Quảng cáo trên Google, Facebook: 5 điểm mới cần biết từ 15/9/2021

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo với nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

*** Giải thích từ ngữ

- Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc bản thân tổ chức, cá nhân đó (khoản 5 Điều 3 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13).

- Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo.

- Người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân dùng phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang thông tin điện tử, người tổ chức chương trình văn hóa, thể thao và tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện quảng cáo khác.

- Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

- Trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Nghị định này là hệ thống thông tin sử dụng một hoặc nhiều trang thông tin điện tử dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác nhằm cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, trao đổi thông tin, chia sẻ âm thanh, hình ảnh, tạo diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến để cung cấp dịch vụ quảng cáo.

1. Phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo Nghị định mới, 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi thông báo trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua phương tiện điện tử đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể, phải thông báo những nội dung sau:

- Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có);

- Đầu mối liên hệ: Tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ.

Khoản 2 Điều 14 Nghị định 181/2013 hiện hành cũng quy định trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày, chủ trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo bằng văn bản.

Tuy nhiên, là thông báo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo (không phải người kinh doanh dịch vụ dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam).

quảng cáo trên Google Facebook5 điểm mới về quảng cáo trên Google, Facebook theo Nghị định 70/2021 (Ảnh minh họa)

2. Phải xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu trong 24 giờ

Điều 14 Nghị định 181/2013/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 70 đã quy định rõ quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm và bổ sung chế tài xử lý nếu không tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Cụ thể, sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.

Thông tin về các quảng cáo vi phạm đã được gửi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để xử lý sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nếu không xử lý đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được phân công tại các quy định pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật.

3. Phải có giải pháp kiểm soát và loại bỏ nội dung vi phạm

Đây là yêu cầu mới được quy định tại Nghị định 70/2021, cụ thể, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (bao gồm tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới) có quyền và nghĩa vụ:

- Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ;

- Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Hiện nay, Điều 13 Luật Quảng cáo và Nghị định 181 đều không quy định yêu cầu này đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

Xem thêm: Thêm yêu cầu với người nước ngoài chạy quảng cáo trên Youtube
giải pháp kiểm soát và loại bỏ quảng cáo vi phạm

Có sẵn giải pháp kiểm soát và loại bỏ quảng cáo vi phạm (Ảnh minh họa)

4. Đại lý quảng cáo Việt Nam phải báo cáo định kỳ trước 31/12  

Theo Nghị định 70 năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối quản lý về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Hiện nay, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo khi thực hiện các hợp đồng dịch vụ quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ 6 tháng/lần về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đặt trụ sở chính theo mẫu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Song, từ ngày 15/9/2021, Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước thường được gọi là đại lý (agency) quảng cáo có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam thực hiện:

- Báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 31/12 hoặc;

- Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

Báo cáo được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này, có thể gửi trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua mail, fax.

5. Không cần chạy quảng cáo qua Đại lý quảng cáo Việt Nam

Quy định các tổ chức, doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (khoản 2 Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Được biết, hiện nay chỉ khoảng 45% doanh thu quảng cáo trên Google và khoảng 30% trên Facebook là thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam. Còn lại phần nhiều người quảng cáo sẽ ký hợp đồng trực tiếp với Google (55%) và Facebook (70%).

Xuất phát từ thực tế này, Nghị định 70/2021 đã không còn quy định điều này. Do đó, từ ngày 15/9/2021, người quảng cáo có thể trực tiếp ký hợp đồng với Google, Facebook, Youtube...

Trên đây là một số điểm mới về quảng cáo trên Google, Facebook..., nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục