BỘ Y TẾ CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG -------------------- Số: 184/TB-DP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2011 |
THÔNG BÁO
VỀ TÌNH HÌNH CÚM A(H1N1) VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG ĐÃ TRIỂN KHAI
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế thông báo tình hình cúm A(H1N1) và các biện pháp đã triển khai đến ngày 11/3/2011 như sau:
1. Tình hình dịch trên thế giới
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch cúm A(H1N1) đã qua giai đoạn đại dịch, bước vào giai đoạn hậu đại dịch từ tháng 8/2010. Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, vi rút cúm A(H1N1) gây đại dịch năm 2009 sẽ diễn biến như cúm mùa và tiếp tục lưu hành.
Hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 3 triệu đến 5 triệu trường hợp nhập viện trong đó 250.000 đến 500.000 trường hợp tử vong do cúm mùa.
Từ tháng 10/2010 đến nay, cúm A(H1N1) tiếp tục ghi nhận lưu hành tại 64 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm: 37 nước thuộc khu vực Châu Âu, 12 nước thuộc khu vực Châu Phi, 10 nước thuộc khu vực Châu Á, 4 nước thuộc khu vực Châu Mỹ, và 01 nước thuộc Châu Đại Dương.
Kết quả các điểm giám sát cúm trên toàn cầu trong tuần thứ 5, 6/2011 (30/01-12/02/2011), trong số các mẫu xét nghiệm dương tính với cúm, vi rút cúm A (H1N1) chiếm tỷ lệ 63,6%. Tại Trung Quốc, vi rút cúm lưu hành chủ yếu là vi rút cúm A(H1N1), trong khi đó tại Châu Âu bao gồm cả hai loại vi rút cúm A(H1N1), cúm B, tại Mỹ bao gồm ba loại vi rút cúm A(H1N1), cúm A(H3N2) và cúm B.
Hiện chưa phát hiện sự biến đổi gien của vi rút cúm A(H1N1) gây đại dịch năm 2009.
2. Tình hình dịch tại Việt Nam
Hàng năm nước ta vẫn ghi nhận khoảng 1,6 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Từ đầu năm 2011 đến nay, theo kết quả giám sát cúm trọng điểm Quốc gia, nước ta ghi nhận sự xuất hiện của 03 phân týp vi rút cúm A(H1N1), cúm A(H3N2) và cúm B. Trong tuần thứ 8 (21-27/2/2011), phân týp vi rút cúm A(H1N1) chiếm tỷ lệ 78% số mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm. Vi rút cúm A(H1N1) đã được ghi nhận tại 30 tỉnh, thành phố, đa số các trường hợp mắc đều ở thể nhẹ. Có 07 trường hợp tử vong tại 06 địa phương; các trường hợp tử vong chủ yếu có bệnh mạn tính kèm theo, cụ thể: 01 trường hợp có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp; 01 trường hợp bị khối u trung thất; 01 trường hợp bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 01 trường hợp viêm ruột hoại tử.
Đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A(H1N1) ở trường học, khu dân cư: tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (từ ngày 15/02 đến 06/3/2011), huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (từ ngày 14 – 20/02/2011), Thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (từ ngày 22/02 đến 04/3/2011). Các ổ dịch đã được xử lý kịp thời, không có trường hợp tử vong.
Nhìn chung, cúm A(H1N1) đã lưu hành ở mức độ hạn chế trong cộng đồng, hiện đang trong tầm kiểm soát của y tế địa phương.
3. Các biện pháp chống dịch đã triển khai
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H1N1) không để dịch lây lan, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các biện pháp sau:
a) Chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước và thế giới, tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc cúm tại các địa phương thông qua hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia, tại các bệnh viện và tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc, sự biến chủng của vi rút; tổ chức điều tra dịch tễ để xác định nguồn lây và xử lý kịp thời ổ dịch.
b) Tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát, phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây qua đường cửa khẩu nhằm sớm phát hiện các trường hợp xâm nhập, giảm thiểu việc lây truyền cúm A(H1N1).
c) Tăng cường tuyên truyền về phòng chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
d) Tiếp tục dự trữ thuốc, vật tư, hoá chất hỗ trợ kịp thời các địa phương khi cần thiết và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
e) Ngày 10/3/2011, Bộ Y tế đã tổ chức họp Tiểu ban Giám sát – Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người nhằm đánh giá tình hình cúm A(H1N1) và đề xuất các biện pháp phòng chống trong năm 2011.
4. Khuyến cáo của Bộ Y tế
Trong mùa Xuân, điều kiện thời tiết lạnh ẩm tạo thuận lợi cho vi rút cúm A(H1N1) phát triển, lây lan, đặc biệt tại các trường học, cơ quan, nhà máy, những nơi tập trung đông người. Để chủ động ngăn ngừa bệnh cúm A(H1N1), người dân cần thực hiện những biện pháp sau:
a) Người bệnh có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.
b) Các cơ quan, xí nghiệp, trường học chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, để kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tránh lây bệnh cho những người xung quanh; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống cúm.
c) Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm.
d) Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.
e) Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.
f) Mọi người dân cần chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp. Thông báo kịp thời cho Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671115, Fax: 04.37366241, Email: [email protected]).
Nơi nhận: - PTTg. Nguyễn Thiện Nhân (để b/c); - Văn phòng Trung ương Đảng (để b/c); - Ban Tuyên giáo Trung ương (để b/c); - Văn phòng Chính phủ (để b/c); - BT. Nguyễn Quốc Triệu (để b/c); - Các đồng chí Thứ trưởng (để b/c); - Thành viên BCĐQGPCĐDC ở người; - Các Trưởng Tiểu ban; - Cục DP, KCB, Vụ PC, KH-TC; - Văn phòng Bộ; - Các Phó Cục trưởng; - Các Viện VSDT/Pasteur; - Trung tâm TTGDSK TƯ, Báo SKĐS; - Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế; - Lưu: VT, DT. | CỤC TRƯỞNG NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ Nguyễn Văn Bình |