Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án cung ứng vắc xin cho tiêm chủng từ nay đến năm 2025
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Quyết định
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe | Loại dự thảo: | Quyết định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Y tế | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Mục tiêu
Bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân (bao gồm: tiêm chủng mở rộng; tiêm chủng dịch vụ và phòng, chống dịch) nhằm duy trì các kết quả đạt được trong tiêm chủng, tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vắc xin phòng ngừa, đồng thời hướng tới mở rộng các bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc xin.Tải Quyết định
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng
từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
-----------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016 của Quốc Hội;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc Hội;
Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân (bao gồm: tiêm chủng mở rộng; tiêm chủng dịch vụ và phòng, chống dịch) nhằm duy trì các kết quả đạt được trong tiêm chủng, tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vắc xin phòng ngừa, đồng thời hướng tới mở rộng các bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc xin.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin đầy đủ, kịp thời cho tiêm chủng mở rộng, vắc xin phòng, chống dịch bệnh và tăng cường số lượng, số chủng loại vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ.
a) Đối với tiêm chủng mở rộng
- Đến năm 2025: Cung ứng đầy đủ vắc xin phòng 10 loại bệnh hiện đang triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 02 loại bệnh khác (bệnh tiêu chảy do vi rút Rota và bệnh do phế cầu).
- Đến năm 2030: Cung ứng đầy đủ vắc xin phòng 10 loại bệnh hiện đang triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 04 loại bệnh khác (bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, bệnh do phế cầu, bệnh ung thư cổ tử cung do HPV và bệnh cúm mùa).
b) Đối với tiêm chủng dịch vụ
- Tăng cường, chủ động tìm kiếm nguồn cung và thúc đẩy việc cấp phép lưu hành đối với các loại vắc xin mà nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng.
- Tăng cường tối đa số chủng loại vắc xin để đa dạng nguồn cung và tăng khả năng tiếp cận đối với các loại vắc xin mới hiện chưa có tại Việt Nam, đặc biệt các vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao hoặc sử dụng cho nhóm dân số dễ tổn thương trong cộng đồng.
c) Đối với vắc xin phòng, chống dịch
- Đối với vắc xin phòng bệnh Covid-19: Trong năm 2021 có nhiều loại vắc xin phòng bệnh Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả cao được cấp phép lưu hành và cung ứng tại Việt Nam.
- Cấp phép lưu hành kịp thời các loại vắc xin đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trong phòng, chống dịch.
2.2. Phát triển sản xuất vắc xin trong nước.
a) Đối với tiêm chủng mở rộng
Đến năm 2025:
- Sản xuất và cung ứng đủ vắc xin phòng 11 bệnh (gồm 10 bệnh hiện đang triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng và bệnh tiêu chảy do vi rút Rota) trong tổng số 12 loại bệnh (gồm 10 bệnh hiện đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, bệnh do phế cầu).
- Có thể sản xuất được vắc xin phòng bệnh phối hợp 5 trong 1 (phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và một trong hai bệnh bại liệt hoặc viêm gan B).
Đến năm 2030:
- Sản xuất và cung ứng đủ vắc xin phòng 12 bệnh (gồm 10 bệnh hiện đang triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota và bệnh ung thư cổ tử cung do HPV) trong tổng số 14 loại bệnh (gồm 10 bệnh hiện đang triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, bệnh do phế cầu, bệnh ung thư cổ tử cung do HPV và bệnh cúm mùa).
- Sản xuất được vắc xin phòng bệnh phối hợp 5 trong 1.
b) Đối với tiêm chủng dịch vụ
- Đáp ứng 100% nhu cầu về số lượng vắc xin cần sử dụng cho tiêm chủng đối với những loại vắc xin mà trong nước sản xuất được.
c) Đối với vắc xin phòng, chống dịch bệnh
- Đối với vắc xin phòng bệnh Covid-19: Phấn đấu trong năm 2021 có vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành, đưa vào sử dụng và đến năm 2022 sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêm chủng.
- Chủ động sản xuất kịp thời, đủ số lượng các loại vắc xin có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong phòng, chống dịch.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN
1. Phạm vi thực hiện của Đề án
Đề án được triển khai trên toàn quốc, gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Đối tượng của Đề án
Cơ sở tiêm chủng, các tổ chức nghiên cứu vắc xin, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, bảo quản vắc xin, các đơn vị tham gia quản lý vắc xin và công tác tiêm chủng.
