Quy hoạch đô thị là gì?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi là người dân đang muốn tìm hiểu xem quy hoạch đô thị là gì? Quy hoạch đô thị gồm những loại nào? Và các hành vi bị cấm trong quy hoạch đô thị là gì? Tôi rất mong được giải đáp vấn đề này. Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Quy hoạch đô thị là gì?

Theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009 thì quy hoạch đô thị được hiểu như sau:

4. Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

2. Quy hoạch đô thị gồm loại nào?

Căn cứ khoản 1, Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) như sau:

Điều 18. Các loại quy hoạch đô thị

1. Quy hoạch đô thị gồm các loại sau đây:

a) Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới.

Quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho thành phố trực thuộc trung ương;

b) Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới;

c) Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.

Như vậy, quy hoạch đô thị gồm các loại nêu trên.

Quy-hoach-do-thi-la-gi

3. Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị

Quy định về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị được nêu tại Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018), cụ thể:

- Cụ thể hóa quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.

- Dự báo khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy chuẩn khác có liên quan.

- Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm hoạ ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị.

- Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

- Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị.

- Đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà ở, công trình y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh, mặt nước và công trình hạ tầng xã hội khác.

- Đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Bảo đảm sự kết nối, thống nhất giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và sự liên thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế.

4. Các hành vi bị cấm trong quy hoạch đô thị

Điều 16 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) quy định về các hành vi bị cấm trong quy hoạch đô thị như sau:

- Không thực hiện trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị.

- Chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị không đủ điều kiện năng lực.

- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động quy hoạch đô thị.

- Từ chối cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cung cấp sai thông tin về quy hoạch đô thị.

- Cố ý vi phạm quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

- Phá hoại không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

- Cắm mốc giới sai lệch; phá hoại, làm sai lệch mốc giới quy hoạch đô thị.

- Cản trở, gây khó khăn cho việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị.

Trước đây, hành vi Cấp giấy phép quy hoạch trái với quy định của Luật Quy hoạch đô thị và hành vi Cấp chứng chỉ quy hoạch tại các khu vực chưa có quy hoạch đô thị được phê duyệt cũng là một trong những hành vi cầm trong quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, hai hành vi này đã bị bãi bỏ. Như vậy, hai hành vi này không bị coi là hành vi bị cấm trong quy hoạch đô thị nữa nhưng nếu có sai sót thì vẫn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem thêm:  Đồ án quy hoạch đô thị là gì? Có những loại quy hoạch đô thị nào?

Trên đây là nội dung tư vấn về "Quy hoạch đô thị là gì?" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Bùi Đức Nhã

Được tư vấn bởi: Luật sư Bùi Đức Nhã

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

https://law.tueanhgroup.vn- 09898 67736

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi