Đăng ký khai sinh cho trẻ khi bố mẹ bỏ đi

Câu hỏi:

Cho em hỏi cách làm thủ tục đăng ký khai sinh cho em bé 7 tháng tuổi khi bố mẹ của bé chưa đăng ký kết hôn, bỏ đi không liên lạc được. Hiện bé đang sống với bà ngoại có hộ khẩu ở phường 6, quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Bé sinh tháng 09/2019, ở bệnh viện 175 quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh (có giấy chứng sinh ghi đầy đủ tên cha và mẹ). Sau khi sinh cha mẹ đưa bé về sống với bà ngoại được 1 tháng thì cả 2 bỏ đi, không liên lạc được. Mong LuatVietnam hướng dẫn cách đăng ký khai sinh cho bé để bé được hưởng đầy đủ quyền lợi của trẻ em Việt Nam. (Mẹ của bé sinh năm 1998, cùng hộ khẩu với bà ngoại, cha của bé người Việt Nam, sinh năm 1988).

Trả lời:

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Một trong những quyền của Trẻ em sinh ra có quyền đăng ký khai sinh và được cấp giấy khai sinh ngay cả khi cha mẹ của trẻ chưa đăng ký kết hôn điều này được quy định tại Luật Trẻ em 2016

“Điều 13. Quyền được khai sinh và có quốc tịch

Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì nam nữ không đăng ký kết hôn khi đủ điều kiện đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ đối với con cái thì như khi có đăng ký kết hôn.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:

“Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.

Như vậy, trong trường hợp này, khi bố mẹ của bé không thực hiện đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh cho bé thì bà ngoại có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho bé.

Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch hiện hành như sau:

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.”

Bạn căn cứ quy định trên, liên hệ với Tư pháp xã phường để thực hiện.

Phạm Thị Bích Hảo

Được tư vấn bởi: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Công ty Luật TNHH Đức An

http://luatducan.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi