Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Kế hoạch 257/KH-UBND Hà Nội 2019 về phòng, chống dịch năm 2020
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Kế hoạch 257/KH-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 257/KH-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Kế hoạch | Người ký: | Ngô Văn Quý |
Ngày ban hành: | 18/12/2019 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe |
tải Kế hoạch 257/KH-UBND
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------------- Số: 257/KH-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
Phòng, chống dịch thành phố Hà Nội năm 2020
-------------------
Năm 2019, tình hình dịch bệnh trên Thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực như: bệnh do vi rút Ê-bô-la, MERS-CoV, Tả, Bại liệt..., đặc biệt bệnh sốt xuất huyết, bệnh Sởi có số mắc gia tăng và bùng phát gây dịch trở lại ở ngay cả các nước có nền y tế phát triển. Tại Việt Nam, các dịch bệnh lưu hành như Sởi, sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Dại... tiếp tục xảy ra ở 63/63 tỉnh, Thành phố. Thành phố Hà Nội chưa ghi nhận dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm, một số dịch bệnh lưu hành địa phương như bệnh Sởi, sốt xuất huyết có số mắc gia tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng đã được kiểm soát, khống chế kịp thời.
Hà Nội là Thành phố lớn, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, với dân số đông, mật độ dân số cao, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp nên ngoài việc đối mặt với dịch bệnh xâm nhập, các dịch bệnh lưu hành như Sốt xuất huyết, Sởi, Tay chân miệng.... thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dịch trên địa bàn Thành phố nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại do bệnh dịch gây nên, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch thành phố Hà Nội năm 2020 cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
2. Mục tiêu cụ thể
- 100% UBND các cấp từ Thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
- 100% UBND xã, phường, thị trấn thành lập các lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, đội xung kích diệt bọ gậy khi có ổ dịch sốt xuất huyết, nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
- 100% các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở Y tế Dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm trực tuyến theo quy định của Bộ Y tế; 100% các cơ sở Tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội triển khai thực hiện hệ thống quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia.
- 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh từ Thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch bệnh.
- 100% các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các Trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng, chống dịch bệnh vào chiều (thứ sáu) hàng tuần.
- Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, giảm số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với những dịch bệnh mới nổi, xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội.
- Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 01 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán Bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh Sởi.
- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.
- Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
- Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chông dịch.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Tăng cường công tác chỉ đạo của các các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch.
- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo của địa phương, đơn vị nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai công tác phòng, chống dịch; xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch năm 2020, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/12/2019 (qua Sở Y tế để tổng hợp). Kế hoạch phòng, chống dịch phải cụ thể trên cơ sở thực tiễn tình hình dịch bệnh của địa phương, đơn vị; đề ra được các phương án đáp ứng chống dịch phù hợp.
2. Công tác tuyên truyền
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cộng đồng để nâng cao tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh.
- Đa dạng hoá các hình thức truyền thông: qua Đài Truyền hình, báo, đài của Trung ương và Hà Nội; qua hệ thống Đài Truyền thanh quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; qua pano, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, ngắn gọn, cụ thể, xúc tích, hấp dẫn để mọi người dân dễ tiếp thu và thực hiện, chú trọng tuyên truyền những biện pháp phòng, chống dịch.
- Thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh cũng như các hoạt động phòng, chống dịch của Thành phố để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, dịch bệnh nhưng không hoang mang, lo lắng.
- Thực hiện truyền thông nguy cơ, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các đối tượng lãnh đạo, quản lý, người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch và toàn thể người dân trong cộng đồng.
3. Công tác giám sát, xử lý dịch
- Tiếp tục củng cố, bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ Thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch không để dịch lan rộng. Đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác xử lý ổ dịch.
- Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế tư nhân, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học, đặc biệt mạng lưới cộng tác viên y tế - dân số trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh dịch để tổ chức xử lý dịch triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
- Tăng cường công tác giám sát dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại Cửa khẩu Hàng không Quốc tế Nội Bài; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh ở các nước trong khu vực, các tỉnh, Thành phố trong nước; tổ chức giám sát dịch chặt chẽ đảm bảo phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập vào Thành phố.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý, thống kê số liệu dịch bệnh, tiêm chủng và các hoạt động phòng, chống dịch tại Hà Nội, trong nước và quốc tế để phục vụ thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời.
4. Công tác thu dung điều trị người bệnh
- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Thường xuyên tập huấn về phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm gây dịch.
- Phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm.
- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu người bệnh mắc bệnh dịch tại cộng đồng cũng như tăng cường nhân lực cho tuyến dưới khi có yêu cầu.
- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị người bệnh để giảm tử vong do bệnh dịch.
5. Công tác đào tạo, tập huấn
- Tổ chức tập huấn cho thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành về những văn bản pháp luật trong công tác phòng, chống dịch: Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật...
- Tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên những kiến thức trong giám sát, phát hiện bệnh dịch; công tác khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch cho cộng đồng.
- Thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập và triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế.
6. Công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch
- Các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng, chống dịch bệnh trong đó có bệnh Sốt xuất huyết vào chiều (thứ sáu) hàng tuần theo Chỉ thị số 04/2003/CT-UB ngày 17/01/2003 của UBND thành phố Hà Nội.
- Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh: trong dịp Tết Nguyên đán; vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; vệ sinh môi trường trong Trường học; tổ chức các chiến dịch thu gom phế thải, phế liệu phòng, chống dịch sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch...
7. Công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm
- Tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lây truyền qua đường thực phẩm và thực hiện tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra An toàn thực phẩm để chủ động phòng ngừa bệnh dịch lây sang người.
8. Công tác tiêm chủng vắc xin
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng: đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian. Tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi bổ sung để phòng chống dịch sởi. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn trong tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng.
- Tổ chức tập huấn thực hành an toàn tiêm chủng và cấp Giấy chứng nhận tham gia tập huấn thường xuyên, đảm bảo tất cả cán bộ làm công tác tiêm chủng phải có đầy đủ kỹ năng theo quy định.
- Ứng dụng quản lý đối tượng, lịch sử tiêm chủng và thống kê báo cáo tiêm chủng mở rộng bằng phầm mềm. Thường xuyên rà soát, nắm bắt đối tượng và tiền sử tiêm chủng để không bỏ sót mũi tiêm.
- Triển khai tốt tiêm vắc xin phòng một số dịch, bệnh trên gia súc, gia cầm như: Bệnh dại trên chó, mèo; cúm gia cầm; bệnh tai xanh trên lợn; lở mồm long móng trên gia súc...
9. Công tác đảm bảo hậu cần cho phòng, chống dịch
- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc cho công tác phòng, chống dịch.
- Đảm cung ứng đủ vắc xin phòng dịch ở người cũng như vắc xin phòng dịch cho gia súc, gia cầm.
- Bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc sẵn sàng cấp cứu, điều trị người bệnh hạn chế thấp nhất tử vong do dịch.
10. Công tác kiểm tra
- Kiểm tra định kỳ: Ban Chỉ đạo các cấp xây dựng Kế hoạch định kỳ kiểm tra công tác phòng, chống dịch (Thành phố kiểm tra quận, huyện 2 lần/năm; hàng quý quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các xã, phường, thị trấn; hàng tháng xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn).
- Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức kiểm tra đột xuất để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
- Các Sở, ngành đoàn thể tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các đơn vị trực thuộc và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố)
- Tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội; xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch năm 2020; tổ chức giao ban định kỳ, giao ban đột xuất (khi cần thiết), nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch để có chỉ đạo kịp thời; tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các quận, huyện, thị xã.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch: giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế (giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ, giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát ca bệnh...) để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát; giám sát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm ca bệnh dịch để cách ly không để dịch xâm nhập. Các bệnh viện chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân.
- Đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc trong công tác phòng, chống dịch.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài của Trung ương và Hà Nội thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành, đoàn thể trong hoạt động truyền thông phòng, chống dịch tại cộng đồng.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiếp tục triển khai các dự án thuộc đề án “Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020” đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 02/5/2013.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm, thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt tăng cường việc tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo tại các huyện nguy cơ cao về bệnh dại như Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Hoài Đức...
- Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong chăn nuôi.
- Tổ chức và duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật, không để gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn Thành phố. Thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các chợ đầu mối, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm.
- Tổ chức bao vây, xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, chú trọng các dịch bệnh có khả hăng lây sang người.
- Thông tin kịp thời diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho ngành Y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên người.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp Sở Y tế xây dựng Kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch bệnh trong Trường học.
- Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong Trường học, chú trọng công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, thông thoáng lớp học, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, các bệnh dịch có nguy cơ lan nhanh trong trường học như: Cúm, Sởi, Thủy đậu, Quai bị, Tay chân miệng và các dịch bệnh khác.
- Phối hợp với ngành Y tế triển khai các chiến dịch tiêm chủng vắc xin tại các Trường học. Kiểm soát việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo lứa tuổi khi trẻ nhập học.
- Thực hiện tốt công tác y tế Trường học (quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh), công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm trong Trường học.
- Tuyên truyền cho học sinh về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng. Phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh trên bảng tin của các Trường học.
- Cung cấp kịp thời thông tin về trường hợp học sinh mắc bệnh dịch trong Trường học cho ngành Y tế để phối hợp xử lý.
4. Sở Du lịch
- Chỉ đạo các Công ty du lịch, các khách sạn tổ chức tập huấn và thực hiện công tác phòng, chống dịch, công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ, nhân viên nhất là nhân viên phục vụ ăn, uống.
- Chỉ đạo các Công ty du lịch, các khách sạn thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch và hành trình của các đoàn khách đến từ vùng có dịch cho cơ quan y tế địa phương để Sở Y tế chỉ đạo phối hợp giám sát và tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch.
5. Sở Công Thương
Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm của các cơ sở kinh doanh; khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo, đài Thành phố (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Hànộimới, báo Kinh tế và Đô thị) phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài của Trung ương thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố cũng như phổ biến cách làm hay, gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch.
- Phối hợp với ngành Y tế tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để người dân chủ động phòng bệnh và hợp tác với cơ quan y tế trong phòng, chống dịch.
7. Sở Xây dựng
- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, rác thải sinh hoạt thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết tại các công trình xây dựng.
- Đảm bảo cung cấp nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt nhằm hạn chế các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
- Phối hợp với ngành Y tế trong việc kiểm tra giám sát chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn.
- Tuyên truyền công tác phòng, chống dịch cho cán bộ, công nhân tại các công trường xây dựng.
- Chỉ đạo các công trường xây dựng khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi phát hiện có công nhân, người lao động tại công trường bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chỉ đạo triển khai tốt công tác thu gom, quản lý, xử lý nguồn chất thải và rác thải y tế.
- Quản lý môi trường, nguồn nước: tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn nước thải, đảm bảo nguồn nước thải được xử lý trước khi xả thải ra môi trường.
9. Sở Khoa học và Công nghệ
- Khuyến khích triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh.
- Phổ biến và áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống dịch.
10. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư
Xem xét trình UBND Thành phố bố trí cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch, chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết.
11. Sở Ngoại vụ
- Phối hợp với ngành Y tế quản lý các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm có yếu tố nước ngoài.
- Phổ biến, tuyền truyền phòng, chống dịch bệnh cho người nước ngoài đến Việt Nam.
12. Sở Giao thông vận tải
- Có phương án huy động các phương tiện vận tải công cộng đáp ứng với tình huống dịch bùng phát cần di chuyển người dân đến khu vực cách ly theo đề nghị của ngành Y tế.
- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng, chống các loại dịch bệnh tại nhà ga, bến xe, bến tầu.
13. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Đảm bảo công tác an sinh xã hội cho những người trong khu vực có dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp tử vong do bệnh dịch theo quy định.
14. Công an Thành phố
- Chỉ đạo Cảnh sát môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo pháp luật những đơn vị gây ô nhiễm môi trường.
- Phối hợp trong các đoàn liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh An toàn thực phẩm phòng, chống dịch.
15. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
- Chỉ đạo phòng quân Y các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh quân y khai báo, báo cáo theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm các trường hợp dân sự điều trị tại các bệnh viện quân đội; hoặc quân nhân sinh sống trong khu dân cư để ngành Y tế phối hợp giám sát và phòng, chống dịch.
- Xây dựng phương án triển khai khu vực cách ly và Bệnh viện Dã chiến chi viện cho ngành Y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành Y tế.
16. Cảng vụ Hàng không Miền bắc
Chỉ đạo các đơn vị tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ hành khách, hàng hóa nhập cảnh từ vùng có dịch.
17. Cục Hải Quan thành phố Hà Nội
Chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân Bay quốc tế Nội Bài và các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xử lý hàng hóa bị ô nhiễm có nguy cơ phát tán mầm bệnh gây dịch.
18. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội
Phối hợp với Sở Y tế trong thanh toán chi phí điều trị cho người bệnh mắc bệnh dịch theo quy định.
19. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức đoàn thể Thành phố
- Phối hợp với ngành Y tế và các Sở, ngành Thành phố trong chỉ đạo tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho thành viên, hội viên các cấp Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng.
20. UBND các quận, huyện, thị xã
- UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trước UBND Thành phố.
- Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn quận, huyện, thị xã; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Xây dựng và củng cố lực lượng cộng tác viên y tế - dân số nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
- Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch của tuyến xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ phát hiện sớm dịch bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng.
- Chỉ đạo các ban, ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được phân công. Huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
- Huy động cộng đồng duy trì tổng vệ sinh môi trường hàng tuần kết hợp với vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.
- Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý súc vật nuôi: nhất là chó, mèo; chỉ đạo triển khai tốt việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo; tiêm vắc xin phòng cúm cho gia cầm; vắc xin phòng bệnh tai xanh, lở mồm long móng trên đần gia súc.
- Chỉ đạo tuyên truyền để nhân dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng.
- Thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
IV. CHẾ ĐỘ GIAO BAN VÀ THÔNG TIN BÁO CÁO
- Tổ chức giao ban định kỳ cũng như đột xuất khi có yêu cầu về công tác phòng, chống dịch giữa Thành phố với các quận, huyện, thị xã cũng như giữa quận, huyện, thị xã với xã, phường, thị trấn để năm bắt diến biến tình hình dịch bệnh và có các biện pháp chỉ đạo phòng, chống kịp thời.
- Sở Y tế là cơ quan Thường trực tham mưu UBND Thành phố đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo và các Sở, ban, ngành Thành phố triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và tổng hợp báo cáo với UBND Thành phố. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được phân công.
- Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
V. KINH PHÍ
- UBND Thành phố bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch cấp Thành phố.
- UBND quận, huyện, thị xã cân đối bố trí kinh phí cho công tác tổ chức, triển khai phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho công tác này.
UBND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức đoàn thể trực thuộc; Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện (qua Sở Y tế để tổng hợp)./.
Nơi nhận: - Đồng chí Bí thư Thành ủy; - Bộ Y tế; - Thường trực Thành ủy; - Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố; - Thường trực HĐND Thành phố; - Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố HN; - Ban Tuyên giáo Thành ủy; - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; - Cảng vụ Hàng không Miền Bắc; - Cục Hải quan thành phố Hà Nội; - Các Sở, ngành Thành phố; - UBND các quận, huyện, thị xã; - Đài PT&THHN, Báo: HNM, KT&ĐT, ANTĐ, TTXVN-Phân xã HN; - VPUB: CVP, các PCVP; Phòng KGVX, KT, ĐT, NC, TKBT; - Lưu VT, KGVXan | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Văn Quý |