Mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy mới nhất 2024

Phòng cháy chữa cháy luôn là hoạt động quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Bài viết dưới đây là mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy mới nhất theo quy định của pháp luật.

1. Những nơi nào cần có nội quy phòng cháy chữa cháy

Những cơ sở cần có nội quy phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành bao gồm:

1.1 Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố

Theo khoản 9 Điều 1, Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi, số 40/2013/QH13 có quy định:

Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn) phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; căn cứ vào điều kiện cụ thể có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông, nguồn nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy, thôn, làng, ấp, bản, buôn được gọi chung là thôn. Mỗi thôn được xác định là một khu dân cư và đều có yêu cầu về quản lý phòng cháy chữa cháy. Các thôn phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, có nội quy về phòng cháy chữa cháy là một yêu cầu cơ bản nhằm tuân thủ quy định của pháp luật trong việc phòng cháy chữa cháy khu dân cư.

Ngoài ra, để đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy thì các thôn còn cần có nội quy về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy,.. Nội quy này cần phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.

1.2 Các cơ quan do cơ quan Công an quản lý

Nhà xưởng kinh doanh, sản xuất; kho hàng; khách sạn; nhà hàng; chung cư; công ty, doanh nghiệp,... là những cơ sở bắt buộc phải có nội quy phòng cháy chữa cháy.

Tại Phụ lục III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP có quy định về các cơ sở bắt buộc phải có nội quy phòng cháy chữa cháy do Công an quản lý, cụ thể như sau:

  • Trụ sở của cơ quan nhà nước tính từ cấp huyện trở lên.

  • Nhà chung cư có từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5000m3 trở lên; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 2500m3 trở lên; nhà hỗn hợp có từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1500m3 trở lên.

  • Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1000m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích từ 2000m3 trở lên; trường trung học phổ thông, trường cao đẳng, đại học; trường trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục thường xuyên có tổng khối tích tính từ 1000m3 trở lên.

  • Bệnh viện, phòng khám đa khoa, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh có từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1000m3 trở lên.

  • Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; các trung tâm hội nghị, trung tâm tổ chức sự kiện có từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1500m3 trở lên.

  • Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích có diện tích kinh doanh từ 300m² trở lên hoặc có khối tích từ 1000m3.

  • Khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1500m3 trở lên; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1000m3 trở lên.

  • Nhà làm việc của các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1500m3 trở lên.

  • Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, nhà sách có khối tích từ 1500m3 trở lên; cơ sở tôn giáo có khối tích từ 5000m3 trở lên.

  • Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1500m3 trở lên.

  • Cảng hàng không, đài kiểm soát không lưu, bến cảng biển, cảng thủy nội địa, bến xe khách, trạm dừng nghỉ,... có diện tích kinh doanh từ 500m² trở lên hoặc có khối tích tính từ 5000m3 trở lên.

  • Gara để xe có sức chứa từ 20 xe ô tô trở lên hoặc bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của Pháp luật có sức chứa từ 20 xe ô tô trở lên.

  • Hầm đường bộ và hầm đường sắt có chiều dài hầm từ 500m trở lên.

  • Cơ sở sản xuất, kinh doanh và bảo quản, sử dụng vật liệu nổ.

  • Cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản dầu mỏ và các loại sản phẩm dầu mỏ, khí đốt trên đất liền.

  • Nhà máy điện, trạm biến áp có điện áp từ 110kv trở lên.

  • Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ; kho hàng hóa có tổng khối tích từ 1500m3 trở lên.

  • Các cơ sở khác có trạm cấp xăng dầu nội bộ hoặc có sử dụng hệ thống cấp khí đốt trung tâm có tổng lượng khí sử dụng từ 70kg trở lên.

  • Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, có chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì dễ cháy của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất và kinh doanh từ 300m² trở lên.
Chung cư từ 5 tầng trở lên phải có nội quy phòng cháy chữa cháy
Chung cư từ 5 tầng trở lên phải có nội quy phòng cháy chữa cháy (Ảnh minh họa)

2. Một số mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy mới nhất

Nội quy phòng cháy chữa cháy có ý nghĩa rất quan trọng. Những mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy được lập ra nhằm giúp cho từng cá nhân có ý thức tuân thủ, chấp hành theo đúng quy định của nội quy đó. Điều này sẽ giúp cho việc phòng ngừa, hạn chế cháy nổ xảy ra ở mức thấp nhất có thể.

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy một cách cụ thể. Tùy theo tình hình thực tế đối với khu vực sinh sống, kết cấu hạ tầng đối với doanh nghiệp và tiêu chuẩn kỹ thuật mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể quyết định mẫu nội quy sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy tiêu chuẩn phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động và bao gồm các nội dung sau:

  • Có quy định về việc quản lý và sử dụng điện, nguồn điện, nguồn nhiệt, các chất dễ gây cháy nổ và các dụng cụ sinh nhiệt, sinh lửa.

  • Có quy định về việc quản lý và sử dụng thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy.

  • Nêu ra những hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

  • Những việc cần làm khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Nội quy phòng cháy chữa cháy cần phải được phổ biến đến mọi người và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người được biết và tuân thủ. Dưới đây là một số mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy mới nhất bạn có thể tham khảo:

Mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư (Ảnh minh hoạ)
Mẫu nội quy phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư (Ảnh minh họa)

2.1 Mẫu nội quy phòng cháy và chữa cháy tại trường học

NỘI QUY 

‎ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

(Kèm theo Quyết định số /QĐ-SGDĐT ngày tháng năm … của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ……..)

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và trật tự an ninh trong cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo ............, Giám đốc Sở quy định Nội quy phòng cháy và chữa cháy như sau:

Điều 1. Phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo ............, kể cả khách đến cơ quan liên hệ công tác.

Điều 2. Không được sử dụng lửa, củi, đun nấu, hút thuốc trong kho và nơi cấm lửa.

Điều 3. Không được câu, mắc, sử dụng điện tuỳ tiện; hết giờ làm việc phải kiểm tra và tắt đèn, quạt và các thiết bị điện khác trước khi ra về.

Không:

 Dùng các vật liệu dẫn điện khác thay cầu chì.

 Dùng dây điện cắm trực tiếp vào ổ cắm.

 Để các chất dễ cháy gần cầu chì, bảng điện, dây dẫn điện.

 Để xăng dầu, các chất dễ cháy trong phòng làm việc.

 Sử dụng bếp điện, thắp hương trong phòng làm việc.

Điều 4. Sắp xếp hồ sơ, tài liệu, vật tư, phương tiện, hàng hoá trong kho phải gọn gàng, sạch sẽ, xếp riêng từng loại, có khoảng cách ngăn cháy, xa mái, xa tường, để tiện kiểm tra và cứu chữa khi cần thiết.

Điều 5.  Khu vực để ô tô, xe máy phải gọn gàng, có lối đi lại, khi đỗ xe phải hướng đầu xe ra ngoài.

Điều 6.  Không để các chướng ngại vật trên các lối đi lại, hành lang, cầu thang.

Điều 7. Phương tiện dụng cụ chữa cháy phải để nơi dễ thấy, dễ lấy và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định, không ai được lấy sử dụng vào việc khác.

Điều 8. Cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo ............ thực hiện tốt quy định này được khen thưởng, người nào vi phạm sẽ tuỳ mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2.2 Mẫu nội quy phòng cháy và chữa cháy tại doanh nghiệp

NỘI QUY PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Điều 1:  Phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ của toàn thể Cán bộ – Công nhân viên của công ty, ngoài ra còn có cả khách hàng, những người có mặt tại làm việc ở công ty.

Điều 2: Cấm không được sử dụng chất dễ cháy như: Lửa, củi đun nấu, hút thuốc trong nhà kho dùng dây đồng, dây bạc thay cầu chì, nơi sản xuất, dùng dây điện cắm trực tiếp vào ổ điện, để các chất dễ cháy nổ gần cầu chì, dây dẫn điện và bảng điện.

Điều 3:  Sắp xếp trật tự các hàng hóa, vật tư ở trong kho, khu vực sản xuất hàng hóa phải gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Xếp riêng từng loại và có khoảng cách để ngăn cháy, xa mái nhà, xa tường để dễ dàng trong kiểm tra hàng hóa và cứu chữa khi cần thiết. Khi sử dụng xăng công nghiệp, hóa chất cần phải cẩn trọng, tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng.

