Điểm mới của Quy định 24-QĐ/TW hướng dẫn Điều lệ Đảng

Ban Chấp hành Trung ương đã có Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 quy định về thi hành Điều lệ Đảng. Dưới đây là tổng hợp các điểm mới của văn bản này.


1. Quy định mới về trình độ học vấn của người vào Đảng

Về trình độ học vấn của người vào Đảng, điểm 1.2.1 khoản 1.2 Điều 1 Quy định 24 nêu rõ:

Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên

Trong khi đó, theo quy định cũ tại Quy định số 29-QĐ/TW năm 2016, về trình độ học vấn yêu cầu người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Như vậy, theo quy định mới, việc tốt nghiệp tương đương trung học cơ sở đã bị bãi bỏ.

Xem thêm…

2. Quyền được thông tin của Đảng viên

Bên cạnh việc Đảng viên được định kỳ hàng tháng các cấp ủy Đảng thông tin cho Đảng viên thì nay theo Quy định 24, Đảng viên còn được đột xuất theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp ủy cấp trên thông tin về:

- Tình hình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

- Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thời sự trong nước, thế giới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của tổ chức Đảng và Đảng viên.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Điều kiện được xem xét kết nạp lại Đảng viên

Quy định 24 quy định về điều kiện để người được xét kết nạp lại như sau:

- Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng (như Quy định 29).

- Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng. Riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xóa án tích (như Quy định 29).

- Đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư (bổ sung mới).

- Làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng (như Quy định 29).

- Phải được ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp ủy có thẩm quyền (huyện ủy và tương đương) xem xét, quyết định (như Quy định 29).

- Thực hiện đúng các thủ tục kết nạp lại Đảng viên như quy định tại Điều lệ Đảng (như Quy định 29).

Như vậy, so với quy định cũ, Quy định 24 đã hướng dẫn việc kết nạp lại Đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và bị đưa ra khỏi Đảng.

diem moi cua quy dinh 24-qđ/tw

Điểm mới của Quy định 24-QĐ/TW hướng dẫn Điều lệ Đảng (Ảnh minh họa)


4. Giới thiệu và kết nạp người vào Đảng

Quy định 24 có một số nội dung mới so với trước đây về việc giới thiệu và kết nạp người vào Đảng. Cụ thể:

- Đảng viên giới thiệu người vào Đảng: Là Đảng viên chính thức, cùng công tác, lao động, học tập hoặc cùng sinh hoạt nơi cư trú ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của Đảng bộ, chi bộ cơ sở.

Trong khi đó, Quy định 29 chỉ yêu cầu là Đảng viên chính thức, cùng công tác, lao động, học tập ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của Đảng bộ, chi bộ cơ sở.

- Kết nạp người vào Đảng ở nơi chưa có Đảng viên, chưa có chi bộ:

  • Nêu cụ thể cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng là nơi người vào Đảng công tác, lao động, học tập, cư trú (quy định cũ không đề cập đến).
  • Bỏ quy định “phân công Đảng viên chính thức tuyên truyền người vào Đảng” mà chỉ còn “phân công Đảng viên chính thức giúp đỡ người vào Đảng”.

5. Kết nạp và công nhận Đảng viên chính thức sai quy định

Bổ sung quy định về việc kết nạp Đảng viên và công nhận Đảng viên chính thức sai quy định và tổ chức Đảng ban hành quyết định kết nạp đảng viên đã giải thể hoặc bị giải tán thì:

- Nếu không đúng quy định về tiêu chuẩn của Đảng viên: Cấp uỷ có thẩm quyền nơi Đảng viên đang sinh hoạt huỷ bỏ quyết định kết nạp Đảng viên không đúng tiêu chuẩn, điều kiện.

- Về thủ tục kết nạp và công nhận Đảng viên: Cấp uỷ có thẩm quyền nơi Đảng viên đang sinh hoạt tiến hành thẩm tra, xác minh và làm lại các thủ tục theo quy định.

6. Thay “Đảng ủy ngoài nước” thành “Đảng ủy Bộ Ngoại giao”

- Việc phát thẻ Đảng viên: Quy định 24 đã bỏ nội dung “Đảng viên thuộc Đảng bộ Ngoài nước do Đảng ủy Ngoài nước xem xét, ra quyết định”.

- Việc quản lý hồ sơ Đảng viên, thẻ Đảng viên và danh sách Đảng viên trong Đảng bộ theo quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương: Do Đảng ủy Bộ ngoại giao thực hiện (trước đây là Đảng ủy Ngoài nước).

7. Giải quyết khiếu nại về xoá tên Đảng viên

Cơ quan tổ chức của cấp uỷ có trách nhiệm tham mưu giúp cấp uỷ giải quyết khiếu nại theo Quy định 24. Trong khi đó, theo Quy định 29 cũ thì việc giải quyết khiếu nại do dơ quan tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm nghiên cứu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại.

8. Xây dựng Quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng

Quy định 24 đã bổ sung căn cứ xây dựng Quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn được giao so với trước đây gồm:

- Điều lệ Đảng;

- Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp uỷ (mới bổ sung);

- Quy chế làm việc của cấp uỷ cấp trên.

9. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình

Cấp uỷ cấp trên gợi ý cho cá nhân và tập thể cấp uỷ của cơ quan, tổ chức Đảng cấp dưới trực tiếp những nội dung cần làm rõ khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình với cá nhân cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ, uỷ viên Đảng đoàn, ban cán sự Đảng, uỷ viên uỷ ban kiểm tra gồm:

- Phải đi sâu kiểm điểm về trách nhiệm chính trị, mức độ phấn đấu hoàn thành công việc được giao và những vấn đề khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân;

- Giữ gìn phẩm chất cá nhân (tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu);

- Thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên (mới bổ sung).

Riêng nội dung thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình cuối nhiệm kỳ đại hội, Quy định 24 cũng bổ sung nội dung “thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên” so với quy định trước đây tại Quy định 29.

diem moi cua quy dịnh 24-qđ/tw
Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 24-QĐ/TW (Ảnh minh họa)


10. Hệ thống tổ chức của Đảng

Quy định 24 đã bỏ nội dung “Các tổ chức cơ sở Đảng lớn (có đông Đảng viên, có nhiều chi bộ trực thuộc), có vị trí quan trọng (về một trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng) có thể đặt trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương” đã nêu tại Quy định 29.

11. Không được cử đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu chính thức

Nội dung này tại Quy định 24 đã nêu cụ thể, rõ ràng hơn so với Quy định 29 trước đây. Cụ thể, Quy định 24 nêu rõ có 03 trường hợp không được cử đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu chính thức gồm:

- Đại hội cấp dưới bầu không đủ số lượng đại biểu chính thức được phân bổ.

- Cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội.

- Đại biểu chính thức bị bác tư cách.

Đồng thời, Quy định số 24 cũng bổ sung nội dung “chỉ được đề cử đại biểu chính thức của đại hội để bầu làm đại biểu dự đại hội Đảng bộ cấp trên” so với Quy định 29.

12. Trường hợp được cử đại biểu dự khuyết thay thế

Quy định 24 nêu rõ:

Trường hợp đại biểu chính thức (do bầu cử) xin không tham dự đại hội mà được cấp uỷ triệu tập đại hội đồng ý thì được cử đại biểu dự khuyết thay thế.

Trong khi đó, Quy định 29 đang quy định:

Trường hợp đại biểu chính thức (do bầu cử) xin rút mà được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý, thì được cử đại biểu dự khuyết thay thế.

Như vậy, căn cứ quy định trên, chỉ cử đại biểu dự khuyết thay thế nếu đại biểu chính thức xin không tham dự đại hội (quy định cũ là xin rút) mà đã được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý.

13. Lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp uỷ

Cấp uỷ tỉnh, huyện và tương đương:

- Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cơ quan, đơn vị: Văn phòng, ban tổ chức, cơ quan ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận, ban nội chính, trường chính trị và báo của Đảng bộ tỉnh, thành phố (như quy định cũ).

- Cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (mới) có các cơ quan, đơn vị: Văn phòng, ban tổ chức, cơ quan uỷ ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận, trung tâm chính trị (trước đây là trung tâm bồi dưỡng chính trị).

- Đảng bộ khối, Đảng bộ cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở Đảng khác trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ có các cơ quan: Văn phòng, ban tổ chức, cơ quan uỷ ban kiểm tra, ban tuyên giáo (như quy định cũ).

Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

- Gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

- Ở cấp Trung ương do Bộ Chính trị quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu quản lý (trước đây là giao Ban Tổ chức Trung ương quản lý).

- Ở cấp tỉnh, cấp huyện do Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý, định kỳ báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương). Trong khi đó, trước đây giao ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy quản lý, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

14. Tiêu chuẩn, đối tượng tặng Huy hiệu Đảng

- Truy tặng Huy hiệu Đảng cho Đảng viên đã từ trần hoặc bệnh nặng:

  • Đảng viên bị bệnh nặng hoặc từ trần: Xét tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá một năm (quy định cũ chỉ có Đảng viên từ trần nhưng phải đáp ứng điều kiện đủ tuổi Đảng).
  • Đảng viên 70 năm, 75 năm, 80 năm, 85 năm, 90 năm tuổi Đảng trở lên nếu bị bệnh nặng: Được xét tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá hai năm (quy định cũ đang là thời gian xét tặng sớm không được quá một năm và không yêu cầu phải có tuổi Đảng tương ứng nêu trên).

- Điều kiện xét tặng Huy hiệu Đảng:

  • Đảng viên bị kỷ luật về Đảng thì chưa được xét tặng (quy định cũ đang là từ hình thức cảnh cáo trở lên).
  • Nếu sửa chữa tốt khuyết điểm, được chi bộ công nhận sẽ được xét tặng Huy hiệu Đảng nếu: Sau 6 tháng với kỷ luật khiển trách (quy định cũ là với kỷ luật cảnh cáo); 9 tháng với kỷ luật cảnh cáo (quy định cũ không quy); 01 năm với kỷ luật cách chức (như quy định cũ).

Xem thêm: Chi tiết mức tiền thưởng Đảng viên mới nhất

15. Sinh hoạt định kỳ của Đảng bộ cơ sở, chi bộ

So với Quy định 29 thì Quy định 24 năm 2021 đã bổ sung nội dung “việc thí điểm sinh hoạt trực tuyến ở một số Đảng bộ, chi bộ đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt theo hướng dẫn của Ban Bí thư”.

Trên đây là những điểm mới của Quy định 24 hướng dẫn Điều lệ Đảng đáng chú ý. Với các quy định khác liên quan đến Đảng viên, quý độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được tìm hiểu thêm.

>> Thủ tục kết nạp Đảng viên cập nhật mới nhất

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục