Đi tù rồi có phải bồi thường thiệt hại không? Không có tiền bồi thường thì sao?

Đi tù rồi có phải bồi thường thiệt hại không? là vấn đề vướng mắc mà không phải ai cũng biết rõ câu trả lời chính xác. Trong bài viết dưới đây của LuatVietnam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là gì?

Trước tiên cần hiểu rõ nghĩa vụ bồi thường trong vụ án hình sự là gì. Theo đó có thể hiểu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là trách nhiệm dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường;

- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại;

- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh vì lý do bất khả kháng.

Đồng thời, tại khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 các đối tượng sau được yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự:

- Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

- Bị hại có quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường.

Ngoài ra, tại khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định:

- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Nguyên đơn dân sự có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường.

di-tu-roi-co-phi-boi-thuong-thiet-hai-khong
Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là trách nhiệm dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự (Ảnh minh họa)

2. Đi tù rồi có phải bồi thường thiệt hại không?

Như đã trình bày ở phần trên và căn cứ theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bồi thường dân sự có thể được giải quyết cùng với quá trình giải quyết vụ án hình sự hoặc cũng có thể được tách ra thành một vụ án riêng.

Do đó, đi tù và bồi thường thiệt hại là hai trách nhiệm riêng biệt của người phạm tội trong vụ án hình sự, bởi vậy dù có đi tù thì người phạm tội vẫn phải chịu bồi thường thiệt hại (nếu có). Trong đó, nguyên tắc để yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện theo Điều 585 của Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, bị hại, nguyên đơn dân sự có quyền đề nghị được thỏa thuận cách thức, hình thức, mức bồi thường thiệt hại;

- Người bị đi tù có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình;

3. Bị cáo không có tiền bồi thường thiệt hại, phải làm sao?

Trong trường hợp bị cáo không có khả năng bồi thường thiệt hại, trước tiên có thể xác minh xem bị cáo có thuộc trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại hay không (trường hợp được miễn gồm gây thiệt hại do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại).

Nếu không thuộc trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại, khi đó theo khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án. Nội dung xác minh nhằm xem xét bị cáo có tài sản nào khác hay không hay có nguồn công việc nào để tạo ra thu nhập hay không.

Sau khi xác minh, nếu cơ quan thi hành án nhận thấy bị cáo còn tài sản khác và bị cáo không tự nguyện thực hiện bồi thường thì căn cứ Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan thi hành án có thể áp dụng một trong số các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với bị cáo:

- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án gồm cả tài sản đang do người thứ ba giữ;

- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

Trong trường hợp bị cáo không còn tài sản nào khác, cũng không thể khai thác được tài sản của bị cáo thì căn cứ khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014, chấp hành viên sẽ thực hiện:

- Xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 06 tháng một lần;

- Thông báo lại cho người được bồi thường nếu sau hai lần xác minh mà bị cáo vẫn chưa có điều kiện thi hành án;

- Việc xác minh tiếp tục được thực hiện sau khi có các thông tin mới của bị cáo.

Trên đây là giải đáp về Đi tù rồi có phải bồi thường thiệt hại không? Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục