Báo cáo 225/BC-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Báo cáo 225/BC-UBTVQH12

Báo cáo 225/BC-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm
Cơ quan ban hành: Ủy ban Thường vụ Quốc hộiSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:225/BC-UBTVQH12Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáoNgười ký:Nguyễn Đức Kiên
Ngày ban hành:18/05/2009Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe

tải Báo cáo 225/BC-UBTVQH12

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Báo cáo 225/BC-UBTVQH12 DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.zip) Báo cáo 225/BC-UBTVQH12 ZIP (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ

QUỐC HỘI

----------------

Số: 225/BC-UBTVQH12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------------------

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2009

 

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT

VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM
------------------------

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009, theo đó Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm” tại kỳ họp thứ 5. Triển khai thực hiện Nghị quyết này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hànhNghị quyếtsố 715 NQ/UBTVQH12 ngày 22/12/2008 về việc thành lập Đoàn giám sátcủa Uỷ ban thường vụ Quốc hội với nhiệm vụ thực hiện giám sát chuyên đề nêu trên,báo cáo kết quả giám sát với Uỷ ban thường vụ Quốc hội;chỉ đạo Chính phủ, các bộ có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo, các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết 715 NQ/UBTVQH12, Đoàn giám sát đã làm việc tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TW([1]); làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP); xem xét báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về VSATTP của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 61 báo cáo giám sát của các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 3/4/2009, Đoàn giám sát đã họp để xem xét, thảo luận thông qua dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Ngày 20/4/2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP. Sau phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.

Sau đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

PHẦN I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP TỪ 2004 - 2008

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

1.1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Trong 5 năm từ 2004 đến 2008, các quy định liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP đã được ban hành trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác nhau như pháp luật về VSATTP, pháp luật về

chất lượng sản phẩm hàng hóa, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y… Số văn bản QPPL có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP do các cơ quan Trung ương ban hành là 337, do các cơ quan địa phương ban hành là 930 (Xem Phụ lục I.a và I.b).

Nhìn chung, các văn bản QPPL đã ban hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP, nâng cao chất lượng hàng hóa thực phẩm; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế([2]), bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện còn bộc lộ một số bất cập, cụ thể là:

- Số văn bản QPPL có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP là quá nhiều([3]). Theo thống kê sơ bộ còn có 48 văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung quy định không phù hợp với điều kiện thực tế, cần sửa đổi, bổ sung([4])...; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP còn chưa đồng bộ giữa các văn bản với cùng một hành vi vi phạm([5])(Xem Phụ lục II).

- Một số lĩnh vực quản lý còn thiếu quy định cụ thể như quy định về quản lý thực phẩm chức năng, về lấy mẫu và lưu mẫu thực phẩm, về phân công trách nhiệm phối hợp của thanh tra chuyên ngành về VSATTP..; tiến độ ban hành văn bản dưới luật còn chậm([6]).

1.2. Việcban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP

Hiện tại, trên thị trường có hàng chục ngàn loại thực phẩm, tuy nhiên, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng VSATTP còn thiếu và lạc hậu. Tính đến tháng 2/2009 mới có 406 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến VSATTP được ban hành cho sản phẩm thực phẩm (tỷ lệ tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 63%)([7]).

Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2007 thì việc quản lý chất lượng VSATTP phải theo quy chuẩn kỹ thuật và phải công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Nghị định 127/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/8/2007 hướng dẫn thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã quy định rõ “việc chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) phải hoàn thành trước ngày 31/12/2008nhưng theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2008 không có QCKTQG nào về VSATTP được thẩm định để ban hành.Việc thiếuQCKTQGtrong quản lý VSATTP cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

2. Việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh

Triển khai thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, Chính phủ, các bộ, UBND các tỉnh đã quan tâm, tích cực chỉ đạo việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản QPPL về quản lý chất lượng VSATTP.Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh VSATTP; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định43/2006/QĐ-TTg về “Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm an toàn thực phẩm cho đến năm 2010”và Chỉ thị 06/2007/CT-TTg về triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm VSATTP. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt “Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng VSATTP” làm căn cứ cho hoạt động quản lý chất lượng VSATTP của địa phương. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP ở Trung ương. Các ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP cũng được thành lập ở UBND các cấp. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành cũng được tăng cường khi có dịch bệnh như phòng chống dịch cúm gia cầm, phòng chống dịch tiêu chảy cấp... (Xem Phụ lục I). Do vậy đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và nhận thức của xã hội về bảo đảm chất lượng VSATTP.

3. Tổ chức bộ máy, năng lực thực thi pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP

3.1. Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP

Hiện tại, việc quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP được phân công, phân cấp cho các bộ và địa phương theo pháp luật về VSATTP.

Ở Trung ương, có 5 bộ chịu trách nhiệm chính trong chuỗi cung cấp thực phẩm, trong đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về VSATTP. Tại mỗi bộ có đơn vị đầu mối là cục hoặc vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của bộ([8]). Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP trung ương được thành lập để chỉ đạo việc phối hợp hoạt động giữa các bộ trong các vấn đề liên ngành về VSATTP.

Ở địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trong phạm vi địa phương. Tham mưu giúp UBND tỉnh là Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - PTNT, các sở, ban, ngành hữu quan khác. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp (được thành lập tới cấp xã) có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp hoạt động liên ngành tại địa phương. Từ tháng 8/2008 đến nay, triển khai thực hiện Nghị định 79/2008/NĐ-CP đã có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc TW thành lập Chi cục quản lý chất lượng VSATTP trực thuộc Sở Y tế hoặc Khoa VSATTP tại Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh; 16 tỉnh, thành phố trực thuộc TW thành lập Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, 41 tỉnh, thành phố đã thành lập Phòng quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT (Xem Phụ lục III.a).

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2008 cả nước có 128 cơ quan chuyên ngành tham gia thực hiện các hoạt động liên quan đến chất lượng VSATTP. Về nhân lực, ở cấp tỉnh, tham gia công tác VSATTP gồm có cán bộ nghiệp vụ quản lý kiêm nhiệm 0,5 người/tỉnh, thanh tra 0,5 người/tỉnh, khoa VSATTP 2,9 người/tỉnh, khoa xét nghiệm 3,2 người/tỉnh. Ở cấp huyện, không kiêm nhiệm quản lý 0,3 người/huyện, kiêm nhiệm y tế dự phòng 0,9 người/huyện([9]). Cấp  xãchỉ có từ 0,5-1 người được phân công giúp UBND xãvề công tác VSATTP.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, nhân lực tham gia công tác quản lý chất lượng VSATTP tăng dần hàng năm. Năm 2008, ở cấp tỉnh ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 1.970 người (trung bình là 31,3 người/tỉnh). Ở cấp huyện ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 1.949 người (trung bình là 3,0 người/huyện)([10]). Ở cấp xã, ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 11.516 người (trung bình là 1,05 người/xã)([11])nhưng chưa được trả lương vì hiện tại cấp xã/phường không được giao chức năngquản lý về VSATTP. Như vậy, tính đến năm 2008 ước cả nước có 15.435 người tham gia vào công tác quản lý chất lượng VSATTP (Xem phụ lục III.b).

Trên đây là con số ước tính số người tham gia vào công tác quản lý chất lượng VSATTP. Con số này chưa cho thấy số người trực tiếp tham gia công tác quản lý nhà nước về VSATTP và số người tham gia quản lý ở từng công đoạn của chuỗi thực phẩm (như của ngành nông nghiệp, ngành công thương, khoa học và công nghệ,...) để làm căn cứ cho việc tính chi phí cho bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP.

3.2. Về hệ thống tổ chức kiểm nghiệm, trang thiết bị kiểm nghiệm VSATTP

Thực hiệnNghị định 79/2008/NĐ-CP, mạng lưới kiểm nghiệm VSATTP đang được kiện toàn từ TW đến địa phương([12]).Đây là văn bản quan trọng để kiện toàn hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP trong cả nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 72 cơ sở tham gia kiểm nghiệm VSATTP. Nhưng, qua thực tế giám sát cho thấy, số lượng cơ sở tham gia vào công tác này lớn hơn nhiều. Việc tăng cường trang thiết bị dịch vụ kỹ thuật theo Nghị định này cũng đã góp phần đổi mới phương thức quản lý chất lượng VSATTP, tạo thuận lợi trong kinh doanh, dịch vụ và quản lý hàng hóa thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở kiểm nghiệm còn thiếu hóa chất, mẫu chuẩn, thiết bị hiện đại có độ chính xác cao, phân tích nhanh nên gây khó khăn cho công tác quản lý VSATTP, đặc biệt là trong việc xử lý các tình huống trong thực tế.

3.3. Về tổ chức thực hiện

Công tác quản lý chất lượng VSATTP đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bộ máy tổ chức, trang thiết bị kỹ thuật, kinh phí đang từng bước được tăng cường cho yêu cầu quản lý;nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về VSATTP đã được bổ sung, ở cấp xã đã có cán bộ kiêm nhiệm theo dõi về VSATTP; các ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP đã được thành lập và đi vào hoạt động; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật và thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP đã được coi trọng…Tuy nhiên, qua giám sát các bộ và địa phương cho thấy, việc thực hiện công tác quản lý chất lượng VSATTP vẫn bộc lộ một số bất cập. Cụ thể là: việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật còn chậm, bộ máy tổ chức quản lý còn cồng kềnh, nhiều đầu mối; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở địa phương còn chưa tốt (thể hiện rõ qua báo cáo gửi Đoàn giám sát, số liệu chủ yếu là của ngành y tế chưa thấy sự kết nối số liệu giữa ngành y tế với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành công thương, ngành khoa học và công nghệ…); việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm còn chậm; thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên; đầu tư kinh phí từ ngân sách còn thấp nên việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

4. Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý chất lượng VSATTP

Hiện tại, đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, kinh phí được cấp cho công tác quản lý chất lượng VSATTP giai đoạn 5 năm (từ 2004 - 2008) là 329 tỷ đồng, tínhbình quân đầu người của cả nước chỉ đạt 780 đồng/người/năm - chỉ bằng 1/19 mức đầu tư của Thái Lan và bằng 1/136 mức đầu tư cho công tác ATVSTP của một cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) của Mỹ.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố có 54 tỉnh báo cáo về kinh phí cho công tác quản lý VSATTP trong 5 năm từ 2004 đến năm 2008 cho thấy, nguồn ngân sách trung ương cấp cho công tác này là rất thấp, nguồn ngân sách các địa phương dành cho công tác này còn thấp hơn nhiều, chỉ có một số ít tỉnh có đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động này([13]). Trung bình tổng kinh phí đầu tư cho một tỉnh giai đoạn 2004 - 2006 là 484,76 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 762,1 triệu/tỉnh/năm (Xem Phụ lục IV.a và IV.b), trong đó:

- Chi cho việc ban hành văn bản giai đoạn 2004 - 2006 là 1,63 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 3,05 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho tổ chức bộ máy quản lý, chỉ đạo giai đoạn 2004 - 2006 là 24,56 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 54,6 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho kiểm tra, thanh tra giai đoạn 2004 - 2006 là 108,23 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 184,3 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho mua trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất giai đoạn 2004 - 2006 là 95,27 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 97,25 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho xét nghiệm, kiểm nghiệm, giám định giai đoạn 2004 - 2006 là 20,03 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 28,9 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho điều tra ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2004 - 2006 là 13,97  triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 26,1 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho xây dựng mô hình điểm giai đoạn 2004 - 2006 là 36,1 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 81,15 triệu/tỉnh/năm.

-  Chi cho tuyên truyền, giáo dục về VSATTP giai đoạn 2004 - 2006 là 119,3 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 186,75 triệu/tỉnh/năm.

- Chi khác trong giai đoạn 2004 - 2006 là 69,2 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 94,9 triệu/tỉnh/năm.

Mặc dù trung bình kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP giai đoạn 2007 - 2009 đã tăng 1,57 lần so với giai đoạn 2004- 2006 nhưng vẫn còn thấp, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về VSATTP tại địa phương.

Mặt khác, qua giám sát tại các tỉnh, thành phố cho thấy, đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP thực tế không chỉ có nguồn đầu tư từ ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP (do bộ Y tế chủ trì) mà còn có  các nguồn khác như đầu tư cho việc thực hiện các chương trình nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật... do các bộ khác chủ trì thực hiện. Bên cạnh đó còn có sự đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp cho công tác này. Do vậy, Chính phủ cần xem xét để có số liệu báo cáo sát thực, đầy đủ về vấn đề này để thấy rõ hiệu quả của việc đầu tư sử dụng nguồn ngân sách cho công tác quản lý chất lượng VSATTP.

5. Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP

5.1. Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính

Hoạt động kiểm tra, thanh tra chất lượng VSATTP trong thời gian qua đã được tăng cường nên đã phát huy hiệu quả tích cực; đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về VSATTP. Theo số liệu từ báo cáo của các tỉnh, thành phố trong 5 năm 2004-2008 đã tổ chức 1.361.198 lần kiểm tra và 56.113 đoàn thanh tra(Xem Phụ lục V.a và V.b).Trong số 13 loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) liên quan đến bảo đảm chất lượng VSATTP, số cơ sở SXKD được thanh tra hàng năm giai đoạn 2004 - 2006 là 77.184 cơ sở/năm, giai đoạn 2007 - 2009 là 123.722 cơ sở/năm. Kết quả thanh tra cho thấy:

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD đạt yêu cầu tăng từ 55,7%/năm (2004 - 2006) lên  65,0%/năm (2007 - 2009).

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD bị cảnh cáo giảm từ 34,0%/năm (2004 - 2006)  xuống 23,6%/năm (2007 - 2009).

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD bị phạt tiền tăng từ 5,5%/năm (2004 - 2006) lên 8,2%/năm (2007 - 2009), thể hiện tính răn đe mạnh hơn.

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD bị hủy sản phẩm tăng từ 2,1%/năm (2004 - 2006) lên 3,0%/năm (2007 - 2009), thể hiện tính răn đe mạnh hơn.

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD bị đình chỉ sản xuất tăng từ 0,1%/năm (2004 - 2006) lên 0,2%/năm (2007 - 2009), thể hiện tính răn đe mạnh hơn.

Như vậy, tỷ lệ cơ sở SXKD đạt yêu cầu có chiều hướng tăng ở những loại hình SXKD sau đây: cơ sở SXKD thuốc BVTV; sản xuất rau an toàn (RAT); chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại; nuôi trồng thủy sản; chế biến, bảo quản nông sản; chế biến, bảo quản thủy sản; tầu cá, cảng cá; kinh doanh thực phẩm; cơ sở ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Tỷ lệ cơ sở SXKD đạt yêu cầu có chiều hướng giảm ở những loại hình SXKD sau đây: cơ sở SXKD thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi; chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể kết quả của 56.113 đoàn thanh tra tại 478.966 cơ sở SXKD của 13 loại hình cơ sở SXKD liên quan đến bảo đảm chất lượng VSATTP cho thấy tỷ lệ cơ sở SXKD đạt yêu cầu có xu hướng tăng. Điều này chứng tỏ ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của các cơ sở SXKD đã được nâng lên.

Bên cạnh hoạt động thanh tra VSATTP của ngành y tế, thanh tra chuyên ngành về thú y, thủy sản, bảo vệ và kiểm dịch thực vật cũng đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nên đã góp phần đảm bảo chất lượng VSATTP, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời ngăn chặn kịp thời hàng hóa không bảo đảm chất lượng vào Việt Nam (như ngăn chặn kịp thời một số lô thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm melamine).

Tuy nhiên, trong hoạt động thanh tra còn bộc lộ một số điểm bất cập, mỗi tỉnh chỉ có 0,5 cán bộ được biên chế làm công tác thanh tra VSATTP. Từ khi có Nghị định 79/2008/NĐ-CP, thanh tra chuyên ngành về VSATTP mới được thành lập ở Trung ương, Bộ Y tế hiện có 9 người, Bộ Nông nghiệp - PTNT có 3 người làm công tác thanh tra chuyên ngành VSATTP, ít hơn rất nhiều so với lực lượng thanh tra VSATTP ở một số nước([14]). Do vậy, hoạt động thanh tra còn chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào tháng hành động chất lượng VSATTP và các dịp lễ, tết... Mặt khác, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp còn thiếu; việc xử lý vi phạm còn chưa kiên quyết; mức xử phạt thấp nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa (giai đoạn 2004 - 2006 có 9.251 cơ sở SXKD bị phạt tiền, trung bình phạt 542 ngàn đồng/lần; giai đoạn 2007 - 2009 có 10.928 cơ sở SXKD bị phạt tiền, trung bình phạt 1.071 ngàn đồng/lần)([15]). Bên cạnh đó, do phối hợp hoạt động giữa các lực lượng thanh tra chuyên ngành còn chưa chặt chẽ nên có tình trạng trong một năm có nhiều đoàn thanh tra đến 1 doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện thấy cácvi phạm chủ yếu là vi phạm về điều kiện VSATTP,hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ([16]); vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; vi phạm về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh gây ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của doanh nghiệp và thiệt hại cho người tiêu dùng.

5.2. Về xử lý hình sự

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, về xét xử hình sự đối với các vi phạm trong lĩnh vực VSATTP trong 5 năm 2004-2008 toàn ngành tòa án đã thụ lý 160 vụ (chiếm 0,05% tổng số vụ án hình sự đã thụ lý) với 292 bị cáo. Các Tòa án đã xét xử 152 vụ với 281 bị cáo (đạt tỷ lệ giải quyết xử 95% về số vụ và 96% số bị cáo); đã tuyên phạt tù từ trên 15 đến 20 năm đối với 1 bị cáo, từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 7 bị cáo, từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 47 bị cáo, từ 3 năm trở xuống đối với 90 bị cáo, được hưởng án treo đối với 128 bị cáo, cải tạo không giam giữ đối với 8 bị cáo... Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác xét xử vẫn tồn tại một số bất cập như căn cứ để chuyển các vi phạm pháp luật sang xử lý hình sự; căn cứ xác định mức thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng do vi phạm quy định về VSATTP để khởi tố các vụ vi phạm pháp luật hình sự còn chưa được quy định cụ thể.

6. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP

Hoạt động tuyên truyền thời gian qua tập trung vào việc phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm; tập huấn kiến thức cho nông dân, cho người chế biến, kinh doanh thực phẩm... Công tác truyền thông còn được tăng cường trong những thời gian cao điểm như tháng hành động về chất lượng VSATTP, trong những ngày lễ, tết hoặc những thời điểm xảy ra dịch bệnh... Theo báo cáo của Chính phủ, qua 4 năm từ 2005-2008, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên tỷ lệ người tiêu dùng có nhận thức đúng về VSATTP tăng từ 38,3 % lên 48,6%, người sản xuất thực phẩm có nhận thức đúng về VSATTP tăng từ 47,8% lên 55,7%, người kinh doanh dịch vụ có nhận thức đúng về VSATTP tăng từ 38,6 % lên 49,4%.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật chưa thường xuyên. Nội dung tuyên truyền giáo dục chưa chuyên sâu cho các nhóm đối tượng, từng vùng miền; chưa chú trọng việc giáo dục đạo đức kinh doanh và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng. Vì vậy, có tình trạng người sản xuất, kinh doanh thực phẩm do lợi ích trước mắt, sẵn sàng bỏ qua hoặc không thực hiện đúng các quy định về VSATTP gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; sự chênh lệch về nhận thức giữa khu vực đô thị và nông thôn còn lớn, tình trạng người dân ăn cá nóc, nấm độc, uống rượu có hàm lượng metanol cao... vẫn xảy ra.

7. Quản lý hoạt động thông tin, quảng cáo về thực phẩm

Việc quản lý hoạt động thông tin, quảng cáo về thực phẩmcòn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng phổ biến là doanh nghiệp đăng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, phân phát các tài liệu quảng cáo khi chưa có giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo, chưa được cơ quan y tế thẩm định về nội dung. Nhiều trường hợp lợi dụng các hội chợ để quảng cáo không đúng về tác dụng của sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 2004 - 2008, trong số 3.033 giấy phép quảng cáo được cấp chỉ có 1.867 quảng cáo có giấy tiếp nhận hồ sơ của cơ quan y tế. Tổng số giấy phép quảng cáo thực phẩm đã cấp tăng dần từ 76 (năm 2004) lên 1.028 (năm 2008) và giấy phép cấp cho thực phẩm chức năng tăng từ 0 (năm 2005) lên 20 (năm 2008). Việc đăng tải, thông tin quảng cáo về chất lượng VSATTP trên phương tiện thông tin đại chúng tăng nhanh về số lượng. Tuy nhiên, cũng đã có thông tin, quảng cáo chưa đúng sự thật gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

8. Xã hội hóa công tác quản lý và bảo đảm chất lượng VSATTP

Chất lượng VSATTP chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như điều kiện KT-XH, năng lực quản lý, điều kiện SX-KD, khoa học công nghệ, trình độ dân trí, tập quán, thói quen tiêu dùng,...Quản lý VSATTP đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm. Do vậy, cần huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác quản lý và bảo đảm chất lượng VSATTP.

Hiện tại, quản lý chất lượng VSATTP đã được xã hội hóa trong một số hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn như HACCP, GMP, Viet GAP...; đào tạo, tập huấn kiến thức về VSATTP, tuyên truyền giáo dục pháp luật về VSATTP...Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được đẩy mạnh, nhiệm vụ quản lý nhà nước giao cho các cơ quan quản lý khá nặng nề, trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp còn hạn chế; chưa có cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực từ các đoàn thể, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp... trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP, đặc biệt là trong hoạt động giám sát của cộng đồng.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM

1. Quản lý chất lượng VSATTP trong sản xuất rau quả, lương thực, trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm

1.1. Trong sản xuất rau, quả tươi sống

Hiện nay nước ta sản xuất 11,5 triệu tấn rau các loại. Hiện tại có 43 tỉnh, thành phố đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT).Tuy nhiên, diện tích đất đủ điều kiện trồng RAT mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%, số còn lại do sản xuất nhỏ lẻ, không trong vùng quy hoạch nên khó kiểm soát về chất lượng. Một số mô hình sản xuất quả an toàn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP, rau quả Việt nam đã xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và một số nước khác([17]). Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 396 triệu USD([18]).

Ở một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ kiểm soát được 20- 30% nhu cầu rau xanh của thành phố.

Về ô nhiễm vi sinh vật: Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau, quả tại TP. Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh trong Quý 3-4/2008 của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm cho thấy, trong 76 mẫu rau thì 40 mẫu nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 52,6%); 6 mẫu rau nhiễm Salmonella (chiếm 7,9%)([19]). Số liệu trên cho thấy, môi trường đất và nước để trồng rau là chưa đáp ứng tiêu chuẩn để sản xuất RAT. Việc này đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng quy hoạch vùng trồng RAT theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT để bảo đảm chất lượng rau.

Về tồn dư hóa chất:Kết quảkiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả tại các chợ đầu mối, các siêu thị và vùng sản xuất tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận trong năm 2008 cho thấy, trong 412 mẫu rau các loại được kiểm tra phát hiện 48 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 11,65%), 1 mẫu có dư lượng thuốc BVTV cấm sử dụng Endosunfal (chiếm 0,2%); trong 99 mẫu quả được kiểm tra có 15 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 15,15%)([20]).

Theo số liệu từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong số mẫu chưa đạt yêu cầu, bên cạnh các nguyên nhân ô nhiễm khác thì nguyên nhân ô nhiễm do tồn dư hóa chất BVTV giai đoạn 2004 - 2006 là 4,9%, giai đoạn 2007 - 2009 là 5,72%; ô nhiễm do hóa chất bảo quản là 0,005%; ô nhiễm do dụng cụ, bao gói là 0,01% (trong 2 năm 2007 - 2009). Trong giai đoạn 2007 - 2009, hoạt động lấy mẫu giám sát đã được tăng cường và tập trung vào các địa điểm có nguy cơ ô nhiễm cao nên đã kịp thời phát hiện, cảnh báo nhiều trường hợp ô nhiễm do tồn dư thuốc BVTV. Ô nhiễm do hóa chất bảo quản và do dụng cụ, bao gói đối với rau là không đáng kể. Theo báo cáo của 22 tỉnh, thành phố, với 11.716 mẫu kiểm tra thì tồn dư hóa chất trong rau năm 2008 chiếm 7,08%, đây là mức cao nhất trong 4 năm gần đây (Xem Phụ lục VI.a).