Điều 4:  Khi xuất nhập hàng hóa, xe không được nổ máy ở trong kho sản xuất và khi đậu xe, phải hướng đầu xe ra ngoài.

Điều 5:  Không để đồ đạc, các chướng ngại vật ở trên lối đi lại.

Điều 6:  Phương tiện và dụng cụ chữa cháy cần phải để ở những địa điểm dễ thấy, dễ lấy, không để ở trong góc khuất, ít người qua lại, Không được sử dụng phương tiện chữa cháy vào những việc khác.

Điều 7:  Những người thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy sẽ được khen thưởng, những ai vi phạm tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc mà xử lý từ cảnh cáo cho đến thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, truy tố trước pháp luật.

ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP

(ký, ghi rõ họ trên, chức vụ, đóng dấu)

2.3 Mẫu nội quy phòng cháy và chữa cháy tại Ủy ban nhân dân huyện

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

NỘI QUY PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY 

‎ Tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân huyện .......... 

‎ (Ban hành kèm theo QĐ số: ...../QĐ-UBND, ngày......... của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ..........)

Để bảo vệ tài sản, an toàn tính mạng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cá nhân đến làm việc và liên hệ công tác tại Trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân huyện, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Nay Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện .......... ban hành Nội quy phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tại trụ sở làm việc, cụ thể như sau:

Điều 1.  Phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cá nhân khi đến làm việc và liên hệ công tác. Mọi người đều phải tham gia tích cực vào công tác PCCC.

Điều 2.  Tất cả các cá nhân đều phải chấp hành tuyệt đối công tác PCCC. Không được mang vật liệu chứa các chất dễ cháy, dễ nổ vào trong cơ quan.

Điều 3.  Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan phải có trách nhiệm bảo quản và đặt các phương tiện PCCC đúng nơi quy định, đảm bảo dễ thấy, dễ lấy sử dụng và không sử dụng phương tiện này vào mục đích khác.

Điều 4.  Đội PCCC của cơ quan phải tăng cường kiểm tra thường xuyên công tác PCCC, nhất là việc bảo quản, bảo dưỡng các dụng cụ, phương tiện chữa cháy đã trang bị và đảm bảo sử dụng hiệu quả khi xảy ra cháy, nổ.

Điều 5.  Các thành viên Đội PCCC của cơ quan có trách nhiệm tham gia học tập, thực tập theo phương án PCCC đã được Ủy ban nhân dân huyện ban hành và có trách nhiệm hướng dẫn, truyền đạt lại cho các đồng nghiệp trong cơ quan biết và vận dụng khi xảy ra cháy, nổ.

Điều 6.  Khi rời khỏi nơi làm việc, tất cả mọi người phải có trách nhiệm ngắt (đóng) hết điện các thiết bị tiêu thụ điện và kiểm tra tình trạng an toàn PCCC. Không được tự ý câu mắc điện khi chưa được phép của người có trách nhiệm trong cơ quan.

Điều 7.  Khi phát hiện xảy ra cháy, nổ, các cá nhân phải nhanh chóng báo động (hô hoán, nhấn chuông báo cháy...) cho mọi người đều biết, đồng thời gọi điện thoại báo cháy cho Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh ....... qua số điện thoại: 114

Điều 8.  Yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cá nhân đến làm việc và liên hệ công tác phải chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy trên. Ai vi phạm tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện nay.

......., Ngày..... tháng...... năm......

CHỦ TỊCH

3. Không có nội quy phòng cháy chữa cháy bị phạt thế nào?

Nội quy phòng cháy chữa cháy không chỉ nhằm hướng dẫn mọi người thực hiện các biện pháp an toàn trong việc sử dụng điện, sử dụng nhiệt, mà còn hạn chế và ngăn chặn các nguy cơ cháy nổ xảy.

Theo quy định của Khoản 4, Điều 29, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có hoặc có nội quy phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhưng trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, việc không có nội quy phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.

Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn những nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về nội quy phòng cháy chữa cháy. Qua đó, chúng tôi hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế chuẩn nhất 2024

Mẫu Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế chuẩn nhất 2024

Mẫu Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế chuẩn nhất 2024

Khi có khúc mắc trong về thuế, doanh nghiệp có thể gửi Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế quản lý để được hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật. Mời bạn đọc tải ngay mẫu Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế được nhiều người sử dụng nhất tại bài viết này.