Khi bị sẩy thai, các chị em phụ nữ rất cần có chồng ở bên để chăm sóc sức khỏe và động viên tinh thần. Vậy khi vợ sẩy thai, chồng tham gia bảo hiểm xã hội có được nghỉ hưởng chế độ gì không?
1. Trường hợp vợ sảy thai chồng có được hưởng bảo hiểm không?
Với quy định về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 chỉ ghi nhận thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mà không hề đề cập đến lao động nam.
Cùng với đó, khoản 1 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 cũng chỉ quy định một trường hợp duy nhất mà lao động nam được hưởng chế độ thai sản là khi đang đóng BHXH mà có vợ sinh con.
Thời gian lao động nam được nghỉ hưởng chế độ chế thai sản khi vợ sinh con được xác định cụ thể theo khoản 2 Điều 34 Luật BHXH như sau:
- Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật được nghỉ 14 ngày làm việc.
- Vợ sinh đôi được nghỉ 10 ngày làm việc; sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.
- Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 10 ngày.
- Vợ sinh 01 con, sinh thường được nghỉ 05 ngày làm việc.
2. Khi vợ sẩy thai, chồng có được xin nghỉ làm để chăm sóc không?
Như đã phân tích ở phần trước, lao động nam tham gia BHXH bắt buộc không được nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm khi vợ sẩy thai. Tuy nhiên, nếu muốn dành thời gian để chăm sóc vợ mới sẩy thai, lao động nam xin nghỉ theo một trong 02 trường hợp sau:
(1) - Xin nghỉ phép năm
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm đủ năm cho người sử dụng lao động sẽ được nghỉ phép từ 12 - 16 ngày/năm. Thậm chí, cứ làm việc đủ 05 năm cho một người sử dụng lao động, người lao động còn được cộng thêm tương ứng 01 ngày vào số phép hằng năm của mình.
Trong những ngày nghỉ phép năm, người lao động nghỉ làm nhưng vẫn được trả đủ lương theo hợp đồng lao động.
Do đó, nếu muốn nghỉ chăm sóc vợ sẩy thai mà vẫn nhận đủ tiền lương, người chồng có thể chủ động đề nghị nghỉ phép năm với người sử dụng lao động.
Xem thêm: Chế độ nghỉ phép hằng năm mới nhất
(2) - Xin nghỉ không hưởng lương
Căn cứ khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, nếu không thuộc các trường hợp được nghỉ theo quy định, người lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Lưu ý, trường hợp này bắt buộc phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
3. Vợ sẩy thai chồng có nghỉ mấy ngày để chăm sóc?
Tùy vào từng trường hợp xin nghỉ để chăm sóc vợ sẩy thai mà thời gian nghỉ của lao động nam sẽ là khác nhau. Cụ thể:
* Trường hợp xin nghỉ phép năm:
Lao động nam chỉ được nghỉ tối đa số ngày phép mà người đó được hưởng. Theo đó, nếu làm đủ năm, lao động nam sẽ được giải quyết nghỉ tối đa:
- 12 ngày làm việc: Người làm công việc trong điều kiện bình thường.
- 14 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
* Trường hợp xin nghỉ không lương:
Trường hợp này pháp luật không giới hạn cụ thể thời gian nghỉ tối đa nên các bên có thể tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, do đây là trường hợp nghỉ không lương nên người lao động sẽ không có thu nhập trong thời gian nghỉ.
Đặc biệt, nếu nghỉ không lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó, người lao động thì không đóng BHXH (theo khoản 4 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH).
Xem thêm: 4 thiệt thòi đối với người lao động nghỉ không lương
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Vợ sảy thai chồng có được hưởng bảo hiểm không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc bấm gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietam hỗ trợ, tư vấn.
>> Chế độ thai sản cho nam: Cập nhật những quy định mới nhất