Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người cao tuổi thế nào?

Người cao tuổi có được đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không? Quyền lợi bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người cao tuổi được quy định như thế nào? Tất cả sẽ được LuatVietnam giải đáp ngay sau đây.


1. Người cao tuổi có được mua bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Căn cứ Điều 2 Luật Người cao tuổi, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Theo đó, nếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người cao tuổi hoàn toàn có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bởi khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ, Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Hướng dẫn cụ thể quy định này, khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH đã liệt kê những người được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn, khu, tổ dân phố, khu phố.

- Người lao động giúp việc gia đình.

- Người tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.

- Xã viên làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương, tiền công.

- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm (bao gồm người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình).

- Người lao động đã tuổi nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu.

- Người tham gia khác.

Các quy định trên đều không giới hạn độ tuổi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nên nếu có nhu cầu, lao động cao tuổi có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Người cao tuổi có được mua bảo hiểm tự nguyện không?
Người cao tuổi có được mua bảo hiểm tự nguyện không? (Ảnh minh họa)

2. Quyền lợi bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người cao tuổi thế nào?

Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, quyền lợi về bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người cao tuổi được áp dụng tương tự như các đối tượng khác.

Cụ thể, căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người cao tuổi sẽ được hưởng 02 chế độ bao gồm:

(1) Chế độ hưu trí.

(2) Chế độ tử tuất.

Trong đó, chế độ hưu trí bao gồm quyền được rút bảo hiểm xã hội 1 lần nếu không còn nhu cầu đóng tiếp hoặc đóng bảo hiểm xã hội  bảo hiểm tự nguyện từ đủ 20 năm trở lên để hưởng lương hưu.

Còn với chế độ tử tuất, người cao tuổi đóng bảo hiểm xã hội không phải người được trực tiếp hưởng quyền lợi từ quỹ bảo hiểm xã hội mà là thân nhân của người này. Khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mất, thân nhân của họ sẽ có cơ hội được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất một lần.

Mặc dù quyền lợi hưởng là như nhau nhưng người lao động cao tuổi được được ưu tiên rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng cách đóng gộp nhiều năm.

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người cao tuổi cần tích lũy dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 10 năm đầu tiền bằng cách đóng hằng tháng, 03 tháng/lần, 06 tháng/lần, 01 năm/lần, 05 năm/lần. Sau đó người này được đóng gộp 10 năm còn lại trong 01 lần để được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định.

Quyền lợi bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người cao tuổi
Quyền lợi bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người cao tuổi (Ảnh minh họa)

3. Người cao tuổi có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không?

Việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những giải pháp giúp người lao động có lương hưu khi về già. Tuy nhiên với những người cao tuổi, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu an dưỡng tuổi già thì cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa những ưu điểm và nhược điểm liên quan đến loại bảo hiểm này.

Ưu điểm

Nhược điểm

- Được chi trả lương hưu hằng tháng nếu tích lũy từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

- Vừa được lĩnh lương hưu vừa được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hưởng 95%.

- Người lao động qua đời, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất 01 lần.

- Phải đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian 10 năm để tích lũy đủ 20 năm đóng.

- Mức hưởng lương hưu khi đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội không cao:

  • Nam được hưởng 45% mức bình quân thu nhập đóng bảo hiểm.

  • Nữ được hưởng 55% mức  bình quân thu nhập đóng bảo hiểm.

Từ những ưu nhược điểm trên, người cao tuổi cần đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân. Ví dụ, nếu lao động cao tuổi có sức khỏe tốt, khả năng tuổi thọ cao thì nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu tự lo cho bản thân sau này.

Trên đây là những thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người cao tuổi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục