Phương án 170/PA-UBND Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Phương án 170/PA-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 170/PA-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Phương án |
Người ký: | Chu Ngọc Anh |
Ngày ban hành: | 21/07/2021 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe, COVID-19 |
tải Phương án 170/PA-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 170/PA-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2021 |
PHƯƠNG ÁN
Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội
_____________
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG TẠI HÀ NỘI
1. Sự cần thiết
Đại dịch COVID-19 đã lây lan và bùng phát mạnh tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn Thế giới, tính đến ngày 07/7/2021 đã có hơn 185 triệu người mắc và hơn 04 triệu người tử vong. Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên Thế giới đã triển khai chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên quy mô lớn, điển hình như tại Mỹ và một số nước Châu Âu có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng rất cao, ngăn chặn hiệu quả việc lây lan dịch bệnh, đây là cơ sở để các nước dần mở cửa trở lại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19, các nước cần đẩy mạnh tiêm vắc xin để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Tại Việt Nam, ngày 11/6/2021 Bộ Chính trị ban hành Kết luận 07-KL/TW về nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó yêu cầu sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Y tế đang rất nỗ lực thúc đẩy đưa vắc xin phòng COVID-19 về nước sớm nhất, nhiều nhất, khẩn trương, quyết liệt triển khai có hiệu quả chiến lược vắc xin.
Hà Nội đã trải qua 04 đợt dịch, bằng tinh thần chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống và nỗ lực vượt bậc, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội thì việc tiêm chủng vắc xin để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng (trên 70% dân số được tiêm phòng vắc xin COVID-19) càng ngày càng trở nên cấp bách và là biện pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai ký kết hợp đồng mua vắc xin từ các nhà sản xuất, theo đó số lượng vắc xin từ nguồn mua, nguồn tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và nguồn viện trợ của các nước sẽ có khoảng 120 triệu liều trong năm 2021. Để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho nhân dân Thủ đô trong năm 2021, thành phố Hà Nội cần chủ động xây dựng phương án để đáp ứng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi Thành phố được Bộ Y tế phân bổ với số lượng vắc xin lớn. Vì vậy, việc xây dựng Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với yêu cầu thực hiện tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày là hết sức cần thiết và cấp bách.
2. Thực trạng công tác tiêm chủng tại Hà Nội và nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu tiêm chủng 200.000 mũi tiêm/ngày
2.1. Thực trạng hệ thống tiêm chủng tại Hà Nội
- Hệ thống tiêm chủng của Hà Nội được xây dựng trên nền tảng phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã giữ vai trò chủ yếu trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại các Trạm Y tế và một số bệnh viện. Ngoài ra còn có các điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
- Theo thống kê trên toàn Thành phố có 604 dây chuyền tiêm chủng tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng đảm bảo hoạt động, trong đó có: 547 dây chuyền tại cơ sở công lập đủ điều kiện (504 tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; 18 tại Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện; 25 tại các bệnh viện công lập), 57 dây chuyền tại cơ sở tư nhân đủ điều kiện (18 tại bệnh viện tư nhân, 39 tại Phòng khám đa khoa tư nhân và cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân).
- Về năng lực tiếp nhận, bảo quản vắc xin: Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện có 31 tủ bảo quản TCW3000, 09 tủ bảo quản TCW30AC, 37 hòm lạnh loại 25 lít, 03 hòm lạnh loại 12 lít. Tại 579 Trạm Y tế xã, phường có 1.185 phích vắc xin.
2.2. Nguồn lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày
- Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018, tại mỗi điểm tiêm (sau đây gọi là dây chuyền tiêm chủng) thực hiện không quá 100 đối tượng/buổi (tương đương 200 mũi tiêm/ngày). Như vậy để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, Thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm chủng. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau Thành phố cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm chủng.
- Về nhân lực tổ chức các dây chuyền tiêm chủng: ngoài 604 dây chuyền tiêm chủng đang hoạt động tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng, số nhân lực đã được tập huấn cấp chứng chỉ an toàn tiêm chủng hiện có của các Trung tâm Y tế có thể thêm 100 dây chuyền tiêm, như vậy có tổng số 704 dây chuyền tiêm chủng (504 tại Trạm Y tế và 101 tại các bệnh viện, Phòng khám đa khoa, cơ sở dịch vụ tiêm chủng và 99 dây chuyền lưu động), cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm tại các điểm tiêm lưu động (170 điểm).
- Hiện nay các Trung tâm Y tế có thể bố trí nhân lực cho đi đào tạo cho 106 dây chuyền và như vậy cần bổ sung thêm nhân lực cho 390 dây chuyền với tổng số 1.995 người (05 cán bộ/dây chuyền), trong đó:
+ Nhân lực huy động để tập huấn cấp chứng nhận an toàn tiêm chủng (mỗi dây chuyền tiêm chủng có 03 người): 1.097 cán bộ y tế (390 bác sỹ và 798 điều dưỡng) từ các bệnh viện, viện, trường Cao đẳng, Đại học, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Thành phố.
+ Nhân lực hỗ trợ cho các dây chuyền (02 người/dây chuyền): 798 sinh viên các trường Y trên địa bàn hỗ trợ cho các dây chuyền tiêm.
Ngoài ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố có 10 dây chuyền, Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam cam kết hỗ trợ 30 dây chuyền để dự phòng.
- Về trang thiết bị bảo quản vắc xin hiện có: tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã có thể tiếp nhận cùng thời điểm tối đa 1,3 triệu liều (theo quy cách đóng gói của vắc xin phòng COVID-19 do Astra Zeneca sản xuất), đối với các loại vắc xin có quy cách đóng gói khác số lượng tiếp nhận sẽ thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị phải bảo quản các loại vắc xin phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên để đáp ứng năng lực bảo quản cần huy động hỗ trợ thiết bị bảo quản vắc xin từ các đơn vị khác. Trong trường hợp bảo quản các vắc xin có điều kiện khắt khe hơn (như vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer yêu cầu bảo quản nhiệt độ -74°C) thì cần huy động kho lạnh của Bộ Tư lệnh Thủ đô và của các doanh nghiệp có dây chuyền lạnh, kho lạnh đảm bảo trên địa bàn.
Để tổ chức các dây chuyền tiêm chủng thì mỗi dây chuyền cần ít nhất 01 phích vắc xin, hiện có 1.185 phích vắc xin, về cơ bản có thể đáp ứng nhưng cần kiểm tra để đảm bảo số phích vắc xin còn hoạt động tốt và cần thiết mua bổ sung để chủ động đáp ứng khi cần huy động tăng số dây chuyền tiêm.
- Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, nhất là trong tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn cần phải huy động các tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các sự cố tiêm chủng, qua rà soát hiện toàn Thành phố có thể huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ này. Sở Y tế sẽ điều phối các tổ cấp cứu cơ động phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;
- Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016;
- Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;
- Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/06/2021 của Chính phủ;
- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về Quy định hoạt động tiêm chủng;
- Thông tư số 24/2018/TT-BYT ngày 18/9/2018 của Bộ Y tế quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế;
- Thông tư số 05/2020/TT-BYT ngày 03/4/2020 của Bộ Y tế quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2018/TT-BYT ngày 18/9/2018 của Bộ Y tế quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin;
- Thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
- Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 09/02/2021 của Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ;
- Quyết định số 1469/QĐ-BYT ngày 06/3/202221 của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19;
- Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;
- Công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;
- Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022;
- Thông báo số 16/TB-BCĐ ngày 09/3/2021 của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội;
- Thông báo số 331-TB/TU ngày 15/06/2021 của Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cơ chế huy động nguồn lực tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân và cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố;
- Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 07/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022;
- Công văn số 286/BYT-DP ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng là người làm việc trong các trại giam, trại tạm giam và phạm nhân.
III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên quy mô lớn để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
2. Yêu cầu
- Tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất với yêu cầu thực hiện tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày.
- Đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho các lực lượng tham gia tiêm chủng và người dân.
- Huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các Ban, ngành, Đoàn thể... tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
IV. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI
1. Đối tượng tiêm chủng, vắc xin phòng COVID-19 và phân bổ số mũi tiêm cần thực hiện/ngày
1.1. Đối tượng tiêm chủng:
- Căn cứ Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đối tượng tiêm chủng là “Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin”.
- Hiện tại Việt Nam đang sử dụng các loại vắc xin phòng COVID-19 của các hãng Astra Zeneca, Pfizer, Modema và Sinopharm; theo hướng dẫn của Bộ Y tế các vắc xin này đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, riêng vắc xin AstraZeneca, theo hướng dẫn của nhà sản xuất được tiêm cho người từ 18-65 tuổi (người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trọng trong tiêm chủng).
- Tiếp tục căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất để điều chỉnh độ tuổi tiêm chủng phù hợp theo từng thời điểm.
- Về thứ tự ưu tiên đối tượng tiêm: Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác và đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin, cụ thể:
(1). Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); lực lượng Quân đội; lực lượng Công an.
(2). Nhân viên, cán bộ Ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
(3). Cán bộ, người lao động của các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, các đơn vị hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
(4). Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, kho bạc, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, cơ sở chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế, người dân ở vùng/khu du lịch ...
(5). Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
(6). Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
(7). Công nhân tại các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Cụm Công nghiệp, điểm công nghiệp.
(8). Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
(9). Người sinh sống ở các khu vực có dịch.
(10). Các chức sắc, chức việc tôn giáo.
(11). Các đối tượng là lao động phổ thông thường xuyên tiếp xúc với nhiều người tại những nơi tập trung đông người như: nhóm người lao động tự do, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như lái xe tắc xi, xe ôm, bốc vác, đánh giầy, bán hàng rong...
(12). Người làm việc trong các trại giam, trại tạm giam và phạm nhân.
(13). Người dân không nằm trong các nhóm đối tượng nêu trên, nhưng có thể ưu tiên theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch tại từng thời điểm cụ thể theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
1.2. Phân bổ đối tượng và số mũi tiêm/ngày cho từng quận, huyện, thị xã:
- Phân bổ đối tượng tiêm: Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, dân số Hà Nội đến ngày 31/12/2020 có 8.317.640 người và 605.698 người ngoại tỉnh lưu trú trên địa bàn Thành phố, tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 18-65 tuổi là độ tuổi có chỉ định tiêm vắc xin AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất (độ tuổi trên 65 tuổi thận trọng khi chỉ định tiêm) chiếm 62,3%, tuy nhiên theo thống kê nhanh từ các đợt tiêm vắc xin AstraZeneca vừa qua, tỷ lệ tiêm đạt khoảng 70% (có 30% đối tượng có chống chỉ định tiêm hoặc không đến tiêm). Từ các số liệu này sẽ tính ra tổng số đối tượng phải tiêm của từng quận, huyện, thị xã: Số đối tượng tiêm (18-65 tuổi) = dân số của Q/H x 62,3% (tỷ lệ dân từ 18-65 tuổi) x 70% (tỷ lệ tiêm) và số mũi tiêm tối đa/ngày trong tổng số 200.000 mũi toàn Thành phố (Phụ lục kèm theo).
2. Thời gian: Trong năm 2021, triển khai chiến dịch ngay khi tiếp nhận vắc xin đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vắc xin của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vắc xin (nhập khẩu và sản xuất trong nước) của thành phố Hà Nội.
3. Phạm vi triển khai
3.1. Phụ thuộc vào lượng vắc xin được cung ứng, phạm vi triển khai sẽ thực hiện theo đề xuất của ngành Y tế, cụ thể:
- Khi nguồn vắc xin chưa đủ: Phân bổ số lượng vắc xin cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung...
- Khi có đủ vắc xin: Triển khai đồng loạt trên toàn Thành phố.
- Ngoài ra căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch (theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ).
3.2. Nguyên tắc phân bổ vắc xin trong trường hợp tiếp nhận cùng lúc nhiều loại vắc xin:
- Các loại vắc xin đều được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận về khả năng đáp ứng miễn dịch và tính an toàn vì vậy việc phân bổ vắc xin được thực hiện như sau:
+ Tiêm mũi 01 bằng loại vắc xin nào thì tiêm trả mũi 02 bằng loại vắc xin đó. Với người được tiêm mũi 01 bằng vắc xin của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 02 bằng vắc xin của Pfizer, khoảng cách từ 08 - 12 tuần sau tiêm mũi 01.
+ Vắc xin có hạn sử dụng ngắn cấp phát trước.
- Để tránh thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo công bằng, minh bạch trong phân bổ vắc xin cho các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác truyền thông tới các cấp chính quyền và người dân để đồng thuận theo chủ trương của Thành phố và có thể đề xuất phân bổ vắc xin như sau:
Thành phố sẽ phân bổ chỉ 01 loại vắc xin tại cùng thời điểm; các đơn vị triển khai tiêm hết loại vắc xin này mới chuyển sang loại vắc xin khác, nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 02 mũi vắc xin cùng loại cho 01 người và tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 01 loại vắc xin ở cùng 01 thời điểm để tránh người dân thắc mắc.
- Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phân bổ vắc xin cho các điểm tiêm theo số lượng đối tượng đăng ký và theo đúng nhóm đối tượng đã được hướng dẫn.
