Dự thảo Thông tư quy chế chuyên môn về nhận diện người bệnh

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy chế chuyên môn về nhận diện người bệnh, vào viện, ra viện, chuyển khoa và bàn giao người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Y tếTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các quy chế chuyên môn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: quy định các loại hình điều trị, quy chế chuyên môn về nhận diện người bệnh, vào viện, ra viện, chuyển khoa và bàn giao người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ Y TẾ

 

Số:      /2018/TT- BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------

DỰ THẢO

Hà Nội, ngày      tháng     năm 2018

 

THÔNG TƯ

Quy chế chuyên môn về nhận diện người bệnh, vào viện, ra viện, chuyển khoa và bàn giao người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

 

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

Nghị định 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy chế chuyên môn về nhận diện người bệnh, vào viện, ra viện, chuyển khoa và bàn giao người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định các quy chế chuyên môn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: quy định các loại hình điều trị, quy chế chuyên môn về nhận diện người bệnh, vào viện, ra viện, chuyển khoa và bàn giao người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Thông tư quy chế chuyên môn là cơ sở bắt buộc tuân thủ thực  hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả cơ sở công lập và tư nhân.

Nhận diện người bệnh

Chương II

QUY CHẾ CHUYÊN MÔN

 

Điều 2. Các loại hình điều trị

1. Điều trị ngoại trú là hình thức quản lý, theo dõi chăm sóc, điều trị người bệnh định kỳ tái khám được cấp thuốc điều trị theo đơn tại nhà.

2. Điều trị ban ngày là hình thức quản lý, theo dõi chăm sóc, điều trị có sự can thiệp kỹ thuật, thủ thuật chuyên môn tại bệnh viện, với một khoảng thời gian nhất định trong ngày (dưới 8 tiếng/ ngày).

3. Điều trị nội trú là hình thức quản lý, theo dõi chăm sóc, điều trị người bệnh tại bệnh viện toàn bộ thời gian trong ngày.

Điều 3. Quy chế nhận diện người bệnh

1. Quy định chung

a. Hướng dẫn nhận diện người bệnh quy định những thông tin cần thiết để nhận diện người bệnh; những tình huống phải nhận diện chính xác người bệnh áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b. Người bệnh cần được nhận diện chính xác trong suốt quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Tất cả các nhân viên y tế khi thực hiện các dịch vụ tư vấn, can thiệp khám bệnh, chữa bệnh trên người bệnh, có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt quy định nhận diện người bệnh. 

c. Người bệnh được nhận diện bằng các thông số xác định tính duy nhất của người bệnh như sau:

+ Họ tên

+ Giới tính

+ Ngày tháng năm sinh

+ Trong trường hợp các thông số trên không có đầy đủ, cần bổ sung: địa chỉ hoặc họ tên người thân (bố, mẹ hoặc con đẻ. Lưu ý: Không sử dụng số giường, số buồng bệnh để định danh người bệnh).

d. Trẻ sơ sinh được định danh bằng họ tên của bé và họ tên của mẹ (đối với trường hợp sinh đôi, sinh ba bổ sung số thứ tự của bé).

đ. Các thông tin nhận diện người bệnh được gắn cố định trên người bệnh từ khi vào viện cho tới khi ra viện.

e. Trong trường hợp có bất cứ thông số nào của người bệnh không trùng khớp với thông tin trên hồ sơ bệnh án, biểu mẫu của người bệnh, dịch vụ y tế sẽ không được thực hiện cho người bệnh.

2. Quy định cụ thể

a. Xác định tình huống cần nhận diện người bệnh: Nhận diện người bệnh được thực hiện trong suốt quá trình khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong các tình huống sau: Tiếp nhận người bệnh; Thăm khám, ra y lệnh; Kê đơn; Thực hiện các chỉ định cận lâm sàng; Bàn giao người bệnh; Thực hiện y lệnh về thuốc, các dịch vụ kỹ thuật và chăm sóc cho người bệnh.

b. Khi đối chiếu với người bệnh, yêu cầu người bệnh tự nói họ tên, ngày tháng năm sinh của mình (trường hợp đặc biệt như người bệnh già yếu, nhỏ tuổi, rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần, hôn mê hoặc câm điếc,... thì yêu cầu người nhà người bệnh nói rõ), nhân viên y tế đối chiếu với thông tin định danh được gắn trên người bệnh và y lệnh.

c. Trường hợp người bệnh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê và không có người thân đi cùng, không có bất cứ thông tin gì về người bệnh và thân nhân, nhân viên y tế tiếp nhận người bệnh đầu tiên sẽ cung cấp mã số người bệnh.

d. Không sắp xếp người bệnh trùng họ tên nằm điều trị cùng một buồng bệnh.

Điều 4. Quy chế quy định quy trình vào viện

1. Quy định chung

a. Quy chế vào viện quy định chỉ định và tiếp nhận người bệnh vào viện điều trị nội trú, điều trị ban ngày (gọi chung là vào viện điều trị) trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b. Áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú, điều trị ban ngày;

c. Quy định tiếp nhận người bệnh là các quy định về thủ tục hành chính và chuyên môn, kỹ thuật cần phải tiến hành cho tất cả các người bệnh, ngay sau khi có chỉ định vào viện điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

d. Quy định chỉ định vào viện điều trị dựa trên tình trạng bệnh lý của người bệnh, phù hợp chức năng, nhiệm vụ và năng lực khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

đ. Người bệnh vào viện điều trị nội trú theo quy định phải được chuyển từ khoa khám bệnh, khoa cấp cứu vào khoa điều trị;

e. Các thành viên trong bệnh viện phải có trách nhiệm nhanh chóng hoàn thiện thủ tục vào viện, bảo đảm các thủ tục hành chính và chuyên môn kỹ thuật theo quy định.

f. Bảo đảm nhanh chóng ổn định, sắp xếp giường bệnh cho người bệnh tại khoa điều trị nội trú.

2. Quy định cụ thể

a. Tại khoa Khám bệnh

Đối với người bệnh cấp cứu:

- Chuyển ngay người bệnh vào buồng hoặc khoa cấp cứu và thực hiện các quy trình chuyên môn cấp cứu người bệnh.

- Ghi nhận các thông tin hành chính của người bệnh theo quy định

Đối với người bệnh không thuộc diện cấp cứu

- Bác sĩ khoa khám bệnh có trách nhiệm:

+ Khám lâm sàng toàn diện, chỉ định cận lâm sàng, chẩn đoán, căn cứ vào tình trạng người bệnh và khả năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vào viện điều trị.

+ Tư vấn cho người bệnh, người nhà người bệnh về lý do cần vào viện điều trị.

+ Làm giấy vào viện và chuyển cho nhân viên phụ trách nhập viện tại Khoa khám bệnh.

- Nhân viên phụ trách nhập viện:

+ Ngay sau khi người bệnh được bác sĩ cho chỉ định nhập viện điều trị, nhân viên phụ trách nhập viện hướng dẫn người bệnh làm các thủ tục nhập viện.

+ Hoàn chỉnh thông tin hành chính vào hồ sơ bệnh án.

+ Giải thích tất cả các thông tin cần thiết khi nhập viện, ngày nhập viện, các vấn đề liên quan đến viện phí.

+ Thực hiện các thủ tục vào viện cho người bệnh, thông báo cho khoa lâm sàng nhận người bệnh biết trước để chuẩn bị điều kiện phục vụ người bệnh.

- Điều dưỡng của khoa khám bệnh chuyển người bệnh vào khoa điều trị và bàn giao người bệnh cho điều dưỡng khoa điều trị. Người bệnh được chuyển vào khoa điều trị bằng phương tiện phù hợp với tình trạng của người bệnh, có nhân viên y tế đi kèm. 

b. Tại khoa điều trị

- Trợ giúp chăm sóc hoặc điều dưỡng hành chính của khoa điều trị: Chuẩn bị buồng bệnh sạch sẽ, chuẩn bị sẵn chăn, màn, quần áo và các vật dụng khác của bệnh viện tại giường nằm người bệnh được chuyển đến.

- Điều dưỡng của khoa điều trị:

+ Tiếp nhận bàn giao người bệnh từ nhân viên của Khoa khám bệnh

+ Kiểm tra hồ sơ bệnh án (điều dưỡng hành chính khoa hoặc người được giao nhiệm vụ tiếp nhận người bệnh: người bệnh, các kết quả xét nghiệm đã làm, các xét nghiệm đã làm nhưng chưa có kết quả)

+ Ký nhận với bên bàn giao (theo mẫu phiếu tại Phụ lục…)

+ Xếp phòng, giường cho người bệnh

+ Đưa người bệnh đến giường nằm đã được chuẩn bị sẵn chăn, màn, quần áo và các vật dụng khác của bệnh viện.

+ Báo bác sĩ người bệnh vào viện.

+ Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và các chỉ số khác theo quy định của mỗi chuyên khoa và nhận định ban đầu tình trạng người bệnh, về các dấu hiệu cấp cứu (đe dọa chức năng sống của người bệnh hoặc chức năng bộ phận cơ thể) để kịp thời xử trí khi cần thiết, báo cáo ngay cho bác sĩ trong trường hợp cần can thiệp xử trí khẩn cấp.

+ Hướng dẫn người bệnh: nội quy khoa phòng, nội quy bệnh viện, cách sử dụng các phương tiện, điều kiện sinh hoạt tại khoa điều trị và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Thực hiện các y lệnh điều trị.

- Điều dưỡng trưởng của khoa điều trị:

Có trách nhiệm phân công điều dưỡng tiếp nhận người bệnh; điều dưỡng theo dõi, chăm sóc người bệnh.

- Bác sĩ khoa điều trị:

+ Thăm khám và chỉ định cận lâm sàng, chỉ định điều trị, chế độ dinh dưỡng và chế độ chăm sóc cho người bệnh.

+ Hoàn thiện hồ sơ bệnh án theo qui chế hồ sơ bệnh án.

+ Trường hợp người bệnh diễn biến nặng phải báo cáo ngay trưởng khoa để phối hợp xử lý.

Điều 5. Quy chế quy định quy trình ra viện

1. Quy định chung

a. Quy chế ra viện là quy định điều kiện cho người bệnh ra viện và các thủ tục hành chính cần phải tiến hành cho  người bệnh vào viện điều trị, ngay sau khi có chỉ định ra viện. Áp dụng đối với người bệnh vào viện điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b. Các thành viên trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm nhanh chóng hoàn thiện thủ tục ra viện, bảo đảm các thủ tục hành chính theo quy định.

c. Quy trình ra viện được thực hiện trong giờ hành chính, tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết có thể cho người bệnh ra viện trong các ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính theo quy định và hướng dẫn chi tiết của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 2. Quy định cụ thể

a. Bác sĩ điều trị có nhiệm vụ:

- Đánh giá tình trạng sức khoẻ, bệnh, tật của người bệnh.

- Bác sĩ điều trị chỉ định ra viện căn cứ vào tình trạng của người bệnh. Trường hợp đặc biệt người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh có nguyện vọng ra viện, bác sĩ phải xem xét tình trạng bệnh và tư vấn cho người bệnh tiếp tục điều trị hoặc ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu người bệnh vẫn quyết định ra viện.

- Thông báo người bệnh biết tình hình sức khoẻ và kết quả điều trị. Giải thích cho người bệnh về kết quả điều trị, hướng điều trị, chăm sóc tiếp tục tại nhà.

- Kê đơn thuốc cho người bệnh khi cần tiếp tục điều trị tại nhà.

- Hướng dẫn chi tiết thực hiện đơn thuốc, những dấu hiệu cần theo dõi, thận trọng và lịch hẹn tái khám.

- Hoàn thiện hồ sơ bệnh án: viết nhận xét tình trạng người bệnh và ghi chỉ định cho ra viện trong tờ điều trị; hoàn thiện tổng kết bệnh án theo mẫu quy định.

- Báo cáo trưởng khoa ký duyệt bệnh án cho người bệnh ra viện.

- Viết giấy ra viện, phiếu hẹn khám lại và các giấy tờ khác có liên quan (khi có yêu cầu từ phía người bệnh).

b. Bác sĩ trưởng khoa có nhiệm vụ:

- Khám, duyệt cho người bệnh ra viện,

- Ký giấy ra viện,

- Ký hồ sơ bệnh án cho người bệnh ra viện.

c. Điều dưỡng chăm sóc:

- Hoàn thiện hồ sơ chăm sóc điều dưỡng người bệnh.

- Hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc, chế độ tiếp tục chăm sóc sức khoẻ sau khi ra viện.

- Hỗ trợ người bệnh liên hệ phương tiện vận chuyển, giúp người bệnh ra xe (nếu cần).

d. Điều dưỡng hành chính khoa hoặc điều dưỡng thường trực:

- Báo cho người bệnh và gia đình người bệnh về kế hoạch cho người bệnh ra viện

- Làm đầy đủ thủ tục cho người bệnh ra viện.

- Hướng dẫn người bệnh hoặc gia đình người bệnh thanh toán viện phí.

- Phát giấy ra viện, thuốc (đơn thuốc) điều trị tiếp theo, phiếu hẹn khám lại.

- Bàn giao hồ sơ bệnh án về kho bệnh án thuộc phòng kế hoạch tổng hợp theo quy chế lưu trữ hồ sơ bệnh án.

đ. Trợ giúp chăm sóc (Hộ lý)

- Giúp người bệnh thu gọn tư trang cá nhân và trả lại đồ dùng cho khoa

- Thu dọn giường bệnh và vệ sinh phòng bệnh

Điều 6. Quy chế bàn giao người bệnh

1. Quy định chung

a. Bàn giao người bệnh là việc bảo đảm mọi thông tin quan trọng của người bệnh được bàn giao đầy đủ, hiệu quả và thống nhất giữa các nhân viên y tế tham gia chăm sóc và điều trị người bệnh.

b. Hướng dẫn quy trình bàn giao người bệnh quy định những tình huống cần bàn giao và thống nhất thông tin cần bàn giao giữa các nhân viên y tế tham gia chăm sóc và điều trị người bệnh; áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c. Thông tin cần được bàn giao bao gồm:

- Thông tin nhận diện người bệnh;

- Hồ sơ bệnh án:  

+ Chẩn đoán;

+ Diễn biến bệnh và những can thiệp đã thực hiện cho người bệnh;

+ Tình trạng người bệnh hiện tại;

- Lý do bàn giao.

2. Quy định cụ thể

a. Xác định các tình huống cần bàn giao người bệnh: Việc bàn giao người bệnh cần được thực hiện khi:

- Chuyển Khoa điều trị (bao gồm cả chuyển từ Khoa khám bệnh vào Khoa điều trị);

- Chuyển khám chuyên khoa (?)

 - Chuyển để thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.

b. Nhân viên y tế chịu trách nhiệm bàn giao người bệnh cần thực hiện đầu đủ các công việc sau:

- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi thực hiện bàn giao người bệnh, bao gồm:….

- Đưa người bệnh đến nơi cần bàn giao

- Gặp và giới thiệu nhân viên tại nơi tiếp nhận người bệnh

- Thực hiện bàn giao theo Phiếu bàn giao người bệnh quy định tại Phụ lục …

- Ký xác nhận đã bàn giao đầy đủ vào Sổ bàn giao người bệnh

c. Người nhận bàn giao:

- Tiếp nhận người bệnh từ nhân viên bàn giao

- Kiểm tra hồ sơ và ký nhận vào Sổ bàn giao người bệnh (Phụ lục…)

- Thực hiện các công tác chuyên môn theo quy định sau khi nhận bàn giao người bệnh.

Điều 7. Quy chế chuyển khoa

1. Quy định chung

a. Quy chế chuyển khoa là yêu cầu chuyên môn và quy định các thủ tục hành chính cần phải tiến hành ngay sau khi phát hiện người bệnh có nguyên nhân bệnh chính thuộc về chuyên khoa khác khoa người bệnh đang điều trị; hoặc bệnh chính đã được điều trị ổn định và chuyển khoa để điều trị bệnh kèm theo không thuộc chuyên khoa đang điều trị người bệnh; hoặc nặng lên cần chuyển đơn vị điều trị tích cực.

- Áp dụng đối với tất cả người bệnh vào viện điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức điều trị nội trú, điều trị ban ngày.

- Người bệnh có thể được chuyển từ khoa này sang khoa khác trong các tình huống sau:

+ Khi bệnh chính không thuộc chuyên khoa của Khoa đang điều trị.

+ Khi bệnh chính đã được điều trị và xuất hiện bệnh phối hợp cần tiếp tục điều trị trong đợt điều trị tương ứng.

+ Trường hợp bệnh nặng chuyển cấp cứu hồi sức.

- Đảm bảo thực hiện đầy đủ và nhanh chóng các thủ tục hành chính theo quy định để người bệnh được chuyển sớm nhất ngay khi có yêu cầu.Tuyệt đối không đùn đẩy người bệnh giữa các Khoa.

- Người bệnh được chuyển khoa trong giờ hành chính, nhưng trong trường hợp cấp cứu người bệnh được chuyển khoa ngay theo chỉ định của bác sĩ điều trị, bất kể thời gian nào.

- Các loại hình chuyển khoa:

+ Chuyển từ khoa điều trị nội trú này sang khoa điều trị nội trú khác trong bệnh viện 

+ Chuyển từ điều trị ngoại trú vào điều trị nội trú (áp dụng quy chế vào viện).

+ Chuyển từ điều trị nội trú ra điều trị ngoại trú (áp dụng quy chế ra viện).

2. Quy định cụ thể

a. Bác sĩ điều trị có trách nhiệm:

- Khi phát hiện người bệnh có bệnh chính là bệnh thuộc chuyên khoa của khoa khác, cần đề nghị tổ chức hội chẩn  khoa và hội chẩn liên khoa để quyết định việc chuyển khoa (thực hiện theo Quy chế hội chẩn). Trường hợp người bệnh chuyển từ khoa điều trị nội trú ra khoa điều trị ngoại trú, không cần thực hiện hội chẩn, bác sĩ điều trị sẽ trực tiếp quyết định.

- Giải thích lý do và cung cấp các thông tin cần thiết cho người bệnh và gia đình người bệnh được rõ.

- Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, sơ kết bệnh án trong tờ điều trị, tóm tắt quá trình đã điều trị trước khi bàn giao.

b. Điều dưỡng khoa điều trị:

- Thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của bệnh viện, hướng dẫn người bệnh (người nhà người bệnh) chuẩn bị chuyển khoa theo chỉ định của bác sỹ điều trị.

- Thực hiện việc đưa người bệnh chuyển khoa đồng thời mang theo hồ sơ bệnh án đang điều trị của người bệnh.

- Ký sổ bàn giao người bệnh.

c. Điều dưỡng trưởng hoặc điều dưỡng hành chính khoa điều trị mới:

- Nhận bàn giao người bệnh và ký nhận người bệnh, hồ sơ bệnh án

- Sắp xếp giường bệnh, chăn màn, quần áo

- Phổ biến nội quy của khoa nằm viện cho người bệnh.

- Báo cáo bác sĩ trưởng khoa để phân công bác sĩ điều trị hoặc bác sỹ trực khoa tiếp nhận người bệnh.

d. Bác sĩ điều trị tại khoa mới chịu trách nhiệm:

- Tiếp nhận người bệnh, thăm khám ngay và cho y lệnh kịp thời.

- Hoàn thiện hồ sơ bệnh án theo đúng yêu cầu của quy chế hồ sơ bệnh án.

- Trong trường hợp người bệnh cấp cứu được chuyển  ngoài giờ hành chính, bác sĩ trong phiên trực phải hoàn thiện hồ sơ bệnh án ngay trong tua trực.

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

 

Điều 8. Trách nhiệm của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế

1. Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Thông tư quy định quy chế chuyên môn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Chủ trì và phối hợp với các Vụ, Cục liên quan chỉ đạo kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra, đánh giá hoạt động triển khai và tuân thủ thực hiện quy chế chuyên môn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

2. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định quy chế chuyên môn, đề xuất Bộ Y tế.

3. Tổng hợp, phân tích, báo cáo số liệu kết quảtriển khai thực hiện quy chế chuyên môn của tỉnh gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ thực hiện quy chế chuyên môn trong phạm vi toàn bệnh viện.

2. Tổng hợp, phân tích, báo cáo số liệu kết quả định kỳ của Bệnh viện gửi Sở Y tế và Bộ Y tế.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày...tháng...năm 2018.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện quy chế chuyên môn và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến quy định hoạt động chuyên môn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quân đội quản lý thực hiện quy chế chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Điều 12. Điều khoản tham chiếu

1. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.

2. Các điều kiện về cơ sở vật chất quy định tại Thông tư này sẽ được điều chỉnh và thực hiện khi Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Các Ông, Bà: Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Chánh văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục của Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện, Viện có giường bệnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng y tế các ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Thông tư này;

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) để được hướng dẫn, xem xét và giải quyết./.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế để nghiên cứu, xem xét và giải quyết./.

 

Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ (Công báo; Cổng TTĐTCP);

- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);

- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (để b/c);

- Các Vụ, Cục, Tổng cục, VP, Thanh tra Bộ Y tế;

- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Các BV trực thuộc Bộ Y tế;

- Y tế các Bộ, ngành;

-  Cổng TTĐT Bộ Y tế (moh.gov.vn);

-  Trang tin ĐT Cục QL KCB (kcb.vn);

- Lưu: VT, PC, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Viết Tiến

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi