Lao động nữ nghỉ khám thai được bao nhiêu ngày?

Trong suốt thai kì, tổng thời gian lao động nữ nghỉ khám thai được bao nhiêu ngày? Pháp luật hiện quy định về vấn đề này như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho những lao động nữ đang mang thai. Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.


1. Nghỉ khám thai được bao nhiêu ngày?

Tùy vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi người, lao động nữ sẽ được nghỉ khám thai từ 01 đến 02 ngày làm việc/lần khám thai với 05 lần khám. nếu tận dụng tối đa 05 lần khám thai hưởng bảo hiểm trong quá trình mang thai, lao động nữ sẽ được nghỉ khám thai từ 05 đến 10 ngày.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian nghỉ khám thai của từng trường hợp được quy định như sau:

- Trường hợp thông thường: Được nghỉ khám thai 01 ngày/lần đi khám và được nghỉ khám thai 05 lần. Nếu khám thai tối đa 05 lần được nghỉ tổng 05 ngày.

- Trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường: Được nghỉ khám thai 02 ngày/lần đi khám và được nghỉ khám thai 05 lần. Nếu khám thai tối đa 05 lần được nghỉ tổng 10 ngày.

Lưu ý: Thời gian nghỉ hưởng chế độ tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Ngoài ra, nếu đi khám thai trong khi đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không lương thì người lao động cũng không được tính hưởng bảo hiểm xã hội (theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH).

Nghỉ khám thai được bao nhiêu ngày?
Nghỉ khám thai được bao nhiêu ngày? (Ảnh minh họa)


2. Xin giấy khám thai ở đâu là chuẩn để hưởng bảo hiểm?

Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH, người lao động muốn được thanh toán tiền khám thai phải cung nộp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội sau mỗi lần khám. Giấy này còn được nhiều người gọi là giấy khám thai hưởng bảo hiểm xã hội.

Giấy khám thai hưởng bảo hiểm xã hội được coi là hợp lệ nếu được in theo mẫu quy định và do người có thẩm quyền cấp.

Mẫu giấy nghỉ khám thai hưởng bảo hiểm xã nêu trên phải được phải do cơ sở khám, chữa bệnh đã được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cấp và được người hành nghề làm việc tại cơ sở đó được ký tên trên đó (theo khoản 1 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT).

Để biết chính xác cơ sở y tế mà mình dự định đến khám thai có thẩm cấp giấy nghỉ khám thai hưởng bảo hiểm xã hội hay không, người lao động có thể tra cứu trực tiếp tại link sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/KCB-cap-giay-nghi-viec-huong-bhxh.aspx#

Bước 1: Chọn Tỉnh, thành phố >> Chọn Quận, huyện

Bước 2: Xem mục “Tên cơ sở KCB” xem có cơ sở y tế mà người lao động dự định khám không. Nếu có tên trong danh sách thì người lao động có thể đến khám và xin giấy nghỉ khám thai hưởng bảo hiểm xã hội.
Lao động nữ nghỉ khám thai được bao nhiêu ngày?


3. Mỗi lần đi khám thai được nhận bao nhiêu tiền?

Theo cách tính tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội, mỗi ngày nghỉ đi khám thai, người lao động được chi trả số tiền sau đây:

Tiền nghỉ khám thai

=

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ khám thai

:

24

x

Số ngày  nghỉ

Ví dụ: Chị X hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội với mức lương = 10 triệu đồng/tháng. Mỗi lần nghỉ khám thai, chị X được nghỉ 01 ngày và được thanh toán số tiền sau:

Tiền nghỉ khám thai/lần = 10 triệu đồng : 24 x 01 ngày = 416.667 đồng

Để được thanh toán tiền chế độ khám thai, mỗi lần đi khám về, người lao động chỉ cần nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp để họ làm hồ sơ gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.

Căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, thời gian giải quyết chế độ khám thai cho người lao động là tối đa 06 ngày làm việc, tính từ ngày doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Tiền khám thai thường được trả cho người lao động theo 02 hình thức phổ biến: Trả tiền mặt thông qua doanh nghiệp hoặc chuyển khoản tới tài khoản ngân hàng cá nhân của người lao động.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Nghỉ khám thai được bao nhiêu ngày?” Nếu còn vướng mắc về chế độ thai sản, gọi ngay tổng đài 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ bạn sớm nhất.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục