Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia lần 4
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Luật
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe | Loại dự thảo: | Luật |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Y tế | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Dự kiến thông qua tại: | Kì họp đang cập nhật - Khóa đang cập nhật |
Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia...Điểm mới của Dự thảo:
Quán nhậu phải nhắc khách không lái xe sau khi uống rượu, bia
Tải Luật
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
QUỐC HỘI Số: /2019/QH13 DỰ THẢO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
LUẬT
PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu: tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
2. Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men hỗn hợp các nguyên liệu chủ yếu gồm: mạch nha (malt), đại mạch, ngũ cốc, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.
3. Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu trên hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.
4. Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, đơn giản, được gia nhiệt trực tiếp không sử dụng hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp đồng bộ.
5. Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học theo danh pháp quốc tế của Liên minh quốc tế về hóa học thuần túy và ứng dụng (International Union of Pure and Applied Chemistry Nomenclature) là Ethanol, đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
6. Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích (số mililit ethanol nguyên chất trong 100 mililit dung dịch ở 20 °C).
7. Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng không có lợi của rượu, bia đối với sức khỏe người uống, gia đình người uống, cộng đồng và kinh tế - xã hội.
8. Nghiện rượu, bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu, bia với các biểu hiện đặc trưng như thường xuyên thèm uống, lượng uống có thể tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống.
Điều 3. Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; ưu tiên các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, giảm tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia và tăng cường quản lý kinh doanh rượu thủ công; giảm độ cồn trong sản phẩm rượu, bia.
2. Ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên.
3. Áp dụng các chính sách thuế phù hợp, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia.
4. Bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia từ nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia; ưu tiên cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia tại y tế cơ sở và ở cộng đồng; huy động xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.
5. Khen thưởng kịp thời cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực, có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
6. Tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
7. Khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất rượu, bia; nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm độ cồn trong các sản phẩm rượu, bia.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người dân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Người dân có quyền:
a) Được cung cấp thông tin phù hợp, khoa học, chính xác, khách quan, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, chất lượng và tác hại của rượu, bia;
b) Được bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
c) Được sống trong môi trường an toàn, không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia;
d) Được phản ánh hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi uống, bán rượu, bia tại địa điểm, trong thời gian không được uống, bán rượu, bia.
2. Người dân có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Sử dụng men, cồn thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các nguyên liệu không bảo đảm chất lượng; cồn, men, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia.
2. Quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.
3. Khuyến mại, tài trợ hoặc sử dụng rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại, tài trợ dưới mọi hình thức.
4. Bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet.
5. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
6. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.
7. Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia.
8. Cho người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia; ép buộc phụ nữ mang thai và người khác sử dụng rượu, bia.
9. Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
10. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia.
11. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khoẻ.
12. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, trừ trường hợp thực hiện nghi lễ đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Chương II
CÁC BIỆN PHÁP GIẢM MỨC TIÊU THỤ RƯỢU, BIA
Điều 6. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, tai nạn giao thông, trật tự xã hội, bạo lực gia đình và các vấn đề kinh tế - xã hội khác.
2. Yêu cầu của việc thông tin, giáo dục, truyền thông:
a) Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về rượu, bia và tác hại của rượu, bia phải chính xác, khoa học, khách quan và đầy đủ;
b) Nội dung, hình thức phù hợp, dễ tiếp cận với đối tượng được thông tin, giáo dục, truyền thông; chú trọng đối với học sinh, sinh viên, thanh niên, người dân tộc thiểu số và cá nhân, tổ chức, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công.
3. Nội dung về thông tin, giáo dục, truyền thông:
a) Chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
c) Tác hại của rượu, bia; các mức độ nguy cơ của sử dụng rượu, bia; vận động người dân hạn chế uống rượu, bia; không điều khiển phương tiện giao thông cơ giới sau khi uống rượu, bia; các bệnh, tình trạng sức khỏe, đối tượng không nên uống rượu, bia; tuổi không được uống rượu, bia; các dấu hiệu say rượu, bia; kỹ năng từ chối sử dụng rượu, bia;
d) Tuyên truyền, vận động người dân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại và sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
Điều 7. Địa điểm không được uống rượu, bia
1. Cơ sở y tế.
2. Cơ sở giáo dục.
3. Cơ sở hoặc khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
5. Cơ sở bảo trợ xã hội.
6. Trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trừ trường hợp thực hiện nghi lễ đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Quản lý việc khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn
Tổ chức, cá nhân không được dùng rượu, bia dưới 15 độ cồn làm giải thưởng, khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn trực tiếp đến người tiêu dùng, trừ các lễ hội ẩm thực.
Điều 9. Quản lý đối với quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia phải tuân thủ các quy định tại Luật này và các quy định khác của pháp luật về quảng cáo.
2. Quảng cáo không được thể hiện các nội dung sau đây:
a) Có thông tin, hình ảnh uống, thúc đẩy uống rượu, bia; thông tin không chính xác, không có cơ sở khoa học về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe; rượu, bia có tác dụng tạo sự thân thiện, thành đạt, trưởng thành, quyến rũ, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
b) Sử dụng nhãn hiệu sản phẩm, vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim quen thuộc hoặc dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên thanh niên; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.
3. Quảng cáo không được thực hiện trên các phương tiện quảng cáo trong các trường hợp sau đây:
a) Các phương tiện quảng cáo, sản phẩm quảng cáo dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
b) Các phương tiện giao thông;
c) Báo hình, báo nói trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em trên báo hình, báo nói;
d) Các phương tiện quảng cáo đặt ngoài trời trong bán kính 500m tính từ cổng của cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Quảng cáo phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
5. Quảng cáo trên internet phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm.
Điều 10. Quản lý việc quảng cáo rượu, bia từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn
Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo đối với rượu, bia từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn phải tuân thủ các quy định tại Điều 9 Luật này và không được quảng cáo trong các trường hợp sau đây:
1. Trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh.
2. Trên các loại phương tiện quảng cáo ở ngoài trời.
Điều 11. Quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia dưới 15 độ cồn
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia dưới 15 độ cồn thực hiện hoạt động tài trợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tài trợ và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia; không được có tên sản phẩm rượu, bia; hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ.
Chương III
CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VIỆC CUNG CẤP RƯỢU, BIA
Điều 12. Điều kiện kinh doanh rượu
1. Điều kiện sản xuất rượu công nghiệp từ 3 độ cồn trở lên:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có giấy phép theo quy định pháp luật;
b) Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất;
c) Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
d) Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
đ) Có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
2. Điều kiện sản xuất rượu thủ công từ 3 độ cồn trở lên nhằm mục đích kinh doanh
a) Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật và có giấy phép theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Điều kiện sản xuất rượu thủ công từ 3 độ cồn trở lên để bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại
a) Có hợp đồng mua bán với cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp và có đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật.
4. Điều kiện trong mua bán rượu từ 3 độ cồn trở lên:
a) Có giấy phép theo quy định của pháp luật và đáp ứng các quy định về quản lý về nguồn gốc của sản phẩm;
b) Sản phẩm rượu được mua bán phải đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định điều kiện kinh doanh rượu dưới 3 độ cồn. Từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, việc cấp phép sản xuất rượu thủ công được miễn phí.
Điều 13. Điều kiện bán rượu, bia dưới 15 độ cồn trên internet
1. Đáp ứng điều kiện về bán rượu quy định tại khoản 4 Điều 12, điều kiện về bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm đối với bia quy định tại Điều 15 Luật này.
2. Đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
3. Có biện pháp để kiểm soát tuổi của người mua.
4. Áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều 14. Biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh
1. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản tự kê khai về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng, cam kết không bán rượu ra thị trường theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi ủy ban nhân cấp xã và không phải nộp phí.
2. Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh bảo đảm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Điều 15. Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia
Rượu, bia được kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam phải bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các quy định của pháp luật.
Điều 16. Ghi nhãn bao bì rượu, bia
Rượu, bia được kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.
Điều 17. Địa điểm không được bán rượu, bia
1. Cơ sở y tế.
2. Cơ sở giáo dục.
3. Cơ sở hoặc khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
5. Cơ sở bảo trợ xã hội.
6. Nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trừ nơi làm việc là địa điểm bán rượu, bia.
Điều 18. Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu
1. Tổ chức, cá nhân không được kinh doanh rượu có bổ sung các thực vật, động vật, thảo dược và các chất khác không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, không được phép dùng trong thực phẩm.
2. Rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định; rượu, bia giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc đều bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tham gia với cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, rượu, bia nhập lậu.
4. Bộ Công Thương, Bộ Y tế hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm theo thẩm quyền để phân biệt và phòng ngừa pha chế rượu từ các loại cồn không được phép dùng trong thực phẩm.
Chương IV
CÁC BIỆN PHÁP GIẢM TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Điều 19. Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia
1. Cơ quan, người có thẩm quyền chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đang tham gia giao thông; người bị thương tích do tai nạn giao thông để phòng ngừa, xác định nguyên nhân, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải của cơ sở sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông.
Điều 20. Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, các bệnh có liên quan đến sử dụng ruợu, bia
1. Các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, các bệnh có liên quan đến sử dụng ruợu, bia:
a) Sàng lọc, phát hiện sớm người nghiện rượu, bia; yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe do sử dụng rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn do sử dụng rượu, bia;
b) Can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, người mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện, tái nghiện;
c) Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc các bệnh, rối loạn có liên quan đến sử dụng rượu, bia.
2. Cơ sở y tế thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.
Điều 21. Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia
1. Các biện pháp để chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia:
a) Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai về tác hại của rượu, bia đối với bào thai, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú; cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình;
b) Biện pháp can thiệp, hỗ trợ, cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn, cho trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này phải được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác.
3. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các biện pháp xã hội quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Chương V
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM
CHO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Điều 22. Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia
1.
Phương án 1: Nguồn kinh phí dành riêng cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia được trích tối đa 0,5% từ tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia và tập trung về ngân sách trung ương để tổng hợp trong dự toán ngân sách báo cáo Quốc hội phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách.
Phương án 2: Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phòng, chống tác hại rượu, bia.
2. Nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều 23. Các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia được bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện
1. Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông.
2. Các hoạt động can thiệp sau đây:
a) Xây dựng, triển khai các mô hình, hoạt động điểm về cai nghiện, phòng, chống nghiện, tái nghiện rượu, bia, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu, bia; địa điểm, cộng đồng dân cư không sử dụng rượu, bia và phát triển các mô hình có hiệu quả;
b) Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
c) Các hoạt động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 20 Luật này.
3. Các hoạt động nâng cao năng lực thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản, y tế cơ sở tham gia phòng, chống tác hại của rượu, bia.
4. Các biện pháp tăng cường quản lý đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
5. Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ do sử dụng rượu, bia; nghiên cứu để hoàn thiện chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức việc thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và nghiên cứu sáng kiến, giải pháp về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
6. Các hoạt động khác do Chính phủ quyết định khi cần thiết.
Điều 24. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia
1a (áp dụng đối với phương án 1 Điều 22). Chính phủ quyết định việc phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.
1b (áp dụng đối với phương án 2 Điều 22). Nguồn kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia được phân bổ và sử dụng theo quy định của pháp luật .
2. Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia theo đề nghị của Bộ Y tế.
Điều 25. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật và không được sử dụng ngân sách nhà nước để nộp phạt, bồi thường; pháp nhân thương mại, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Việc phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm xử lý kịp thời, triệt để.
3. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Điều 26. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
3. Ngoài trách nhiệm cụ thể của các Bộ quy định tại Luật này, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong phạm vi địa phương.
Điều 27. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội tham gia ý kiến xây dựng pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của rượu, bia; tham gia thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
3. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm:
a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Tuyên truyền, vận động trẻ em, thanh niên không sử dụng rượu, bia;
c) Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong công tác đoàn.
4. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm:
a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.
Điều 28. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia
1. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; thông tin về rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.
2. Tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia.
3. Không được sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
4. Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn do cơ sở sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
5. Cơ sở bán rượu, bia phải có biện pháp kiểm tra độ tuổi của người mua rượu, bia để phòng ngừa việc bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông hoặc hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện công cộng để đi về sau khi uống rượu, bia; không bán rượu, bia phía ngoài cổng cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
6. Tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cơ sở và tuân thủ các quy định khác tại Luật này.
Điều 29. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệmvận động, tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.
2. Người đứng đầu tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm:
a) Tuyên truyền, vận động các gia đình trên địa bàn, người thuộc tổ chức, đoàn thể, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
b) Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào phong trào quần chúng, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ và các hoạt động xã hội khác tại cộng đồng;
c) Vận động, khuyến khích đưa quy định về việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước, nội quy;
d) Vận động người dân không sản xuất hoặc giảm dần sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh; không sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu không bảo đảm an toàn, không thuộc loại dùng cho thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia.
3. Cha, mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm giáo dục người chưa đủ 18 tuổi trong gia đình không sử dụng rượu, bia.
Điều 30. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không được uống không được bán rượu, bia
1. Người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia có quyền sau đây:
a) Nhắc nhở, yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc uống rượu, bia tại địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia;
b) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định không được uống, không được bán rượu, bia nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, trừ trường hợp người vi phạm là người bệnh.
2. Người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quy định về điểm không được uống, không được bán rượu, bia của Luật này;
b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31. Sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến rượu, bia trong các Luật khác
1. Thay thế cụm từ "rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên" tại Khoản 4 Điều 100 và Khoản 4 Điều 109 Luật Thương mại bằng chữ "rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên".
2. Sửa đổi Khoản 3 Điều 7 Luật Quảng cáo như sau:
"Rượu, bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên."
3. Bổ sung Khoản 17 vào Điều 8 Luật Quảng cáo như sau:
"Quảng cáo có các nội dung không phù hợp; quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo và trong các trường hợp không được phép theo quy định của các Luật chuyên ngành".
Điều 32. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ thông qua ngày tháng năm 2019.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!