4. Hình thức tổ chức và bố trí nhân lực cho điểm tiêm chủng
4.1. Triển khai chiến dịch tiêm chủng theo 02 hình thức tổ chức điểm tiêm như sau:
- Tổ chức tại các điểm tiêm chủng cố định đã đủ điều kiện tiêm chủng bao gồm: Trạm Y tế, bệnh viện, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phòng khám đa khoa cả trong và ngoài công lập.
- Thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như: Thực hiện tiêm cho công nhân tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, khu vực có nhiều cơ quan, đơn vị, các trường Đại học, Cao đẳng, hoặc khu vực đô thị có mật độ dân cư lớn trong khi các điểm tiêm cố định không đáp ứng được yêu cầu (diện tích không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng 01 thời điểm). Điểm tiêm chủng lưu động bố trí ở các trường học, cơ quan, công sở, khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao... có thể triển khai nhiều dây chuyền tiêm.
4.2. Bố trí nhân lực trong dây chuyền tiêm chủng:
Theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 15/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, việc bố trí nhân lực với 01 dây chuyền tiêm như sau:
- Tại điểm tiêm chủng cố định: Một dây chuyền tiêm cần tối thiểu 03 nhân viên chuyên ngành y, trong đó có ít nhất 01 nhân viên chuyên môn từ y sỹ trở lên. Nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp Y hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên; nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng và tập huấn về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Tại điểm tiêm chủng lưu động: Một dây truyền tiêm cần tối thiểu 02 nhân viên chuyên ngành y, trong đó nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp Y hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên; nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Tuy nhiên để triển khai chiến dịch tiêm chủng chất lượng, đúng tiến độ và đảm bảo an toàn là mục tiêu hàng đầu, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương tăng cường huy động thêm nhân lực cần thiết để hỗ trợ các điểm tiêm chủng cho phù hợp. Đối với mỗi dây chuyền tiêm chủng cần bổ sung thêm tối thiểu 02 nhân viên chuyên ngành y (cán bộ y tế, sinh viên các trường Y) và 04 người hỗ trợ trong việc chỉ đạo, điều phối, gửi giấy mời, đôn đốc đối tượng, giữ an ninh trật tự, hỗ trợ nhập liệu và các hoạt động khác tại điểm tiêm.
4.3. Đảm bảo an toàn tiêm chủng:
Các dây chuyền tiêm chủng đều thực hiện công tác an toàn tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường 100 tổ cấp cứu từ các bệnh viện trên địa bàn Thành phố hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng cố định và lưu động đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Các quận, huyện, thị xã chủ động huy động lực lượng y, bác sỹ trên địa bàn từ các bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành và y tế tư nhân để đảm bảo công tác thường trực cấp cứu an toàn tiêm chủng trong phương án của quận, huyện, thị xã.
V. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Công tác chỉ đạo
- UBND Thành phố xây dựng Phương án triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Trên cơ sở Phương án của Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Phương án cụ thể, chi tiết triển khai chiến dịch tiêm chủng để đảm bảo chỉ tiêu phân bổ số mũi tiêm cần thực hiện/ngày.
2. Truyền thông về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Xây dựng Kế hoạch truyền thông về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, truyền thông đa dạng, phối hợp nhiều hình thức qua phóng sự, tài liệu truyền thông, thông điệp, bài truyền thông về vắc xin phòng COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin và vận động người dân, huy động xã hội tham gia tiêm chủng.
- Chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để truyền thông cho người dân về lợi ích của vắc xin, lịch tiêm chủng, tính an toàn của các vắc xin, các sự cố bất lợi có thể gặp sau tiêm chủng.
- Huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tổ chức truyền thông các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, đối tượng tiêm chủng và thông tin về vắc xin phòng COVID-19.
- Xây dựng phương án kịp thời xử lý với các tình huống khủng hoảng truyền thống liên quan đến chiến dịch tiêm chủng (nếu có).
- Thiết lập các đường dây nóng (của Thành phố, của Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn) và tổng đài trả lời tự động để tư vấn, hướng dẫn tiêm chủng cho nhân dân.
3. Công tác quản lý đối tượng tiêm chủng
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm công tác rà soát đối tượng, lập danh sách đối tượng và quản lý đối tượng tiêm chủng trên địa bàn. Lập danh sách và thống kê đối tượng trong diện tiêm chủng COVID-19 có đầy đủ thông tin theo quy định. Để thuận lợi cho công tác điều hành, thực hiện tiêm chủng và cho người dân tham gia tiêm chủng nên rà soát theo các nhóm đối tượng, sắp xếp thời gian và tổ chức tiêm chủng cho các nhóm một cách hợp lý.
- Sẵn sàng lập danh sách trước mỗi đợt tiêm chủng, điều phối đối tượng đến tiêm theo khung giờ hợp lý để đảm bảo giãn cách, hạn chế tập trung đông người.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra đối tượng cần tiêm chủng, tổng hợp đối tượng cần tiêm, quản lý đối tượng, nhập thông tin đối tượng và mũi tiêm trên phần mềm.
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chịu trách nhiệm rà soát và cung cấp danh sách đối tượng tiêm chủng có đầy đủ thông tin cho chính quyền địa phương.
4. Công tác đào tạo, tập huấn
- Tổ chức đào tạo, tập huấn an toàn tiêm chủng trong tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bổ sung thêm các dây chuyền tiêm chủng còn thiếu. Đa dạng hóa các hình thức đạo tạo: Tập huấn trực tuyến; đào tạo Giảng viên nguồn cho các Trung tâm Y tế, các bệnh viện sau đó các đơn vị tiếp tục đào tạo tại chỗ cho cán bộ y tế; cầm tay chỉ việc (bố trí cán bộ y tế tham gia các dây chuyền tiêm chủng dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ có kinh nghiệm).
- Tập huấn cấp chứng nhận an toàn tiêm chủng trong tiêm vắc xin phòng COVID-19; tập huấn về bảo quản, sử dụng vắc xin, tổ chức tiêm chủng; tập huấn khám sàng lọc, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm, xử trí cấp cứu sốc phản vệ...
- Tập huấn cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng và kiểm tra, giám sát thực hiện chiến dịch.
- Hướng dẫn điều tra lập danh sách đối tượng, đôn đốc và huy động đối tượng đến tiêm chủng.
5. Công tác tiếp nhận, bảo quản vắc xin và vật tư phục vụ công tác tiêm chủng chiến dịch
5.1. Về công tác tiếp nhận, bảo quản vắc xin:
- Vắc xin được cung ứng theo phân bổ từ Bộ Y tế.
- Bảo quản vắc xin: Tất cả các loại vắc xin khi Bộ Y tế bàn giao cho Thành phố đều bảo quản ở nhiệt độ từ 02-08 °C (vắc xin của hãng Pfizer được khuyến cáo bảo quản ở -75° c, tuy nhiên đây là điều kiện bảo quản tại kho của tuyến Trung ương, khi vắc xin chuyển đến kho của Thành phố thì đã được rã đông để bảo quản ở nhiệt độ từ 02 - 08°C, theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). Từ kho của Thành phố đến các điểm tiêm yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ từ 02 - 08°C.
- Kiểm tra và rà soát hệ thống dây chuyền lạnh trong tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin tại tất cả các điểm tiêm chủng bao gồm: Tủ lạnh, hòm lạnh, phích vắc xin, bình tích lạnh, nhiệt kế... sẵn sàng tiếp nhận và bảo quản vắc xin theo đúng quy định.
5.2. Chuẩn bị vật tư và trang thiết bị:
Rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư tiêu hao (bơm kim tiêm 0,5ml, hộp an toàn, bông, cồn, sát khuẩn tay nhanh, cơ số phòng chống phản vệ, khẩu trang, quần áo phòng hộ); trang thiết bị y tế (máy đo huyết áp, đo nhiệt độ, đo SPO2 - nên có)...; văn phòng phẩm, vật tư khác (bút, sổ, các loại phiếu khám phân loại, phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm, phiếu chứng nhận tiêm chủng, pano áp phích tại điểm tiêm...).
6. Tổ chức điểm tiêm chủng
- Bố trí điểm tiêm:
+ Tại điểm điểm cố định: Ngoài dây chuyền tiêm hiện có, có thể tăng cường thêm dây chuyền tiêm nếu đảm bảo các điều kiện về buồng, phòng, không gian khu vực chờ tiêm để đảm bảo giãn cách (dự kiến bố trí 604 điểm cố định).
+ Tại điểm tiêm lưu động: Căn cứ vào thực tế, các địa phương thiết lập các điểm tiêm lưu động để triển khai nhiều dây chuyền tiêm, đồng thời thuận lợi cho người dân đến tiêm chủng không phải di chuyển xa (dự kiến bố trí 596 điểm lưu động).
- Bố trí cán bộ để chỉ đạo, điều phối các hoạt động tại điểm tiêm, đôn đốc đối tượng đến tiêm chủng, giữ an ninh trật tự.
- Đảm bảo an toàn tiêm chủng: Tuân thủ quy trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin và quy trình thực hành tiêm chủng, xử trí đúng và kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo đúng quy định.
- Đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho lực lượng tham gia và người dân.
7. Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo
- Ban Chỉ đạo Thành phố thành lập các Đoàn kiểm tra việc thực hiện tiêm chủng chiến dịch của các quận, huyện, thị xã.
- Các quận, huyện, thị xã thành lập các Đoàn kiểm tra việc thực hiện tiêm chủng chiến dịch của các xã, phường, thị trấn.
- Trong những ngày tổ chức chiến dịch thực hiện báo cáo số liệu và những vấn đề phát sinh hàng ngày để kịp thời chỉ đạo và xử lý.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Nguồn ngân sách Thành phố đảm bảo kinh phí cho công tác vận chuyển và bảo quản vắc xin từ tuyến Trung ương về Thành phố và từ Thành phố về các quận, huyện, thị xã.
- Nguồn ngân sách quận, huyện, thị xã đảm bảo các kinh phí khác để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn bao gồm: vật tư tiêu hao, trang thiết bị, vật tư phòng hộ; kinh phí tập huấn, truyền thông; kinh phí in ấn biểu mẫu, báo cáo; kinh phí thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải; kinh phí cho các lực lượng tham gia theo quy định; kinh phí khác phát sinh khi triển khai chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn; (trường hợp ngân sách quận, huyện, thị xã không tự cân đối đảm bảo chi cho việc triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn, UBND quận, huyện, thị xã báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố xem xét, quyết định).
- Nguồn từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
- Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.
Trường hợp kinh phí triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội được đảm bảo từ nguồn Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả thì kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước các cấp được giảm tương ứng để tránh chi trùng lặp.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chiến dịch cần huy động sự vào cuộc của tất cả các Sở, ban, ngành Thành phố theo chức trách nhiệm vụ được phân công, các cấp ủy Đảng, Chính quyền từ Thành phố xuống quận, huyện, thị xã đến xã phường thị trấn, thôn xóm, tổ dân phố... và các đơn vị được triển khai tiêm (các đơn vị, công ty, xí nghiệp...).
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Thành phố
- Xây dựng Phương án và chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Tổ chức họp báo thông tin về tình hình tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội cho cơ quan thông tin truyền thông.
2. Sở Y tế (cơ quan Thường trực)
- Trực tiếp tham mưu xây dựng Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội trình UBND Thành phố phê duyệt.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thiết lập thêm các dây chuyền tiêm chủng từ nguồn nhân lực đã được đào tạo cấp chứng nhận tiêm chủng an toàn.
- Chỉ đạo tổ chức tập huấn, đào tạo đảm bảo đủ dây chuyền tiêm chủng còn thiếu; huy động dây chuyền tiêm chủng hỗ trợ theo đề nghị của các quận, huyện, thị xã.
- Chỉ đạo, bố trí các tổ cấp cứu cơ động tham gia ứng trực sẵn sàng tổ chức cấp cứu, vận chuyển cấp cứu; chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm.
- Huy động nhân lực trong ngành, nhân lực từ các trường y trên địa bàn Thành phố tham gia hỗ trợ cho các điểm tiêm và bổ sung nhân lực cho các dây chuyền tiêm.
- Chủ động phân bổ ngay vắc xin cho các quận, huyện sau khi tiếp nhận từ Bộ Y tế.
- Hướng dẫn chuyên môn tổ chức điểm tiêm và công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng.
- Xây dựng các thông điệp truyền thông và hướng dẫn các quận, huyện xây dựng tài liệu tuyên truyền và tổ chức công tác tuyên truyền về chiến dịch tiêm chủng.
3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn.
- Xây dựng Kế hoạch tổ chức chiến dịch trên địa bàn quận, huyện, thị xã và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch triển khai. Kế hoạch triển khai chiến dịch phải cụ thể, chi tiết để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn với mục tiêu tiêm được số lượng lớn nhất, trong thời gian sớm nhất và an toàn nhất. Kế hoạch cần làm rõ số điểm tiêm (cố định, lưu động), số dây chuyền tiêm, phân công và giao nhiệm vụ rà soát lập danh sách đối tượng tiêm, huy động nhân lực tham gia, đảm bảo hậu cần 04 tại chỗ, kinh phí cho chiến dịch (bao gồm cả kinh phí chi cho con người).
- Phối hợp với Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội rà soát, lập danh sách và tổ chức tiêm cho công nhân trong các Khu công nghiệp. Phối hợp với Sở Công Thương rà soát và tổ chức tiêm cho công nhân của các cụm công nghiệp trên địa bàn.
- Chỉ đạo các xã, phường rà soát danh sách cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp để tiêm chủng cho cán bộ nhân viên.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động trước, trong và sau khi tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19.
- Huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội địa phương tới tận các Tổ dân phố, thôn, xóm và các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn tham gia trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng, tham gia trong công tác tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm tiêm chủng.
- Tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị trước chiến dịch và trong ngày tiêm chủng.
- Tổng kết rút kinh nghiệm sau các đợt tiêm để chuẩn bị tốt hơn cho các đợt tiêm tiếp theo. Báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Thành phố thông qua Sở Y tế để tổng hợp báo cáo.
4. Sở Tài chính
- Tham mưu UBND Thành phố phân bổ đủ kinh phí cho triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.
- Hướng dẫn thực hiện thanh quyết toán kinh phí theo quy định.
5. Sở Công Thương
- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong các Cụm công nghiệp thực hiện tiêm chủng cho công nhân theo Kế hoạch của UBND quận, huyện, thị xã.
- Tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Cụm công nghiệp.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế tại các điểm tiêm chủng theo đúng quy định.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch truyền thông về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức truyền thông về các hoạt động trước, trong và sau khi tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí của Thành phố tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, lợi ích của tiêm chủng và định hướng dư luận về các nội dung chiến dịch tiêm chủng cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Là đầu mối phối hợp với các đơn vị công nghệ thông tin thực hiện quản lý đối tượng tiêm chủng bằng phần mềm.
8. Công an Thành phố
- Cung cấp số liệu người dân ngoại tỉnh đang học tập, làm việc, sinh sống trên địa bàn Thành phố cho Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã để rà soát đối tượng tiêm.
- Chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở phối hợp đảm bảo công tác an ninh trật tự tại các điểm tiêm chủng; phối hợp với các lực lượng địa phương rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm chủng và đôn đốc hướng dẫn người dân đi tiêm chủng.
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an trong việc tổ chức tiêm chủng cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an.
9. Bộ Tư lệnh Thủ đô
- Phối hợp với ngành Y tế tiếp nhận, bảo quản vắc xin tại kho lạnh của Bộ Tư lệnh Thủ đô khi lượng vắc xin tiếp nhận lớn quá công suất hoặc vắc xin có yêu cầu bảo quản đặc biệt theo hướng của nhà sản xuất mà các cơ sở y tế không đáp ứng được.
- Phối hợp với các Bệnh viện Quân đội trên địa bàn và chỉ đạo lực lượng quân y của Bộ Tư lệnh Thủ đô tham gia các hoạt động của chiến dịch tiêm chủng theo đề nghị của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương nơi đóng quân.
10. Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội
- Chịu trách nhiệm phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn tổ chức các điểm tiêm chủng trong các Khu công nghiệp đảm bảo theo đúng quy định.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp bố trí cho công nhân thực hiện tiêm chủng theo phương án của chính quyền địa phương.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêm chủng vắc xin COVID-19 của các Khu công nghiệp trên địa bàn.
- Báo cáo tổng hợp việc triển khai thực hiện về Ban Chỉ đạo Thành phố.
11. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy: Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí của Thành phố tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, lợi ích của tiêm chủng và định hướng dư luận về các nội dung chiến dịch tiêm chủng cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố
- Chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ việc tiêm phòng vắc xin COVID-19.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ nguồn lực để triển khai tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19.
13. Đề nghị Thành đoàn Hà Nội
- Huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia tại các điểm tiêm chủng để hỗ trợ đảm bảo trật tự, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Thành phố.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, đôn đốc, hướng dẫn người dân đi tiêm chủng.
Trên đây là Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công phụ trách xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, kiến nghị đề xuất gửi về Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Thành phố) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố./.
Nơi nhận: - BCĐQG PCD COVID-19; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Y tế; - Đồng chí Bí thư Thành ủy; - Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy; - Thường trực HĐND Thành phố; - Chủ tịch UBND Thành phố; - Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; - UBMTTQVN TP HN; - Các Ban Đảng của Thành ủy; - Văn phòng Thành ủy; - Các Ban: KT-NS, VH-XH HĐND TP; - Các Sở, ban, ngành Thành phố; - UBND các quận, huyện, thị xã; - VPUB: CVP, các PCVP; Phòng KGVX, KT, TKBT, TH; - Lưu VT, KGVXan. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH
Chu Ngọc Anh |
PHỤ LỤC TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG NGƯỜI TIÊM VÀ SỐ MŨI TIÊM TỐI ĐA/NGÀY CỦA CÁC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ
STT | Quận, huyện, thị xã | Tổng số người dân đến 31/12/2020 (số liệu Cục thống kê Hà Nội) | Số người trong độ tuổi từ 18- 65 tuổi (tỷ lệ 62,3% dân số theo cục thống kê Hà Nội) | Số người ngoại tỉnh trên địa bàn TP (số liệu đến tháng 5/2021, theo CA TP) | Tổng số người dân 18-65 tuổi | Tổng số đối tượng cần tiêm (70% số người trong độ tuổi từ 18-65) | Số mũi tiêm tối đa/ngày (trong tổng 200.000 mũi toàn Thành phố) |
(1) | (2)=(1)*0.623 | (3) | (4)=(2)+(3) | (5)=(4)*0.7 | (5)/4.051 triệu x 200.000 | ||
1 | Ba Đình | 226.698 | 141.233 | 20.089 | 161.322 | 112.925 | 5.575 |
2 | Ba Vì | 300.100 | 186.962 | 1.280 | 188.242 | 131.770 | 6.505 |
3 | Bắc Từ Liêm | 350.320 | 218.249 | 69.415 | 287.664 | 201.365 | 9.941 |
4 | Cầu Giấy | 295.377 | 184.020 | 31.045 | 215.065 | 150.545 | 7.432 |
5 | Chương Mỹ | 344.909 | 214.878 | 2.030 | 216.908 | 151.836 | 7.496 |
6 | Đan Phượng | 182.194 | 113.507 | 3.580 | 117.087 | 81.961 | 4.046 |
7 | Đông Anh | 412.878 | 257.223 | 17.654 | 274.877 | 192.414 | 9.499 |
8 | Đống Đa | 376.680 | 234.672 | 40.826 | 275.498 | 192.848 | 9.520 |
9 | Gia Lâm | 291.633 | 181.687 | 10.540 | 192.227 | 134.559 | 6.643 |
10 | Hà Đông | 421.400 | 262.532 | 76.614 | 339.146 | 237.402 | 11.720 |
11 | Hai Bà Trưng | 302.723 | 188.596 | 30.120 | 218.716 | 153.102 | 7.558 |
12 | Hoài Đức | 276.070 . | 171.992 | 9.042 | 181.034 | 126.724 | 6.256 |
13 | Hoàn Kiếm | 140.008 | 87.225 | 17.072 | 104.297 | 73.008 | 3.604 |
14 | Hoàng Mai | 529.870 | 330.109 | 84.527 | 414.636 | 290.245 | 14.328 |
15 | Long Biên | 334.310 | 208.275 | 27.588 | 235.863 | 165.104 | 8.151 |
16 | Mê Linh | 251.716 | 156.819 | 1.509 | 158.328 | 110.830 | 5.471 |
17 | Mỹ Đức | 205.526 | 128.043 | 1.012 | 129.055 | 90.338 | 4.460 |
18 | Nam Từ Liêm | 279.050 | 173.848 | 28.068 | 201.916 | 141.341 | 6.978 |
19 | Phú Xuyên | 226.752 | 141.266 | 2.703 | 143.969 | 100.779 | 4.975 |
20 | Phúc Thọ | 190.553 | 118.715 | 3.386 | 122.101 | 85.470 | 4.219 |
21 | Quốc Oai | 200.730 | 125.055 | 5.282 | 130.337 | 91.236 | 4.504 |
22 | Sóc Sơn | 355.311 | 221.359 | 10.529 | 231.888 | 162.321 | 8.013 |
23 | Sơn Tây | 153.443 | 95.595 | 2.132 | 97.727 | 68.409 | 3.377 |
24 | Tây Hồ | 165.715 | 103.240 | 14.974 | 118.214 | 82.750 | 4.085 |
25 | Thạch Thất | 222.095 | 138.365 | 5.260 | 143.625 | 100.538 | 4.963 |
26 | Thanh Oai | 223.785 | 139.418 | 1.562 | 140.980 | 98.686 | 4.872 |
27 | Thanh Trì | 289.113 | 180.117 | 23.295 | 203.412 | 142.389 | 7.029 |
28 | Thanh Xuân | 294.698 | 183.597 | 60.659 | 244.256 | 170.979 | 8.441 |
29 | Thường Tín | 260.760 | 162.453 | 2.625 | 165.078 | 115.555 | 5.705 |
30 | Ứng Hòa | 213.223 | 132.838 | 1.280 | 134.118 | 93.883 | 4.635 |
| Tổng cộng | 8.317.640 | 5.181.890 | 605.698 | 5.787.588 | 4.051.311 | 200.000 |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây