Quyết định 123/2007/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy định tiếp nhận và điều trị bệnh nhân của bệnh viện Nhân Ái
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 123/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 123/2007/QĐ-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Thành Tài |
Ngày ban hành: | 08/10/2007 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe |
tải Quyết định 123/2007/QĐ-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Số: 123 /2007/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 10 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
Về ban hành “Quy định tiếp nhận và điều trị bệnh nhân
của bệnh viện Nhân Ái”
________
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 4856/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Bệnh viện Nhân Ái trực thuộc Sở Y tế;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Công văn số 2496/SYT-NVY ngày 04 tháng 7 năm 2007 về việc ban hành Quy định tiếp nhận và điều trị bệnh nhân của Bệnh viện Nhân Ái,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tiếp nhận và điều trị bệnh nhân của Bệnh viện Nhân Ái".
Điều 2.Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3.Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong, Thủ trưởng các sở - ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ Y tế; - Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp; - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP; - Thường trực Thành ủy; - Thường trực HĐND. TP; - Ủy ban nhân dân thành phố; - Các Ban Hội đồng nhân dân TP; - Ủy ban MTTQ và các Đoàn thể TP; - Các Trường, Trung tâm cai nghiện của TP; - Các Bệnh viện của thành phố; - VPHĐ-UB: Các PVP; Phòng VX, TH-KH; - Lưu:VT, (VX/LC) H. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY ĐỊNH
Tiếp nhận và điều trị bệnh nhân của Bệnh viện Nhân Ái
(Ban hành kèm theo Quyết định số 123 /2007/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định về đối tượng, thủ tục tiếp nhận và quy trình chăm sóc, điều trị, quản lý bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tại Bệnh viện Nhân Ái.
Điều 2. Giải thích các từ ngữ
1. Bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối là bệnh nhân được chẩn đoán và phân loại nhiễm HIV/AIDS giai đoạn 4 theo hướng dẫn chẩn đoán và phân loại giai đoạn nhiễm HIV/AIDS của Bộ Y tế (Quyết định số 06/2005/QĐ-BYT ngày 07 tháng 3 năm 2005) và có điểm đánh giá nhỏ hơn hoặc bằng 60 theo thang điểm Karnofsky. Thang điểm Karnofsky (tên tiếng Anh là Karnofsky Severity Rating) được tính từ 0 điểm (tử vong) đến 100 điểm (bình thường, không biểu hiện bệnh lý).
2. Chăm sóc giảm nhẹ đối với người mắc bệnh ung thư và người bệnh AIDS: là phối hợp các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống đối với người bệnh bằng cách phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị đau và xử trí các triệu chứng thực thể, tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý - xã hội mà người bệnh và gia đình họ phải chịu đựng.
3. Người có thẩm quyền theo Quy định này bao gồm:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định miễn chấp hành hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh; quyết định đưa vào trường giáo dưỡng; quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; quyết định đưa vào điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái đối với đối tượng đang trong thời gian lập thủ tục đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng; quyết định đưa vào điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái đối với đối tượng đang trong thời gian lập thủ tục đưa vào trường giáo dưỡng.
c) Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
d) Trưởng Công an cấp huyện quyết định miễn thi hành phần thời gian còn lại trong quyết định đưa vào lưu trú tạm thời.
Điều 3. Đối tượng tiếp nhận
Đối tượng được tiếp nhận vào điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái là bệnh nhân bệnh AIDS giai đoạn cuối từ 16 tuổi trở lên, bao gồm:
1. Người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, có quyết định của người có thẩm quyền tương ứng nêu tại khoản 3 Điều 2 Quy định này, bao gồm: người đang chấp hành, người được miễn chấp hành, người được miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; người đang trong thời gian lập thủ tục đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; người đang lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.
2. Người sau cai nghiện tại các cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện theo Nghị quyết số 16/2003/NQ-QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội có quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố cho chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
3. Người đang cư trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội có quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
4. Người sống lang thang, không nơi nương tựa có quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
5. Người đang thi hành án trong các trại giam, người đang ở trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc thành phố Hồ Chí Minh có văn bản của người có thẩm quyền theo pháp luật tố tụng hình sự cho phép đối tượng ra khỏi trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ để chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
6. Người đang cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, gia đình không đủ khả năng chăm sóc tại nhà và tự nguyện vào điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
Điều 4. Trách nhiệm của bệnh nhân
Bệnh nhân AIDS nhập viện Bệnh viện Nhân Ái trên tinh thần tự nguyện, phải thực hiện đúng các quy định của Bệnh viện và có đủ hồ sơ được quy định tại Chương II Quy định này.
Điều 5.Trách nhiệm của Bệnh viện Nhân Ái
1. Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 4856/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Bệnh viện Nhân Ái.
2. Tổ chức thực hiện các hoạt động về chuyên môn theo Quy chế bệnh viện và Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh ung thư và AIDS (ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 9 năm 1997 và Quyết định số 3483/QĐ-BYT ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
3. Thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu về bệnh AIDS góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Điều 6.Công tác giám định (chẩn đoán xác định) bệnh AIDS giai đoạn cuối được thực hiện bởi Hội đồng Giám định Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hoặc một Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế thành lập.
Chương II
THỦ TỤC NHẬP VIỆN
Điều 7. Hồ sơ nhập viện
1. Đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng:
a) Đơn xin được điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái do người bệnh ký.
b) Hồ sơ sức khỏe, bệnh án tóm tắt, biên bản giám định của Hội đồng giám định theo quy định tại Điều 6 Quy định này kết luận bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
c) Văn bản đề nghị cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái của Giám đốc cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng;
d) Quyết định của người có thẩm quyền tương ứng nêu tại khoản 3 Điều 2 Quy định này.
2. Đối với người sau cai nghiện tại các cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện theo Nghị quyết số 16/2003/NQ-QH11:
a) Đơn xin được điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái do người bệnh ký.
b) Hồ sơ sức khỏe, bệnh án tóm tắt, biên bản giám định của Hội đồng giám định theo quy định tại Điều 6 Quy định này kết luận bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
c) Văn bản đề nghị cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái của Giám đốc cơ sở chữa bệnh.
d) Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố cho chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
3.Đối với người đang cư trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội:
a) Đơn xin điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái do người bệnh ký.
b) Hồ sơ sức khỏe; Bệnh án tóm tắt, biên bản giám định bệnh AIDS giai đoạn cuối do Hội đồng giám định được quy định ở Điều 6 Quy định này kết luận bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối;
c) Văn bản đề nghị cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái của Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội.
d) Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
4.Đối với người sống lang thang không nơi nương tựa:
a) Đơn xin điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái do người bệnh ký;
b) Bệnh án tóm tắt, biên bản giám định bệnh AIDS giai đoạn cuối do Hội đồng giám định được quy định ở Điều 6 Quy định này kết luận bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối;
c) Văn bản đề nghị cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái của Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội;
d) Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
5.Đối với bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối từ các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc thành phố Hồ Chí Minh:
a) Đơn xin được điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái do người bệnh ký;
b) Hồ sơ sức khỏe, bệnh án tóm tắt, biên bản giám định bệnh AIDS giai đoạn cuối do Hội đồng giám định được quy định ở Điều 6 Quy định này kết luận bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối;
c) Lệnh trích xuất, Quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, Quyết định tạm hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án của người tiến hành tố tụng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự cho phép đối tượng ra khỏi trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ để chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái.
6.Đối với người đang cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, tự nguyện điều trị lần đầu:
a) Đơn xin điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái do người bệnh ký, trình bày rõ lý do gia đình không đủ điều kiện chăm sóc, chữa trị bệnh nhân tại nhà; kèm theo bản cam kết hợp tác của gia đình người bệnh;
b) Giấy giới thiệu chuyển viện của các cơ sở y tế (công lập hoặc tư nhân).
c) Bệnh án tóm tắt; biên bản giám định bệnh AIDS giai đoạn cuối do Hội đồng giám định được quy định ở Điều 6 Quy định này kết luận bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
7.Đối với bệnh nhân AIDS tái nhập viện:
a) Đơn xin tái nhập viện và cam kết điều trị lâu dài tại Bệnh viện Nhân Ái.
b) Giấy ra viện;
c) Biên bản giám định bệnh AIDS giai đoạn cuối do Hội đồng giám định được quy định ở Điều 6 Quy định này kết luận bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối (trong thời gian sau khi xuất viện).
Điều 8.Tiếp nhận, xử lý hồ sơ và thủ tục nhập viện
1. Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, xem xét và quyết định việc cho bệnh nhân nhập viện, đồng thời phân loại sức khỏe và bệnh tật của bệnh nhân để chuyển vào khoa điều trị thích hợp.
2. Thủ tục nhập viện phải được thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế và Quy định này.
3. Việc chuyển bệnh nhân sang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái phải được thể hiện trong sổ bàn giao bệnh nhân của đơn vị chuyển viện, có chữ ký của bên bàn giao và bên nhận bàn giao, đóng dấu phòng khám Bệnh viện Nhân Ái.
4. Giám đốc cơ sở đang quản lý đối tượng chịu trách nhiệm quản lý đối tượng cho đến khi hoàn tất thủ tục nhập viện và bàn giao đối tượng cho Bệnh viện Nhân Ái.
Chương III
CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ
Điều 9. Chế độ chăm sóc, điều trị
1. Bệnh nhân được hưởng các chế độ chăm sóc, điều trị theo yêu cầu điều trị bệnh và khả năng của Bệnh viện, không có sự phân biệt đối xử.
2. Bệnh nhân được hưởng chế độ miễn phí về thuốc điều trị, các xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi tình hình bệnh, chế độ ăn, chi phí giường bệnh và các hình thức trị liệu hỗ trợ khác như: y học cổ truyền, tâm lý trị liệu, nghệ thuật trị liệu, âm nhạc trị liệu, lao động trị liệu, thể dục thể thao do Bệnh viện tổ chức.
3. Chế độ ăn được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố dành cho các bệnh nhân được điều trị tại các trung tâm giáo dục, chữa bệnh và dạy nghề cho các đối tượng mại dâm, các đối tượng nghiện các chất ma túy.
Điều 10.Ngoài công tác tổ chức điều trị bằng thuốc tân dược, bệnh nhân được chăm sóc và điều trị bằng các hình thức trị liệu hỗ trợ khác như: y học cổ truyền, tâm lý trị liệu, nghệ thuật trị liệu, âm nhạc trị liệu, lao động trị liệu, thể dục thể thao do Bệnh viện tổ chức
Điều 11.Khuyến khích gia đình, thân nhân bệnh nhân, các cá nhân, tổ chức xã hội nhân đạo, tôn giáo đóng góp vào quỹ chăm sóc điều trị cho bệnh nhân của Bệnh viện Nhân Ái để tăng thêm điều kiện chữa bệnh cho bệnh nhân.
Điều 12.Bệnh nhân phải tuân thủ đúng các quy định chung của Bệnh viện và y lệnh chăm sóc điều trị của bác sĩ và nhân viên Bệnh viện. Bác sĩ hoặc nhân viên Bệnh viện không được cưỡng ép bệnh nhân điều trị nếu không chứng minh được bệnh nhân có rối loạn về tâm thần.
Chương IV
CHUYỂN VIỆN VÀ XUẤT VIỆN
Điều 13.Về chuyển viện
1. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cần được xử trí, Bệnh viện Nhân Ái có quyền chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện công lập cấp thành phố. Chi phí chuyển viện và chi phí điều trị ở bệnh viện chuyển đến do Bệnh viện Nhân Ái chi từ nguồn kinh phí ngân sách được cấp.
2. Những bệnh nhân chuyển sang tình trạng nặng vượt quá khả năng chuyên môn của Bệnh viện cần được chuyển đến bệnh viện tuyến chuyên khoa. Thủ tục và hồ sơ như sau:
a) Giấy chuyển viện do Giám đốc hoặc trực lãnh đạoBệnh viện ký tên;
b) Bệnh án tóm tắt;
c) Biên bản hội chẩn quyết định chuyển viện;
d) Gửi giấy thông báo cho cơ quan ban hành các văn bản tố tụng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 tại Quy định này hoặc gọi điện thoại cho gia đình bệnh nhân (nếu có);
đ) Nhân viên y tế của Bệnh viện đi theo chuyển viện chỉ được ra về sau khi đã hoàn tất thủ tục tiếp nhận của bệnh viện tuyến chuyên khoa với sổ ký nhận bàn giao, có chữ ký và dấu phòng khám bệnh viện tiếp nhận.
3. Đối với những bệnh nhân cần hội chẩn hoặc khám chuyên khoa ở các bệnh viện tuyến chuyên khoa, quy trình thực hiện như sau:
a) Giấy đề nghị hội chẩn hoặc khám chuyên khoa (Giám đốc Bệnh viện ký tên);
b) Bệnh án điều trị;
c) Sổ hội chẩn;
d) Nhân viên y tế phải ở lại cho đến khi khám hội chẩn xong để đưa bệnh nhân trở lại Bệnh viện hoặc cho đến khi hoàn tất thủ tục nhập viện tại Bệnh viện tuyến chuyên khoa.
Điều 14.Về xuất viện
1. Bệnh viện thực hiện thủ tục xuất viện cho bệnh nhân theo yêu cầu của thân nhân bệnh nhân thuộc diện nêu tại khoản 1, 2, 3, 5, 6 Điều 3 Chương I Quy định này. Thủ tục và hồ sơ xuất viện bao gồm:
a) Đơn xin xuất viện của bệnh nhân;
b) Đơn xin đón người thân về chăm sóc tại nhà của gia đình bệnh nhân;
c) Phiếu đăng ký tiếp tục chăm sóc tại Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận, huyện (gửi đến Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận, huyện) hoặc Phiếu đăng ký tiếp tục chăm sóc tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố khác (gửi đến Ủy ban Phòng, chống AIDS thành phố);
d) Bệnh án tóm tắt: gửi đến Khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận, huyện hoặc Ủy ban Phòng, chống AIDS thành phố;
đ) Giấy ra viện.
e) Bệnh nhân có quyền đòi hỏi xuất viện khi chưa có quyết định cho phép ra viện của Bệnh viện. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ không được tái nhập viện trở lại.
2. Đối với bệnh nhân sống lang thang, không có người thân, khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, nếu muốn xuất viện phải có công văn tiếp nhận của chính quyền địa phương hoặc các cơ sở chăm sóc người lang thang, người bệnh AIDS thuộc Nhà nước hoặc tư nhân.
3. Đối với bệnh nhân nhập viện theo khoản 5 Điều 3 của Quy định này thì chỉ được xuất viện khi có Công văn tiếp nhận hoặc đồng ý của cơ quan tiến hành tố tụng ban hành các văn bản quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 của Quy định này.
Chương V
GIẢI QUYẾT NGƯỜI BỆNH TỬ VONG
Điều 15. Kiểm thảo tử vong
a) Khi bệnh nhân tử vong phải thực hiện biên bản kiểm thảo tử vong vào hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án phải đầy đủ các chứng cứ lâm sàng và cận lâm sàng, hội chẩn liên khoa để kết luận tình trạng bệnh nhân trước và khi tử vong. (Biên bản kiểm thảo tử vong thực hiện theo mẫu quy định của Bộ Y tế). Việc kiểm thảo tử vong không quá 07 (bảy) ngày sau khi bệnh nhân tử vong.
b)Thành phần kiểm thảo tử vong gồm có Trưởng hoặc Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp và Bác sĩ Trưởng khoa hoặc bác sĩ của khoa điều trị bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân tử vong đột ngột hoặc có vấn đề (có khiếu nại, tố cáo…) phải có thêm đại diện Ban Giám đốc.
c) Hồ sơ tử vong được lưu giữ theo quy chế lưu giữ hồ sơ bệnh án của Bộ Y tế quy định (20 năm).
Điều 16.Quy trình giải quyết người bệnh tử vong
a) Thông báo cho thân nhân người bệnh (nếu có). Đối với bệnh nhân nhập viện theo khoản 5 Điều 3 của Quy định này, thì báo cho cơ quan tiến hành tố tụng ban hành các văn bản quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 của Quy định này.
b) Chuyển thi thể bệnh nhân đến khu nhà đại thể.
c)Nhân viên y tế phải thực hiện việc vệ sinh thi thể trước khi lưu xác tại phòng lạnh.
d) Điều dưỡng trưởng bệnh viện tiến hành lập ngay giấy chứng tử do Giám đốc Bệnh viện ký tên, đóng dấu. Thời gian tối đa là 03 (ba) ngày sau khi người bệnh tử vong.
đ) Thời gian lưu xác, khâm liệm, nhập quan và đưa đi hỏa thiêu tối đa là 24 giờ sau khi bệnh nhân tử vong đối với bệnh nhân không có gia đình và không quá 72 giờ đối với bệnh nhân có thân nhân, gia đình.
e) Bệnh nhân AIDS tử vong tại Bệnh viện được khuyến khích hỏa thiêu miễn phí tại Bệnh viện. Hạn chế việc đưa thi thể bệnh nhân về cộng đồng. Nếu người thân không đồng ý hỏa táng thì buộc phải đóng quan trước khi mang ra khỏi Bệnh viện. Chi phí đóng quan được Bệnh viện thu phí theo quy định.
g) Nhà đại thể phải thường xuyên được vệ sinh, tẩy uế, luôn sạch sẽ và không có mùi hôi.
h) Tro hài cốt của bệnh nhân được tổ chức lưu giữ sạch sẽ và có hệ thống để dễ tìm kiếm. Trong trường hợp gia đình muốn được mang tro cốt người thân về nhà thì phải có sự chấp thuận của Ban Giám đốc và lập biên bản xác nhận bàn giao tro cốt người bệnh.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.Giám đốc Sở Y tế, Thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các sở - ngành, đơn vị có liên quan, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.
Điều 18. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Ủy ban Phòng, chống AIDS thành phố và Sở Y tế kịp thời tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài
|
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây