Dự thảo Thông tư về y tế học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định về y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Y tế-Sức khỏe
Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: các điều kiện bảo đảm công tác y tế học đường; quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe y tế học đường.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Số:        /2019/TT-BLĐTBXH

DỰ THẢO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày     tháng     năm 2019

THÔNG TƯ

Quy định về y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về công tác y tế trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: các điều kiện bảo đảm công tác y tế học đường; quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe y tế học đường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

2. Thông tư này không áp dụng trong việc quản lý nhà nước đối với các trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm.

Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm công tác y tế trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Chăm sóc sức khỏe cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm thực hiện các chính sách, quy định và chế độ hiện hành.

2. Giáo dục kiến thức, quan niệm đúng về sức khỏe và lối sống để người học có thể lựa chọn phương pháp, hình thức phù hợp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bản thân.

3. Bảo đảm mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gia đình và cộng đồng để hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao cả về thể lực và trí lực chongười học.

Điều 4. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện công tác y tế trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm:

a) Nguồn kinh phí sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo hàng năm theo phân bổ ngân sách cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

b) Nguồn bảo hiểm y tế trích lại theo quy định hiện hành;

c) Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác.

2. Kinh phí thực hiện cho công tác y tế phải được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định hiện hành.

3. Việc lập dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán kinh phí công tác y tế được áp dụng theo quy định hiện hành.

Chương II

CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CÔNG TÁC Y TẾ HỌC ĐƯỜNG

Điều 5. Cán bộ y tế

Cán bộ y tế phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế thực hiện theo quy định tại Điều 10 Mục 3 Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27 tháng 5 năm 2015 của liên Bộ Y tế và Bội Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sỹ, bác sỹ y học dự phòng, y sỹ.

Điều 6. sở vật chất, trang thiết bị y tế

1. Có phòng thực hiện chuyên môn y tế riêng, bảo đảm diện tích 12m2 trở lên, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động. Căn cứ điều kiện thực tiễn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bố tríphòng thực hiện chuyên môn y tế để thực hiện nhiệm vụ.

2. Phòng thực hiện chuyên môn y tế được trang bị tối thiểu 01 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ đựng dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường và một số trang thiết bị, thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động.

Điều 7. Vệ sinh, môi trường học tập

1. Khu đất xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Yên tĩnh cho việc giảng dạy và học tập;

b) Giao thông thuận tiện và an toàn;

c) Nền đất tốt, không bị úng, ngập, thuận tiện cho việc cung cấp điện, nước;

d) Đảm bảo khoảng cách cách ly vệ sinh đối với các xí nghiệp công nghiệp thải ra chất độc hại theo quy định trong Bảng 1 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9210:2012 Trường dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế.

2. Bảo đảm các điều kiện về cấp nước

a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có hệ thống cấp nước cho học tập và sinh hoạt theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4513 Cấp nước bên trong - Tiêu chuẩn thiết kế;

b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng ở khu vực chưa có hệ thống cấp nước bên ngoài thì phải có giếng và hệ thống lọc nước. Nước chữa cháy cần tận dụng các nguồn nước tự nhiên (hồ, ao) hoặc có thể xây bể chứa nước;

c) Lưu lượng nước tính toán cho các vòi thí nghiệm được xác định theo tỷ lệ số vòi dùng nước đồng thời như trong Bảng 16 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9210:2012 Trường dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế;

d) Lượng nước tính toán cho nhu cầu sinh hoạt ở các phòng học và xưởng thực hành áp dụng theo Bảng 17 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9210:2012 Trường dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế;

đ) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng nguồn nước từ các cơ sở đủ điều kiện cung cấp nước ăn uống và nước sinh hoạt. Trường hợp tự cung cấp nguồn nước thì chất lượng phải bảo đảm tiêu chuẩn về nước ăn uống theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01:2009/BYT); về nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 02:2009/BYT).

3. Bảo đảm các điều kiện về thoát nước

a) Hệ thống thoát nước cần tuân theo các quy định trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7957:2008 và TCVN 4474 Thoát nước bên trong - Tiêu chuẩn thiết kế;

b) Không được dùng các ao hồ tự nhiên, các hồ nhân tạo làm nơi chứa nước thải.

4. Các khu chức năng, công trình trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Các khu chức năng chủ yếu, gồm: Khu học tập; Khu thực hành-lao động; Khu phục vụ học tập; Khu rèn luyện thể chất (thể dục thể thao); Khu hành chính quản trị và phụ trợ; Khu phục vụ sinh hoạt (với trường có nội trú).

b) Thành phần, cơ cấu và diện tích các phòng trong các khu chức năng được xác định trên cơ sở quy mô, cơ cấu tổ chức, ngành nghề đào tạo, kế hoạch giảng dạy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các tiêu chuẩn về từng phòng của khu chức năng thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9210:2012 Trường dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế.

c) Mật độ xây dựng từ 20% đến 40%, diện tích cây xanh từ 30% đến 40% diện tích khu đất xây dựng.

Điều 8. Công trình vệ sinh, thu gom và xử lý chất thải, phế liệu

1. Công trình vệ sinh

a) Về thiết kế, trang thiết bị nhà vệ sinh: áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9210:2012 Trường dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế;

b) Về điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh nhà vệ sinh: áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01:2011/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 27/2011/TT-BYT ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Thu gom và xử lý chất thải, phế liệu

a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn; phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử và thu hồi năng lượng;

b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có hệ thống thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt, không để nước ứ đọng; có hệ thống thoát nước riêng cho khu vực phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, phòng y tế, nhà bếp, khu vệ sinh, khu nuôi động vật thí nghiệm;

c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường;

d) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp đồng với các cơ sở đủ điều kiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt. Trường hợp tự thu gom, xử lý thì phải bảo đảm theo quy định tại khoản 4, mục VII, phần II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT)về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

đ) Khí thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường;

e) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quy định khác có liên quan tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Điều 9. Bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có bếp ăn nội trú, bán trú

a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 5 Mục VI của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) về phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Bếp ăn, nhà ăn, căng tin trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;

c) Người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn phải bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về sức khỏe theo quy định tại khoản 4 Mục VI ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có bếp ăn nội trú, bán trú ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn; căng tin phải bảo đảm yêu cầu tại điểm b khoản 1 Điều này.

Chương III

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE Y TẾ HỌC ĐƯỜNG

Điều 10. Quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động

1. Lập, quản lý sổ theo dõi tổng hợp tình trạng sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động.

2. Tổng hợp, đánh giá, phân tích các thông tin về tình hình sức khỏe và bệnh tật của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động để lập và triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe có hiệu quả.

3. Tư vấn để người học trong quá trình đăng ký tuyển sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân; đồng thời có các khuyến nghị kịp thời với cán bộ quản lý, nhà giáo về tình hình sức khỏe của người học.

4. Chủ động triển khai các biện pháp và chế độ vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 46/2010/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế.

5. Thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của người học khi mới nhập học.

6. Sơ cứu, cấp cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn trong quá trình dạy, học.

7. Hướng dẫn, tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động.

8. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện học tập, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống, nước sinh hoạt.

Điều 11. Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe

1. Biên soạn, sử dụng các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động. Tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe về các biện pháp phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm; phòng chống ngộ độc thực phẩm; dinh dưỡng hợp lý; hoạt động thể lực; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia và các chất gây nghiện khác; phòng chống tai nạn lao động và các chiến dịch truyền thông, giáo dục khác về công tác y tế.

2. Lồng ghép các nội dung giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong các giờ giảng và trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa.

3. Tư vấn cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất, tinh thần; trường hợp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệpngười học khuyết tật thì tư vấn, hỗ trợ cho họ hòa nhập.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

1. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các điều kiện bảo đảm tổ chức, thực hiện công tác y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Phối hợp với ngành Y tế tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế; tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập kế hoạch hàng năm và kế hoạch trung hạn về công tác y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này.

3. Hàng năm, phối hợp với ngành Y tế địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá công tác y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

4. Hàng năm, trước ngày 31 tháng 12, báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) về công tác y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Điều 14. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Xây dựng kế hoạch công tác y tế hàng năm và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung về công tác y tế học đường quy định tại Thông tư này.

2. Bảo đảm cán bộ y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế và môi trường y tế học đường.

3. Tổ chức, thực hiện khám sức khỏe cho người học khi nhập học; quản lý hồ sơ sức khỏe của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động.

4. Cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về y tế học đường do cơ quan y tế tổ chức.

5. Lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; đóng bảo hiểm y tế đầy đủ, đúng thời hạn; giao thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế; lập hồ sơ đề nghị cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí bảo hiểm y tế cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động tham gia bảo hiểm y tế theo quy định; tham gia giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm y tế.

6. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác y tế học đường theo quy định tại Thông tư này.

7. Hàng năm, trước ngày 15 tháng 12 báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bằng văn bản về công tác y tế học đường như mẫu báo cáo kèm theo.

8. Thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản tham chiếu trong Thông tư này có sự sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày      tháng      năm 20….

2. Các cở sở giáo dục nghề nghiệp phải tổ chức thực hiện công tác y tế học đường theo các quy định tại Thông tư này.

3. Các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện những điểm mới phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) để hướng dẫn hoặc bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Website Chính phủ, Website Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, TCGDNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Lê Quân


Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung
dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY