Thông báo 2323/TB-TTCP 2022 mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Thông báo 2323/TB-TTCP

Thông báo 2323/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế
Cơ quan ban hành: Thanh tra Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:2323/TB-TTCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Trần Văn Minh
Ngày ban hành:29/12/2022Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe, COVID-19

tải Thông báo 2323/TB-TTCP

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Thông báo 2323/TB-TTCP DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Thông báo 2323/TB-TTCP PDF
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THANH TRA CHÍNH PHỦ

__________

Số: 2323/TB-TTCP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

___________________

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2022

 

 

THÔNG BÁO KẾT LUẬN THANH TRA

Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế

_______________

 

Ngày 15/11/2022, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 1066/KL-TTCP về thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế. Kết luận thanh tra đã được Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 4473/VPCP-V.I ngày 12/12/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Căn cứ Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010, Điều 46 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra như sau:

A. NỘI DUNG THANH TRA

Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế.

Thời kỳ thanh tra: từ 01/01/2020 đến 31/12/2021.

B. KẾT QUẢ THANH TRA

I. Những kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước. Trước yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Ngành y tế đã huy động tổng lực với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Ngành y tế là lực lượng tuyến đầu đã vượt qua khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để khống chế, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.

Bộ Y tế với vai trò nòng cốt, giúp Chính phủ trong phòng, chống dịch, được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó phải đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Để đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch, yêu cầu các bệnh viện tuyến trung ương rà soát thuốc, máy móc, trang thiết bị, vật tư phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân, chủ động bổ sung, thay thế, không được để tình trạng thiếu khi xảy ra dịch. Vì vậy, ngoài việc được giao nhiệm vụ mua sắm trực tiếp một số trang thiết bị y tế (TTBYT), các cơ sở khám chữa bệnh phải chủ động mua sắm, trang bị đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Tại các đơn vị được kiểm tra xác minh, trong 02 năm qua đã thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc, góp phần tích cực vào việc khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các hoạt động chuyên môn. Cùng với cơ số thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm được Bộ Y tế, các nhà tài trợ cung cấp, việc mua sắm của các đơn vị đã đáp ứng cơ bản đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm và thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại bệnh viện và các bệnh viện dã chiến được giao phụ trách, góp phần tích cực vào việc đẩy lùi dịch bệnh.

II. Hạn chế, thiếu sót, vi phạm

Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 qua kiểm tra tại Bộ Y tế và một số đơn vị thuộc Bộ cơ bản thực hiện theo đúng trình tự, quy trình, thủ tục mua sắm quy định, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện còn có thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống Covid-19 như sau:

1. Đối với Bộ Y tế

- Bộ Y tế chưa thực hiện mua sắm tập trung đối với danh mục tài sản do Bộ ban hành theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ và Luật Đấu thầu; có thiếu sót khi ban hành Quyết định số 1367/QĐ-BYT ngày 23/2/2021 bãi bỏ danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ nhưng không gửi các đơn vị trực thuộc và Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi, dẫn đến một số gói thầu bệnh viện trực tiếp mua sắm chưa được Kho bạc Nhà nước chấp nhận thanh toán, nhà thầu đề nghị tính lãi chậm trả. Sau khi Thanh tra Chính phủ dự thảo Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế báo cáo việc chi trả hợp đồng mua sắm 400 máy thở của BV Phổi TW đã được Bộ Tài chính phân bổ kinh phí tại Văn bản số 5281/BTC-HCSN ngày 07/6/2022 và được Kho bạc giải ngân thanh toán.

- Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) sử dụng các hợp đồng mua sắm hàng hóa tương tự không đáp ứng thời hạn quy định để xây dựng giá gói thầu, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính (41 gói thầu của 04 bệnh viện). Việc thẩm định KHLCNT có trường hợp chưa theo đúng quy định của Bộ Y tế; một số trường hợp dự toán kinh phí giao chưa kịp thời theo quy định.

- Việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt KHLCNT của Bộ Y tế đối với các gói thầu (gồm: Hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus tại BVTW Huế, BVTW Thái Nguyên; Máy X-Quang di động kỹ thuật số, model FRD Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifim tại BV Phổi TW, BVTW Huế) có dấu hiệu vi phạm Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Bộ Y tế ban hành một số văn bản thông báo giá sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 nội dung không rõ ràng về thông tin “tham khảo”, thông tin “giá công bố” tại phụ lục văn bản có thể hiểu là giá doanh nghiệp công bố hoặc giá Bộ Y tế công bố, trong khi TTBYT không phải mặt hàng do nhà nước quản lý giá, việc công bố giá bán TTBYT không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

- Bộ Y tế chưa thực hiện trực tiếp đăng tải kết quả đấu thầu theo báo cáo của các đơn vị gửi Bộ quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế.

- Bộ Y tế quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vắc xin từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC), dẫn đến VNVC giữ lại 73.504 liều vắc xin để tiêm chủng (đã tổ chức tiêm 58.974 liều cho 68.099 người) không có trong kế hoạch tiêm chủng được phê duyệt của Bộ Y tế, không có sự kiểm soát của Bộ Y tế về đối tượng, quy trình theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và mục đích tiêm phi thương mại theo quy định của Chính phủ. (Nội dung này đang được Bộ Y tế tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

- Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ưong (VSDTTW) có văn bản đồng ý để VNVC được giữ lại 73.504 liều vắc xin và tiếp nhận, phân bổ 1.067.700 liều vắc xin (có hạn sử dụng ngắn đến 31/3/2022) cho các tỉnh, thành phố có nhu cầu để triển khai tiêm chủng là chưa phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 77/TB-VPCP ngày 19/3/2022. (Nội dung này đang được Bộ Y tế tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

- Việc chỉ đạo, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế có trường hợp còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn tại các bệnh viện khi thực hiện (Bệnh viện K; BV Nhi TW, BV Phổi TW); việc thẩm định, phê duyệt KHLCNT mua sắm kéo dài, dẫn đến quá trình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, Kít xét nghiệm bị chậm, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh (cá biệt tại gói thầu “Cung cấp hóa chất năm 2021 của BV Bệnh Nhiệt đới TW”, KHLCNT được duyệt sau hơn 6 tháng, dẫn đến căn cứ xây dựng giá kế hoạch đã không còn giá trị nhưng không yêu cầu đơn vị xây dựng lại).

- Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về phân loại các dòng máy thở, trong khi trang thiết bị mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch theo Văn bản số 104/KCB-NV ngày 01/02/2020 của Cục QLKCB Bộ Y tế có một số danh mục về máy thở (trong đó có máy thở xâm nhập và không xâm nhập, máy thở chức năng cao) dẫn đến Bệnh viện xây dựng, phân định máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập và không xâm nhập theo tên chung, tên thương mại còn không rõ ràng, việc quyết định lựa chọn mua các dòng máy còn bất cập, thiếu tính nhất quán, ảnh hưởng đến xây dựng giá mua sắm.

2. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Y tế

- Viện VSDTTW ký hợp đồng cho phép VNVC được giữ lại không quá 30.000 liều vắc xin để phục vụ cho công tác tiêm chủng là không đúng với chủ trương, quyết định mua sắm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự toán mua sắm, KHLCNT được Bộ Y tế phê duyệt và quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Viện VSDTTW, không đúng quy định tại khoản 3 Điều 65 Luật Đấu thầu.

- Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và Sinh phẩm y tế thực hiện thiếu thủ tục phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Đấu thầu (Gói thầu mua vắc xin Abdala).

- Bệnh viện K được Bộ Y tế giao mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch theo Quyết định số 3658/QĐ-BYT ngày 01/8/2021 với kinh phí được bổ sung là 1.157,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra việc mua sắm chưa được thực hiện, có thể ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Việc xây dựng cấu hình, tính năng kỹ thuật, giá gói thầu (giá kế hoạch), lựa chọn hình thức mua sắm, công tác đấu thầu (xây dựng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất,...), thực hiện hợp đồng mua sắm còn nhiều thiếu sót, vi phạm như đã chỉ ra tại phần kết quả kiểm tra, xác minh của Kết luận thanh tra.

- Gói thầu thiết bị TB03, TB04 thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật “ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới viện trợ tại Viện VSDTTW có sai sót, vi phạm về trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ dự thầu; giá trị dự toán, nghiệm thu lắp đặt sai quy định (Gói thầu TB03 là 189 trđ; Gói thầu TB04 là 122 trđ).

- Việc mua sắm sinh phẩm, kít xét nghiệm tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, BVTW Cần Thơ để xảy ra lãng phí nguồn vốn mua sắm số tiền 2.102,5 trđ.

- Nhiều TTBYT được mua qua các đơn vị trung gian dẫn đến khó quản lý về giá TTBYT.

- Hầu hết danh mục hàng hóa nhập khẩu trong các hợp đồng vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm tại các bệnh viện (BV ĐH Y, BV Chợ Rẫy, BV ĐH Y Dược TP.HCM, BVTW Cần Thơ, viện Pasteur TP.HCM) khi nhận hàng hóa đều không có đầy đủ các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu.

- Việc đăng tải KHLCNT và kết quả lựa chọn nhà thầu còn nhiều trường hợp bị chậm, không đảm bảo theo khoản 1 Điều 8 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT, khoản 1 Điều 17 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ làm ảnh hưởng đến việc công khai giá mua TTBYT, việc tham khảo giá để mua sắm.

- 07/13 Viện, Bệnh viện thuộc Bộ Y tế sử dụng hàng dùng nghiên cứu khoa học (RUO), dùng trong phòng thí nghiệm (LUO) trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng hàng nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ Y tế (chỉ được sử dụng cho nghiên cứu, thí nghiệm, không được sử dụng trong lĩnh vực y tế). Sau khi Thanh tra Chính phủ gửi dự thảo Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản khẳng định trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, sinh phẩm RUO, LUO được sử dụng chẩn đoán vi rút Sars-CoV-2 theo khuyến cáo, tiêu chí của WHO và US.CDC (sử dụng trong lĩnh vực y tế), đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trong khẳng định về chuyên môn, tuy nhiên, Bộ Y tế đã không kịp thời điều chỉnh quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý cấp phép nhập khẩu hàng RUO, LUO, nên việc thực hiện của đơn vị sử dụng và doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO không đúng với các văn bản Bộ Y tế đã ban hành trước đó gửi Tổng cục Hải quan và hướng dẫn doanh nghiệp về quản lý, sử dụng hàng RUO, LUO nhập khẩu, trách nhiệm thuộc Bộ Y tế.

- Quá trình BVTW Cần Thơ thực hiện mua sắm TBYT theo KHLCNT được phê duyệt tại Quyết định số 1301/QĐ-BYT ngày 22/03/2020 của Bộ Y tế (18 gói thầu) có một số dấu hiệu bất thường, trong đó có 02 gói thầu (Gói thầu số 07 mua 01 hệ thống ECMO, giá trị 3.482 trđ và Gói thầu số 18 mua 02 máy điện tim ≥ 6 kênh, giá trị 125,9 trđ) vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu. Sau khi Thanh tra Chính phủ gửi dự thảo Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và BVTW Cần Thơ có văn bản báo cáo giải trình, bổ sung thông tin đối với Gói thầu số 07, do nhà thầu không nhập khẩu được phụ kiện theo đúng xuất xứ của hợp đồng đã ký, theo yêu cầu của Bệnh viện, nhà thầu đã khắc phục nhận lại máy và hoàn trả toàn bộ số tiền được thanh toán theo hợp đồng, Bệnh viện đã nộp vào NSNN số tiền 3.482 trđ; đồng thời đối với các gói thầu thuộc KHLCNT được phê duyệt theo Quyết định số 1301/QĐ-BYT mua sắm TBYT phục vụ phòng, chống dịch, các nhà thầu có đề nghị và đã nộp vào NSNN phần lợi nhuận nhà thầu thu được từ các gói thầu với tổng số tiền 4.025 trđ, trong đó nhà thầu đã nộp NSNN toàn bộ kinh phí Gói thầu số 18, số tiền 125,9 trđ.

- Việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020-2021 có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; đồng thời trong đó có một số doanh nghiệp cho Viện Pasteur TP.HCM mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng RUO, LUO (gồm: Công ty TNHH TBYT Phương Đông, Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, Công ty TNHH Roche Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Sự sống) đã nêu tại phần kết quả kiểm tra, xác minh của Kết luận thanh tra.

- Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn; sau khi trúng thầu, Công ty không trực tiếp mua từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền mà mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho các Bệnh viện, dẫn đến giá TBYT bị nâng cao (đa số đơn giá TBYT trong hợp đồng của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc với các Bệnh viện cao gấp khoảng từ 2 đến 3,1 lần đơn giá nhập khẩu sau thuế) có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường.

3. Đối với các đơn vị có liên quan

Kho bạc Nhà nước địa phương kiểm soát chi có trường hợp chấp nhận, có trường hợp không chấp nhận (Kho bạc Nhà nước Ba Đình) giải ngân thanh toán đối với các thiết bị do bệnh viện mua sắm nằm trong danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ Y tế tại Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 30/7/2018, thể hiện sự thiếu nhất quán trong việc kiểm soát chi thanh toán qua Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính.

III. Nguyên nhân của những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm

1. Nguyên nhân khách quan

- Trong bối cảnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chưa từng có tiền lệ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ngành y tế phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp, trong khi quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát hết các tình huống ứng phó với bùng phát nhanh của dịch bệnh, quy định về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế trong tình huống cấp bách trong phòng, chống dịch chưa cụ thể và đồng bộ, có bất cập và nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến những hạn chế, sai sót về trình tự, thủ tục khó tránh khỏi trong quá trình thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm Kít xét nghiệm phòng, chống dịch.

- Thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm và vật tư y tế tiêu hao là loại hàng hóa đặc thù, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, thế hệ công nghệ luôn thay đổi, cập nhật, giá cả phụ thuộc vào hàm lượng, quy cách đóng gói, mục đích sử dụng, hãng, nước sản xuất,... nên công tác quản lý gặp khó khăn, cơ quan quản lý chưa theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

- Dịch bệnh bùng phát trên quy mô toàn cầu dẫn đến nhu cầu khẩn cấp của tất cả các nước về trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, Kít xét nghiệm dùng cho phòng, chống dịch bệnh; nguồn hàng cung ứng trở lên khan hiếm, giá cả biến động liên tục trong thời gian ngắn, gây khó khăn trong công tác mua sắm.

- Quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, chưa quy định cụ thể thế nào là “trường hợp cấp bách” nên khi xảy ra dịch Covid-19 chưa có sự nhất quán trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện (trong cùng đợt mua sắm, có gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, có gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp hoặc đấu thầu rộng rãi).

2. Nguyên nhân chủ quan

- Việc phối hợp giữa các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, thuốc chữa bệnh còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả cao.

- Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch Tài chính) nhận được Văn bản số 3684/BC-PAS ngày 04/12/2020 của Viện Pasteur TP.HCM, trong đó có nội dung báo cáo về việc “mượn hàng” của các doanh nghiệp và “sẽ hoàn trả bằng hàng khi có kinh phí và có kết quả lựa chọn nhà thầu” nhưng không có ý kiến chỉ đạo cụ thể, dẫn đến việc vi phạm của Viện Pasteur TP.HCM kéo dài trong 02 năm 2020-2021.

- Công tác chỉ đạo của Bộ Y tế trong quản lý mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, thuốc chữa bệnh còn chưa đồng bộ, còn có trường hợp vi phạm trong việc thực hiện mua sắm.

- Bộ Y tế triển khai thực hiện quy định về kiểm định trang thiết bị y tế theo Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ còn chưa đồng bộ, kịp thời.

- Tại thời điểm thanh tra, hầu hết các bệnh viện vẫn đang thực hiện đấu thầu mua hóa chất, công ty trúng thầu hóa chất đặt máy hoặc cho mượn máy để làm xét nghiệm. Mặc dù hình thức này không có trong quy định hiện hành của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công nhưng không phải là hình thức cấm không được thực hiện. Tuy nhiên, vẫn nảy sinh vấn đề giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ngành y tế về thanh toán dịch vụ kỹ thuật đối với hình thức nêu trên. Trong khi đó, gần 4 năm qua (từ ngày 28/9/2018 Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế hết hiệu thi hành), Bộ Y tế chưa tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể về quyền tự chủ trong liên doanh, liên kết, góp vốn, thuê tài sản để thực hiện các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu xã hội của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

- Công tác quản lý giá trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm còn chưa chặt chẽ, chưa có quy định cụ thể trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng trong việc thực hiện, xảy ra sai sót, vi phạm.

- Quá trình thẩm định, phê duyệt KHLCNT chưa có sự phối hợp, đối soát tài liệu, cập nhật thông tin làm cơ sở xây dựng giá gói thầu trang thiết bị tại các gói thầu khác nhau nên còn trường hợp cùng loại thiết bị, giá gói thầu được thẩm định, phê duyệt có sự chênh lệch.

- Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước duy nhất cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT cho các doanh nghiệp nhưng chưa kịp thời có các biện pháp, giải pháp công khai, minh bạch thông tin về các doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu, giá nhập khẩu TTBYT nên các địa phương, cơ sở y tế không có thông tin hoặc không tiếp cận được thông tin doanh nghiệp nhập khẩu TTBYT để gửi báo giá phục vụ xây dựng giá kế hoạch mua sắm. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp gửi báo giá đến để làm cơ sở tham khảo xây dựng giá kế hoạch mua sắm TTBYT hầu hết không phải là doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp TTBYT, nên khi trúng thầu đều mua qua doanh nghiệp trung gian hoặc mua lại của doanh nghiệp đã được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu, sau đó cung cấp cho cơ sở y tế, dẫn đến giá TTBYT các cơ sở y tế mua thường cao hơn nhiều lần so với giá TTBYT nhập khẩu sau thuế.

- Điểm a khoản 3 Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định chưa rõ ràng đối với trường hợp TTBYT có dải giá trúng thầu thì lựa chọn giá thấp nhất, giá trung bình hay giá cao nhất trong dải giá.

- Thực tế việc quản lý giá TTBYT (giá nhập khẩu, giá bán, giá công bố) trong giai đoạn 2020-2021 chưa có quy định cụ thể dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến việc xây dựng giá gói thầu mua sắm TTBYT. Từ ngày 01/01/2022, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành mới có quy định cụ thể về quản lý giá TTBYT. Tại thời điểm thanh tra, Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về quản lý giá TTBYT cũng như một số nội dung của Thông tư số 14/2020/TT-BYT (về xây dựng KHLCNT, phân nhóm TTBYT, giá gói thầu TTBYT,...) không còn phù hợp.

- Công tác quản lý TTBYT của Bộ Y tế thiếu chặt chẽ, không nhất quán, không kịp thời điều chỉnh quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng hàng RUO, LUO nhập khẩu.

- Một số bệnh viện, nhà thầu cung cấp trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, Kít xét nghiệm thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật trong việc đấu thầu mua sắm.

C. KIẾN NGHỊ

Căn cứ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung sau:

I. Chấn chỉnh về công tác quản lý

1. Bộ Y tế

Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, Bộ Y tế chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu tại phần kết quả kiểm tra, xác minh, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

- Sớm trình Chính phủ kế hoạch xây dựng Luật Quản lý trang thiết bị y tế; ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý giá TTBYT.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

- Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, thuê tài sản, thuê đơn vị cung ứng dịch vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế để thực hiện các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, khắc phục những bất cập trong việc đặt máy, mượn máy tại các cơ sở y tế công lập.

- Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí phân định về tên gọi, cấu hình, tính năng kỹ thuật của TTBYT và mục đích sử dụng phù hợp với từng loại hình bệnh viện, nhằm phục vụ việc trang bị, mua sắm đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh, tránh lãng phí hoặc bị trục lợi.

- Nghiên cứu, bổ sung quy định trong thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong quản lý giá khi xây dựng giá kế hoạch để mua sắm TTBYT đảm bảo sát giá hàng hóa trên thị trường, tránh bị doanh nghiệp trục lợi.

- Rà soát, hoàn thiện quy trình thẩm định, phê duyệt KHLCNT đảm bảo chặt chẽ, rõ trách nhiệm để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, sai phạm đã nêu tại phần kết quả thanh tra.

- Thực hiện rà soát, làm rõ số lượng 73.504 liều vắc xin VNVC đã giữ lại; kiểm tra việc tổ chức tiêm 58.974 liều vắc xin cho 68.099 người của VNVC theo đúng đối tượng, quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo miễn phí theo quy định, trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

- Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm việc để VNVC giữ lại vắc xin và việc chỉ đạo phân bổ để triển khai tiêm chủng số lượng vắc xin đang đề nghị giảm giá bằng hình thức cung ứng bổ sung số lượng theo hợp đồng giữa VNVC và Viện VSDTTW.

- Kiểm tra, chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với báo cáo của BVTW Cần Thơ liên quan đến các gói thầu mua sắm TBYT và việc khắc phục, thực hiện của nhà thầu đối với các gói thầu thuộc KHLCNT được phê duyệt theo Quyết định số 1301/QĐ-BYT ngày 23/3/2020 của Bộ Y tế, trường hợp có vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời Bộ Y tế chỉ đạo chấn chỉnh quản lý, xem xét, xử lý hành chính nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến gói thầu mua sắm TBYT có sai phạm tại BVTW Cần Thơ.

- Bộ Y tế xử lý theo quy định đối với các sai sót, vi phạm về trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ dự thầu và vi phạm trong việc lập dự toán, nghiệm thu tại Gói thầu TB03, Gói thầu TB04 thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam” 'do Viện VSDTTW là chủ dự án.

- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế báo cáo, tổng hợp số liệu (về số lượng, giá trị) hàng RUO, LUO đã mua sắm sử dụng, cung cấp số liệu đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm các doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO trực tiếp hoặc bán cho doanh nghiệp khác cung cấp cho các cơ sở y tế sử dụng trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng của hàng hóa nhập khẩu.

- Chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế khi nhận hàng hóa nhập khẩu là vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm,... từ nhà thầu phải có đầy đủ tài liệu hợp pháp để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu.

- Chỉ đạo các cục, vụ, đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế:

+ Chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, vi phạm phát hiện qua thanh tra về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm và thuốc chữa bệnh.

+ Các cơ sở KCB rà soát, kiểm tra các gói thầu mua sắm, phát hiện các sai sót nhằm rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý đảm bảo đúng quy định; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc,...

2. Bộ Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực hải quan và thuế (nếu có) đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO trực tiếp hoặc bán cho doanh nghiệp khác cung cấp cho các cơ sở y tế sử dụng trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng của hàng hóa doanh nghiệp nhập khẩu cam kết trên tờ khai hải quan.

- Phối hợp với Bộ Y tế rà soát việc thanh toán qua Kho bạc Nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế mua sắm trang thiết bị y tế nằm trong danh mục tài sản mua sắm tập trung do Bộ Y tế ban hành; chấn chỉnh việc Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi thiếu nhất quán đối với các thiết bị y tế trong danh mục mua sắm tập trung của Bộ Y tế giai đoạn 2020-2021 nêu tại Kết luận thanh tra.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu theo hướng bổ sung quy định cụ thể về “trường hợp cấp bách” và việc áp dụng hình thức “chỉ định thầu rút gọn” khi xảy ra trường hợp cấp bách.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu thầu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà thầu.

II. Xử lý về hành chính

- Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ về những thiếu sót, khuyết điểm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt KHLCNT mua sắm TTBYT; việc quản lý tiếp nhận, phân bổ, tiêm chủng, giữ lại vắc xin tại VNVC; công bố giá sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2; thực hiện mua sắm và bãi bỏ danh mục tài sản mua sắm tập trung; quy định, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hàng RUO, LUO nhập khẩu; không kịp thời có chỉ đạo đối với báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM về việc mượn hàng hóa,... nêu tại Kết luận thanh tra.

- Bộ Y tế chỉ đạo, kiểm điểm và xử lý đối với tập thể, cá nhân, đơn vị thuộc Bộ Y tế có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid - 19 nêu tại Kết luận thanh tra.

III. Chuyển thông tin một số nội dung sang Bộ Công an

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định, gồm:

- Việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt KHLCNT của Bộ Y tế đối với một số gói thầu (Hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus; Máy X-Quang di động kỹ thuật số, model FRD Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifim) có dấu hiệu vi phạm Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020-2021 có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; đồng thời trong đó có một số doanh nghiệp cho Viện Pasteur TP.HCM mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng RUO, LUO.

- Việc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc mua bán TBYT qua nhiều trung gian, làm tăng giá TBYT khi bán cho các bệnh viện, có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường.

D. Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 12/12/2022, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4437/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ về Kết luận thanh tra như sau:

- Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm đối với các nội dung kết luận và kiến nghị xử lý tại Kết luận thanh tra số 1066/KL-TTCP ngày 15/11/2022, bảo đảm chính xác, khách quan, theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, chuyển thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đến Bộ Công an theo quy định.

- Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ, thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nêu tại Kết luận thanh tra.

- Thanh tra Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1066/KL-TTCP ngày 15/11/2022. Yêu cầu các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và gửi Thanh tra Chính phủ kết quả để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra số 1066/KL-TTCP ngày 15/11/2022 về thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về Kết luận thanh tra./.

 

Nơi nhận:

- Tổng Thanh tra Chính phủ (để b/c);

- Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh;

- Vụ GSTĐ&XLSTT, Vụ KHTH;

- Trung tâm Thông tin (để đăng tải trên Cổng TTĐT của TTCP);

- Lưu: VT, Vụ III, Hồ sơ Đoàn TTra.

KT. TỔNG THANH TRA

PHÓ TỔNG THANH TRA

 

 

 

 

Trần Văn Minh

 

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi