Công điện 02/CĐ-LĐTBXH thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công điện 02/CĐ-LĐTBXH
Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 02/CĐ-LĐTBXH |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công điện |
Người ký: | Lê Văn Thanh |
Ngày ban hành: | 03/04/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe, COVID-19 |
tải Công điện 02/CĐ-LĐTBXH
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Số: 02/CĐ-LĐTBXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2020 |
CÔNG ĐIỆN
VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG ĐỢT CAO ĐIỂM
----------
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI điện:
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ;
- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước tham gia chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ[1] và chỉ đạo của Bộ trưởng về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị:
- Bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mới đến công sở nhưng tối đa không quá 30% số công chức, viên chức và người lao động của đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp khối đào tạo và nghiên cứu khoa học bố trí 100% viên chức, người lao động làm việc tại nhà. Thường xuyên theo dõi, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, nghiêm cấm lạm dụng việc cách ly để nghỉ làm việc riêng, không đảm bảo tiến độ công việc.
- Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc và thủ tục hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc người dân, doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc trực tiếp.
- Tổ chức các cuộc họp, đào tạo trực tuyến phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị. Tạm dừng các hoạt động trực tiếp tập trung đông người như đào tạo, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; sàn giao dịch việc làm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm; tuyển chọn, đào tạo người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài,...
- Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc công chức, viên chức và người lao động lây nhiễm COVID-19 tại cơ quan, đơn vị do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị.
- Rà soát toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, đặc biệt là những người có liên quan từng tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 hoặc đến các địa điểm vào thời gian có khả năng lây nhiễm COVID-19 theo thông báo của Bộ Y tế, để có biện pháp xử lý y tế phù hợp.
- Phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng, chống, ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19 và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân; phát động mạng lưới xã hội hỗ trợ, quan tâm bảo đảm an toàn cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế (hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ có thai,...) để phòng, chống dịch COVID-19.
- Căn cứ Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định pháp luật hiện hành, thực hiện chi trả, hỗ trợ đặc thù cho công chức, viên chức và người lao động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị.
3. Về một số lĩnh vực chuyên môn, cụ thể:
3.1. Cục Quản lý lao động ngoài nước:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30 tháng 4 năm 2020.
- Chỉ đạo các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, vận động người lao động Việt Nam yên tâm ở lại và chấp hành quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch COVID-19, không di chuyển, không đến các địa bàn có dịch COVID-19; tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
- Khẩn trương hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đăng ký hợp đồng cung ứng lao động kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
3.2. Cục Việc làm, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương:
- Hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động.
- Theo dõi, nắm chắc tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với người lao động và người sử dụng lao động tại các địa phương (cập nhật, thống kê số liệu thường xuyên) để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để xảy ra các cuộc đình công trong thời gian có dịch COVID-19.
3.3. Các Cục: Người có công, Bảo trợ xã hội, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội, các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng
- Tăng cường hướng dẫn các địa phương quản lý, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở trợ giúp xã hội, Làng trẻ em SOS, cơ sở cai nghiện ma túy, bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng.
- Rà soát, thống kê, nắm chắc tình hình sức khỏe của đối tượng quản lý; thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn để phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho đối tượng, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ sở. Tạm dừng việc trực tiếp đến thăm, tặng quà tại các cơ sở đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020.
- Chỉ đạo thực hiện việc chi trả trực tiếp trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp bảo trợ xã hội phải bảo đảm an toàn cho đối tượng và người chi trả. Chỉ đạo các cơ sở phối hợp với chính quyền, cơ sở y tế tại địa bàn để xây dựng phương án dự phòng về thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định của ngành y tế nếu xảy ra trường hợp đối tượng tại cơ sở nhiễm COVID-19. Trong trường hợp cần tiếp nhận các đối tượng mới vào các cơ sở, phải thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19.
- Các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng thực hiện nghiêm các quy định, quy trình của Bộ Y tế và y tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
3.4. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
- Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, đào tạo trực tuyến, hoàn thiện và triển khai dịch vụ công trực tuyến.
- Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị được bố trí làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19, cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm đối với cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động và những người có liên quan tại cơ sở.
3.5. Thanh tra
- Thông báo tạm dừng tiếp công dân đến hết ngày 15/4/2020 và mọi phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến qua số điện thoại: 024.38265964 hoặc 024.39362916 và thư điện tử: tiepnhanthongtmknte@molisa.gov.vn; tăng cường xử lý đơn thư gửi qua bưu điện.
- Tạm dừng các cuộc thanh tra của Thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục An toàn lao động theo kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt và các cuộc thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đến hết ngày 30 tháng 4 năm 2020 (trừ những trường hợp phải tiến hành thanh tra đột xuất khi có vi phạm); áp dụng hình thức tự kiểm tra trực tuyến đối với các lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
3.6. Văn phòng chủ trì, phối hợp với Cục Việc làm, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Người có công, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Vụ Bảo hiểm xã hội và các đơn vị liên quan tham mưu Lãnh đạo Bộ việc phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn, triển khai Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020.
3.7. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ trưởng và Lãnh đạo địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng “Đúng - đủ - kịp thời”; căn cứ dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được cơ quan có thẩm quyền giao để chủ động đề nghị Kho bạc Nhà nước bố trí kinh phí chi trả trợ cấp, gộp trước 02 (hai) tháng trợ cấp hàng tháng trong một lần chi trả; phối hợp với các cấp, ngành ở địa phương lựa chọn thời gian tổ chức thực hiện công tác chi trả đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện có biện pháp hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ gia đình khó khăn không đủ lương thực trong thời gian cách ly xã hội.
- Giao Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...) ngay sau khi Chính phủ cho phép.
- Phối hợp với Công an và các ngành liên quan tại địa phương tạm dừng việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội; tạm dừng tiếp nhận người cai nghiện ma túy tự nguyện, người cai nghiện ma túy bắt buộc vào các cơ sở cai nghiện ma túy; hạn chế việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; tạm dừng các hoạt động thăm gặp đối với học viên để bảo đảm việc “cách ly xã hội”, “cách ly y tế” nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống lây nhiễm từ người bên ngoài cơ sở cai nghiện ma túy hoặc giữa công chức, viên chức, người lao động và học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi học viên chấp hành xong quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc, thông báo “thông tin y tế” của học viên cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi học viên cư trú để địa phương quản lý, phối hợp với gia đình để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Giao Văn phòng theo dõi, hướng dẫn và định kỳ báo cáo Bộ trưởng kết quả và đề xuất giải quyết những vướng mắc phát sinh./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây