………………….;
Ngoài ông/bà ………………, tôi không để lại tài sản nêu trên của mình cho bất cứ ai khác.
Sau khi tôi qua đời, ……………………… được toàn quyền làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để được đứng tên số tài sản nói trên theo bản di chúc này.
Di chúc này được tự tay tôi viết, thể hiện đầy đủ, dứt khoát ý chí của tôi, được lập thành …. (…) bản, mỗi bản gồm … (…) trang…. (…) tờ.
NGƯỜI LẬP DI CHÚC
Ngày..... tháng...... năm....... (Bằng chữ........... ) Tại............
Tôi .................... là ...........
Chứng thực
- Ông/bà............. Giấy tờ tùy thân số......... cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của di chúc.
- Tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu và chứng thực, ông/bà........... minh mẫn, sáng suốt, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, tự nguyện lập di chúc và đã ký/điểm chỉ vào di chúc này trước mặt ông/bà............ là người tiếp nhận hồ sơ.
Di chúc này được lập thành....... bản chính (mỗi bản chính gồm .... tờ, ...trang); giao cho người lập di chúc..... bản; lưu tại........ 01 (một) bản.
Số chứng thực............. quyển số.................. - SCT/HĐ,GD
Người tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ, tên | Người thực hiện chứng thực ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu |
Trên đây là giải đáp chi tiết về: Chứng thực di chúc. Nếu bạn đọc lựa chọn hình thức này và còn vướng mắc, có thể ngay lập tức liên hệ 19006192 để chuyên gia pháp lý của LuatVietnam sẽ giải đáp cho bạn.