Đối tượng hưởng lợi: Mọi người dân, đặc biệt là trẻ em và những đối tượng có nguy cơ cao.
3. Thời gian triển khai
Giai đoạn từ nay đến năm 2030.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Giải pháp về chính sách, pháp luật
1.1. Tăng cường chính sách ưu tiên trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin và tăng cường năng lực sản xuất vắc xin
a) Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị, cải tạo và nâng cấp nhà xưởng sản xuất vắc xin.
b) Có chính sách đào tạo và đãi ngộ thích đáng đối với nguồn nhân lực cho nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin trên cả hai khía cạnh tự nghiên cứu để làm chủ công nghệ sản xuất hoặc tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin, đặc biệt đối với các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao, các loại vắc xin mới chưa có tại Việt Nam, các vắc xin phối hợp, vắc xin phòng các bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
c) Có chính sách ưu đãi hợp lý cho nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
1.2. Rà soát để bổ sung, sửa đổi các chính sách nhằm thúc đẩy, rút ngắn tiến độ cổ phần hóa đối với doanh nghiệp sản xuất vắc xin.
1.3. Bộ Y tế chỉ đạo trực tiếp việc Tổ chức lại mô hình hoạt động của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin theo hướng thành lập Viện vắc xin và sinh phẩm quốc gia với đầy đủ các nguồn lực cần thiết trên cơ sở hợp nhất các đơn vị sản xuất vắc xin nhằm tập trung nguồn lực và tận dụng thế mạnh của từng đơn vị.
1.4. Chính sách dự trù, đấu thầu, giá, mua sắm, cung ứng vắc xin
a) Xây dựng phương án điều chỉnh tăng giá vắc xin theo lộ trình để đảm bảo tính đúng, tính đủ giá vắc xin sản xuất trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
b) Xây dựng chính sách mua sắm vắc xin cho Tiêm chủng mở rộng, ít nhất trong giai đoạn 05 năm tới.
c) Rà soát đề sửa đổi các bất cập trong quy định về đấu thầu mua sắm vắc xin nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời vắc xin trong hệ thống tiêm chủng công lập, tránh việc phụ thuộc vào một nguồn cung vắc xin duy nhất, đặc biệt là đối với các vắc xin phòng dịch bị động.
d) Có chính sách dữ trự vắc xin phòng dịch bị động với số lượng phù hợp tại các cơ sở tiêm chủng công lập nhằm đảm bảo đủ vắc xin cho nhu cầu tiêm chủng trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn.
1.5. Có chính sách ưu tiên nhằm đẩy nhanh việc đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu, thử nghiệm lâm sàng đối với các loại vắc xin phòng các bệnh khác nhau, đặc biệt là đối với các vắc xin nhập khẩu mà trong nước chưa có khả năng đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ nhu cầu tiêm chủng.
1.6. Có chính sách dự trữ từ nhà sản xuất, nhà cung ứng đối với vắc xin trong các trường hợp khẩn cấp, chống dịch để có biện pháp chủ động cung ứng.
2. Giải pháp khoa học công nghệ
a) Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vắc xin nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất và chất lượng của vắc xin sản xuất trong nước.
b) Xây dựng và củng cố hệ thống dữ liệu cơ sở về cung ứng vắc xin trên cơ sở tận dụng và tích hợp với dữ liệu quốc gia hiện có về công tác tiêm chủng để kết nối các khâu từ sản xuất, đặt hàng, cung ứng đến sử dụng vắc xin nhằm kịp thời cập nhật về tình hình cung, cầu và dự báo tốt khả năng cung ứng.
c) Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường chất lượng và rút ngắn thời gian cấp phép lưu hành vắc xin.
a) Hỗ trợ đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc nghiên cứu, nâng cao năng lực cho các tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
b) Ưu tiên đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Ưu tiên, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia, nhóm nghiên cứu sản xuất vắc xin ở trong nước và nước ngoài nhằm giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ công nghệ để sản xuất các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao, các loại vắc xin mới chưa có tại Việt Nam, các vắc xin phối hợp, vắc xin phòng các bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
c) Ưu tiên, tăng cường thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin, nhất là các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao; các loại vắc xin mới chưa có tại Việt Nam; các vắc xin phối hợp, vắc xin phòng các bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
d) Hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về nghiên cứu, sản xuất vắc xin; hỗ trợ khai thác sáng chế, giải mã và làm chủ công nghệ mới trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
đ) Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới sản xuất vắc xin và đào tạo bồi dưỡng nhân lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
e) Tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin ở trong nước và nước ngoài về nghiên cứu và sản xuất vắc xin, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin, phục vụ cho việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin.
3. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật
a) Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất vắc xin mới, vắc xin phối hợp.
b) Nâng cao chất lượng, quy mô của hệ thống các đơn vị thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng đối với vắc xin.
c) Duy trì và nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về vắc xin theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.
d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ tăng giá, cung ứng nhỏ giọt hoặc mất cân đối vắc xin dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ vắc xin cho tiêm chủng.
4. Giải pháp về tài chính
a) Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất vắc xin, đặc biệt là vắc xin thế hệ mới, vắc xin phối hợp.
b) Xây dựng quỹ từ nguồn ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước để phục vụ nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
c) Xây dựng Đề án vay vốn ODA để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho 100 triệu dân.
d) Có cơ chế về tài chính nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các vắc xin thiết yếu nhưng có giá thành cao trong tiêm chủng dịch vụ.
b) Trường hợp cần hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để sản xuất vắc xin, các đơn vị sản xuất xây dựng Đề án sản xuất vắc xin và đề xuất nguồn vốn đầu tư sản xuất cho phù hợp, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về khoa học và công nghệ.
5. Giải pháp về truyền thông, hợp tác quốc tế
a) Tổ chức truyền thông trong các giai đoạn tạm thời thiếu hụt vắc xin hoặc trong giai đoạn chuyển giao sử dụng thay thế vắc xin này bằng một vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng.
b) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vắc xin và cung ứng vắc xin vào Việt Nam.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm ngân sách nhà nước; vốn huy động, từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài.
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn huy động từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước (nếu có) theo quy định; nguồn chi trả của người sử dụng dịch vụ tiêm chủng ngoài phạm vi TCMR theo quy định của pháp luật.
2. Kinh phí lồng ghép trong việc triển khai chương trình, đề án, dự án có liên quan của các Bộ ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội; các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Trung ương và các địa phương.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Y tế
a) Xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành hoặc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định, đề án nhằm:
- Thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng Covid-19; các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao hoặc sử dụng cho nhóm dân số dễ bị lây nhiễm trong cộng đồng; các loại vắc xin mới hiện chưa có tại Việt Nam; các vắc xin phối hợp, vắc xin để phòng thêm các bệnh hiện chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Thúc đẩy, rút ngắn tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp sản xuất vắc xin.
- Tổ chức lại mô hình hoạt động của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin theo hướng thành lập Viện vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia với đầy đủ các nguồn lực cần thiết trên cơ sở hợp nhất các đơn vị sản xuất vắc xin nhằm tập trung nguồn lực và tận dụng thế mạnh của từng đơn vị.
- Giải quyết các bất cập trong quy định về đấu thầu mua sắm vắc xin. Nghiên cứu triển khai phương án đấu thập tập trung cấp quốc gia đối với vắc xin tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ sử dụng trong hệ thống tiêm chủng của nhà nước.
b) Đẩy nhanh việc thẩm định hồ sơ và cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu, phê duyệt thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin. Xây dựng quy trình cấp phép nhanh đối với vắc xin phòng Covid-19; các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao hoặc sử dụng cho nhóm dân số dễ tổn thương trong cộng đồng; các loại vắc xin mới hiện chưa có tại Việt Nam; các vắc xin phối hợp, vắc xin để phòng thêm các bệnh hiện chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
c) Xây dựng và củng cố hệ thống dữ liệu cơ sở về cung ứng vắc xin trên cơ sở tận dụng và tích hợp với dữ liệu quốc gia hiện có về công tác tiêm chủng để kết nối các khâu từ sản xuất, đặt hàng, cung ứng đến sử dụng vắc xin nhằm kịp thời cập nhật về tình hình cung, cầu và dự báo tốt khả năng cung ứng.
d) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tiêm chủng lập kế hoạch dự trù, dự trữ và dự báo nhu cầu sử dụng vắc xin tại cơ sở để đảm bảo không bị thiếu vắc xin.
đ) Chỉ đạo các đơn vị liên quan điều phối vắc xin khi xảy ra tình trạng thừa, thiếu vắc xin cục bộ.
e) Duy trì và nâng cao năng lực về quản lý vắc xin theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.
g) Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
h) Xây dựng phương án điều chỉnh tăng giá vắc xin theo lộ trình để đảm bảo tính đúng, tính đủ giá vắc xin sản xuất trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng và chuyển Bộ Tài chính phê duyệt theo thẩm quyền.
i) Xây dựng cơ chế mua sắm vắc xin cho Tiêm chủng mở rộng, ít nhất trong giai đoạn 05 năm tới để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
k) Bố trí nguồn vốn trung hạn để đầu tư phát triển vắc xin trong nước.
l) Xây dựng Đề án vay vốn ODA để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho 100 triệu dân để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
m) Tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, chất chuẩn cho Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế để năng cao năng lực và hiệu quả của công tác kiểm nghiệm vắc xin, đặc biệt là đối với các loại vắc xin mới cho Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.
n) Đẩy mạnh việc hợp tác, đàm phán mua vắc xin nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng Covid-19; các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao hoặc sử dụng cho nhóm dân số dễ tổn thương trong cộng đồng; các loại vắc xin mới hiện chưa có tại Việt Nam; các vắc xin phối hợp, vắc xin để phòng thêm các bệnh hiện chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
b) Bố trí đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vắc xin an toàn, hiệu quả.
c) Kịp thời thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mua vắc xin trong trường hợp đặc biệt quy định tại Luật đấu thầu theo đề nghị của Bộ Y tế nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
3. Bộ Tài chính
a) Bố trí kinh phí chi thường xuyên cho việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất trong vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng Covid-19; các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao hoặc sử dụng cho nhóm dân số dễ tổn thương trong cộng đồng; các loại vắc xin mới hiện chưa có tại Việt Nam; vắc xin phối hợp, vắc xin để phòng thêm các bệnh hiện chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng; hướng tới xuất khẩu và nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất vắc xin trong nước.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương bảo đảm cân đối nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để đảm bảo có đủ kinh phí mua vắc xin phòng chống dịch, trong đó có vắc xin phòng Covid-19 theo quy định.
Bố trí kinh phí chi thường xuyên cho việc triển khai các hoạt động TCMR theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ
(Sửa lại theo nhiệm vụ)
a) Tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển và chủ động đặt hàng các tổ chức, doanh nghiệp, viện, trường, nhà khoa học nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19; các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao hoặc sử dụng cho nhóm dân số dễ tổn thương trong cộng đồng; các loại vắc xin mới hiện chưa có tại Việt Nam; vắc xin phối hợp, vắc xin để phòng các bệnh hiện chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
b) Có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận công nghệ mới, khai thác sáng chế, giải mã và làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
c) Hướng dẫn hoạt động chuyển giao công nghệ; Xây dựng quy trình cấp phép nhanh trong chuyển giao công nghệ và chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với vắc xin phòng Covid-19; các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao hoặc sử dụng cho nhóm dân số dễ tổn thương trong cộng đồng; các loại vắc xin mới hiện chưa có tại Việt Nam; vắc xin phối hợp, vắc xin phòng các bệnh hiện chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
d) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin theo thẩm quyền.
Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách ưu tiên trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin, đặc biệt là các vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có tính chất lây nhiễm cao, các loại vắc xin mới chưa có tại Việt Nam, các vắc xin phối hợp, vắc xin phòng các bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm:
a) Hỗ trợ đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, năng lực cho các tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin;
b) Đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin;
c) Tăng cường thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin;
d) Hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về nghiên cứu, sản xuất vắc xin; hỗ trợ khai thác sáng chế, giải mã và làm chủ công nghệ mới trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
đ) Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới sản xuất vắc xin và đào tạo bồi dưỡng nhân lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
e) Đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin ở trong nước và nước ngoài về nghiên cứu và sản xuất vắc xin.
5. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí ngân sách địa phương để đảm bảo công tác tiếp cận vắc xin kịp thời cho nhu cầu tiêm chủng của người dân trên địa bàn.
b) Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án tại địa phương, định kỳ hàng năm báo cáo về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án và đề xuất các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHĐP, TH; - Lưu: Văn thư, KGVX (3b),vt. | THỦ TƯỚNG
|
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!