Thông báo 439/TB-VPCP 2019 kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp về an toàn thực phẩm
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 439/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 439/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành: | 20/12/2019 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe, Thực phẩm-Dược phẩm |
tải Thông báo 439/TB-VPCP
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ---------- Số: 439/TB-VPCP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2019 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương
về an toàn thực phẩm
-------------
Ngày 13 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế về công tác an toàn thực phẩm năm 2019, định hướng, giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2020 và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận chỉ đạo như sau:
1. Về chuẩn bị Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm:
a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung Hội nghị (dự kiến tổ chức vào đầu tháng 01 năm 2020); xây dựng kịch bản cụ thể, lựa chọn các tham luận có chất lượng, tránh tham luận có nội dung trùng lặp, lưu ý lựa chọn các tham luận về mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm có tính khả thi để nhân rộng.
b) Đề nghị Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam chuẩn bị các tham luận về hoạt động vận động, giám sát, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn tại nông thôn gắn với việc đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm của hội viên Hội nông dân, Hội phụ nữ.
2. Về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc:
a) Giao Bộ Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan (trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan chức năng ở nước ngoài) thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, làm việc vơi Đài Truyền hình Việt Nam để thường xuyên công bố, đưa ra cảnh báo trong Chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam về các loại sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quảng cáo và pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo có nội dung phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thuốc; xử lý nghiêm các vi phạm.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm các loại thực phẩm chức năng, thuốc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
d) Đài Truyền hình Việt Nam siết chặt việc quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình theo đúng quy định của pháp luật, có giải pháp hạn chế dần và tiến tới loại bỏ các quảng cáo không đúng sự thật, có nội dung phản cảm về thực phẩm chức năng, thuốc trong các khung giờ vàng tại các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam.
3. Về hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm:
a) Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước và nhân dân.
b) Trước 25 tháng 12 năm 2019, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cung cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ các dữ liệu về các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm (như các trang trại sạch, cơ sở giết mổ đạt yêu cầu, danh sách các phòng kiểm nghiệm...) để cập nhật vào chuyên mục an toàn thực phẩm và bản đồ số thuộc hệ tri thức Việt số hóa.
4. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Nội vụ để giải quyết dứt điểm việc thành lập các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nước mắm; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước mắm.
5. Bộ Y tế nghiên cứu, đổi mới cách thức họp Ban chỉ đạo, tăng cường họp trực tuyến.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ, CQ: YT, NNPTNT, CT, CA, KHCN, TC, TTTT, NV, Thanh tra CP; - UBTWMTTQVN, Hội NDVN, Hội LHPNVN; - Các Thành viên BCĐ liên ngành TW về an toàn thực phẩm; - UBND tỉnh, TP trực thuộc TW; - VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, NN, TCCV; - Lưu: VT, KGVX (3). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây