Việc đóng bảo hiểm xã hội khi chuyển công ty mới có dễ dàng không để người lao động có thể an tâm nhảy việc, tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Câu trả lời sẽ được LuatVietnam giải đáp ngay sau đây.
1. Chuyển sang công ty mới bao lâu thì phải đóng bảo hiểm xã hội?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động sẽ thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với người lao động.
Thực tế, không phải người lao động nào đi làm cũng được ký hợp đồng lao động chính thức luôn. Theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động và người sử dụng lao động có thể ký hợp đồng thử việc trước với thời gian thử việc kéo dài từ 06 ngày làm việc cho đến 180 ngày (tùy vào yêu cầu công việc).
Sau khi hết thời gian thử việc, nếu người lao động đạt yêu cầu thì các bên sẽ ký hợp đồng lao động.
Như vậy, sau khi hết thời gian thử việc và được ký hợp đồng lao động chính thức, người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động (theo khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội ngay tại tháng bắt đầu ký hợp đồng lao động với công ty mới. Tuy nhiên, nếu tháng đó, người lao động không làm việc không đủ 14 ngày công thì sẽ không tính đóng bảo hiểm xã hội (theo khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014).
2. Đóng bảo hiểm xã hội khi chuyển công ty, thực hiện thế nào?
Người lao động khi chuyển công ty phải đóng bảo hiểm xã hội theo công ty mới. Lúc này, người lao động chỉ cần cung cấp mã số bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động để họ thực hiện thủ tục báo tăng bảo hiểm xã hội.
Theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, thủ tục báo tăng lao động để đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:
Bước 1: Đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ báo tăng lao động.
Người lao động cung cấp mã số bảo hiểm cho đơn vị sử dụng lao động để họ lập hồ sơ bao gồm:
- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-LT).
- Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Bước 2: Đơn vị sử dụng lao động gửi hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Cách thức nộp hồ sơ:
- Thông qua Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN hoặc qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Qua bưu điện.
- Nộp trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 3: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Thời hạn giải quyết: 05 ngày.
Bước 4: Đơn vị sử dụng lao động nhận kết quả giải quyết.
Bao gồm: Thẻ bảo hiểm y tế cấp cho người lao động.
3. Nghỉ ngang không chốt sổ ở công ty cũ có được đóng bảo hiểm ở chỗ mới?
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn không có quy định nào đề cập đến việc người lao động chưa chốt sổ ở công ty cũ thì không được tham gia bảo hiểm xã hội ở công ty mới.
Mặt khác, trong thủ tục báo tăng lao động để đóng bảo hiểm xã hội tại công ty mới cũng không yêu cầu người lao động phải cung cấp sổ bảo hiểm xã hội.Do đó, người lao động nghỉ ngang không chốt sổ ở công ty cũ vẫn được đóng bảo hiểm xã hội ở công ty mới. Lúc này, người lao động chỉ cần cung cấp mã số bảo hiểm của mình cho công ty mới để họ khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội.
Lưu ý, nếu công ty cũ chưa thực hiện báo giảm khi người lao động nghỉ ngang thì người này vẫn được coi là làm việc tại công ty cũ và không thể đóng nối bảo hiểm xã hội tại công ty mới.
Trên đây là một số thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội khi chuyển công ty. Nếu còn vấn đề vướng mắc về các thủ tục liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn 19006192 để được hỗ trợ sớm nhất.