Kết quả phân tích số liệu trong báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy,trung bình số mẫu rau quả tươi đạt yêu cầu giai đoạn 2004 - 2006 là 91,0 %, giai đoạn 2007 - 2009 là 90,5%. (Xem Phụ lục VI.b).

Nhìn chung, các quy định về sản xuất, kinh doanh rau, quả được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc thực hiện không đúng các quy định về sử dụng thuốc BVTV và thời gian cách ly trước khi thu hoạch rau quả nên tồn dư hóa chất trong rau, quả vẫn ở mức cao. Thực tiễn giám sát cho thấy, việc quy hoạch vùng sản xuất RAT còn chậm; việc xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối RAT, quản lý chất lượng RAT trên thị trường còn chưa được thực hiện tốt, tình trạng giả thương hiệu RAT vẫn xẩy ra gây tâm lý không an tâm cho người tiêu dùng.

1.2. Trong sản xuất một số nông sản chủ lực

Đối với một số nông sản chủ lực như lúa gạo, ngô... của nước ta cơ bản đạt yêu cầu VSATTP do kiểm soát được thuốc BVTV trong canh tác([21])và áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản. Vì vậy mà mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 4,5 - 5 triệu tấn/năm, đứng thứ 2 trên thế giới. Riêng năm 2008, tổng sản lượng lúa đạt 38,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỷ USD.

1.3. Trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, số lượng gia súc, gia cầm giết mổ trong năm 2008 được kiểm soát giết mổ đạt 58,1%. Tỷ lệ gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát tuy có tốt hơn trước nhưng vẫn còn thấp. Theo báo cáo của các địa phương (Xem Phụ lục V.a), tuy số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn trước nhưng kết quả thanh tra 6.891 cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm cho thấy số cơ sở đạt yêu cầu giảm từ 61,8% (giai đoạn 2004 - 2006) xuống 51,8% (giai đoạn 2007 - 2009). Một số địa phương đã có quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung nhưng triển khai gặp nhiều khó khăn, không duy trì hoạt động của các cơ sở giết mổ do giá thành quá cao, nhiều địa phương khác vẫn chưa có quy hoạch giết mổ([22]). Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm ở các lò mổ tư nhân không đảm bảo điều kiện VSATTP là phố biến. Hiện nay, chỉ có 617 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 3,6% tổng số cơ sở giết mổ trong cả nước), trong đó 20 cơ sở có đủ điều kiện để giết mổ xuất khẩu; 16.512 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm tươi sống không tuân thủ điều kiện vệ sinh thú y vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội. Có nơi, có lúc, việc kiểm tra vệ sinh thú y, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc thú y trong thịt và sản phẩm từ thịt còn mang tính hình thức, hành chính,([23])chưa kịp thời, thường xuyên. Công tác kiểm dịch động vật còn kém hiệu quả. Ở nhiều địa phương vẫn có tình trạng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sai quy định; trang thiết bị cho các chi cục thú y, trạm, chốt kiểm dịch còn hạn chế, hoạt động kiểm dịch chủ yếu vẫn dựa trên giấy tờ hoặc theo cảm quan.

Ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong thịt và sản phẩm thịt: Tại Hà Nội, trong số 72 mẫu thịt lợn được kiểm tra có 3 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 4,1%) và 4 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 5,5%); trong số 72 mẫu thịt gà có 6 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 8,3%) và 7 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 9,7%). Tại TP Hồ Chí Minh, trong số 69 mẫu thịt lợn có 4 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 5,8%) và 37 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 53,6%); trong số 69 mẫu thịt gà có 6 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 8,7%) và 41 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 59,4%)([24]). Số liệu trên cho thấy, điều kiện giết mổ, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm thịt tươi sống hiện nay vẫn còn là một khâu yếu trong chuỗi cung cấp sản phẩm thịt.

Ô nhiễm hóa chất trong thịt và sản phẩm thịt: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, một số hoóc môn tăng trưởng như Salbutamol và Clenbuterol là chất cấm sử dụng do có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng vẫn còn tồn dư trong thịt([25]).

Theo số liệu từ báo cáo của các tỉnh, thành phố, tồn dư hóa chất trong thịt và sản phẩm thịt tươi sống (trong đó có thủy sản) giai đoạn 2004 - 2006 là 3,91%, giai đoạn 2007 - 2009 là 6,39% (đặc biệt với 2.275 mẫu kiểm tra ở 19 tỉnh trong năm 2008, số mẫu thịt và sản phẩm thịt tươi sống có tồn dư hóa chất chiếm 11,08%  là cao nhất trong 5 năm gần đây); ô nhiễm hóa chất bảo quản thực phẩm giai đoạn 2004 - 2006 là 19,43%, giai đoạn 2007 - 2009 là 8,87%; ô nhiễm do dụng cụ, bao gói giai đoạn 2004 - 2006 là 5,13%, giai đoạn 2007 - 2009 là 15,27%. Như vậy, tồn dư hóa chất và hóa chất bảo quản thực phẩm trong thịt và sản phẩm động vật tươi sống là vấn đề rất cần được quan tâm (Xem Phụ lục VI.a).

Số liệu thống kê từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cũng cho thấy, trung bình số mẫu thịt, sản phẩm từ thịt tươi sống (trong đó có thủy sản) đạt yêu cầu giai đoạn 2004 - 2006 là 68,2%, giai đoạn 2007 - 2009 là 62,9% (Xem Phụ lục VI.b).

Như vậy, từ khi Pháp lệnh Thú y có hiệu lực thi hành (10/2004), công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y có được cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch giết mổ tập trung còn chậm, thực hiện quy định về vệ sinh thú y còn chưa nghiêm túc, quản lý thuốc thú y còn chưa tốt, việc trộn chất kích thích sinh trưởng bị cấm trong thức ăn chăn nuôi vẫn xẩy ra ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Do vậy, tình trạng ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư hóa chất trong thịt và sản phẩm thịt còn cao và khó kiểm soát.

1.4. Trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tươi sống

Việc kiểm soát chất lượng VSATTP được thực hiện thông qua các chương trình như Chương trình an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ, Chương trình kiểm soát dư lượng hoá chất độc hại trong thủy sản và sản phẩm thủy sản nuôi, Chương trình kiểm soát sản phẩm thủy sản sau thu hoạch, các quy định về điều kiện vùng nuôi,.. nên chất lượng VSATTP đối với sản phẩm thủy sản được cải thiện rõ rệt, đặc biệt chất lượng thủy sản xuất khẩu ngày càng có uy tín([26]). Vì vậy, sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, trong đó thủy sản nuôi trồng đứng thứ 2. Riêng năm 2008, xuất khẩu thủy sản đạt 4,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng VSATTP đối với thủy sản tiêu dùng nội địa vẫn còn bất cập như tình trạng sử dụng ure để bảo quản, sử dụng chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Năm 2007, kết quả phân tích 571 mẫu thủy sản sau thu hoạch với hơn 1.870 lượt chỉ tiêu phân tích, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu kháng sinh bị cấm như Chloramphenicol, Nitrofuran, hoá chất bảo quản (urê) cho thấy có 1 mẫu nhiễm dẫn xuất của nitrofuran (chiếm 0,17%); 1 mẫu có hàm lượng Cadimi vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 0,17%). Kiểm tra về vi sinh vật gây bệnh thấy có 21 mẫu vượt mức cho phép (chiếm 3,68%), 17 mẫu có kết quả TPC, Coliforms vượt mức cho phép (chiếm 2,98%); 2 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 0,35%), 2 mẫu nhiễm E.coli (chiếm 0,35)([27]).

Thực trạng trên cho thấy, yêu cầu kiểm soát chất lượng VSATTP đối với thủy sản xuất khẩu rất cao nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thực hiện nghiêm túc vì nếu không bảo đảm chất lượng VSATTP thì hàng bị trả lại gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, với thủy sản nội địa, mặc dù quy định của pháp luật là đầy đủ nhưng việc kiểm tra và xử lý vi phạm chưa được chú trọng nên chất lượng VSATTP của thủy sản tiêu thụ nội địa còn chưa cao.

2. Quản lý chất lượng VSATTP trong xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm

2.1. Trong xuất khẩu thực phẩm

Việc kiểm soát VSATTP xuất khẩu được thực hiện theo hợp đồng. Việc tự kiểm soát chất lượng VSATTP sản phẩm xuất khẩu được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Hiện tại, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam là gạo, thủy sản, chè, cà phê, hồ tiêu, điều, thịt lợn, mật ong([28]), v.v... Nhìn chung, sản phẩm thực phẩm xuất khẩu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng VSATTP, tỷ lệ hàng bị trả về hoặc phải tiêu hủy thấp. Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản năm 2008 ước đạt 10,2 tỷ USD.

2.2. Trong nhập khẩu thực phẩm

Năm 2008, cả nước nhập khẩu các loại sản phẩm nông nghiệp trị giá 1.558,7 triệu USD (sữa và sản phẩm sữa 553,9 triệu USD, lúa mỳ 292,6 triệu USD, bột mỳ 25,5 triệu USD, dầu mỡ động thực vật 665,5 triệu USD, đường 35,8 triệu USD)([29]). Việc nhập khẩu thực phẩm được thực hiện theo các quy định của pháp luật về VSATTP, về hải quan, về thương mại, về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, về thú y,... Kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP của thực phẩm nhập khẩu được giao cho 12 cơ quan nhà nước do Bộ Y tế chỉ định. Hiện tại, các cơ quan này mới chỉ tập trung vào kiểm soát thực phẩm nhập khẩu chính ngạch và kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có 0,07% số lượng thực phẩm không đạt yêu cầu([30]). Việc quản lý nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, phát hiện, phòng chống buôn lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ([31]). Tình trạng nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có giấy xác nhận chất lượng nhập khẩu của cơ quan kiểm tra nhà nước..., nhập lậu động vật và sản phẩm động vật, hoa quả tươi không qua kiểm dịch còn xảy ra([32]). Qua khảo sát thực tế của Đoàn giám sát ở một số cửa khẩu, tình trạng chung là trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm còn thiếu và lạc hậu, thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động, thiết bị kiểm tra nhanh. Việc kiểm tra chất lượng VSATTP chủ yếu dựa vào cảm quan. Mặt khác, tình trạng thiếu kho ngoại quan tại các cửa khẩu cũng là trở ngại lớn cho việc kiểm soát VSATTP vì khi hàng hoá được đưa về kho của chủ hàng để đợi kết quả kiểm tra thì nhiều trường hợp chủ hàng phát tán hàng hóa trước khi có kết quả kiểm tra. Bên cạnh đó, theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới giữa các nước có chung đường biên thì việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới trị giá dưới 2 triệu VNĐ không phải khai báo thủ tục hải quan. Quy định này cũng gây khó khăn cho công tác kiểm soát VSATTP ở các tỉnh biên giới.

Nhìn chung, văn bản pháp luật quy định đối với nhập khẩu thực phẩm khá đầy đủ, tuy nhiên, trong việc thực thi pháp luật còn một số điểm chưa hợp lý. Ví dụ: rau quả tươi, trứng, động vật và sản phẩm động vật... ngoài việc kiểm tra chất lượng VSATTP do cơ quan y tế thực hiện còn đồng thời phải kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y do cơ quan nông nghiệp thực hiện. Do vậy, vấn đề thủ tục nhập khẩu đối với hàng hóa thực phẩm cần được xem xét, thống nhất đầu mối để tránh gây phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm hiệu quả quản lý.

3. Quản lý chất lượng VSATTP trong chế biến, kinh doanh thực phẩm

3.1. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm; cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm

Việc quản lý chất lượng VSATTP đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm được thực hiện thông qua việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Tuy nhiên, công tác này còn bộc lộ nhiều bất cập:

- Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm còn chậm, tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý (Năm 2006, số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP mới chỉ đạt 0,3%([33]), năm 2008 có tiến bộ nhưng cũng chỉ đạt 11,2%). Tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh (ví dụ ở Đà Nẵng đạt 76.1%, ở Quảng Trị đạt 56,7%, ở TP. Hồ Chí Minh đạt 50,6%, ở Đắc Lắc đạt 22,3%)và giữa các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (hiện nay, có tới 93,9% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP)([34]). Điều này cho thấy đây là khâu yếu trong tổ chức thực hiện. Mặc dù khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh VSATTP quy định kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện, nhưng giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP lại không được coi là điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh. Vì vậy, nhiều địa phương Đoàn đến giám sát đề nghị nên quy định Giấy chứng nhận này là một điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh.

- Việc cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm cũng ở tình trạng tương tự, trong hàng chục ngàn sản phẩm thực phẩm mới chỉ có 25.224sản phẩm được cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm([35]). Sở dĩ có tình trạng trên là do việc phân công, phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận còn chưa hợp lý, nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác này còn hạn chế.

3.2. Đối với thực phẩm chế biến thủ công và thực phẩm chế biến công nghiệp

Số liệu từ báo cáo của một số tỉnh cho thấy, số mẫu thực phẩm chế biến công nghiệp đạt yêu cầu giai đoạn 2004 - 2006 là 91,3%, giai đoạn 2007 - 2009 là 89,7%; số mẫu thực phẩm chế biến thủ công đạt yêu cầu giai đoạn 2004 - 2006 là 77,9%, giai đoạn 2007 - 2009 là 83,5%(Xem Phụ lục VI.b).Như vậy, 2 năm gần đây thực phẩm chế biến thủ công có nhiều tiến bộ nhưng độ an toàn của thực phẩm chế biến thủ công thấp hơn thực phẩm chế biến công nghiệp.

Về ô nhiễm sản phẩm chế biến thủ công do hóa chất tồn dư và do dụng cụ, bao gói là cao hơn so với sản phẩm chế biến công nghiệp; ô nhiễm do hóa chất bảo quản thực phẩm trong chế biến công nghiệp là cao hơn so với chế biến thủ công (Xem Phụ lục VI.a), cụ thể là:

- Tồn dư hóa chất trong sản phẩm chế biến thủ công giai đoạn 2004 - 2006 là 1,10%, giai đoạn 2007 - 2009 là 2,45%. Ô nhiễm do hóa chất bảo quản thực phẩm giai đoạn 2004 - 2006 là 5,59%, giai đoạn 2007 - 2009 là 3,35%. Ô nhiễm do dụng cụ, bao gói giai đoạn 2004 - 2006 là 15,21%, giai đoạn 2007 - 2009 là 10,22%. Như vậy, tồn dư hóa chất có chiều hướng tăng, ô nhiễm do hóa chất bảo quản và do dụng cụ, bao gói có chiều hướng giảm.

- Tồn dư hóa chất trong sản phẩm chế biến công nghiệp giai đoạn 2004 - 2006 là 0,73%, giai đoạn 2007 - 2009 là 0,81%. Trong đó, ô nhiễm do hóa chất bảo quản thực phẩm giai đoạn 2004 - 2006 là 6,22%, giai đoạn 2007 - 2009 là 13,29%; ô nhiễm do dụng cụ, bao gói giai đoạn 2004 - 2006 là 1,91%, giai đoạn 2007 - 2009 là 2,10%. Như vậy, tồn dư hóa chất và ô nhiễm do dụng cụ, bao gói có chiều hướng tăng nhẹ, đối với hóa chất bảo quản thực phẩm tăng nhiều hơn.

Việc sản xuất, kinh doanh loại thực phẩm là thức ăn chín, chế biến ăn liền đã được cải thiện so với những năm trước đây, tuy nhiên, việc sử dụng các chất bị cấm sử dụng trong chế biến thức ăn chín vẫn còn phổ biến... Theo báo cáo của Bộ Y tế, kết quả kiểm tra thức ăn đường phố các năm 2005 - 2008 cho thấy tình trạng sử dụng một số hóa chất bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm vẫn ở tỷ lệ cao([36]).

3.3. Đối với chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm

Chất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nguyên liệu thực phẩm được kiểm tra năm 2008 là 27.587.658 kg/298 lô. Việc quản lý VSATTP đối với chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm còn bất cập: văn bản QPPL trong lĩnh vực này còn thiếu cụ thể; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên; phương tiện, trang thiết bị kiểm tra còn hạn chế. Tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng còn phổ biến ở các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chế biến thủ công. Đoàn giám sát được các địa phương phản ảnh, có nhiều loại phụ gia thực phẩm không bảo đảm chất lượng VSATTP vẫn lưu thông trên thị trường.

3.4. Đối với rượu, bia, nước giải khát, nước uống đóng chai

Nhìn chung, các quy định quản lý chất lượng VSATTP; tiêu chuẩn đối với rượu, nước giải khát, nước uống đóng chai được ban hành khá đầy đủ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống quy mô công nghiệp tuân thủ khá đầy đủ các quy định về VSATTP. Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhưng phần lớn cơ sở sản xuất rượu, bia, nước giải khát, nước uống đóng chai quy mô nhỏ, thủ công còn chưa thực hiện đầy đủ các quy định về VSATTP.

Sản xuất rượu thủ công vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (250-300 triệu lít/năm)([37])và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu này. Tuy nhiên, việc kiểm soát hàm lượng methanol, aldehyt trong rượu còn chưa tốt. Hiện tại, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu sản xuất thủ công. Do vậy, tình  trạng tử vong do ngộ độc rượu còn cao([38]). Lượng rượu giả bị thu giữ tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; nước giải khát kém chất lượng bị thu giữ ngày càng tăng([39]). Các vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực này là vi phạm quy định về ghi nhãn, quy trình sản xuất, dụng cụ, bình chứa không bảo đảm VSATTP, vị trí sản xuất không bảo đảm cách ly với khu vực gây ô nhiễm (có cơ sở sản xuất bia, nước uống đóng chai Đoàn giám sát đến làm việc có địa điểm sản xuất nằm sát nghĩa trang). Gần đây, qua kiểm tra của nhiều tỉnh, thành phố đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm nghiêm trọng các quy định về VSATTP như các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải([40]).

3.5. Đối với thực phẩm chức năng và sữa

-Đối với thực phẩm chức năng:

Thực phẩm chức năng xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, chủ yếu là nhập khẩu (riêng thực phẩm chức năng nhập khẩu được kiểm tra nhà nước vềchất lượng VSATTP năm 2008 đã là 7.887.000 kg/106 lô) nhưng tiêu chí và phương thức quản lý loại thực phẩm này hiện còn nhiều quan điểm khác nhau. Quy định về quản lý thực phẩm chức năng còn thiếu cụ thể, như quy định về việc bán hàng đa cấp, quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng,... Bên cạnh đó, do năng lực của các cơ sở kiểm nghiệm còn hạn chế nên nhiều khi không xác định được các hoạt chất của mẫu kiểm tra để xác định đó là thực phẩm hay dược phẩm để có phương thức quản lý thích hợp. Do vậy, việc quản lý loại thực phẩm này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc xử lý vi phạm.

-Đối với sữa:

Lượng sữa ở Việt Nam chủ yếu do nhập khẩu. Năm 2008 sữa nhập khẩu chiếm 72% (trong đó 50% là sữa bột nhập về để hoàn nguyên thành sữa lỏng, 22% là sữa thành phẩm - nhập khẩu 553 triệu USD), 28 % là sữa tươi tự sản xuất trong nước([41]). Tiêu thụ sữa của Việt Nam tăng 14,1%/năm, 78% sản phẩm sữa do trẻ em tiêu thụ. Tính trung bình người Việt Nam tiêu thụ khoảng 9,5 lít sữa/người/năm (Thái Lan tiêu thụ 25 lít/người/năm, Pháp tiêu thụ 130 lít/người/năm, Australia tiêu thụ 320 lít/người/năm).

Theo báo cáo của Bộ Công thương, sản phẩm sữa là hàng giả, hàng kém chất lượng bị thu giữ có xu hướng tăng đáng kể: năm 2004 là 967 hộp, năm 2005 là 9.666 hộp, năm 2006 là 3.043 hộp, năm 2007 là 21.998 hộp, năm 2008 là 71.728 hộp([42]).Kinh doanh sản phẩm sữa có nhiễm melamine, sữa có hàm lượng protein thấp, không đúng tiêu chuẩn công bố,... là vấn đề cần có các biện pháp kiểm soát để bảo vệ người tiêu dùng. Tồn dư thuốc kháng sinh, các chất độc hại khác như melamine, chất độc do vi khuẩn thải ra trong sữa là vấn đề rất cần được quan tâm trong quản lý chất lượng VSATTP.

3.6. Đối với các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện

Hiện tại, việc tổ chức bếp ăn tập thể đông người đã được người đứng đầu cơ sở quan tâm nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp vẫn có chiều hướng gia tăng.Từ năm 2004-2008 số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình xảy ra tại khu công nghiệp là 7 - 32 vụ/năm với số người mắc là 905 - 3.589 người/năm (trung bình 113 người/vụ)([43]). Trong 5 năm qua có 1 trường hợp tử vong.

Điều kiện VSATTP tại các bếp ăn tập thể của cơ quan, trường học... đã được cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu chế biến bảo đảm VSATTP. Tuy nhiên, nhiều bếp ăn, căng tin của bệnh viện chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

3.7. Đối với  các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, khu du lịch

Hoạt động bảo đảm VSATTP đối với các cơ sở này đã được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện theo Chỉ thị 05/2005/CT-BYT về việc tăng cường công tác bảo đảm VSATTP của thức ăn đường phố và các quy định về điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Hiện tại, 48/63 tỉnh trên cả nước đã triển khai xây dựng phường điểm về VSATTP thức ăn đường phố. Do vậy, VSATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống đã được cải thiện so với những năm trước đây([44]).Tuy nhiên, tỷ lệ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các phường điểm này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP vẫn còn thấp (chiếm 16,5%), còn trung bình năm 2008 tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP của cả nước đối với thức ăn đường phố là 6,1%.

3.8. Đối với cáckhách sạn, nhà hàng

Các khách sạn, nhà hàng đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến nên cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo đảm VSATTP. Do vậy, trong nhiều năm qua, ít có các vụ ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, việc chế biến, sử dụng thực phẩm tại một số khách sạn, nhà hàng còn một số tồn tại như sử dụng nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không có trong danh mục được phép sử dụng để chế biến thức ăn…

3.9. Đối với các chợ,các siêu thị

Tính đến nay, trong cả nước đã xây dựng được 8.333 chợ các loại, trong đó có 86 chợ đầu mối. Việc xây dựng các chợ đầu mối đã góp phần kiểm soát chất lượng VSATTP của nguồn nguyên liệu thực phẩm. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về VSATTP tại các chợ ở nông thôn, nội đô, chợ cóc, chợ tạm hiện vẫn còn bất cập. Vẫn xảy ra tình trạng tư thương sử dụng các hóa chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là với hoa quả, nội tạng động vật. Nhiều trường hợp không qua kiểm tra vẫn đóng dấu vệ sinh thú y, bán vé kiểm dịch tại chợ...

Hiện nay, cả nước có 386 siêu thị, 103 trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn([45]), nhiều hệ thống siêu thị lớn đã có sự đầu tư cho việc kiểm soát chất lượng VSATTP đối với nguồn nguyên liệu cung cấp cho siêu thị nên nhìn chung thực phẩm tại siêu thị đáp ứng yêu cầu về VSATTP.

4. Tình hình ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm

4.1. Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP)

Theo Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2004-2008 đã có 906 vụ NĐTP, trung bình 181,2 vụ/năm, số người bị NĐTP là 6.036 người/năm, số người chết là 267 người (53,4 người/năm), tính trung bình tỷ lệ người bị NĐTP cấp tính là 71 người/1 triệu dân/năm (Xem Phụ lục VII.a).Riêng 2008 có 205 vụ ngộ độc với 7.828 người bị mắc, trong đó NĐTP do vi sinh vật 7,8%, do hóa chất 0,5%, do độc tố tự nhiên 25,4% và không rõ nguyên nhân 66,3%.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo của 62 tỉnh, thành phố, số vụ ngộ độc 2004 - 2008 là 2.160 vụ, trung bình là 432 vụ/năm; số người bị ngộ độc là 8.565,6 người/năm; số người chết do ngộ độc là 391 người (78,2 người/năm). Riêng năm 2008, số vụ ngộ độc là 468 vụ, với 8.656 người mắc, số người chết là 89 người. Kết quả thống kê cũng cho thấy số vụ NĐTP có xu hướng tăng, tuy nhiên trong 3 năm gần đây số người bị ngộ độc có xu hướng giảm dần (Xem Phụ lục VII.b).

Phân tích nguyên nhân NĐTP giai đoạn 2004-2008 của 1.489 vụ thì:

- Tỷ lệ vụ NĐTP do vi sinh vật giảm, giai đoạn 2004 - 2006 là 46,5%, giai đoạn 2007 - 2009 là 36,8 %.

- Tỷ lệ vụ NĐTP do thực phẩm biến chất giảm, giai đoạn 2004 - 2006 là 10,0%, giai đoạn 2007 - 2009 là 9,3 %.

- Tỷ lệ vụ NĐTP do hóa chất tồn dư giảm, giai đoạn 2004 - 2006 là 10,2%, giai đoạn 2007 - 2009 là 9,3 %.

- Tỷ lệ vụ NĐTP do độc tố tự nhiên tăng, giai đoạn 2004 - 2006 là 23,8%, giai đoạn 2007 - 2009 là 30,2%.

- Tỷ lệ vụ NĐTP do nguyên nhân khác, giai đoạn 2004 - 2006 là 9,5%, giai đoạn 2007 - 2009 là 14,3%.

Nhìn chung, NĐTP do vi sinh vật, thực phẩm biến chất, hóa chất tồn dư có xu thế giảm, do độc tố tự nhiên có xu thế tăng. Riêng năm 2008, NĐTP do vi sinh vật là 36,3%, do độc tố tự nhiên là 30,3%, do hóa chất tồn dư là 11,7% và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm gần đây, do thực phẩm biến chất là 9,1% và do nguyên nhân khác là 12,7% (Xem Phụ lục VII.c).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 116 ca tử vong do NĐTP gây ra trong 2 năm 2007 và 2008, thì tử vong do ăn tại gia đình chiếm 87,1%, do ăn tại nhà hàng, khách sạn, nhà trẻ, bếp ăn trường học chiếm 0,0%, do ăn tại bếp ăn tập thể chiếm 1,7%, do ăn thức ăn đường phố 1,7%, do ăn tại đám cưới, đám giỗ 1,7%, do ăn tại các nơi khác là 7,8%. Phân tích nguyên nhân tử vong của 80/116 người chết (chiếm 69%) vì ngộ độc do độc tố tự nhiên cho thấy, có tới 58 người chết không do ăn thực phẩm từ sản xuất, chế biến trong chuỗi thực phẩm gây ra([46]).

Số liệu báo cáo của Chính phủ, của các bộ và các tỉnh cho thấy có sự khác nhau. Điều đó chứng tỏ việc điều tra, thống kê, chia sẻ dữ liệu về ngộ độc thực phẩm giữa các cơ quan quản lý nhà nước là chưa thống nhất.

4.2. Các bệnh truyền qua thực phẩm

Bệnh truyền qua thực phẩm là nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người và giống nòi do sử dụng lâu dài thực phẩm không bảo đảm VSATTP. Hiện có tới 400 các bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm... Hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa có con số thống kê, đánh giá về vấn đề này.

Mặc dù đã có quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm VSATTP, quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm nhưng việc tuân thủ các quy định trong lĩnh vực này còn chưa nghiêm túc. Ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng còn chưa cao. Còn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khắc phục, xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể và truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể gây ra ngộ độc thực phẩm, nguồn kinh phí để thực hiện công tác này.

III. ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP

1. Kết quả đạt được

Nhìn chung, trong 5 năm 2004 - 2008, công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP đã có những kết quả đáng kể trên nhiều lĩnh vực, cụ thể là:

1.1. Hệ thống văn bản QPPL về quản lý chất lượng VSATTP được ban hành với số lượng lớn tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng VSATTP từ “trang trại đến bàn ăn”, bước đầu đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP và yêu cầu hội nhập quốc tế.

1.2. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP đang từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương,có sự phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các Bộ và địa phương nên đã phát huy hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng VSATTP.

1.3. Đã có thanh tra chuyên ngành VSATTP tại Trung ương và đang triển khai thành lập ở cấp tỉnh. Mặc dù lực lượng thanh tra, kiểm tra còn rất mỏng nhưng công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường hơn trước, góp phần nâng cao chất lượng VSATTP trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng thực phẩm, thể hiện qua các năm chất lượng VSATTP đã được tăng dần.

1.4. Hình thành được mạng lưới kiểm nghiệm chất lượng VSATTP ở Trung ương và khu vực với sự tham gia của nhiều phòng thí nghiệm của các thành phần kinh tế; trang thiết bị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước đang từng bước được đầu tư, nâng cấp.

1.5. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về VSATTP đã bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

1.6. Công tác quản lý và bảo đảm chất lượng VSATTP có tiến bộ rõ rệt: một số nông sản, thực phẩm chủ lực như lúa gạo, ngô... cơ bản đáp ứng yêu cầu VSATTP.Điều kiện VSATTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bước đầu được cải thiện hơn. Diện tích trồng rau an toàn, chăn nuôi quy mô trang trại, số lượng chợ đầu mối, siêu thị kinh doanh thực phẩm tăng dần theo từng năm. Chất lượng VSATTP của thực phẩm chế biến công nghiệp được kiểm soát tốt. Ô nhiễm vi sinh vật trong một số sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau, thịt, thủy sản... có chiều hướng giảm; số người bị ngộ độc thực phẩm trong một năm có xu hướng giảm dần; tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP của bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có tiến bộ.

2. Những tồn tại và yếu kém

2.1.Việc ban hành quá nhiều văn bản QPPL với hiệu lực pháp lý khác nhau nêncó sự chồng chéo, mâu thuẫn, hoặc bỏ sót một số lĩnh vực... gây khó khăn cho việc áp dụng; việc triển khai thực hiện còn chậm và thiếu kiên quyết. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu và lạc hậu. Việc chuyển đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về VSATTP còn chậm.

2.2. Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên ngành quản lý chất lượng VSATTP còn chưa hoàn thiện. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP còn thiếu đáng kể, lại phân tán theo nhiều nhiệm vụ quản lý khác nhau như thanh tra chuyên ngành về VSATTP, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, về thú y...;việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết.

2.3. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP tuy đã có chuyển biến nhưng hiện chỉ mới tập trung giải quyết được một số vấn đề bức xúc, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm theo một chiến lược dài hạn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan về quản lý chất lượng VSATTP ở Trung ương và địa phương còn chưa tốt, chưa đảm bảo quản lý một cách liên thông theo chuỗi cung cấp thực phẩm.

2.4.Đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý chất lượng VSATTP rất hạn chế: kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP ở mức quá thấp; trang thiết bị kiểm nghiệm còn thiếu và lạc hậu; thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh.

2.5. Công tác xã hội hóa một số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP chưa được quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự tham gia của các lực lượng trong xã hội, nhất là sự tham gia của các hội, hiệp hội và doanh nghiệp lớn.

2.6. Chất lượng VSATTP của một số sản phẩm thực phẩm chế biến thủ công, quy mô nhỏ tuy có được cải thiện nhưng vẫn là một khâu yếu. Tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất bảo quản trong một số thực phẩm chưa được cải thiện. Tỷ lệ cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát tuy đã có cải thiện nhưng còn ở mức rất thấp. Tỷ lệ số người sản xuất, kinh doanh dịch vụ, người tiêu dùng nhận thức đúng về VSATTP tuy có tiến bộ nhưng ở mức trung bình; trách nhiệm của người sản xuất quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP và tỷ lệ hàng hóa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ở mức rất thấp; phương thức quản lý thực phẩm chức năng còn bất cập.

IV. NGUYÊN NHÂN TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Nguyên nhân chủ quan

1.1. Hệ thống văn bản QPPL về quản lý chất lượng VSATTP nhiều, nhưng chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh toàn diện các vấn đề về quản lý chất lượng VSATTP nên việc đồng thời phải áp dụng 337 văn bản QPPL có liên quan để quản lý chất lượng VSATTP từ sản xuất đến tiêu dùng là rất khó khăn.

1.2.Nhận thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng VSATTP nên sự chỉ đạo thiếu kiên quyết. Lãnh đạo của các Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP từ TW đến địa phương hầu hết là kiêm nhiệm. Hiện tại, chưa có quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền với công tác quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn quản lý.

1.3. Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP của một số bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là do các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP còn chưa được xây dựng theo khung logic để dễ dàng triển khai theo hệ thống; việc phân công nhiệm vụ chưa đi liền với xây dựng tổ chức bộ máy và đầu tư kinh phí; chưa có sự phối hợp một cách hiệu quả giữa các cơ quan chức năng cho nên việc thực hiện và đánh giá kết quả còn gặp khó khăn, còn mang tính định tính.

1.4. Bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành về VSATTP còn chưa hoàn thiện; có nhiều đầu mối tham gia quản lý nhà nước về VSATTP nhưng việc phân công trách nhiệm quản lý VSATTP ở một số lĩnh vực và đối với một số sản phẩm còn chồng chéo, ví dụ như đối với sữa tươi, chế biến thủy sản...

1.5. Năng lực quản lý của cơ quan nhà nước còn hạn chế; công tác quản lý chất lượng VSATTP còn chậm đổi mới; việc triển khai thực hiện văn bản QPPL về VSATTP còn chậm.Việcthanh tra, kiểm tra, điều tra xác định nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm còn chưa thường xuyên, kịp thời; việc xử phạt chưa kiên quyết nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

1.6. Quản lý chất lượng VSATTP là hoạt động đồng bộ, toàn diện, trong đó vai trò của các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng, nhất là trong việc quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào của chuỗi sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, hiện tại sự tham gia của chính quyền cấp xã đối với hoạt động này chưa được coi trọng, cấp xã chưa được phân bổ kinh phí để hoạt động. Công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa rõ ràng nên một số vấn đề rất bức xúc nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Ví dụ, như quy định về việc vận chuyển gia súc, gia cầm tươi sống trong quận nội thành thì tp. Hồ Chí Minh làm tốt do UBND Thành phố có sự đầu tư và chỉ đạo kiên quyết, nhưng cũng vấn đề này với nhiều thành phố khác vẫn chưa được giải quyết.

1.7. Đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP còn thiếu nghiêm trọng, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Ngân sách cho quản lý chất lượng VSATTP chưa được tách thành mục riêng trong chi ngân sách, lại phân tán trong nhiều nhiệm vụ chi khác nhau ở nhiều bộ nên công tác quản lý chất lượng VSATTP thiếu tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

1.8. Phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP còn thiếu và lạc hậu; trình độ cán bộ chuyên môn và năng lực phân tích của các phòng thử nghiệm trong nước còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vẫn còn phải thuê phòng thử nghiệm ở nước ngoài phân tích đối với một số chỉ tiêu phân tích hóa chất độc hại trong thực phẩm.

1.9. Công tác xã hội hoá một số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP chưa được cụ thể hóa thành chính sách để huy động nguồn lực về chuyên môn, tài chính từ các tổ chức hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện, trường đại học, v.v...

1.10. Công tác nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược quản lý chất lượng VSATTP; công tác quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; cảnh báo, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm... chưa được chú trọng đúng mức.

1.11. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao, một mặt là do người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng; mặt khác do việc xử lý vi phạm còn nương nhẹ, chưa kiên quyết.

2. Nguyên nhân khách quan

2.1. Do nước ta đang chuyển đổi từ nền sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa; công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn thủ công; quy hoạch cho sản xuất thực phẩm chưa được xây dựng đồng bộ nên việc bảo đảm VSATTP còn gặp nhiều khó khăn.

2.2. Do tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm VSATTP.

Sự gia tăng số lượng nhà máy, các khu công nghiệp lớn, tập trung người lao động tác động trực tiếp tới vấn đề VSATTP của các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp.

2.3. Do bảo vệ môi trường còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên môi trường nói chung và môi trường đất, nước để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nói riêng vẫn còn bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng cũng làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất trong sản phẩm thực phẩm.

2.4. Nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”; việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, giá thành cao khó cạnh tranh với thực phẩm thông thường, vì vậy chưa tạo động lực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

2.5. Hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu thương mại hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng; đồng thời việc có hơn 4.500 km đường biên giới trên đất liền, nhiều cửa khẩu đường sông, biển nên việc kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu rất khó khăn, đặc biệt là kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

PHẦN II

GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ

I - GIẢI  PHÁP

1. Nhóm giải pháp về thể chế chính sách

1.1. Giải pháp trước mắt

- Ban hành Luật An toàn thực phẩm để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm, chú trọng tập trung làm rõ 4 vấn đề: cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; cơ chế phối hợp trong công tác quản lý chất lượng VSATTP; trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chế tài xử lý vi phạm.

- Sửa đổi một số điều của pháp luật có liên quan làm cơ sở để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP (ví dụ như quy định về thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra, quy định về quyền khởi kiện của hội, hiệp hội trong Bộ Luật Tố tụng dân sự,…).

- Sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp; bổ sung những quy định còn thiếu (Xem Phụ lục II).

- Hướng dẫn thi hành các điều có liên quan đến việc khởi tố đối với các hành vi vi phạm quy định về VSATTP của Bộ luật Hình sự.

- Đầu tư kinh phí nâng cấp một số phòng thí nghiệm để đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mới các phòng thí nghiệm cung cấp dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho việc quản lý chất lượng VSATTP.

1.2. Giải pháp lâu dài

- Nhà nước có chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu theo hướng sản xuất lớn, quy mô trang trại, gắn với việc phát triển thị trường hàng hóa nông sản an toàn.

- Khuyến khích, hỗ trợ hoặc cho vay vốn để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GAP, GMP, GHP, ISO; xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn...

- Đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc phục vụ kiểm soát, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ; trong sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn...

2. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện

2.1.Giải pháp trước mắt

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền; gắn kết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về chất lượng VSATTP đối với người quản lý, người SXKD, người tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của người SXKD thực phẩm đối với cộng đồng.

- Trên cơ sở điều kiện thực tiễn của Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm, mô hình quản lý chất lượng VSATTP của một số nước trên thế giới (Xem Phụ lục VIII và Phụ lục IX):

+ Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trong công đoạn sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến thực phẩm đối với Bộ Nông nghiệp – PTNT, Bộ Công thương.

+ Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về VSATTP theo hướng nâng cấp Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành Tổng cục thuộc Bộ Y tế đủ năng lực, đủ thẩm quyền để quản lý VSATTP đối với thực phẩm từ sau công đoạn sơ chế, chế biến đến tiêu dùng và thực phẩm nhập khẩu như mô hình của một số nước hiện nay trên thế giới.

+ Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp giữa các Bộ có liên quan ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng VSATTP theo chuỗi thực phẩm. Đối với các loại thực phẩm mà sự phân biệt giữa các công đoạn của chuỗi thực phẩm không rõ ràng (như rau quả tươi, sữa, thịt chó...) thì cần quy định phân công cụ thể các bộ quản lý đối với từng loại thực phẩm.

+ Phân cấp mạnh cho địa phương đồng thời với việc đầu tư nguồn lực để bảo đảm hiệu quả quản lý trong một số hoạt động, nhất là phân cấp trong việc cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, kiểm nghiệm, thử nghiệm,...

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng VSATTP; trong khi chưa kiện toàn được hệ thống thanh tra chuyên ngành về VSATTP, cần có cơ chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng thanh tra của các bộ và với lực lượng quản lý thị trường.

- Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý VSATTP; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm chất lượng VSATTP,...

2.2. Giải pháp lâu dài

- Xây dựng chiến lược quốc gia về bảo đảm VSATTP giai đoạn từ 2011 đến năm 2020 (có sự lồng ghép với chiến lược phát triển KT-XH, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp, y tế, chiến lược phát triển nguồn nhân lực) làm định hướng cho việc đổi mới quản lý chất lượng VSATTP; quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn…

- Đổi mới công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP theo hướng kiểm soát nguy cơ ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm; việc quản lý dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý chất lượng VSATTP như vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, thuốc thú y... trong sản phẩm nông sản; kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm, thực phẩm có nguy cơ cao và thực phẩm chức năng...

3. Nhóm giải pháp về nguồn lực

3.1. Giải pháp trước mắt

- Có mục chi riêng ngân sách cho quản lý chất lượng VSATTP trong mục lục ngân sách nhà nước hàng năm.

- Bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về VSATTP, chú trọng đầu tư cho công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP, trang thiết bị kiểm nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức và pháp luật về VSATTP,…

- Bố trí đủ nhân lực,đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ công tác quản lý nhà nước về VSATTP.

3.2. Giải pháp lâu dài

- Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc ký kết các điều ước quốc tế, các thỏa thuận song phương, đa phương trong lĩnh vực VSATTP; về công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

- Đưa nội dung đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành về quản lý chất lượng VSATTP vào chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu,…

- Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp trong một số hoạt động dịch vụ công phục vụ công tác quản lý chất lượng VSATTP.

II.KIẾN NGHỊ

1. Với Quốc hội

1.1. Ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội hoặc thể hiện trong Nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hàng năm bảo đảm cho về việc tăng cường các biện pháp hữu hiệu thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

1.2. Ban hành Luật An toàn thực phẩm đồng thời sớm sửa đổi, bổ sung, một số luật có liên quan đến thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm, khởi tố như Luật Thanh tra, Bộ Luật Tố tụng dân sự,... để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả trong việc quản lý chất lượng VSATTP.

1.3. Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về VSATTP và xử lý các kiến nghị giám sát.

1.4. Trong phân bổ kế hoạch ngân sách hàng năm, có dành một khoản kinh phí hợp lý hơn chi thường xuyên cho hoạt động quản lý chất lượng VSATTP (trước mắt khoảng 9.000 đồng/người và tăng dần hàng năm cùng với tăng thu của ngân sách nhà nước) để công tác VSATTP đảm bảo hiệu quả thiết thực.

1.5. Giao Chính phủ xem xét, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chất lượng VSATTP đến cấp xã.

2. Đối với Chính phủ

2.1. Xây dựng chiến lược quốc gia về bảo đảm VSATTP giai đoạn từ 2011 đến năm 2020 làm định hướng cho công tác xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng VSATTPP.

2.2. Xây dựng một mục chi ngân sách riêng cho quản lý chất lượng VSATTP trên cơ sở tính đúng, tính đủ nguồn ngân sách đã chi cho các bộ được phân công làm cơ sở để Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách hàng năm.

2.3. Chỉ đạo các cơ quan rà soát các văn bản QPPL có liên quan tới quản lý chất lượng VSATTP còn chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp hoặc còn thiếu để quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội quyết định

2.4. Kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý CLVSATTP từ Trung ương đến địa phương theo hướng:

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về CLVSATTP trong công đoạn sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến thực phẩm đối với Bộ Nông nghiệp – PTNT, Bộ Công thương.

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về VSATTP theo hướng nâng cấp Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành Tổng cục thuộc Bộ Y tế đủ năng lực, đủ thẩm quyền để quản lý VSATTP đối với thực phẩm từ sau công đoạn sơ chế, chế biến đến tiêu dùng và thực phẩm nhập khẩu như mô hình của một số nước hiện nay trên thế giới.

- Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp giữa các Bộ có liên quan ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng VSATTP theo chuỗi thực phẩm. Đối với các loại thực phẩm mà sự phân biệt giữa các công đoạn của chuỗi thực phẩm không rõ ràng (như rau quả tươi, sữa, thịt chó...) thì cần quy định phân công cụ thể các bộ quản lý đối với từng loại thực phẩm.

- Phân cấp mạnh cho địa phương đồng thời với việc đầu tư nguồn lực để bảo đảm hiệu quả quản lý trong một số hoạt động, nhất là phân cấp trong việc cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, kiểm nghiệm, thử nghiệm,...

2.5. Đề xuất chính sách về thuế và tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp SXKD các mặt hàng thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất theo định hướng sản xuất hàng hóa thực phẩm an toàn.

2.6. Tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP trong thời gian qua và tăng cường chỉ đạo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

2.7. Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP; nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục kiến thức và pháp luật về VSATTP.

3. Đối với các cơ quan tư pháp

3.1. Tăng cường năng lực điều tra, khởi tố các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VSATTP; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP.

3.2. Sớm có hướng dẫn thi hành các điều có liên quan đến việc khởi tố đối với các hành vi vi phạm quy định về VSATTP của Bộ luật Hình sự.

4. Đối với các Bộ có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP

4.1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản theo thẩm quyền trong lĩnh vực được phân công quản lý; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP thuộc phạm vi quản lý.

4.2. Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trên cơ sở trách nhiệm đã được phân công, đặc biệt ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng VSATTP theo chuỗi thực phẩm.

4.3. Kiện toàn tổ chức thanh tra chuyên ngành về chất lượng VSATTP tại các bộ và tại các địa phương; có cơ chế phối hợp giữa thanh tra chuyên ngành VSATTP với lực lượng quản lý thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP; tập trung thực hiện tốt công tác tiền kiểm và coi trọng thỏa đáng hậu kiểm đối với hàng hoá thực phẩm.

4.4. Xây dựng hệ thống giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

4.5. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, truyền thông về VSATTP, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục; chú trọng giáo dục đạo đức kinh doanh của người SXKD thực phẩm, ý thức tiêu dùng thực phẩm bảo đảm VSATTP.

4.6. Quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thực phẩm; có “quy chế phát ngôn” để kịp thời phản hồi các thông tin sai lệnh, không chính xác nhằm ổn định tâm lý người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn. Tăng cường việc đăng tải các thông tin về chất lượng VSATTP, đồng thời xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân đưa thông tin, quảng cáo không chính xác.

5. Kiến nghị đối với UBND cấp tỉnh

5.1.Ban hành kịp thời văn bản QPPL phù hợp với điều kiện địa phương và tổ chức tốt việc triển khai thực hiện; xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ quản lý chất lượng VSATTP trong kế hoạch hoạt động hàng năm, trong đó có phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra NĐTP quy mô lớn trên địa bàn quản lý.

5.2. Sớm thành lập Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại các tỉnh, thành phố.

5.3. Tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm pháp luật về VSATTP trên địa bàn quản lý.

5.4. Bố trí hợp lý nguồn ngân sách chi thường xuyên hàng năm dành cho công tác quản lý chất lượng VSATTP tại địa phương, đặc biệt là ở cấp xã; ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn.

5.5. Huy động các nguồn lực của địa phương tham gia vào hoạt động quản lý và bảo đảm chất lượng VSATTP; phát huy vai trò của cơ quan thông tin đại chúng, của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội tham gia giám sát và phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật về VSATTP.

5.6. Xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc về VSATTP tại địa phương; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô trang trại và tăng cường công tác quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn, quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm, quy hoạch các chợ đầu mối,... để bảo đảm việc quản lý được thực hiện trong toàn bộ theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

5.7. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về VSATTP, ý thực chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.

5.8. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý VSATTP tại địa phương, chú trọng nguồn nhân lực tại cấp huyện, xã.

6. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội

6.1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tăng cường trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

6.2. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội trong một số hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng VSATTP, giáo dục, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

*         *

*

Trên đây là Báo cáo giám sát “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”.Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trân trọng báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH

(đã ký)

 

 

 

 

 

Nguyễn Đức Kiên

 

 


PHẦN III

PHỤ LỤC

 

PHỤ LỤC I

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP

PHỤ LỤC I.a:

CÁC VĂN BẢN QPPL CÓ LIÊN QUAN TỚI QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP

DO CÁC CƠ QUAN Ở TRUNG ƯƠNG BAN HÀNH

 

STT

Số và ký hiệu

Ngày ban hành

Tên văn bản

I. LUẬT

1

21/LCT/HĐNN8

11/7/1989

Luật bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

2

22/2004/QH11

15/06/2004

Luật Thanh tra

3

27/2004/QH11

12/03/2004

Luật Cạnh tranh

4

36/2005/QH11

27/06/2005

Luật Thương mại

5

58/2005/QH11

29/11/2005

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.

6

52/2005/QH11

29/11/2005

Luật Bảo vệ môi trường

7

60/2005/QH11

29/11/2005

Luật Doanh nghiệp

8

68/2006/QH11

29/6/2006

Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

9

05/2007/QH12

21/11/2007

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá

10

17/2003/QH11

26/11/2003

Luật Thủy sản

II. PHÁP LỆNH

1

13/1999/PL-UBTVQH10

27/4/1999

Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

2

36/2001/PL-UBTVQH10

25/7/2001

Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

3

39/2001/PL UBTVQH10

30/11/2001

Pháp lệnh về quảng cáo

4

12/2003/PL-UBTVQH11

26/7/2003

Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm

5

15/2004/PL-UBTVQH11

24/3/2004

Pháp lệnh Giống cây trồng

6

16/2004/PL-UBTVQH11

24/3/2004

Pháp lệnh Giống vật nuôi

7

18/2004/PL-UBTVQH11

29/4/2004

Pháp lệnh Thú y

III. NGHỊ ĐỊNH

1

163/2004/NĐ-CP

09/07/2004

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm

2

175/2004/NĐ-CP

10/10/2004

Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại (đã được thay thế bằng Nghị định 06/2008/NĐ-CP)

3

179/2004/NĐ-CP

21/10/2004

Quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá (đã được thay thế bằng Nghị định 132/2008/NĐ-CP)

4

27/2005/NĐ-CP

03/08/2005

Quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật thuỷ sản

5

33/2005/NĐ-CP

15/3/2005

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y

6

41/2005/NĐ-CP

25/3/2005

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra

7

45/2005/NĐ-CP

04/06/2005

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

8

33/2005/NĐ-CP

24/8/2005

Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

9

116/2005/NĐ-CP

15/9/2005

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh

10

120/2005/NĐ-CP

30/9/2005

Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh

11

126/2005/NĐ-CP

10/10/2005

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa

12

128/2005/NĐ-CP

10/11/2005

Quy định về xử lý phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản

13

129/2005/NĐ-CP

17/10/2005

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

14

153/2005/NĐ-CP

15/12/2005

Quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn.

15

154/2005/NĐ-CP

15/12/2005

Quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan

16

163/2005/NĐ-CP

29/12/2005

Về sản xuất và cung ứng muối i-ốt cho ng­ười ăn

17

12/2006/NĐ-CP

23/01/2006

Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài

18

19/2006/NĐ-CP

20/02/2006

Quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa

19

21/2006/NĐ-CP

27/02/2006

Về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ

20

56/2006/NĐ-CP

06/06/2006

Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin

21

59/2006/NĐ-CP

06/12/2006

Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện

22

77/2006/NĐ-CP

08/03/2006

Tổ chức và hoạt động của thanh tra y tế

23

80/2006/NĐ-CP

08/09/2006

Quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

24

89/2006/NĐ-CP

30/8/2006

Quy định về nhãn hàng hoá

25

136/2006/NĐ-CP

14/11/2006

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo

26

154/2006/NĐ-CP

25/12/2006

Sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản

27

02/2007/NĐ-CP

01/05/2007

Quy định về kiểm dịch thực vật

28

95/207/NĐ-CP

06/04/2007

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa

29

119/2007/NĐ-CP

18/7/2007

Về sản xuất kinh doanh thuốc lá

30

127/2007/NĐ-CP

08/01/2007

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

31

161/2007/NĐ-CP

31/10/2007

Sửa đổi, bổ sung Điều 48 của Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra

32

06/2008/NĐ-CP

16/01/2008

Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

 

33

28/2008/NĐ-CP

28/2/2008

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 Quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

34

40/2008/NĐ-CP

04/07/2008

Về sản xuất, kinh doanh rượu

35

55/2008/NĐ-CP

24/4/2008

Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

36

79/2008/NĐ-CP

18/7/2008

Quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm

37

15/CP/NĐ- CP

19/3/1996

Về quản lý thức ăn chăn nuôi

38

58/2002/NĐ-CP

03/6/2002

Ban hành Điều lệ bảo vệ thực vật, Điều lệ kiểm dịch thực vật và Điều lệ quản lý thuốc BVTV

39

26/2003/NĐ-CP

19/3/2003

Quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ thực vật

40

113/2003/NĐ-CP

07/10/2003

Về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón

41

163/2004/NĐ-CP

07/9/2004

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm

42

27/2005/NĐ-CP

08/3/2005

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy sản

43

59/2005/NĐ-CP

04/5/2005

Về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản

44

81/2006/NĐ-CP

09/8/2006

Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

45

191/2007/NĐ-CP

31/12/2007

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003

46

107/2008/NĐ-CP

22/9/2008

Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.

47

06/2009/NĐ-CP

22/1/2009

Nghị định của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh Rượu và Thuốc lá.

IV. QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1

48/2005/QĐ-TTg

03/08/2005

Về việc thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm

2

212/2005/QĐ-TTg

26/08/2005

Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen

3

243/2005/QĐ-TTg

10/05/2005

Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới

4

43/2006/QĐ-TTg

20/02/2006

Phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010

5

50/2006/QĐ-TTg

03/07/2006

Về việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng

6

153/2006/QĐ-TTg

30/6/2006

Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

7

154/2006/QĐ-TTg

30/6/2006

Về việc phê duyệt đề án “Quản lý Nhà nước về dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm giai đoạn 2006-2015”

8

254/2006/QĐ-TTg

11/07/2006

Quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới

9

77/2007/QĐ-TTg

28/5/2007

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

10

107/2008/QĐ-TTg

30/7/2008

Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến 2015

11

102/2007/QĐ-TTg

07/10/2007

Về việc phê duyệt “Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen từ nay đến 2010 thực hiện Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học”

12

149/2007/QĐ-TTg

09/10/2007

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006-2010

 

14/2008/QĐ-TTg

22/01/2008

Phê duyệt "Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020".

13

394/2006/QĐ-TTg

13/3/2006

Về việc khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp

14

147/2008/QĐ-TTg

17/11/2008

Về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia đẩy nhanh thực hiện cam kết đối với Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đáp ứng nghĩa vụ thành viên WTO

V. CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1

30/2005/CT-TTg

26/9/2005

Về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

2

37/2005/CT-TTg

28/10/2005

Một số biện pháp tăng cường quản lý hoá chất, kháng sinh dùng cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm

3

23/2006/CT-TTg

07/12/2006

Về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học

4

29/2006/CT-TTg

08/08/2006

Về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người

5

37/2006/CT-TTg

29/11/2006

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí

6

06/2007/CT-TTg

28/3/2007

Triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

7

12/2007/CT-TTg

05/10/2007

Tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá

8

37/2006/CT-TTg

29/11/2006

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí

VI. THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

1

17/2003/TTLT/BTC-BNN&PTNT-BTS

14/03/2003

Hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thủy sản

2

96/2004/TTLT/BVHTT- BNN&PTNT

03/11/2004

Hướng dẫn về quảng cáo một số hàng hoá trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

3

16/2005/TTLT-BYT-BCN

0/5/2005

Hướng dẫn phân công, phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm

4

08/2005/TTLT-BYT-BTM

12/07/2005

Thông tư liên tịch BYT-BTM hướng dẫn việc phân công, phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VSATTP

5

24/2005/TTLT/BYT-BTS

08/12/2005

Hướng dẫn phân công, phối hợp quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản

 

6

01/2006/TTLT/BYT-BNN

04/1/2006

Hướng dẫn phân công phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm

7

61/2008/TTLT-BNN-BNV

15/05/2008

Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn

8

18/2005/TTLT/BYT-BTM

12/7/2005

Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Thương mại về quan hệ phối hợp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VSATTP

9

10/2006/TTLT/BYT-BTM-BVHTT-UBDSGĐTE

 

 

Thông tư liên tịch số Hướng dẫn thi hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ

10

10/2008/TTLT- BTM

25/7/2008

Thông tư ngày hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu

VII. THÔNG TƯ, QUYẾT ĐỊNH, CHỈ THỊ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP-PTNT

1

09/2005/QĐ-BNN

2/2/2005

Đăng ký đặc cách một số loại thuốc BVTV vào danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam

2

21/2005/QĐ-BNN

18/4/2005

Bổ sung một số thuốc BVTV vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng cho cây rau

3

22/2005/QĐ-BNN

22/4/2005

Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam

4

25/2005/QĐ-BNN

18/5/2005

Công bố danh mục thuốc thú y được phép lưu hành cấm sử dụng và hạn chế sử dụng

5

26/2005/QĐ-BNN

18/5/2005

Công bố danh mục vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

6

33/2005/QĐ-BNN

10/6/2005

Công bố danh mục thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y được phép lưu hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2005

7

41/2005/QĐ-BNN

14/7/2005

Đăng ký đặc cách một số thuốc BVTV vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam

8

45/2005/QĐ-BNN

25/7/2005

Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch

9

46/2005/QĐ-BNN

25/7/2005

Danh mục đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y; Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

10

47/2005/QĐ-BNN

25/7/2005

Quy định số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi huyện và miễn kiểm dịch

11

48/2005/QĐ-BNN

25/7/2005

Quy định mẫu dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh thú y

12

59/2005/QĐ-BNN

10/10/2005

Quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản

13

63/2005/QĐ-BNN

13/10/2005

Quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm

14

64/2005/QĐ-BNN

13/10/2005

Danh mục các bệnh phải công bố dịch các bệnh nguy hiểm của động vật; các bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc

15

67/2005/QĐ-BNN

31/10/2005

Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh

16

72/2005/QĐ-BNN

15/11/2005

Công bố danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

17

73/2005/QĐ-BNN

15/11/2005

Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

18

77/2005/QĐ-BNN

25/11/2005

"Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam"

19

78/2005/QĐ-BNN

1/12/2005

Đăng ký chính thức, đăng ký bổ sung, đăng ký đặc cách một số loại thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam

20

79/2005/QĐ-BNN

5/12/2005

Quy định về trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng qúy hiếm

21

81/2005/QĐ-BNN

13/12/2005

Áp dụng bắt buộc các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành đối với sản xuất, chế biến chè

22

86/2005/QĐ-BNN

26/12/2005

Quy định mẫu hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phầm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y

23

87/2005/QĐ-BNN

26/12/2005

Quy trình kiểm soát giết mổ động vật

24

90/2006/QĐ-BNN

02/10/2006

Danh mục thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập vào Việt Nam

25

03/2006/QĐ-BNN

12/1/2006

Công bố danh mục thuốc thú y được phép ban hành, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam

26

04/2006/QĐ-BNN

12/1/2006

Công bố danh mục vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được lưu hành tại Việt Nam

27

05/2006/QĐ-BNN

12/1/2006

Công bố danh mục thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y được phép lưu hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2006

28

06/2006/QĐ-BNN

23/1/2006

Danh mục mẫu biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

29

10/2006/QĐ-BNN

10/2/2006

Quy định thủ tục đăng ký sản xuất, nhập khẩu, lưu hành thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y

30

15/2006/QĐ-BNN

8/3/2006

Quy định về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y.

31

25/2006/QĐ-BNN

10/4/2006

Đăng ký đặc cách một số loại thuốc BVTV vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam

32

31/2006/QĐ-BNN

27/4/2006

Ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam

33

37/2006/QĐ-BNN

16/5/2006

Hướng dẫn điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề thú y; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở hành nghề thú y.

34

38/2006/QĐ-BNN

16/5/2006

Ban hành quy định phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc

35

40/2006/QĐ-BNN

22/5/2006

Điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 74/204/QĐ-BNN ngày 16/12/2004 V/v Ban hành Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh.

36

43/2006/QĐ-BNN

1/6/2006

Quy định về trao đổi quốc tế nguồn gen vật nuôi qúy hiếm

37

45/2006/QĐ-BNN

6/6/2006

Công bố Danh mục bổ sung vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam năm 2006

38

46/2006/QĐ-BNN

6/6/2006

Công bố Danh mục bổ sung thuốc thú y được lưu hành tại Việt Nam năm 2006

39

48/2006/QĐ-BNN

9/6/2006

Quy định về trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biểu hiệu, thẻ kiểm dịch động vật

40

49/2006/QĐ-BNN

13/6/2006

Quy định về việc đánh dấu gia súc vận chuyển trong nước, xuất khẩu và nhập khẩu

41

51/2006/QĐ-BNN

16/6/2006

Quy định về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh và phân phối, cung ứng vắc xin lở mồm long móng

42

52/2006/QĐ-BNN

23/6/2006

Quy định chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn

43

53/2006/QĐ-BNN

26/6/2006

Quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống lúa cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận và hạt lai F1

44

55/2006/QĐ-BNN

7/7/2006

Ban hành "Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam”

45

59/2006/QĐ-BNN

2/8/2006

Bổ sung một số loại thuốc BVTV vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam

46

67//2006/QĐ-BNN

12/9/2006

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc ban hành quy định phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc

47

68/2006/QĐ-BNN

13/9/2006

Ban hành Danh mục bổ sung giống cây trồng phải áp dụng Tiêu chuẩn ngành

48

69/2006/QĐ-BNN

13/9/2006

V/v Ban hành quy định bảo mật dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm

49

70/2006/QĐ-BNN

13/9/2006

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 49/2006/QĐ-BNN ngày 13 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc Ban hành quy định đánh dấu gia súc vận chuyển trong nước, xuất khẩu và nhập khẩu

50

75/2006/QĐ-BNN

18/9/2006

Thành lập cơ quan Thú y vùng I trực thuộc Cục Thú y trên cơ sở Trung tâm Thú y vùng Hà Nội

51

76/2006/QĐ-BNN

18/9/2006

Thành lập Cơ quan Thú y vùng II trực thuộc Cục Thú y trên cơ sở Trung tâm Thú y vùng Hải Phòng

52

77/2006/QĐ-BNN

18/9/2006

Thành lập Cơ quan Thú y vùng III trực thuộc Cục Thú y trên cơ sở Trung tâm Thú y vùng Vinh

53

77/2006/QĐ-BNN

18/9/2006

Thành lập Cơ quan Thú y vùng IV trực thuộc Cục Thú y trên cơ sở Trung tâm Thú y vùng Đà Nẵng

54

80/2006/QĐ-BNN

18/9/2006

Thành lập cơ quan Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Trung tâm Thú y vùng thành phố Hồ Chí Minh và bộ phận thường trực Cục Thú y tại TP Hồ Chí Minh

55

81/2006/QĐ-BNN

18/9/2006

Thành lập cơ quan Thú y vùng VII trực thuộc Cục Thú y trên cơ sở Trung tâm Thú y vùng Cần Thơ

56

85/2006/QĐ-BNN

18/9/2006

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trạm Kiểm dịch động vật Nội Bài trực thuộc Cục Thú y

57

90/2006/QĐ-BNN

2/10/2006

Danh mục thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam

58

94/2006/QĐ-BNN

23/10/2006

Ban hành "Danh mục phân bón phải áp dụng tiêu chuẩn ngành"

59

103/2006/QĐ-BNN

14/11/2006

Ban hành danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh

60

108/2006/QĐ-BNN

8/12/2006

Về việc Đăng ký đặc cách một số loại thuốc BVTV vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam

61

119 /2006/QĐ-BNN

29/12/2006

Ban hành "Danh mục phân bón phải chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ngành

62

03/2007/QĐ-BNN

19/1/2007

Ban hành quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóia đặc thù chuyên ngành nông nghiệp (đã được thay thế bởi Quyết định 83/2008/QĐ-BNN ngày 23/7/2008)

63

83/2008/QĐ-BNN

23/7/2008

V/v ban hành quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóia đặc thù chuyên ngành nông nghiệp (thay thế QĐ 03/2007/QĐ-BNN ngày 19/1/2007)

64

04/2007/QĐ-BNN

19/1/2007

Quy định về quản lý sản xuất và chứng nhận rau an toàn (đã được thay thế bởi QĐ 99/2008/QĐ-BNN)

65

99/2008/QĐ-BNN

 

Quy định về quản lý sản xuất và chứng nhận rau an toàn (thay thế QĐ 04/2007/QĐ-BNN ngày 19/1/2007)

66

05/2007/QĐ-BNN

22/1/2007

Sửa đổi Quyết định số 38/2006 QĐ-BNN ngày 16/5/2006 c ủa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT V/v Ban hành quy định phòng chống bệnh LMLM gia súc

67

10/2007/QĐ-BNN

06/02/2007

"Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam

68

11/2007/QĐ-BNN

6/2/2007

Công bố danh mục vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được lưu hành tại Việt Nam

69

12/2007/QĐ-BNN

6/2/2007

Công báo danh mục thuộc thú y được phép lưu hành, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam

70

20/2007/QĐ-BNN

15/3/2007

Phê duyệt chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc đến năm 2020

71

23/2007/QĐ-BNN

28/3/2008

Ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam

72

24/2007/QĐ-BNN

9/4/2007

Ban hành Danh mục bổ sung giống cây lâm nghiệp chính

73

26//2007/QĐ-BNN

11/4/2007

Ban hành Danh mục bổ sung giống cây lâm nghiệp được phép sản xuất kinh doanh

74

34/2007/QĐ-BNN

23/4/2007

Công báo danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam

75

35/2007/QĐ-BNN

23/4/2007

Công bố Bảng mã HS của Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam

76

39/2007/QĐ-BNN

2/5/2007

Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Điều đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

77

41/2007/QĐ-BNN

15/5/2007

Quy định chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn

78

42/2007/QĐ-BNN

16/5/2007

Bổ sung giống vật nuôi vào Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh ban hành kèm theo quyết định số 67/2005/QĐ-BNN ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Bộ NN&PTNT.

79

43/2007/QĐ-BNN

16/5/2007

Ban hành Quy định về quản lý sản xuất, chế biến và chứng nhận chè an toàn (đã được thay thế bởi Q Đ 99/2008/Q Đ-BNN ngày 15/10/2008)

80

47/2007/QĐ-BNN

29/5/2007

Ban hành Danh mục bổ sung giống cây trồng được phếp sản xuất kinh doanh

81

48/2007/QĐ-BNN

29/5/2007

Ban hành Quy định về thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với các vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam

82

49/2007/QĐ-BNN

31/5/2007

Phê duyệt quy hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2020

83

50/2007/QĐ-BNN

31/5/2007

Công bố Danh mục bổ sung vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đợt I năm 2007

84

51/2007/QĐ-BNN

31/5/2007

Công bố Danh mục bổ sung thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đợt I năm 2007

85

52/2007/QĐ-BNN

5/6/2007

Phê duyệt quy hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2020

86

55/2007/QĐ-BNN

12/6/2007

Công bố mã số HS thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu, nhập khẩu ở Việt Nam

87

60/2007/QĐ-BNN

19/6/2007

 

 

Sửa đổi nội dung một số thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BNN ngày 28/3/2007 và đăng ký đặc cách một số thuốc có nguồn gốc sinh học vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam

88

63/2007/QĐ-BNN

2/7/2007

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

89

65/2007/QĐ-BNN

3/7/2007

Về việc ban hành Danh mục bổ sung thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam

90

67/2007/QĐ-BNN

10/7/2007

Về việc ban hành "Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử sụng ở Việt Nam"

91

71/2007/QĐ-BNN

6/8/2007

Ban hành quy định trình tự, thủ tục thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y

92

72/2007/QĐ-BNN

6/8/2007

Ban hành Quy định kiểm tra chất lượng thuốc thú y

93

77/2007/QĐ-BNN

11/9/2007

Về việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản thủy sản sau thu hoạch và kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất nhập khẩu

94

84/2007/QĐ-BNN

4/10/2007

Ban hành "Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam"

95

86/2007/QĐ-BNN

15/10/2007

Tạm thời sử dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4193:2005 trong kiểm tra chất lượng cà phê nhân xuất khẩu

96

87/2007/QĐ-BNN

29/10/2007

Sửa đổi nội dung một số thuốc trong danh mục, ban hành kèm theo quyết định số 23/2007/QĐ-BNN ngày 28/3/2007 và Quyết định số 60/2007/QĐ-BNN ngày 19/6/2007 của Bộ NN&PTNT

97

89/2007/QĐ-BNN

1/11/2007

Quy định quản lý nhà nước về hoạt động xông hơi khủ trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

98

91/2007/QĐ-BNN

15/11/2007

Danh mục bổ sung thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đợt 2 năm 2007, (danh mục kèm theo).

99

92/2007/QĐ-BNN

19/11/2007

Hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm

100

94/2007/QĐ-BNN

26/11/2007

Về việc Bổ sung một số loại thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam

101

95/2007/QĐ-BNN

27/11/2007

Ban hành Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới

102

98/2007/QĐ-BNN

3/12/2007

Bổ sung, sửa đổi Quyết định số 71/2007/QĐ-BNN ngày 06/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định trình tự, thủ tục thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y.

103

99/2007/QĐ-BNN

3/12/2007

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2006/QĐ-BNN ngày 10/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định thủ tục đăng ký sản xuất, nhập khẩu, lưu hành thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y.

104

100/2007/QĐ-BNN

3/12/2007

Bổ sung, sửa đổi Quyết định số 72/2007/QĐ-BNN ngày 06/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định kiểm tra chất lượng thuốc thú y.

105

102/2007/QĐ-BNN

11/12/2007

Ban hành "Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam".

106

106/2007/Q Đ-BNN

28/12/2007

Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn (đã được thay thế bởi Q Đ 99/2008/Q Đ-BNN)

107

01/2008/QĐ-BNN

4/1/2008

Quy định về ghi nhãn, mạ băng và sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến sản phẩm cá đông lạnh

108

04/2008/QĐ-BNN

10/1/2008

Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động giữa Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Việt Nam với mạng lưới các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành.

109

06/2008/QĐ-BNN

18/1/2008

Bổ sung, sửa đổi danh mục thuốc thú y thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam

110

16/2008/QĐ-BNN

28/1/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt

111

17/2008/QĐ-BNN

28/1/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ thực vật

112

18/2008/QĐ-BNN

28/1/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chăn nuôi

113

19/2008/QĐ-BNN

28/1/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thú y

114

20/2008/QĐ-BNN

28/1/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chế biến, Thương mại NLTS&NM

115

23/2008/QĐ-BNN

28/1/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

116

24/2008/QĐ-BNN

28/1/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Nuôi trồng thuỷ sản

117

29/2008/QĐ-BNN

28/1/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản

118

32/2008/QĐ-BNN

04/02/2008

Bổ sung một số loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam (có phụ lục kèm theo)

119

38/2008/QĐ-BNN

28/02/2008

Ban hành Danh mục áp mã số HS hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyên ngành thuỷ sản.

120

41/2008/QĐ-BNN

05/3/2008

Ban hành Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam

121

42/2008/QĐ-BNN

05/3/2008

Ban hành Danh mục vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được lưu hành tại Việt Nam

122

49/2008/QĐ-BNN

27/3/2008

Ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam

123

50/2008/QĐ-BNN

02/4/2008

Ban hành Danh mục bổ sung Giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh

124

53/2008/QĐ-BNN

21/4/2008

Về việc nghiêm cấm hành vi đưa nước, phụ gia giữ nước vào sản phẩm cá tươi đông lạnh nhằm gian lận thương mại

125

56/2008/QĐ-BNN

29/4/2008

Quy chế kiểm tra chứng nhận nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững

126

57/2008/QĐ-BNN

02/5/2008

Ban hành Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh

127

59/2008/QĐ-BNN

9/5/2008

Về việc ban hành “Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam”

128

64/2008/QĐ-BNN

23/5/2008

Quy định quản lý về sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm

129

66/2008/QĐ-BNN

26/5/2008

Quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

130

69/2008/QĐ-BNN

3/6/2008

Danh mục giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn

131

70/2008/QĐ-BNN

5/6/2008

Quy chế Quản lý vùng và cơ sở nuôi cá tra

132

71/2008/QĐ-BNN

9/6/2008

Chuyển giao Trạm Kiểm dịch động vật Nội Bài về trực thuộc Cơ quan Thú y vùng I

133

74/2008/QĐ-BNN

20/6/2008

Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp .

134

76/2008/QĐ-BNN

25/6/2008

Bổ sung một số loại thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam

135

79/2008/QĐ-BNN

8/7/2008

Về việc ban hành “Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt nam”

136

80/2008/QĐ-BNN

15/7/2008

Ban hành quy định phòng, chống rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS)

137

81/2008/QĐ-BNN

15/7/2008

Ban hành Danh mục bổ sung thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt nam đợt I năm 2008

138

82/2008/QĐ-BNN

15/7/2008

Quy định phòng, chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS)

139

84/2008/QĐ-BNN

28/7/2008

Ban hành Quy chế chứng nhận Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Viet GAP) cho rau, quả và chè an toàn

140

85/2008/QĐ-BNN

6/8/2008

Quy chế sản xuất, kinh doanh Giống thuỷ sản.

141

88/2008/QĐ-BNN

22/8/2008

Về việc ban hành “Danh mục thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam theo mã số HS”

142

91/2008/QĐ-BNN

9/9/2008

Ban hành mẫu giấy phép nhập khẩu thuốc Bảo vệ thực vật.

143

93/2008/QĐ-BNN

18/9/2008

Bổ sung một số loại thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam

144

96/2008/QĐ-BNN

06/10/2008

Sửa đổi nội dung một số thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng hạn chế sử dụng ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BNN ngày 27/03/2008 và một số loại thuốc bổ sung vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ban hành kèm theo Quyết định số 76/2008/QĐ-BNN ngày 25/6/2008 của Bộ NN&PTNT (Kèm theo phụ lục)

145

97/2008/QĐ-BNN

06/10/2008

Quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

146

99/2008/QĐ-BNN

15/10/2008

Quy định quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả và chè an toàn.

147

100/2008/QĐ-BNN

15/10/2008

Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón.

148

102/2008/QĐ-BNN

17/10/2008

Phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

149

104/2008/QĐ-BNN

21/10/2008

Ban hành Danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh

150

105/2008/QĐ-BNN

22/10/2008

Ban hành "Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam"

151

106/2008/QĐ-BNN

29/10/2008

Quy định về chỉ định và quản lý hoạt động người lẫy mẫu, người kiểm định, phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận chất lượng giống, sản phẩm cây trồng và phân bón

152

108/2008/QĐ-BNN

06/11/2008

Ban hành Danh mục bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam

153

110/2008/QĐ-BNN

12/11/2008

Ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thủy sản

154

113/2008/QĐ-BNN

28/11/2008

Sửa đổi nội dung một số thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BNN ngày 27/3/2008 và một số thuốc bổ sung vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ban hành kèm theo Quyết định số 93/2008/QĐ-BNN ngày 18/9/2008 của Bộ NN và PTNT

155

115/2008/QĐ-BNN

03/12/2008

Quy định tạm thời về yêu cầu đối với phòng kiểm nghiệm chất lượng nông lâm thủy sản

156

116/2008/QĐ-BNN

03/12/2008

Quy chế đánh giá và chỉ định phòng kiểm nghiệm chất lượng nông lâm thủy sản

157

117/2008/QĐ-BNN

11/12/2008

Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

158

118/2008/QĐ-BNN

11/12/2008

Quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản

159

119/2008/QĐ-BNN

11/12/2008

Về việc ban hành Danh mục bổ sung thuốc thú y vắc xin chế phẩm sinh học vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đợt I năm 2008

160

120/2008/QĐ-BNN

17/12/2008

Ban hành "Quy chế chứng nhận cơ sở thực hiện quy triình thực hành chăn nuôi tốt (Viet GAHP) cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong"

161

121/2008/QĐ-BNN

17/12/2008

Ban hành “Quy chế chứng nhận cơ sở thực hiện Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGap) cho bò sữa, lợn, gia cầm và ong”

162

122/2008/QĐ-BNN

18/12/2008

Quy định về mẫu dấu và chế độ sử dụng con dấu kỹ thuật, nghiệp vụ trong công tác đăng kiểm tàu cá

163

123/2008/QĐ-BNN

29/12/2008

Ban hành Danh mục thức ăn hỗn hợp dùng trong nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam

164

124/2008/QĐ-BNN

30/12/2008

Ban hành Danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh

165

130/2008/QĐ-BNN

31/12/2008

Ban hành Quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi

166

131/2008/QĐ-BNN

31/12/2008

Ban hành Quy chế Kiểm soát vệ sinh an toàn trong thu hoạch nhuyễn thế hai mảnh vỏ.

167

88/2007/TT-BNN

1/11/2007

Hướng dẫn thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa

168

60/2008/TT-BNN

15/5/2008

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư số 92/2007/TT-BNN ngày 19/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thuỷ cầm

169

62/2008/TT-BNN

20/5/2008

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản.

170

69/2005/TT-BNN

7/11/2005

Hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm (H5N1) ở gia cầm

171

107/2008/TT-BNN

31/10/2008

Sửa đổi một số nội dung của Thông tư số 06/2006/TT-BTS ngày 13/01/2006 của Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Quyết định số 126/2005/QĐ-TTg ngày 01/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và hải đảo

172

84/2005/TT-BNN

23/12/2005

Hướng dẫn tổ chức lại chăn nuôi thủy cầm để phòng chống dịch cúm gia cầm (H5N1)

173

85/2005/TT-BNN

23/12/2005

Hướng dẫn về việc kiểm dịch vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm

174

66/2006/CT-BNN

25/8/2006

Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo VSAT nông sản thực phẩm.

175

76/2005/CT-BNN

15/11/2005

Tổ chức đợt tổng kiểm tra chất lượng vật tư nông lâm nghiệp trên toàn quốc

VIII. QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ Y TẾ

1

3616/2004/QĐ-BYT

14/10/2004

Quy định vệ sinh an toàn đối với thực phẩm bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ

2

4282/2004/QĐ-BYT

12/01/2004

Quy định điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với cơ sở sản xuất, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa

3

01/2005/QĐ-BYT

01/07/2005

Quy định điều kiện vệ sinh an toàn đối với cơ sở sản xuất, chế biến nước giải khát

4

02/2005/QĐ-BYT

01/07/2005

Quy định về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn nước khoáng thiên nhiên đóng chai

5

11/2005/QĐ-BYT

25/03/2005

Quy định về hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào

6

39/2005/QĐ-BYT

28/11/2005

Ban hành quy định về các điều kiện vệ sinh chung đối với cơ sở sản xuất thực phẩm

7

41/2005/QĐ-BYT

12/08/2005

Ban hành quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống

8

42/2005/QĐ-BYT

12/08/2005

Ban hành quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm

9

43/2005/QĐ-BYT

20/12/2005

Ban hành quy định yêu cầu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm

10

44/2005/QĐ-BYT

20/12/2005

Ban hành quy định về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực y tế

11

 

45/2005/QĐ-BYT

 

22/12/2005

Về việc giao Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị trách nhiệm kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu

12

01/2006/QĐ-BYT

01/09/2006

Ban hành quy định chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm

13

05/2006/QĐ-BYT

17/01/2006

Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm YTDP tỉnh, TP trực thuộc Trung ương

14

11/2006/QĐ-BYT

03/09/2006

Ban hành “Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao”

15

12/2006/QĐ-BYT

03/09/2006

Ban hành “Quy chế phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong ngành y tế”

16

39/2006/QĐ-BYT

13/12/2006

Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm.

17

02/2007/QĐ-BYT

15/01/2007

Quy định về vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá

18

18/2007/QĐ-BYT

27/2/2007

Quy chế quản lý xét nghiệm nhanh vệ sinh an toàn thực phẩm

19

19/2007/QĐ-BYT

03/08/2007

Chỉ định tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về CL,VSATTP nhập khẩu (Trung tâm YTDP Đà Nẵng)

20

20/2007/QĐ-BYT

03/08/2007

Chỉ định tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về CL,VSATTP nhập khẩu (Trung tâm YTDP tỉnh Tây Ninh)

21

21/2007/QĐ-BYT

03/12/2007

Quy định về điều kiện sức khoẻ đối với người tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm bao gói sẵn và kinh doanh thực phẩm ăn ngay

22

22/2007/QĐ-BYT

20/3/2007

Chỉ định tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về CL,VSATTP nhập khẩu (chi nhánh Công ty VinaControl tại TP Hồ Chí Minh).

23

23/2007/QĐ-BYT

29/3/2007

Quy chế kiểm tra nhà nước về CL,VSAT đối với thực phẩm nhập khẩu

24

46/2007/QĐ-BYT

19/12/2007

Quy định giới hạn tối đa vi sinh vật và tồn dư các chất ô nhiễm trong thực phẩm (thay thế Quyết định số 867/1998/QĐ-BYT ngày 4/4/1998 về việc ban hành “Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm”)

25

14/2008/QĐ-BYT

04/02/2008

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế

26

38/2008/QĐ-BYT

12/11/2008

Quy định mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm

27

48/2008/QĐ-BYT

30/12/2008

Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức của Cục ATVSTP

28

09/2005/QĐ-BYT

03/11/2005

Ban hành tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch

29

05/2005/CT-BYT

06/08/2005

Về việc tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thức ăn đường phố

IX. QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ KH&CN

1

03/2006/QĐ-BKHCN

01/10/2006

Ban hành quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá

2

04/2006/QĐ-BKHCN

01/10/2006

Quy định về nội dung, thủ tục công bố sản phẩm hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, phù hợp kỹ thuật

3

26/2006/QĐ-BKHCN

18/12/2006

Quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu

4

09/2006/QĐ-BKHCN

05/04/2006

Quy định về quy trình thông báo và hỏi đáp của mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại

5

22/2007/QĐ-BKHCN

28/9/2007

Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia

6

24/2007/QĐ-BKHCN

28/9/2007

Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy

7

26/2007/QĐ-BKHCN

31/10/2007

Quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức công nhận

X. QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TÀI CHÍNH

1

80/2005/QĐ-BTC

17/11/2005

Quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

2

621/2006/QĐ-TCHQ

29/3/2006

Về việc ban hành Quy trình phúc tập hồ sơ hải quan và quy trình kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

3

874/2006/QĐ-TCHQ

15/5/2006

Về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

4

928/2006/QĐ-TCHQ

25/5/2006

Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

5

57/2006/QĐ-BTC

19/10/2006

Sửa đổi mức thu phí, lệ phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Quyết định số 80/2005/QĐ-BTC ngày 17/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

6

62/2007/QĐ-BTC

17/07/2007

Quy chế nhập, xuất lương thực dữ trữ quốc gia

XI. QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

1

16/2005/TTLT-BYT-BCN

20/5/2008

Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Công nghiệp về hướng dẫn phân công, phối hợp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về VSATTP

2

18/2005/TTLT/BYT-BTM

12/7/2005

Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Thương mại về quan hệ phối hợp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VSATTP

3

06/2003/TT-BTM

15/8/2003

Thông tư của Bộ trưởng Bộ Thương mại hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban quản lý chợ

4

10/2008/NĐ-CP

25/7/2008

Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu

5

10/2006/TTLT/BYT-BTM-BVHTT-UBDSGĐTE

 

Thông tư liên tịch số 10/2006/TTLT/BYT-BTM-BVHTT-UBDSGĐTE Hướng dẫn thi hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ

6

0772/2003/QĐ-BTM

24/5/2003

Quyết định số của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Nội quy mẫu về chợ

7

1371/2004/QĐ-BTM

24/9/2004

Quyết định ngày 24 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại

8

700/QĐ-KHCN

13/4/2004

Quyết địnhcủa Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc thành lập Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2004

9

1166/QĐ-KHCN

29/3/2005

Quyết địnhcủa Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc thành lập Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2005

10

855/QĐ-BCN

4/4/2006

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc thành lập Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2006

11

1146/QĐ-BCN

6/4/2007

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc thành lập Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2007.

12

1961/QĐ-BCT ngày

27/3/2008

Quyết định Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2008.

13

4741/QĐ-QLTT

28/8/2008

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm Tết Trung Thu nắm 2008

14

2108/QĐ-BCT

11/12/ 2007

Quyết định Bộ Công Thương về việc điều chỉnh thành viên Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo dự án Kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong quá trình chế biến thực phẩm đến năm 2010.

15

1399/QĐ-KHCN

14/6/2004

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc thành lập Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo Dự án Kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong quá trình chế biến thực phẩm đến năm 2010

16

1390/QĐ-KHCN

11/6/2004

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc thành lập Ban chỉ đạo Dự án Kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong quá trình chế biến thực phẩm đến năm 2010

17

3586/QĐ-BCN

27/ 10/2005

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt Dự án Kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong quá trình chế biến thực phẩm năm 2006

18

154/QĐ-KHCN

18/1/2006

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc giao nhiệm vụ thực hiện Dự án Bảo đảm chất lượng và Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2006

19

127/QĐ-KHCN

18 /1/2005

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc giao nhiệm vụ thực hiện Dự án Bảo đảm chất lượng và Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2005

20

1061/QĐ-BCT

20/ 02/2008

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao nhiệm vụ thực hiện Dự án Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2008.

21

1570/QĐ-BCT

13/11/2007

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phế duyệt nhiệm vụ Tăng cường năng lực phân tích kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm công nghiệp đợt 2 của Viện Công nghiệp thực phẩm

22

700/QĐ-BCN

5/3/2007

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP 2007

23

284/QĐ-BCN

23/1/2007

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt Dự án Kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong quá trình chế biến thực phẩm năm 2007

24

02/CT-BCT

 

10/9/2007

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương về một số biện pháp nhằm phát huy vai trò của hệ thống chợ, góp phần kiểm soát và kiềm chế tăng giá hàng tiêu dùng

 

Ghi chú: Tổng cộng có 337 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Bộ trưởng ban hành.


PHỤ LỤC I.b:

SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QPPL CÓ LIÊN QUAN TỚI QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP DO CÁC CƠ QUAN Ở ĐỊA PHƯƠNG BAN HÀNH

 

STT

Tỉnh/Thành phố

Số lượng VBQPPL

STT

Tỉnh/Thành phố

Số lượng VBQPPL

1

An Giang

13

33

Kiên Giang

6

2

Bà rịa - Vũng Tàu

7

34

Kom Tum

3

3

Bạc Liêu

4

35

Lai Châu

49

4

Bắc Cạn

7

36

Lạng Sơn

54

5

Bắc Giang

0

37

Lào Cai

46

6

Bắc Ninh

2

38

Lâm Đồng

5

7

Bến Tre

6

39

Long An

6

8

Bình Dương

19

40

NamĐịnh

5

9

Bình Định

13

41

Nghệ An

5

10

Bình Phước

9

42

Ninh Bình

1

11

Bình Thuận

17

43

Ninh Thuận

4

12

Cà Mau

7

44

Phú Thọ

51

13

Cao Bằng

10

45

Phú Yên

6

14

Cần Thơ

6

46

Quảng Bình

19

15

Đà Nẵng

17

47

Quảng Nam

1

16

Đắc Lắc

1

48

Quảng Ngãi

7

17

Đắc Nông

2

49

Quảng Ninh

5.

18

Điên Biên

7

50

Quảng Trị

2

19

Đồng Nai

19

51

Sóc Trăng

7

20

Đồng Tháp

5

52

Sơn La

14

21

Gia Lai

13

53

Tây Ninh

5

22

Hà Giang

3

54

Thái Bình

3

23

Hà Nam

28

55

Thái Nguyên

46

24

Hà Nội

18

56

Thanh Hóa

5

25

Hà Tĩnh

9

57

Thừa thiên - Huế

35

26

Hải Dương

4

58

Tiên Giang

18

27

Hải Phòng

25

59

Trà Vinh

19

28

Hậu Giang

1

60

Tuyên Quang

0

29

Hòa Bình

82

61

Vĩnh Long

21

30

Hưng Yên

9

62

Vĩnh Phúc

3

31

Tp. Hồ Chí Minh

83

63

Yên Bái

6

32

Khánh Hòa

27

 

 

 

Tổng cộng: 930 văn bản

Nguồn: Số liệu thống kê từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố

 

 

 


PHỤ LỤC II

MỘT SỐ VĂN BẢN QPPL CHỒNG CHÉ0, MÂU THUẪN, NỘI DUNG QUY ĐỊNH

KHÔNG CÒN PHÙ HỢP, CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

 

I. CÁC VĂN BẢN CÓ NỘI DUNG QUY ĐỊNH KHÔNG CÒN PHÙ HỢP, CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

 

STT

Tên văn bản không còn phù hợp,
còn thiếu hoặc cần sửa đổi, bổ sung

Những nội dung quy định không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung

1

Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH ngày 7/3/2003

Đề nghị sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 20 quy định “Thực phẩm có gen đã bị biến đổi hoặc nguyên liệu thực phẩm có gen đã bị biến đổi phải ghi trên nhãn bằng tiếng Việt là “thực phẩm có gen đã bị biến đổi” cho phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO

2

Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm

Khoản 2 Điều 6 quy định: “Đối với nguyên liệu thực phẩm và phụ gia thực phẩm thời hạn sử dụng ít nhất phải còn trên hai phần ba thời gian sử dụng ghi trên nhãn kể từ thời điểm lô hàng được nhập khẩu vào Việt Nam” thì không có cơ sở khoa học để chứng minh về thời hạn đối với nguyên liệu thực phẩm và phụ gia thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam.

3

Quyết định số 23/2007/QĐ-BYT ngày 29/3/2007 của Bộ Y tế ban hành Quy chế kiểm tra chất lượng VSAT đối với thực phẩm nhập khẩu.

Mức thu phí trong kiểm tra chặt (nhiều chỉ tiêu), đối tượng kiểm tra chặt đối với sản phẩm trốn kiểm tra và công bố sau khi giải toả hàng nhập khẩu lần đầu.

4

Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 8/12/2005 của Bộ Y tế ban hành Quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm.

Đề nghị sửa đổi tên và quy định về thủ tục công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm của Quy chế vì không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

5

Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Đề nghị sửa đổi một số quy định về quản lý thực phẩm chức năng cho phù họp với yêu cầu quản lý.

6

Quyết định số 12/2006/QĐ-BYT ngày 9/3/2006 ban hành Quy chế phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia qủan lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong ngành y tế.

Đề nghị sửa đổi để phù hợp với Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2008 quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

7

Thông tư số 15/2000/TT-BYT ngày 30/6/2000 thông tư hướng dẫn ghi nhãn thực phẩm.

Đề nghị sửa đổi cho phù hợp Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 vì có nhiều quy định mới về nhãn hàng hoá.

8

Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt, hành vi vi phạm.

9

 

 

Quyết định số 2087/QĐ-BYT ngày 12/6/2007 ban hành “Quy chế phối hợp trong kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Thanh tra Bộ Y tế”.

Đề nghị xem xét lại quy định về cơ chế phối hợp trong kiểm tra, thanh tra VSATTP giữa Cục ATVSTP và Thanh tra Bộ Y tế trong Quyết định số 2087/QĐ-BYT vì hiện nay, trong chức năng, nhiệm vụ của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm theo Quyết định 48//2008/QĐ-BYT ngày 30/12/2008 thì Cục đã có thanh tra chuyên ngành về VSATTP.

10

 

Quyết định số 01/2006/QĐ-BYT ngày 09/01/2006 quy định chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đề nghị xem xét quy định về thời gian trong mẫu báo cáo ngộ độc thực phẩm cho phù hợp.

11

Quyết định số 56/2008/QĐ-BNN ban hành Quy chế kiểm tra chứng nhận nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 19, Điều 21.

12

Quyết định số 70/2008/QĐ-BNN ban hành Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi cá Tra.

 

Sửa đổi Khoản 4 Điều 4, Điều 10 để đảm bảo thống nhất với Nghị định 128/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 34/2005/NĐ-CP quyđịnhvề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

13

Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ban hành Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.

Sửa đổi điểm a Khoản 1 Điều 6; khoản 3 Điều 6; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8; điểm a khoản 2 Điều 9; Điều 13; khoản 1 và khoản 2 Điều 14; Điểm d Khoản 1 Điều 15; Điểm b khoản 2 Điều 15; Điểm d khoản 2 Điều 15; Điểm a khoản 4 Điều 15 nhằm đảm bảo sự thống nhất với các văn bản cấp trên, cho phù hợp với thực tế.

14

Nghị định 128/2005/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

- Đề nghị bổ sung quy định tại điểm b khoản 2 về xử phạt đối với một số hành vi như “không kiểm dịch thủy sản khai thác từ tự nhiên về đề làm giống cho phù hợp với thực tế vì Khoản 1 Điều 12 Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, giống cây trồng theo các quy định tại Nghị định số 47/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giống vật nuôi và Nghị định số 57/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng nhưng các Nghị định này lại không có quy định về giống thủy sản.

- Bổ sung quy định về xử phạt cơ sở sơ chế nguyên liệu thủy sản tại điểm b Khoản 2 để phù hợp với quy định Nghị định 59/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản.

15

Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BYT-BTS ngày08/12/2005hướng dẫn phân công phối hợp quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.

Đề nghị sửa lại nội dung quy định trong Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BYT-BTScho phù hợp với Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT và Quyết định số 29/2008/QĐ-BNN về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy tổ chức của Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản; Nghị định 48/2008/NĐ-CP quy định về cơ cấu tổ chức của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

16

Quyết định 15/2006/QĐ-BTS ngày 9/8/2006 ban hành Quy chế quản lý nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa chuyên ngành thủy sản.

Đề nghị nên sửa đổi theo hướng phân công quản lý nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa chuyên ngành thủy sản cho các Cục chuyên ngành.

17

 

 

 

Thông tư liên tịch 17/2003/TTLT-BTC-BNN-BTS ngày 14/3/2003 hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thủy sản.

Sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Nghị định số 33/2005/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Thú y và Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ NN&PTNT; Quyết định số 19/2008/QĐ-BNN quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Thú y; Quyết định số 29/2008/QĐ-BNN quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Quyết định 17/2008/QĐ-BNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Bảo vệ thực vật...

18

Quyết định số 72/2007/QĐ-BNN ngày 06/8/2007 về Kiểm tra chất lượng thuốc thú y.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10, Điều 11 nhằm đáp ứng yêu cầu về đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

19

Quyết định số 71/2007/QĐ-BNN ngày 06/8/2007 về trình tự, thủ tục thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y.

Đề nghị sửa đổi quy định về thời gian cấp quyết định thử nghiệm, khảo nghiệm và quy định các loại thuốc phải thử nghiệm, khảo nghiệm; miễn thử nghiệm, khảo nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu về đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

20

Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20/6/2002 về cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số loại kháng sinh, hoá chất trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Đề nghị bổ sung quy định về mức giới hạn của một số đặc tính kỹ thuật để phù hợp với quy định mới.

21

Quyết định 47/2005/QĐ-BNN ngày 20//7/2005 về việc quy định số lượng động vật và sản phẩm động vật phải được kiểm dịch khi vận chuyển ra ngoài quận huyện và các trường hợp không cần phải kiểm dịch.

Sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế

22

Quyết định 63/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 về việc tiêm phòng vắc-xin bắt buộc đối với đàn gia súc gia cầm.

Sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế

23

Nghị định 129/2005/NĐ-CP ngày 17//10/2005 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

 

- Đề nghị sửa đổi các quy định tại:

+ Khoản 1 Điều 9 quy định về không cách ly động vật nhập khẩu phục vụ chăn nuôi và lấy giống trong thời gian đầu;

+ Khoản 1 Điều 11 quy định về động vật vận chuyển sẽ được phân loại hoặc bấm lỗ theo luật thú y nhưng không thực hiện được… Không niêm phong phương tiện vận chuyển hoặc loại bỏ dấu niêm phong trong quá trình vận chuyển; Nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật tới các điểm khác với điểm đã đăng ký ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch động vật do trạm kiểm dịch thú y cấp cho địa điểm nguồn gốc;

+ Điểm a Khoản 1 Điều 25 quy định về thuê hoặc cho mượn giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận vệ sinh thú y; xác nhận giấy xác nhận tiêm vắc-xin còn trống hoặc không xác nhận việc tiêm phòng dịch.

24

Quyết định số 113/2001/QĐ-BNN ngày 28/11/2001 ban hành "danh mục các chỉ tiêu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải công bố khi xây dựng tiêu chuẩn cơ sở là hàng hoá thức ăn chăn nuôi”.

Đề nghị sửa đổi quy định về hình thức công bố để phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

 

25

Nghị định 128/2005/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt và mở rộng thẩm quyền xử phạt của một số đối tượng như Chánh thanh tra chuyên ngành...

26

Nghị định 129/2005/NĐ-CP ngày 17//10/2005 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt và mở rộng thẩm quyền xử phạt của một số đối tượng như Chánh thanh tra chuyên ngành...

27

Nghị định 26/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt và mở rộng thẩm quyền xử phạt của một số đối tượng như Chánh thanh tra chuyên ngành...

28

Luật Thanh tra

 

Sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định có tổ chức thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục, Thanh tra Chi cục ở các chi cục tại địa phương.

29

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính

Sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cho các chức danh Chánh thanh tra Tổng cục, Chánh thanh tra cục, Chánh thanh tra Chi cục được xử phạt.

30

Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.

Đề nghịsửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thức tế hoặc xây dựng, trình Ủy ban TVQH ban hành Pháp lệnh Thức ăn chăn nuôi.

31

Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BYT-BNN về việc phân công phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ban hành.

Sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ hơn trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa 2 Bộ trong việc quản lý, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.

32

Quyết định số 23/2007/QĐ-BYT ngày 29/3/2007 ban hành “Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 7 quy định:các cơ quan Kiểm dịch Y tế biên giới chưa được Bộ Y tế chỉ định bằng văn bản thực hiện chức năng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu, chỉ thực hiện việc lấy mẫu giám sát theo một quy trình, quy định riêng của Bộ Y tế khi có yêu cầu bằng văn bản về tổ chức kiểm tra được chỉ định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu vì không phù hợp với thực tế.

33

Quyết định 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 về quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hoá học trong thực phẩm.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định có chỉ tiêu lý hoá cho thực phẩm như chỉ tiêu lý hóa đối với rượu, giò chả, nước chấm, nước mắm, bánh…, độ chua, độ đạm trong nước chấm, nước mắm; độ ẩm, độ chua của bánh; các chỉ tiêu về lý hoá đối với tinh bột sắn; hàm lượng mỳ chính (monosodium glutamate); hàm lượng Cyclamate trong nước mắm; độ ôi khét của dầu mỡ...; quy định về nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm thuỷ sản.

34

Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 06/5/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

 

Đề nghị bổ sung tại Điều 15, Mục 2 quy định về hành vi vi phạm về: khám sức khoẻ, xét nghiệm phân, tập huấn cho cá nhân và tập thể; hành vi chưa thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện, sử dụng hoá chất không được phép sử dụng, không đạt tiêu chuẩn công bố.

35

Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 9/3/2006 ban hành Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao.

 

- Đề nghị xem xét quy định về tiêu chuẩn và điều kiện VSATTP là cao đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẽ, hộ gia đình, quán kinh doanh thức ăn đường phố; có sự chênh lệch giữa cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư lớn với cơ sở có vốn đầu tư nhỏ, cùng một hành vi vi phạm nhưng số tiền phạt bằng nhau, ví dụ như: kinh doanh thực phẩm không đạt chất lượng thì mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP là điều kiện khi cấp phép kinh doanh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về mẫu biên bản kiểm tra, thời hạn giá trị giấy chứng nhận.

 

36

Quyết định số 80/2005/QĐ-BTC ngày 17/11/2005 của Bộ Tài chính ban hành "Quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm".

Đề nghị sửa đổi quy định về thu phí cho phù hợp với các phương pháp thử vì hiện tại mức thu phí chỉ cho một chỉ tiêu có phương pháp thử kèm theo. Vì vậy, nếu tiến hành theo phương pháp thử khác thì sẽ gặp khó khăn trong việc thu phí.

37

Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện

Đề nghị bổ sung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 về Danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện là các loại thực phẩm nói chung cho phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Vê sinh an toàn thực phẩm.

 

II. CÁC QUY ĐỊNH CÒN MÂU THUẪN, CHỒNG CHÉO

 

STT

Tên văn bản chồng chéo, mâu thuẫn

Nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo

38

Thông tư số 15/2000/TT-BYT ngày 30/6/2000 hướng dẫn ghi nhãn thực phẩm và Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 quy định về nhãn hàng hoá.

Quy định về ghi nhãn hàng hóa thực phẩm

39

Quyết định số 70/2008/QĐ-BNN ban hành Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi cá traNghị định 128/2005/NĐ-CP và Nghị định 34/2005/NĐ-CP quyđịnhvề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Khoản 4 Điều 4, Điều 10của Quyết định số 70/2008/QĐ-BNN chưa thống nhất với quy định tạiNghị định 128/2005/NĐ-CP và Nghị định 34/2005/NĐ-CP quyđịnhvề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

40

Nghị định 163/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về sinh an toàn thực phẩm và Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BYT-BTS ngày 8/12/2005 giữa Bộ Y tế và Bộ Thủy sản (cũ).

Quy định về phân công trách nhiệm quản lý chất lượng nguyên liệu thực phẩm thủy sản nhập khẩu để phục vụ chế biến.

 

41

Nghị định 163/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về sinh an toàn thực phẩm và Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BYT-BNN ngày 4/1/2006 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) và Bộ Y tế về trách nhiệm chung trong quản lý nhà nước về VSATTP

Quy định trách nhiệm quản lý vệ sinh an toàn đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật tươi sống và sơ chế lưu thông trên thị trường, xuất khẩu và nhập khẩu; Quy định cụ thể về điều kiện vệ sinh, an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật ở dạng tươi sống và sơ chế; quy định về thanh tra kiểm tra về vệ sinh, an toàn đối với nông sản thực phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, thu hái, giết mổ ở dạng tươi sống, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, lưu thông ra thị trường và xuất khẩu; thanh tra, kiểm tra việc xử lý thực phẩm nguyên liệu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chưa qua kiểm dịch thú y đã đưa vào lưu thông, sử dụng trong chế biến thực phẩm”.

42

Nghị định 163/2004/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BYT-BTS ngày 8/12/2005 giữa Bộ Y tế và Bộ Thủy sản (cũ) quy định về việc Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản.

 

Quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao thuỷ sản tươi sống.

 

43

Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Quy định về xử lý hành vi vi phạm ghi nhãn hàng hóa.

 

44

Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 và Nghị định 06/2009/NĐ-CP ngày 16/01/2008 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá.

Quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá.

45

Nghị định 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

 

Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định 128/2005/NĐ-CP quy định: đối với hành vi sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất,phụ gia chế biến bị cấm sử dụng hoặc không được phép lưu hành ở Việt Nam hoặc sử dụng không đúngthì bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định tại điểm c khoản 5 Điều 15 Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 thì quy định đối với hànhvi sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc chế biến từ thịt gia cầm, gia súc, thủy sản, rau quả bị bệnh, bị ngộ độc chết không rõ nguyên nhân hoặc bị ngâm tẩm các chất hóa học không được phép sử dụngthì mức phạt từ 10 -15 triệu đồng.

46

Nghị định 126/2005/NĐ- CP, Nghị định 95/2007/NĐ- CP, Nghị định 107/2008/NĐ-CPvà Nghị định 45/2005/NĐ- CP

Các Nghị định đều quy định về hành vi liên quan đến chất lượng hàng hóa nhưng mức xử phạt khác nhau.

47

Pháp lệnh VSATTP và Nghị định 163/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành pháp lệnh VSATTP.

Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 43 Pháp lệnh VSATTP quy định các bộ chuyên ngành chủ trì phối hợp với Bộ Y tế quản lý nhà nước về VSATTP trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, tại Điều 16 Nghị định 163/2004/NĐ-CP quy định cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP đối với thực phẩm có nguy cơ cao là Bộ Y tế và các cơ quan y tế được Bộ Y tế phân cấp.

48

Pháp lệnh VSATTP và Nghị định 79/2008/NĐ-CP Quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm

.

Quy định Bộ Nông nghiệp - PTNT chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về VSATTP đối với sản phẩm nông sản và muối trong quá trình sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đánh bắt, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản đến khi thực phẩm đưa ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu.


PHỤ LỤC III

TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP Ở TỈNH, THÀNH PHỐ

PHỤ LỤC III.a:

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC HỆ THỐNG QUẢN LÝ VSATTP Ở VIỆT NAM (THEO NGHỊ ĐỊNH 79/2008/NĐ-CP)

 


PHỤ LỤC III.b:

THỐNG KÊ SỐ NGƯỜI THAM GIA QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP CẤP TỈNH, HUYỆN, XÃ

 

Năm

CẤP TỈNH

Ước tính tổng số người

cả nước
(63 tỉnh, tp)

Số tỉnh
báo cáo

Số lượng
cơ quan, đơn vị

Số người

Biên chế

Hợp đồng

Tổng số

Trung bình
/tỉnh

2004

54

104

1448

12

1460

27,0

1703

2005

54

104

1495

19

1514

28,0

1766

2006

54

104

1514

24

1538

28,5

1794

2007

54

105

1550

39

1589

29,4

1853

2008

54

113

1623

66

1689

31,3

1970

 

Năm

CẤP HUYỆN

Ước tính

tổng số người cả nước
(63 tỉnh, tp)

Số tỉnh
báo cáo

Số lượng
cơ quan, đơn vị

Số người

Biên chế

Hợp đồng

Tổng số

Trung bình
/tỉnh

2004

49

421

1078

105

1183

24,1

1521

2005

49

445

1124

11

1135

23,2

1459

2006

49

495

1245

111

1356

27,7

1743

2007

49

530

1314

125

1439

29,4

1850

2008

49

544

1385

131

1516

30,9

1949

 

Năm

CẤP XÃ

Ước tính

tổng số người cả nước
(63 tỉnh, tp)

Số tỉnh
báo cáo

Số lượng
cơ quan, đơn vị

Số người

Biên chế

Hợp đồng

Tổng số

Trung bình
/tỉnh

2004

41

4582

7096

40

7136

174,0

10965

2005

41

4739

7265

42

7307

178,2

11227

2006

41

4803

7339

46

7385

180,1

11347

2007

41

4903

7419

52

7471

182,2

11479

2008

41

4931

7441

54

7495

182,8

11516

(Nguồn: Số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)


PHỤ LỤC IV

KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ

PHỤ LỤC IV.a: NGUỒN KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP

Đơn vị: Triệu đồng

NĂM

Số tỉnh
báo cáo

Ngân
sách TW

Ngân sách
địa phương

Hỗ trợ của DN, khu vực tư nhân

Nguồn
khác

Tổng
kinh phí

Trung bình
kinh phí/ tỉnh

2004

53

19.421,1

3.708,0

0

174

23303,1

439,7

2005

53

22.136,3

6.221,9

0

90

28.448,2

536,8

2006

53

23.017,5

2.181,3

0

126

25.324,8

477,8

2007

54

34.257,2

4.650,2

0

224

39.131,4

724,7

2008

54

37.189,6

5.847,8

10

123

43.170,4

799,5

TỔNG

136.021,7

22.609,2

10

737

159.378

 


 

PHỤ LỤC IV.b:

NỘI DUNG CHI CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP

 

Đơn vị: Triệu đồng

NĂM

Số tỉnh
báo cáo

Ban hành
văn bản

Tổ chức
bộ máy quản lý, Ban chỉ đạo

Kiểm tra,
thanh tra

Mua trang
thiết bị, dụng cụ, hóa chất

Xét nghiệm,
thử nghiệm, giám định

Điều tra
ngộ độc thực phẩm

Xây dựng
mô hình điểm

Tuyên truyền,
giáo dục về VSATTP

Chi khác

kinh
phí

kinh phí
/tỉnh

kinh
phí

kinh phí/ tỉnh

kinh phí

kinh phí/ tỉnh

kinh phí

kinh phí/ tỉnh

kinh phí

kinh phí/ tỉnh

kinh phí

kinh phí/ tỉnh

kinh phí

kinh phí/ tỉnh

kinh phí

kinh phí/ tỉnh

kinh phí

kinh phí/ tỉnh

2004

48

84,6

1,8

1.295,3

27,0

4.684,5

97,6

4.295,7

89,5

881,4

18,4

591,9

12,3

1.375,4

28,7

5.424,2

113,0

2.953,9

61,5

2005

49

79,3

1,6

1.127,6

23,0

5.170,1

105,5

6.509,4

132,8

1.062,3

21,7

661,6

13,5

1.457,4

29,7

5.530,3

112,7

4.696,1

95,8

2006

49

73,5

1.5

1.162,7

23,7

5.958,2

121,6

3.109,6

63,5

982,3

20,0

789,5

16,1

2.445,2

49,9

6.474,6

132,1

2.462,7

50,3

2007

48

141,5

2,9

2.226,4

46,4

7.495,0

156,1

5.083,3

105,9

1.239,2

25,8

956,9

19,9

4.062,3

84,6

9.221,6

192,1

3.891,0

81,1

2008

48

153,5

3,2

3.015,9

62,8

10.198,0

212,5

4.250,9

88,6

1.532,8

31,9

1.550,1

32,3

3.730,5

77,7

8.708,1

181,4

5.219,3

108,7

TỔNG

532,4

 

8.827,8

 

33.505,2

 

23.248,8

 

5.698,0

 

4.550,0

 

13.070,8

 

35.359,0

 

19.223,0

 

(Nguồn: Số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)


 

PHỤ LỤC V

KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP TỪ 2004 - 2008

PHỤ LỤC V.a: KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM CỦA 13 LOẠI HÌNH CƠ SỞ SXKD

LOẠI HÌNH CƠ SỞ
SẢN XUẤT KINH DOANH

Năm

KẾT QUẢ KIỂM TRA

KẾT QUẢ THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Số lần
kiểm tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số đoàn
thanh tra

Tổng số cơ sở thanh tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số cơ sở
bị cảnh cáo

Số cơ sở
bị phạt tiền

Phạt tiền

Số cơ sở bị
hủy sản phẩm

Số cơ sở
bị đình chỉ

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số tiền bị phạt (Ngàn đồng)

Số tiền/ 1 lần phạt (Ngàn đồng)

Số cơ
sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

2004

2132

3669

70

2221

1521

68,5

310

14,0

268

12,1

182.000

679

101

4,5

21

0,9

2005

5140

4410

72

2800

2010

71,8

455

16,3

247

8,8

167.800

679

79

2,8

9

0,3

2006

3167

3586

82

2714

1904

70,2

403

14,9

309

11,4

310.400

1.005

90

3,3

8

0,3

2004 - 2006

10439

11665

224

7735

5435

70,1

1168

15,0

824

10,8

660.200

788

270

3,6

38

0,5

2007

3066

4247

104

2729

1970

72,2

232

8,5

395

14,5

456.700

1.156

102

3,7

30

1,1

2008

4274

5194

102

3980

2816

70,8

400

10,1

633

15,9

954.000

1.507

95

2,4

36

0,9

2007 - 2009

7340

9441

206

6709

4786

71,5

632

9,3

1028

15,1

1.411.000

1.331

197

3,1

66

1,0

Tổng

17779

21106

430

14444

10221

70,8

1800

12,2

1852

13,0

2.071.000

1.060

467

3,3

104

0,8

Cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y

2004

424

1327

28

990

609

61,5

152

15,4

164

16,6

76.550

467

65

6,6

0

0

2005

370

1342

37

1120

740

66,1

143

12,8

191

17,1

189.700

993

45

4,0

1

0.,1

2006

249

3110

32

792

540

68,2

85

10,7

113

14,3

138.700

1.228

53

6,7

1

0,1

2004 - 2006

1043

5779

97

2902

1889

65,3

380

13,0

468

16,0

404.900

896

163

5,8

2

0,1

2007

446

4181

38

1679

929

55,3

447

26,6

230

13,7

429.700

1.868

73

4,3

0

0

2008

463

4528

41

1628

810

49,8

553

34,0

229

14,1

440.900

1.925

36

2,2

0

0

2007 - 2009

909

8709

79

3307

1739

52,5

1000

30,3

459

13,9

870.600

1.897

109

3,3

0

0

Tổng

1952

14488

176

6209

3628

58,9

1000

21.62

459

14,9

1.275.000

1.396

272

4,5

2

0,05

Cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi

2004

39

328

9

125

70

56,0

47

37,6

8

6,4

4.700

588

0

0

0

0

2005

38

238

10

95

72

75,8

23

24,2

0

0

0

0

0

0

0

0

2006

28

327

15

189

121

64,0

29

15,3

37

19,6

281.000

7.595

2

1,1

0

0

2004 - 2006

105

893

34

409

263

65,3

99

25,7

45

8,7

285.700

2.727

2

0,4

0

0

2007

42

516

18

278

144

51,8

69

24,8

61

21,9

191.400

3.138

3

1,1

1

0,4

2008

40

391

23

285

173

60,7

20

7,0

75

26,3

386.100

5.147

11

3,7

6

2,1

2007 - 2009

82

907

41

563

317

56,3

89

15,9

136

24,1

577.500

4.143

14

2,5

7

1,2

Tổng

187

1800

75

972

580

60,8

188

20,8

181

16,4

863.200

3.435

16

1,4

7

0,6


PHỤ LỤC V.a:

KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM THEO LOẠI HÌNH CƠ SỞ SXKD (tiếp theo)

 


LOẠI HÌNH
CƠ SỞ
SẢN XUẤT KINH DOANH

Năm

KẾT QUẢ
KIỂM TRA

KẾT QUẢ THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Số lần
kiểm tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số đoàn
thanh tra

Tổng số cơ sở thanh tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số cơ sở
bị cảnh cáo

Số cơ sở
bị phạt tiền

Phạt tiền

Số cơ sở bị
hủy sản phẩm

Số cơ sở
bị đình chỉ

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số tiền bị phạt (Ngàn đồng)

Số tiền/ 1 lần phạt (Ngàn đồng)

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Cơ sở sản xuất rau an toàn (có đăng ký)

2004

422

353

2

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2005

1019

969

2

15

15

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2006

526

490

3

22

22

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2004 - 2006

1967

1812

7

37

37

66,7

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2007

462

433

4

24

24

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2008

190

159

6

20

20

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2007 - 2009

652

592

10

44

44

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

Tổng

2619

2404

17

81

81

83,3

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

Cơ sở sản xuất rau quả hàng hóa (quy mô trang trại, công ty,...) thông dụng trên thị trường.

2004

5

7

2

2

2

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2005

25

29

22

9

9

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2006

45

52

3

9

9

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2004 - 2006

75

88

27

20

20

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2007

51

58

3

10

10

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2008

58

68

3

12

12

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2007 - 2009

109

126

6

22

22

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

Tổng

184

214

33

42

42

100

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại

2004

686

449

7

368

361

98,1

4

1,1

0

0

0

0

0

0

3

0,8

2005

712

456

7

396

384

97,0

12

3,0

0

0

0

0

0

0

0

0

2006

972

520

8

674

443

65,7

9

1,3

222

32,9

317.000

1.428

0

0

0

0

2004 - 2006

2370

1425

22

1438

1188

86,9

25

1,8

222

11,0

317.000

476

0

0

3

0,3

2007

1408

1520

12

743

720

96,9

9

1,2

14

1,9

18.000

1.286

0

0

0

0

2008

1124

1416

8

776

652

84,0

75

9,7

49

6,3

50.530

1.031

0

0

0

0

2007 - 2009

2532

2936

20

1519

1372

90,5

84

5,4

63

4,1

68.530

1.158

0

0

0

0

Tổng

4902

4361

42

2957

2560

88,7

109

3,6

285

7,5

385.500

817

0

0

3

0,1


PHỤ LỤC V.a:

KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM THEO LOẠI HÌNH CƠ SỞ SXKD (tiếp theo)

 


LOẠI HÌNH CƠ SỞ
SẢN XUẤT KINH DOANH

Năm

KẾT QUẢ
KIỂM TRA

KẾT QUẢ THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Số lần
kiểm tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số đoàn
thanh tra

Tổng số cơ sở thanh tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số cơ sở
bị cảnh cáo

Số cơ sở
bị phạt tiền

Phạt tiền

Số cơ sở bị
hủy sản phẩm

Số cơ sở
bị đình chỉ

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số tiền
bị phạt
(ngàn đồng)

Số tiền/ 1 lần phạt

(Ngàn đồng)

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung

2004

18

266

3

30

0

0

30

100

0

0

0

0

0

0

0

0

2005

24

313

3

37

2

5,4

35

94,6

0

0

0

0

0

0

0

0

2006

28

158

3

55

3

5,5

52

94,6

0

0

0

0

0

0

0

0

2004 - 2006

70

737

9

122

5

3,6

117

96,4

0

0

0

0

0

0

0

0

2007

37

272

4

68

14

20,6

34

50,0

10

14,7

3.000

300

10

14,7

0

0

2008

86

252

8

192

105

54,7

60

31,3

26

13,5

14.000

590

1

0,5

0

0

2007 - 2009

123

524

12

260

119

37,6

94

40,6

36

14,1

17.000

419

11

7,6

0

0

Tổng

193

1261

21

382

124

20,6

211

68,5

36

7,1

17.000

210

11

3,8

0

0

Cơ sở chế biến, bảo quản nông sản

2004

22

16

2

3

0

0

3

100

0

0

0

0

0

0

0

0

2005

24

20

3

12

8

66,7

4

33,3

0

0

0

0

0

0

0

0

2006

27

22

4

13

8

61,5

5

38,5

0

0

0

0

0

0

0

0

2004 - 2006

73

58

9

28

16

42,7

12

57,3

0

0

0

0

0

0

0

0

2007

31

46

4

14

8

57,1

6

42,7

0

0

0

0

0

0

0

0

2008

32

40

5

16

10

62,5

6

37,5

0

0

0

0

0

0

0

0

2007 - 2009

63

86

9

30

18

59,8

12

40,2

0

0

0

0

0

0

0

0

Tổng

136

144

18

58

34

51,3

24

48,7

0

0

0

0

0

0

0

0

Cơ sở chế biến, bảo quản thủy sản

2004

23

13

10

24

7

29,2

16

66,7

1

4,2

1

1

0

0

0

0

2005

214

249

13

89

52

58,4

35

39,3

2

2,2

2

1

0

0

0

0

2006

235

253

13

111

51

46,0

39

35,1

21

18,9

16.900

805

0

0

0

0

2004 - 2006

472

515

36

224

110

44,5

90

47,0

24

8,4

19.900

935

0

0

0

0

2007

343

266

30

194

141

72,7

17

8,8

36

18,6

53.600

1.489

0

0

0

0

2008

321

330

22

154

50

32,5

80

52,0

24

15,6

94.000

3.918

0

0

0

0

2007 - 2009

664

596

52

348

191

52,6

97

30,4

60

17,1

147.600

2.703

0

0

0

0

Tổng

1136

1111

88

572

301

48,5

187

38,7

84

12,8

167.500

1.819

0

0

0

0


 

PHỤ LỤC V.a:

KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM THEO LOẠI HÌNH CƠ SỞ SXKD (tiếp theo)

 


LOẠI HÌNH CƠ SỞ
SẢN XUẤT KINH DOANH

Năm

KẾT QUẢ
KIỂM TRA

KẾT QUẢ THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Số lần
kiểm tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số đoàn
thanh tra

Tổng số cơ sở thanh tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số cơ sở
bị cảnh cáo

Số cơ sở
bị phạt tiền

Phạt tiền

Số cơ sở bị
hủy sản phẩm

Số cơ sở
bị đình chỉ

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số tiền
bị phạt
(ngàn đồng)

Số tiền/ 1 lần phạt

(ngàn đồng)

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm

2004

1867

1349

20

1668

1029

61,7

348

20,7

132

7,9

16.680

126

159

9,5

0

0

2005

2123

2477

23

1734

1062

61,3

279

16,1

164

9,5

28.130

172

228

13,2

1

0,1

2006

1822

2269

29

2490

1556

62,5

384

15,4

335

13,5

68.270

204

213

8,6

2

0,1

2004 - 2006

5812

6095

72

5892

3647

61,8

1011

17,5

631

10,3

113.100

167

600

10,4

3

0,05

2007

3042

2312

24

3969

2548

64,2

793

20,0

255

6,4

88.380

347

366

9,2

7

0,2

2008

3255

2419

28

1763

696

39.48

477

27,1

245

13.9

78.33

320

343

19,5

2

0,1

2007 - 2009

6297

4731

52

5732

3244

51.84

1270

23,5

500

10,2

166.7

333

709

14,3

9

0,1

Tổng

12109

10826

124

11624

6891

56.82

2281

20,5

1131

10,2

279.8

250

1309

12,4

12

0,1

Tàu cá, cảng cá

2004

203

238

1

20

3

15,0

17

85,0

0

0

0

0

0

0

0

0

2005

392

302

1

32

5

15,6

27

84,4

0

0

0

0

0

0

0

0

2006

975

1240

2

6

1

16,7

5

83,3

0

0

0

0

0

0

0

0

2004 - 2006

1570

1780

4

58

9

15,8

49

84,2

0

0

0

0

0

0

0

0

2007

1191

1635

2

15

4

26,7

11

73,3

0

0

0

0

0

0

0

0

2008

945

1540

4

103

94

91,3

9

8,7

0

0

0

0

0

0

0

0

2007 - 2009

2136

3175

6

118

98

59,0

20

41,0

0

0

0

0

0

0

0

0

Tổng

3706

4955

10

176

107

37,4

69

62,6

0

0

0

0

0

0

0

0

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (sữa, bánh kẹo, rượu bia, nước uống...)

2004

62269

57572

2886

27343

14290

52,3

10699

39,1

1174

4,3

390.800

333

1073

3,9

107

0,4

2005

61368

57678

2928

24585

15113

61,5

7219

29,4

1277

5,2

558.100

437

951

3,9

25

0,1

2006

87942

79062

5431

36788

25126

68,3

8420

22,9

1135

3,1

871.200

768

2058

5,6

49

0,1

2004 - 2006

211579

194312

11245

88716

54529

60,7

26338

30,5

3586

4,2

1.820.000

513

4082

4,5

181

0,2

2007

115175

105249

8093

50853

32068

63,1

13974

27,5

1868

3,7

1.821.000

975

2846

5,6

97

0,2

2008

139693

130935

9686

65333

46733

71,5

14148

21,7

2248

3,4

2.487.000

1.106

2095

3,2

109

0,2

2007 - 2009

254868

236184

17779

116186

78801

67,3

28122

24,6

4116

3,6

4.308.000

1.041

4941

4,4

206

0,2

Tổng

466447

430496

29024

204902

133330

64,0

54460

27,5

7702

3,9

6.128.000

777

9023

4,4

387

0,2


PHỤ LỤC V.a:

KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM THEO LOẠI HÌNH CƠ SỞ SXKD (tiếp theo)

 

LOẠI HÌNH CƠ SỞ
SẢN XUẤT KINH DOANH

 

Năm

KẾT QUẢ KIỂM TRA

KẾT QUẢ THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Số lần
kiểm tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số đoàn
thanh tra

Tổng số cơ sở thanh tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số cơ sở
bị cảnh cáo

Số cơ sở
bị phạt tiền

Phạt tiền

Số cơ sở bị
hủy sản phẩm

Số cơ sở
bị đình chỉ

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số tiền
bị phạt (ngàn đồng)

Số tiền/ 1 lần phạt (Ngàn đồng)

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Cơ sở ăn uống (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, quán ăn đường phố...)

2004

133727

100031

3397

32815

13925

42,4

17037

51,9

1012

3,1

337.300

333

765

2,3

76

0,2

2005

144343

105874

3486

37129

14426

38,9

20897

56,3

892

2,4

409.900

460

844

2,3

70

0,2

2006

167238

119895

5632

53997

21804

40,4

28887

53,5

1547

2,9

1.308.000

845

1660

3,1

99

0,2

2004 - 2006

445308

325800

12515

123941

50155

40,6

66821

53,9

3451

2,8

2.055.000

546

3269

2,6

245

0,2

2007

188601

139169

6255

63301

24430

38,6

33799

53,4

2357

3,7

1.637.000

695

2551

4,0

164

0,3

2008

215939

156050

7285

49305

26325

53,4

19065

38,7

2173

4,4

2.401.000

1.105

1388

2,8

354

0,7

2007 - 2009

404540

295219

13540

112606

50755

46,0

52864

46,0

4530

4,1

4.038.000

900

3939

3,4

518

0,5

Tổng

849848

621019

26055

236547

100910

43,3

119685

50,0

7981

3,4

6.093.000

723

7208

3,0

763

0,3

Tổng cộng

1361198

 

56113

 

 

59,4

 

29,9

 

6,6

 

754

 

2,4

 

0,2


PHỤ LUC V.b:

TỔNG HỢP KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM THEO NĂM TỪ 2004 - 2008

 

Năm

KẾT QUẢ KIỂM TRA

KẾT QUẢ THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Số lần
kiểm tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số đoàn
thanh tra

Tổng số cơ sở thanh tra

Số cơ sở
đạt yêu cầu

Số cơ sở
bị cảnh cáo

Số cơ sở
bị phạt tiền

Phạt tiền

Số cơ sở bị
hủy sản phẩm

Số cơ sở
bị đình chỉ

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

Số tiền
bị phạt
(ngàn đồng)

Số tiền/ 1 lần phạt (ngàn đồng)

Số cơ
sở

Tỷ lệ %

Số cơ sở

Tỷ lệ %

2004

201.837

165.618

6.437

65.609

31.817

45,0

28.663

40,9

2.759

4,2

1.009.000

271

2163

2,1

207

0,2

2005

215.792

174.357

6.607

68.053

33.898

63,0

29.129

31,5

2.773

3,5

1.355.620

288

2147

2,0

106

0,1

2006

263.254

210.984

11.257

97.860

51.588

59,1

38.318

29,7

3.719

9,0

3.310.990

1.067

4076

2,2

159

0,1

TRUNG BÌNH

 

 

 

 

 

55,7

 

34,0

 

5,5

 

542

 

2,1

 

0,1

2007

313.895

259.904

14.591

123.877

63.010

63,0

49.391

25,9

5.226

7,6

4.699.070

866

5951

3,3

299

0,2

2008

366.420

303.322

17.221

123.567

78.496

67,0

34.893

21,3

5.702

8,7

6.905.100

1.277

3969

2,7

507

0,3

TRUNG BÌNH

 

 

 

 

 

65,0

 

23,6

 

8,2

 

1.071

 

3,0

 

0,2

(Nguồn: Số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)


PHỤ LỤC VI

Ô NHIỄM THỰC PHẨM

PHỤ LỤC VI.a:

NGUYÊN NHÂN Ô NHIỄM THỰC PHẨM

 

1. Nguyên nhân ô nhiễm ở rau

STT

Năm

Số tỉnh
thống kê

Tổng
số mẫu

Tổng số
mẫu  ô nhiễm

Tỷ
lệ%

Số mẫu ô nhiễm

Hóa chất BVTV

Hóa chất tồn dư

Hóa chất BQTP

Dụng cụ, bao gói

Số mẫu

%

Số mẫu

%

Số mẫu

%

Số mẫu

%

1

2004

23

4.241

318

7,50

307

7,23

0

0

0

0

11

0,26

2

2005

23

6.679

250

3,74

247

3,70

0

0

0

0

3

0,44

3

2006

23

7.492

295

3,94

283

3,78

0

0

1

0,01

11

0,15

4

2007

24

12.364

544

4,40

541

4,37

0

0

1

0,01

2

0.02

5

2008

22

11.716

828

7,07

828

7,08

0

0

0

0

0

0

(Nguồn: số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)

2. Nguyên nhân ô nhiễm ở thịt, sản phẩm từ động vật tươi sống (kể cả thủy sản)

STT

Năm

Số tỉnh
thống kê

Tổng
số mẫu

Tổng số
mẫu ô nhiễm

Tỷ
lệ   %

Số mẫu ô nhiễm

Hóa chất BVTV

Hóa chất tồn dư

Hóa chất BQTP

Dụng cụ, bao gói

Số mẫu

%

Số mẫu

%

Số mẫu

%

Số mẫu

%

1

2004

14

1.330

400

30,08

0

0

44

3,31

151

11,35

205

15,41

2

2005

18

1.407

347

24,67

0

0

109

7,74

238

16,92

0

0

3

2006

17

1.792

550

30,69

0

0

12

0,68

538

30,02

0

0

4

2007

16

2.300

850

36,96

0

0

39

1.7

238

10,35

573

24,91

5

2008

19

2.275

548

24,09

0

0

252

11,08

168

7,39

128

5,64

(Nguồn: số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)

3. Nguyên nhân ô nhiễm ở thực phẩm chế biến công nghiệp

STT

Năm

Số tỉnh
thống kê

Tổng
số mẫu

Tổng số
mẫu ô nhiễm

Tỷ
lệ  %

Số mẫu ô nhiễm

Hóa chất BVTV

Hóa chất tồn dư

Hóa chất BQTP

Dụng cụ, bao gói

Số mẫu

%

Số mẫu

%

Số mẫu

%

Số mẫu

%

1

2004

13

1.388

50

3,60

2

0,14

19

1,37

14

1,01

15

1,08

2

2005

14

1.678

69

4,11

5

0,30

7

0,42

26

1,55

31

1,85

3

2006

13

2.584

498

19,27

0

0

10

0,39

416

16,09

72

2,80

4

2007

15

1.742

405

23,25

0

0

22

1,26

378

21,69

5

0,28

5

2008

16

3.145

288

9,16

1

0,03

11

0,35

154

4,90

122

3,89

(Nguồn: số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)

4. Nguyên nhân ô nhiễm ở thực phẩm chế biến thủ công

STT

Năm

Số tỉnh
thống kê

Tổng
số mẫu

Tổng số
mẫu ô nhiễm

Tỷ
lệ %

Số mẫu ô nhiễm

Hóa chất BVTV

Hóa chấttồn dư

Hóa chất BQTP

Dụng cụ, bao gói

Số mẫu

%

Số mẫu

%

Số mẫu

%

Số mẫu

%

1

2004

22

4.027

852

21,16

8

0,19

86

2,14

353

8,76

405

10,05

2

2005

20

7.126

1450

20,35

7

0,10

24

0,35

293

4,11

1126

15,81

3

2006

25

12.629

3095

24,51

3

0,02

101

0,81

494

3,92

2497

19,78

4

2007

31

12.654

1988

15,71

2

0,02

192

1,52

539

4,26

1255

9,91

5

2008

33

14.825

2427

16,37

2

0,02

503

3,39

361

2,44

1561

10,53

(Nguồn: số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)

 

 

 

 

PHỤ LỤC VI.b:

TỶ LỆ MẪU ĐẠT YÊU CẦU

 

1. Rau quả tươi

STT

Năm

Số tỉnh thống kê

Tổng số mẫu

Số mẫu đạt

Tỷ lệ % mẫu đạt

1

2004

25

4.966

4.369

88,0

2

2005

26

7.551

6.929

91,8

3

2006

25

8.293

7.725

93,2

4

2007

27

13.062

12.220

93,6

5

2008

24

13.497

11.781

87,3

 

 

(Nguồn: số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)

2. Thịt, sản phẩm từ động vật tươi sống (kể cả thủy sản)

STT

Năm

Số tỉnh thống kê

Tổng số mẫu

Số mẫu đạt

Tỷ lệ % mẫu đạt

1

2004

18

1.495

1.108

74,2

2

2005

21

1.543

1.025

66,5

3

2006

20

2.072

1.322

63,8

4

2007

20

2.734

1.741

63,7

5

2008

24

3.166

1.963

62,0

 

 

(Nguồn: số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)

3. Thực phẩm chế biến công nghiệp

STT

Năm

Số tỉnh thống kê

Tổng số mẫu

Số mẫu đạt

Tỷ lệ % mẫu đạt

1

2004

19

5.829

5546

95,1

2

2005

18

5.061

4.811

95,0

3

2006

18

6.303

5.286

83,9

4

2007

19

7.711

6.779

87,9

5

2008

22

8.987

8.225

91,5

 

 

(Nguồn: số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)

4. Thực phẩm chế biến thủ công

STT

Năm

Số tỉnh thống kê

Tổng số mẫu

Số mẫu đạt

Tỷ lệ % mẫu đạt

1

2004

32

13.378

10.303

77,0

2

2005

33

13.460

10.794

80,2

3

2006

35

18.286

13.992

76,5

4

2007

38

18.395

15.319

83,3

5

2008

39

20.269

16.954

83,6

(Nguồn: số liệu thống kê từ báo cáo của UBND một số tỉnh, thành phố)


PHỤ LỤC VII

TÌNH HÌNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TỪ 2004 ĐẾN 2008

PHỤ LỤC VII.a:

SỐ VỤ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TỪ 2004 - 2008

 

Năm

Tình hình ngộ độc thực phẩm trong cả nước

Số vụ ngộ độc

Sốngườimắc

Sốngườichết

2004

145

3.584

41

2005

144

4.304

53

2006

165

7.135

57

2007

247

7.329

55

2008

205

7.828

61

Tổng cộng

906

30.180

267

Trung bình/năm

181,2 vụ/năm

6.036 người/năm

53,4 người/năm

(Nguồn: Trích Báo cáo số 38/BC-CP ngày 02/4/2009 của Chính phủ)

 

PHỤ LỤC VII.b:

SỐ VỤ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TỪ 2004 - 2008

 

Năm

Số vụ ngộ độc

Số người mắc

Số người chết

2004

403

6.207

76

2005

385

7.994

86

2006

416

10.353

74

2007

488

9.618

66

2008

468

8.656

89

Tổng

2.160

42.828

391*

Trung bình/năm

432

8.565,6

78,2

(Nguồn: Số liệu thống kê từ báo cáo của 62 tỉnh, thành phố

- Nam Định không thống kê số liệu)

 

PHỤ LỤC VII.c:

PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN GÂY NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TỪ 2004 - 2008

 

Năm

Số tỉnh
thống kê

Tổng số người mắc

Tổng số vụ

Số người mắc/vụ

Vi sinh vật

Thực phẩm biến chất

Hóa chất tồn dư

Độc tốtự nhiên

Nguyên nhân khác

Vụ

%

Vụ

%

Vụ

%

Vụ

%

Vụ

%

2004

42

4.849

286

17,0

143

50,0

18

6,3

34

11,9

68

23,8

23

8,0

2005

38

5.519

249

22,2

117

47,0

22

8,9

21

8,4

59

23,7

30

12,0

2006

41

8.250

289

28,5

123

42,6

43

14,9

29

10,0

69

23,9

25

8,7

2007

41

7.522

348

21,6

130

37,4

33

9,5

25

7,2

105

30,2

55

15,9

2008

39

6.401

317

20,2

115

36,3

29

9,1

37

11,7

96

30,3

40

12,7

Tổng

 

32.541

1.489

21,9

628

42,2

145

9,7

146

9,8

397

26,7

173

11,7

(Nguồn: Số liệu thống kê từ báo cáo của một số tỉnh, thành phố)


PHỤ LỤC VIII

KINH NGHIỆM QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM

Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

 

I. TẠI MỸ

Mỹ là nước có hệ thống quản lý hành chính nói chung và quản lý thực phẩm nói riêng được chuyên môn hoá rất cao.

Vai trò, trách nhiệm về ATTP: tại nước Mỹ, tất cả 3 bộ phận (Pháp chế, hành pháp và  toà án ) đều có vai trò trong đảm bảo an toàn đối với chuỗi cung cấp thực phẩm quốc gia:

- Pháp chế: các bộ và các cơ quan ban hành các luật về quản lý ATTP

- Hành pháp: các bộ và các cơ quan thực hiện luật hoặc thông qua việc ban hành các quy định thực hiện.

- Toà án: giải quyết các tranh cãi do các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền thực hiện luật ATTP tại Mỹ.

Các cơ quan có trách nhiệm quản lý ATTP tại Mỹ gồm:

1. Tại Trung ương (liên bang)

Có 5 cơ quan chịu trách nhiệm chính, cụ thể là:

1.1  Bộ Y tế và con người(Department of Health and Human Services - HHS):

Gồm 2 cơ quan liên quan làCơ quan quản lý thực phẩm và thuốc(Food and Drug Administration - FDA) vàTrung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh(Center for Disease Control and Prevention - CDC).

-Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc(FDA): FDA của Mỹ được tổ chức theo sơ đồ tại Hình 1 (Xem sơ đồ tổ chức FDA trang bên).

+  FDA Mỹ có 10.000 người trong đó có 3.000 thanh tra chuyên ngành ATTP. Trung tâm ATTP và dinh dưỡng ứng dụng có 780 người. Trung tâm còn có đủ các labo xét nghiệm ATTP.

+ FDA kiểm soát 80% thực phẩm ở Mỹ. Còn 20% là do Cơ quan thanh tra và ATTP (FSIS)  kiểm soát.

Ngân sách cho hoạt động của FDA năm 2008 là 2.1 tỷ USD (tương ứng với 35.000 tỷ VNĐ).

-Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh(CDC) có 1 trung tâm ở Atlanta và 10 điểm giám sát ở khắp nước Mỹ.

1.2. Bộ Nông nghiệp (Department of Agriculture - USDA), gồm các cơ quan liên quan sau:

-Cơ quan thanh tra và ATTP(Food Safety and Inspection Service- FSIS): kiểm soát các sản phẩm thịt, trứng và gia cầm. FSIS kiểm soát 20% thực phẩm ở Mỹ.

-Cơ quan thanh tra động thực vật(Animal and Plant Inspection Service- APHIS): Kiểm soát các bệnh động vật và vật nuôi.

-Cơ quan nông nghiệp ngoài nước(Foreign Agriculture Service -FAS)

1.3. Cơ quan bảo vệ môi trường(Environmental Protection Agency - EPA):

- Cấp phép cho các sản phẩm hóa chất BVTV tại Mỹ

- Xây dựng các mức chấp nhận được với hóa chất BVTV trong thực phẩm

- Kiểm soát các ô nhiễm hoá chất và ô nhiễm VSV trong nước và không khí.

1.4. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới(Bureau of Customs and Border Protection - CBP): cùng tham gia kiểm soát thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ.

1.5. Cơ quan thuế và thương mại rượu và thuốc lá(Alcohol and Tobacco Tax and Trade Bureau-TTB)

2. Tại địa phương:

Các cơ quan của Bang và địa phương (State and Local Authorities):

- Cơ quan nông nghiệp của Bang và địa phương: có trách nhiệm kiểm soát thịt và gia cầm

- Cơ quan y tế của Bang và địa phương

- Có trách nhiệm giám sát thực hiện các quy định của Liên bang

- Có thể ban hành các quy định cụ thể của Bang về ATTP.

- Có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các nhà hàng, siêu thị (6tháng/lần)

 


Phòng khoa học và điều phối

 

 

Phòng chính sách

 

 
Hình 1:

Sơ đồ tổ chức cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc tại Mỹ

 

Phòng Pháp chế

 

 

Phòng ban hành  văn bản pháp luật

 

 

5 vùng

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Quản lý các cơ sở chế biến TP

2. Quản lý phụ gia thực phẩm

3. Quản lý dư lượng hóa chất BVTV do EPA xây dựng

4. Quản lý thực phẩm chiếu xạ

5.  Quản lý công nghệ sinh học

6.  Quản lý ghi nhãn thực phẩm

7. Quản lý thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng)

8. Tham gia kiểm soát ATTP với sản phẩm trứng của USA/FSIS

9. Quản lý mỹ phẩm, phẩm màu

10. Quản lý thủy sản, thực vật và sữa

11. Quản lý KHTP

12. Thanh tra CNTP và thực thi PL

13. Giáo dục truyền thông ATTP

14. Quản lý an ninh thực phẩm

15. Kiểm soát thực phẩm XNK

16. Ban hành tiêu chuẩn, quy định pháp quy về ATTP

17. Thực hiện phân tích nguy cơ và áp dụng HACCP

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



II. TẠI NHẬT BẢN

Sơ đồ tổ chức hệ thống quản lý ATTP ở Nhật được thể hiện ở Hình 2

- Cơ quan quản lý thực phẩm là Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi.

- Nhật Bản có Luật thực phẩm từ năm 1947.

-  Bộ Y tế- Lao động và Phúc lợi có nhiệm vụ:

(1)Ban hành các tiêu chuẩn thực phẩm.

(2) Ban hành các tiêu chuẩn về nhãn thực phẩm.

(3) Quy định về phụ gia thực phẩm.

(4) Ban hành danh mục thực phẩm cấm bán.

(5) Quy định việc cấm bán các thực phẩm mới.

(6) Quy định việc cấm bán các loại thịt bị bệnh.

(7) Ban hành tiêu chuẩn phòng chống ô nhiễm thực phẩm.

(8) Trực tiếp chứng nhận HACCP cho 6 ngành chế biến thực phẩm có nguy cơ cao

- Việc kinh doanh thực phẩm ở nội địanếu nằm trong danh sách 34 mặt hàng có nguy cơ cao thì phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Việc nhập khẩu thực phẩm nếu nằm trong danh sách 26 mặt hàng do Bộ Y tế quy định thì phải kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm. Nếu nằm ngoài đó, chỉ việc kiểm tra hồ sơ, nếu đủ theo quy định thì được nhập khẩu.

- Thanh tra chuyên ngành VSTP:do Bộ Y tế quyết định nếu là thanh tra ở Trung ương, do tỉnh trưởng quyết định nếu là thanh tra VSTP ở địa phương. Hiện tại (đến hết 2002), toàn bộ ở Nhật Bản có: 12.566 thanh tra chuyên ngành, gồm:

+ Thanh tra chuyên ngành VSTP ở Trung ương: 300 người.

+ Thanh tra chuyên ngành do tỉnh trưởng bộ nhiệm:

.Thanh tra VSTP: 7.776 người.

.Thanh tra về thịt và gia cầm : 5.409 người.

- Viện Kiểm nghiệm thực phẩm:do 2 trung tâm quốc gia (1 ở Kobe và 1 ở Yokoham và các Viện Kiểm nghiệm thực phẩm của các tỉnh). Đồng thời có rất nhiều các viện Kiểm nghiệm thực phẩm tư nhân với năng lực về máy móc và kỹ thuật rất cao. Toàn bộ nước Nhật có 521 labo tư nhân tham gia xét nghiệm ATTP.

 


Hình 2: Sơ đồ tổ chức cơ quan an toàn thực phẩm tại Nhật Bản

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



III. TẠI TRUNG QUỐC

Sơ đồ tổ chức hệ thống quản lý VSATTP ở Trung Quốc(xem sơ đồ Hình 3 và Hình 4 trang bên)

Những điểm nổi bật trong quản lý ATTP ở Trung Quốc:

- Tất cả các quy định về VSTP đều bao hàm cả chất lượng, an toàn thực phẩm, duy nhất do 1 cơ quan quản lý.

- Luật An toàn thực phẩm được Ban Thường Vụ 11 Quốc hội Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ban hành tháng 28/2/2009, có hiệu lực từ 1/6/2009 nêu những yêu cầu quản lý thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rất cụ thể.

- Việc xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm.

+ Cơ quan quản lý Nhà nước về vệ sinh chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn vệ sinh quốc gia, những quy trình kiểm nghiệm và những quy định về quản lý vệ sinh đối với thực phẩm, chất phụ gia, đồ chứa đựng, vật liệu bao gói thực phẩm, dụng cụ thiết bị dùng trong ngành thực phẩm, chất tẩy rửa, chất tiêu độc dùng để tẩy rửa thực phẩm, dụng cụ, thiết bị và hàm lượng cho phép chất phóng xạ, vật chất nhiễm bẩn có trong thực phẩm.

+ Đối với những thực phẩm mà Nhà nước chưa xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh, do Chính quyền nhân dân cấp Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Tiêu chuẩn vệ sinh địa phương và báo cáo lên Cơ quan quản lý về vệ sinh cấp trên

+ Trong Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm Quốc gia của chất phụ gia thực phẩm có chỉ tiêu mang ý nghĩa vệ sinh học, thì nhất thiết phải qua thẩm tra và được sự đồng ý của Cơ quan quản lý về vệ sinh.

+ Việc đánh giá tính an toàn của hoá chất dùng trong nông nghiệp như nông dược, phân bón, cần phải qua thẩm tra và được sự đồng ý của Cơ quan quản lý về vệ sinh.

+ Cơ quan hữu quan trực thuộc Chính phủ cùng với cơ quan quản lý về vệ sinh xây dựng quy trình kiểm nghiệm vệ sinh thú y của các lò giết mổ gia súc, gia cầm.

- Việc xây dựng các xí nghiệp, cơ sở thực phẩmnhất thiết phải đệ trình tư liệu cần thiết về đánh giá vệ sinh và đánh giá dinh dưỡng, việc kinh doanh.

Xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và những người buôn bán nhỏ thực phẩm phải có Giấy chứng nhận vệ sinh của Cơ quan quản lý về vệ sinh trước khi xin Đăng ký kinh doanh với Cơ quan quản lý công thương. Khi chưa có Giấy chứng nhận vệ sinh thì không được hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Về kiểm soát vệ sinh thực phẩm:

Cơ quan quản lý VSTP từ cấp huyện trở lên thực hiện chức năng kiểm soát VSTP.

Nhiệm vụ kiểm soát vệ sinh thực phẩm là:

(1). Tiến hành đo đạc, kiểm nghiệm và chỉ đạo kỹ thuật về vệ sinh thực phẩm.

(2). Bồi dưỡng nhân viên sản xuất, kinh doanh thực phẩm, giám sát việc kiểm tra sức khoẻ của nhân viên sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

(3). Tuyên truyền vệ sinh thực phẩm, phổ biến kiến thức về dinh dưỡng, tiến hành đánh giá vệ sinh thực phẩm, công bố tình hình vệ sinh thực phẩm.

(4). Tiến hành thẩm tra vệ sinh đối với việc chọn địa điểm và thiết kế của xí nghiệp mới xây dựng để sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Xí nghiệp mở rộng hoặc cải tạo, đồng thời tham gia nghiệm thu công trình.

(5). Tiến hành điều tra sự cố có chất độc trong thức ăn và ô nhiễm thực phẩm, đồng thời tìm biện pháp khống chế chúng.

(6). Tiến hành thanh tra, kiểm tra lưu động đối với những hành vi vi phạm Luật này.

(7). Truy cứu trách nhiệm và tiến hành xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm Luật này.

(8). Chịu trách nhiệm những sự việc khác về kiểm soát vệ sinh thực phẩm.

+ Về xử phạt:Luật có quy định cụ thể về cáchình thức xử phạt tù giam và phạt tiền, tuỳ mức độ vi phạm. Các mức xử phạt cụ thể được quy định ngay trong Luật.

 

Hình 3: Sơ đô tổ chức Cơ quan giám sát Vệ sinh của Trung Quốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Hình 4: Sơ đô tổ chức Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc

 

 

 

 


Các Trạm Kiểm dịch kiểm soát tại các cửa khẩu

 

 

 

 

 

(Nguồn:Báo cáo số  213/BC-BYT, ngày 30/3/2009 của Bộ Y tế)


PHỤ LỤC IX

MÔ HÌNH TỔ CHỨC TỔNG CỤC AN TOÀN THỰC PHẨM

PHỤ LỤC IX.a:

THAM KHẢO MÔ HÌNH TỔNG CỤC AN TOÀN THỰC PHẨM TRUNG QUỐC

 

1. Tên đơn vị: Tổng cục An toàn thực phẩm trực thuộc Chính phủ.

2. Chức năng: Chịu trách nhiệm về thanh tra chất lượng, đo lường hàng hóa nhập - xuất, kiểm dịch y tế nhập-xuất, kiểm dịch động vật, thực vật nhập-xuất, an toàn thực phẩm nhập-xuất, chứng nhận và công nhận tiêu chuẩn hóa về thực phẩm.

3. Tổ chức bộ máy gồm có:

3.1. Trung ương: Tổng cục An toàn thực phẩm:

- Văn phòng Tổng cục.

- Vụ Pháp chế.

- Cục Quản lý chất lượng.

- Cục Đo lường.

- Cục Thanh tra và Kiểm dịch.

- Cục Giám sát về kiểm dịch y tế.

- Cục Giám sát về kiểm dịch động thực vật.

- Cục Giám sát về thanh tra.

- Văn phòng xuất nhập khẩu an toàn thực phẩm.

- Văn phòng giám sát an toàn trang thiết bị đặc biệt.

- Cục Giám sát chất lượng sản phẩm.

- Cục Giám sát sản xuất thực phẩm.

- Cục phòng chống hàng giả.

- Vụ Hợp tác quốc tế (Văn phòng WTO).

- Vụ Khoa học và công nghệ.

- Vụ Kế hoạch Tài chính.

- Văn phòng Đảng ủy.

Ngoài ra, Tổng Cục còn có các Văn phòng chi nhánh về Thanh tra và Kiểm dịch Xuất- Nhập khẩu đặt tại các cửa khẩu: cảng biển, cảng đất liền và sân bay.

3.2. Tuyến tỉnh:

Cục An toàn thực phẩm ở các tỉnh/TP bao gồm các phòng chức năng tương ứng. Các cục này đại diện cho chính quyền tỉnh/thành phố thực hiện quản lý ATTP tại địa phương và chịu sự chỉ đạo theo ngành dọc của Tổng cục.

3.3. Tuyến huyện:Chi cục An toàn thực phẩm huyện.

(Nguồn: Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế)


PHỤ LỤC IX.b:

ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU ÁP DỤNG MÔ HÌNH

TỔNG CỤC AN T0ÀN THỰC PHẨM CỦA VIỆT NAM

 

1. Tên đơn vị: Tổng cục An toàn thực phẩm.

2. Chức năng: Chịu trách nhiệm về thanh tra chất lượng, an toàn thực phẩm nhập-xuất, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về ATTP

3. Tổ chức bộ máy gồm có:

3.1. Trung ương: Tổng cục An toàn thực phẩm:

- Văn phòng Tổng cục.

- Thanh tra Tổng cục.

- Vụ Tổ chức Cán bộ.

- Vụ Pháp chế.

- Cục Giám sát và Quản lý chất lượng sản phẩm

- Cục Quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm

- Vụ Thông tin - Giáo dục - Truyền thông.

- Vụ Hợp tác quốc tế

- Vụ Khoa học và công nghệ.

- Vụ Kế hoạch Tài chính.

- Văn phòng xuất nhập khẩu an toàn thực phẩm.

Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục:

- Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật

- Văn phòng Codex.

3.2. Tuyến tỉnh:

63 Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh/TP bao gồm các phòng chức năng tương ứng. Các Chi cục này đại diện cho chính quyền tỉnh/thành phố thực hiện quản lý ATTP tại địa phương và chịu sự chỉ đạo theo ngành dọc của Tổng cục.

3.3. Tuyến huyện:Trung tâm An toàn thực phẩm huyện.

(Nguồn: Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế)


PHỤ LỤC X

NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT

 

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-----------------

Số:  715/NQ-UBTVQH12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

NGHỊ QUYẾT

THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT

“Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng

vệ sinh, an toàn thực phẩm”

-------------------------

 

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;

Căn cứ Nghị quyết số 28/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009;

Căn cứ văn bản số 189/UBTVQH12 ngày 24 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và  Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2009,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1

1. Thành lập Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”(có danh sách kèm theo).

2. Đoàn giám sát có thể mời đại diện một số cơ quan Trung ương tham gia các hoạt động của Đoàn; mời một số chuyên gia của các cơ quan hữu quan để giúp Đoàn trong công tác giám sát.

3. Đoàn giám sát có thể thành lập các Tổ công tác để giám sát sâu hơn một số nội dung cụ thể.

Điều 2.

Nội dung, kế hoạch giám sát cụ thể được ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 3

Đoàn giám sát có trách nhiệm thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết của Quốc hội (nếu có) để trình Quốc hội Khóa XII tại kỳ họp thứ năm.

Điều 4

Văn phòng Quốc hội tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.

Điều 5

Đoàn giám sát, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

 

 

 

Nơi nhận:

- Chủ tịch Quốc hội;

- TTg Chính phủ;

- Các PCTQH và Uỷ viên UBTVQH;

- TT HĐDT và các UB của QH;

- Các Ban của UBTVQH;

- VPTW Đảng, VPCTN, VPQH, VPCP;

- UBTW MTTQVN;

- Các Bộ: YT, NN&PTNT, CT,

TN&MT, KH&CN.

- Các Đoàn ĐBQH; Thường trực HĐND,

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- VP Đoàn ĐBQH, VP HĐND, UBND

các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- LĐ các Vụ: KH,CN&MT, TH,

Cục QT của VPQH;

- Lưu: Vụ HC, KH,CN&MT, TH.

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2008

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH

(đã ký)

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Phú Trọng

 


DANH SÁCH ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

“vềviệc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng

vệ sinh, an toàn thực phẩm”

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 715/NQ/UBTVQH12

ngày 22/12/2008 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội)

I. DANH SÁCH THÀNH VIÊN ĐOÀN GIÁM SÁT

1) Ông Đặng Vũ Minh, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn.

2) Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trườngcủa Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực.

3) Ông Nguyễn Vinh Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thành viên.

4) Ông Huỳnh Phước Long, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, thành viên

5) Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy banvề các vấn đề xã hộicủa Quốc hội, thành viên.

6) Ông Mai Xuân Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tếcủa Quốc hội, thành viên.

7) Ông Nguyễn Kim Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thành viên.

8) Ông Trần Văn, Ủy viên thường trực Ủy ban Tàichính và Ngân sách của Quốc hội, thành viên.

9) Ông Trần Đông A, ĐBQH tp. Hồ Chí Minh, thành viên.

10) Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội, ĐBQH tp. Hà Nội, thành viên.

II. ĐẠI BIỂU MỜI THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT

1)  Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.

2)  Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước.

3) Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng.

4) Đại diện Bộ Y tế.

5) Đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT

6) Đại diện Bộ Công thương.

7) Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ.

8) Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường.

9) Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt tổ quốc Việt Nam.


KẾ HOẠCH GIÁM SÁT

Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng

vệ sinh, an toàn thực phẩm

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 715/NQ/UBTVQH12

ngày 22/12/2008của Uỷ ban thường vụ Quốc hội)

I. CĂN CỨ

- Nghị quyết số 28/2008/QH12 về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009, trong đó có nội dung giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP).

- Căn cứ các quy định về quản lý chất lượng VSATTP tại Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật về VSATTP và quy định khác của pháp luật có liên quan, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Quốc hội.

II. MỤC ĐÍCH

1. Thu thập thông tin, đánh giá thực trạng việc thực thi chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

2. Đề xuất giải pháp, kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

3. Báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 4 năm 2009, chuẩn bị báo cáo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (nếu có) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2009).

III.  PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT

1. Các bộ, ngành Trung ương

a) Nghe các Bộ, ngành báo cáo: Bộ Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường.

b) Yêu cầu một số Bộ, ngành, cơ quan hữu quan gửi báo cáo.

2. Khảo sát, nghe các địa phương báo cáo

a) Miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn

b) Miền Trung: Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa

c) Miền Nam: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang

IV.  NỘI DUNG GIÁM SÁT

Giám sát việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, bao gồm:

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

2. Tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP; thực trạng công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

3. Năng lực thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP hiện nay.

4. Tính khả thi của các chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP đã ban hành.

V. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

1. Tổ chức các cuộc họp, các Đoàn giám sát đi làm việc tại một số bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Nghiên cứu, đánh giá, phân tích thông tin từ các nguồn: báo cáo của Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoạt động giám sát, khảo sát ở địa phương; hội nghị, hội thảo, chuyên gia; Báo cáo nghiên cứu độc lập.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

a)  Nghe một số Bộ, ngành Trung ương báo cáo tại trụ sở Văn phòng Quốc hội.

b) Nghe báo cáo, tiến hành khảo sát chung tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giám sát thực tế tại các địa phương([47]).

c) Thành lập các Tổ công tác để tiến hành khảo sát, giám sát chuyên sâu một số nội dung cụ thể theo yêu cầu của Đoàn giám sát và sự chỉ đạo của Trưởng đoàn.

d) Thành lập Tổ biên tập Báo cáo giám sát dưới sự chỉ đạo của Trưởng đoàn.

đ) Dự thảo báo cáo giám sát, tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giám sát, hoàn chỉnh Báo cáo giám sát.

e) Đoàn giám sát và Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ trình bày các báo cáo tại Phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

g) Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ trình bày các báo cáo tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII.

2. Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội

a) Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

- Là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu, giúp Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện kế hoạch giám sát;

- Là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc điều phối hoạt động, trong quan hệ giữa Đoàn giám sát với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương hữu quan;

- Là đầu mối tiếp nhận báo cáo, ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các Tổ công tác, của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội để dự thảo, hoàn chỉnh Báo cáo giám sát trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

- Cử các thành viên Uỷ ban tham gia Đoàn giám sát và các Tổ công tác.

b) Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội

- Cử thành viên tham gia Đoàn giám sát theo sự phân công;

- Tham dự các buổi làm việc của Đoàn giám sát và có thể cử thêm thành viên tham gia khảo sát, giám sát thực tế;

- Tham gia ý kiến vào báo cáo của Đoàn giám sát;

- Khi xét thấy cần thiết, có thể có báo cáo riêng, cụ thể hơn về lĩnh vực mình phụ trách có liên quan đến công tác quản lý chất lượng VSATTP để gửi đến Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

c) Văn phòng Quốc hội

- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện theo yêu cầu của Đoàn giám sát;

- Tổ chức phục vụ theo chức năng các hoạt động của Đoàn giám sát và các Tổ công tác.

3. Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương

a)Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cử đại diện cơ quantham gia các hoạt động của Đoàn giám sát, của Tổ công tác.

b) Chính phủ

- Chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thuộc đối tượng giám sát thực hiện các yêu cầu của Đoàn giám sát;

- Chuẩn bị các báo cáo có liên quan trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

c) Các Bộ, ngành, địa phương

- Chuẩn bị các báo cáo, làm việc với Đoàn giám sát, Tổ công tác và thực hiện các yêu cầu khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn giám sát;

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ các nội dung báo cáo với Đoàn giám sát và Tổ công tác.

4. Các đoàn ĐBQH

Tổ chức giám sát về công tác quản lý chất lượng VSATTP tại địa phương của mình và chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội trước ngày 15/3/2009 (qua Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường).

5. Các bước tiến hành

a) Giai đoạn I (tháng 12/2008)

- Xây dựng Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát và kế hoạch giám sát kèm theo Nghị quyết.

- Gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương yêu cầu chuẩn bị báo cáo theo các nội dung giám sát.

b) Giai đoạn II (từ tháng 1 đến tháng 3/2009)

Tháng 1/2009

- Xây dựng Đề cương chi tiết Báo cáo giám sát, xin ý kiến các thành viên Đoàn giám sát.

- Đoàn giám sát tiến hành khảo sát, giám sát thực tế tại Lạng Sơn.

Tháng 2/2009

- Đoàn giám sát tiến hành khảo sát, giám sát thực tế tại Hà nội, Hải phòng, Quảng Ninh.

- Tiến hành khảo sát, giám sát thực tế tại một số tỉnh phía Nam (Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang).

- Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo theo nội dung Đoàn giám sát yêu cầu gửi trước ngày 15/2/2009.

- Tổ chức nghiên cứu tài liệu của các Bộ, ngành, địa phương.

-  Đoàn giám sát nghe các Bộ, ngành Trung ương báo cáo.

Tháng 3/2009

- Khảo sát, giám sát thực tế tại một số địa phương, cơ sở tại miền Trung (Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa).

- Đôn đốc các Đoàn đại biểu Quốc hội gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước 15/3/2009 (qua Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tổng hợp báo cáo chung).

- Xây dựng dự thảo Báo cáo giám sát.

c) Giai đoạn III (từ đầu tháng 4 và 5/2009)

Tháng 4/2009

- Đầu tháng 4/2009: Đoàn giám sát tổ chức Hội nghị thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát.

- Giữa tháng 4/2009: Đoàn giám sát hoàn thành dự thảo Báo cáo giám sát để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp cuối tháng 4/2009; hoàn thiện Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, Chính phủ, Đoàn giám sát trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát tại phiên họp tháng 4/2009.

Tháng 5/ 2009

- Đầu tháng 5/2009. Gửi Báo cáo giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XII.

- Chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về giám sát (nếu có) trình Quốc hội thông qua.


Phụ lục XI

MỘT SỐ CƠ SỞ ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

ĐẾN LÀM VIỆC TẠI 10 TỈNH, THÀNH PHỐ

1. Tại Lạng Sơn (từ 02- 03/01/2009)

Đoàn chia 2 Tổ công tác đi khảo sát tại :

1. Xí nghiệp Rượu Mẫu Sơn - Công ty cổ phần Du lịch và XNK Lạng Sơn.

2. Công ty TNHH Thành Long.

3. Cửa khẩu Hữu Nghị.

4. Cửa khẩu Tân Thanh.

5. Chợ Đồng Đăng,

6. Chợ Giếng Vuông.

Đoàn có buổi làm việc với UBND Tỉnh Lạng Sơn, nghe UBND Tỉnh và các cơ quan hữu quan của Tỉnh báo cáo.

2. Tại Hà Nội (từ 03-04/02/2009)

Đoàn chia 2 tổ công tác, khảo sát tại các cơ sở:

1. Công ty cổ phần sữa Quốc tế.

2. Công ty TNHH Rồng Vàng Việt Nam.

3.  Nhà máy bia Đông Nam Á.

4. Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Tân Mai.

5.Công ty Cổ phần Phúc Thịnh.

6. Cơ sở sản xuất rau an toàn xã Vân Nội.

Đoàn làm việc với UBND Thành phố Hà Nội, nghe UBND và các cơ quan hữu quan báo cáo.

3. Tại Hải phòng (từ 05- 06/02/2009)

Đoàn chia 2 tổ công tác khảo sát tại các cơ sở:

1. Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng.

2. Công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Hải Phòng.

3. Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ Long - CANFOCO.

4. Công ty cổ phần thương mại VIC - Con heo vàng.

5. Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Pháp - Proconco.

Đoàn làm việc tại trụ sở Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng.

4. Tại Quảng Ninh (từ 9-10/02/2009)

Đoàn chia thành 2 tổ, đi khảo sát thực tế tại các sở:

1. Công ty Dầu thực vật Cái Lân (CALOFIC);

2. Công ty Rượu, bia nước giải khát Quảng Ninh;

3.  Công ty xuất khẩu thủy sản Quảng Ninh.

4. Công ty than Hà Lầm, nhà ăn của công nhân Công ty than Hà Lầm.

Đoàn làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, nghe UBND Tỉnh và các cơ quan hữu quan của Tỉnh báo cáo.

5. Tại An giang (từ  16-17/2/2009)

Đoàn chia 2 tổ đi khảo sát tại các cơ sở:

1. Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên.

2. Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương.

3. Cơ sở sản xuất đường Thốt nốt Thảo Hương.

4. Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản Trần Vũ Nguyên.

5. Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.

6. Cơ sở sản xuất mắm Thái Bà Giáo Khoẻ.

7.  Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản Lê Hồng Ngọc.

8. Cơ sở sản xuất kinh doanh nước tương miền Tây.

Đoàn làm việc tại trụ sở UBND tỉnh An Giang, nghe UBND và các cơ quan hữu quan báo cáo.

6. Tại Bình Dương (từ 17 - 18/2/2009)

Đoàn chia 2 tổ công tác, khảo sát tại các cơ sở:

1. Công ty cổ phần Liwayway Việt Nam, kết hợp thăm bếp ăn tập thể của Công ty.

2. Công ty TNHH thực phẩm ORION VINA,kết hợp thăm bếp ăn tập thể của Cty.

Đoàn làm việc với UBND tỉnh Bình Dương, nghe UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan báo cáo.

7. Tại Tp Hồ Chí Minh (từ 19 -20/2/2009)

Đoàn chia 2 tổ đi khảo sát tại các cơ sở:

1. Công ty Cổ phần Đại Phát Dapha sản xuất nước uống đóng chai.

2. Công ty TNHH P.Dusmann Việt Nam.

3. Công ty sữa Vinamilk và cơ sở sản xuất sữa các loại.

4. Công ty cổ phần Acecook Việt Nam liên.

5. Chi cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.

6. Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản - VISSAN.

Đoàn làm với UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghe UBND tỉnh và các cơ  quan hữu quan báo cáo.

8. Tại Khánh Hòa  (từ 9-11/3/2009)

Đoàn chia 2 tổ khảo sát tại các cơ sở:

1. Công ty Cổ phần thủy sản tại 584 Lê Hồng Phong.

2. Công ty TNHH Miền Trung.

3. Công ty TNHH Trúc An (sản xuất, kinh doanh thủy sản);

4. Công ty TNHH Long Shin (sản xuất, kinh doanh thủy sản).

5. Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods.

6. Công ty Cổ phần Đại Thuận tại xã Vĩnh Lương.

Đoàn có buổi làm việc với UBND và các cơ quan hữu quan của Tỉnh.

9. Tại Đà Nẵng (từ 11-12/3/ 2009)

Đoàn chia 2 tổ khảo sát tại các cơ sở:

1. Trung tâm Metro.

2. Công ty cổ phần Bình Vinh, sản xuất nước đóng chai.

Làm việc với UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan hữu quan của Thành phố.

10. Tại Quảng Trị (từ 12- 14/3/2009)

Đoàn khảo sát thực tế tại:

1. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

2. Công ty rượu Xika.

3. Công ty thương mại Quảng Trị.

Đoàn làm việc vớiUBND tỉnh Quảng Trị và các cơ quan hữu quan của tỉnh.


DANH SÁCH ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

TẠI TỈNH LẠNG SƠN

(Ngày 2-3/01/ 2009)

 

1

Đặng Vũ Minh

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Trưởng Đoàn.

2

Nguyễn Đăng Vang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường, Phó Trưởng đoàn thường trực.

3

Lê Bộ Lĩnh

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và MT.

4

Huỳnh Phước Long

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Thành viên.

5

Nguyễn Văn Tiên

Phó Chủ nhiệm Ủy banvề các vấn đề xã hội, Thành viên

6

Nguyễn Vinh Hà

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kh,CN&MT, thành viên.

7

Nguyễn Công Khẩn

Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện Bộ Y tế.

8

Nguyễn Thị Khánh Trâm

Phó Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện Bộ Y tế.

9

Phùng Hữu Hào

Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT

10

Nguyễn Phú Cường

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, đại diện Bộ Công thương.

11

Lê Minh Hồng

Vụ trưởng Vụ KH, CN và MT, VPQH.

12

Phan Hữu Duệ

Thư ký Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và MT; Phó VT Vụ KH, CN và MT, VPQH.

13

Nguyễn Đức Thụ

Phó VT Vụ các vấn đề xã hội, VPQH

14

Trần Ngọc Hoa

Chuyên viên Vụ KH, CN và MT, VPQH.

15

Lê Thanh Quang

Chuyên viên Vụ KH,CN&MT, VPQH.

16

Nguyễn Hạnh Thu

Chuyên viên Vụ tổng hợp, VPQH.

17

Lý Trần Trung Hiếu

Chuyên viên Vụ tổng hợp, VPQH.

18

Đặng Phương Thủy

Phóng viên Báo người đại biểu nhân dân

 


DANH SÁCH ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

TẠI HÀ NỘI, HẢI PHÒNG VÀ QUẢNG NINH

(Từ ngày 3 - 11/02/2009)

 

1

Đặng Vũ Minh

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Trưởng Đoàn.

2

Nguyễn Đăng Vang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường, Phó Trưởng đoàn thường trực.

3

Phan Xuân Dũng

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và MT, thành viên.

4

Nguyễn Văn Tiên

Phó Chủ nhiệm Ủy banvề các vấn đề xã hội, thành viên.

5

Nguyễn Vinh Hà

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kh,CN&MT, thành viên.

6

Mai Xuân Hùng

Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế, thành viên.

7

Nguyễn Kim Hồng

Uỷ viên thường trực Uỷ ban pháp luật, thành viên.

8

Nguyễn Thị Hoa

Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, thành viên.

9

Hoàng Thị Bình

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng, Uỷ viên UBKH, CN và MT, thành viên.

10

Nguyễn Công Khẩn

Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện Bộ y tế.

11

Hoàng Thuỷ Tiến

Phó Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện Bộ Y tế.

12

Phùng Hữu Hào

Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT.

13

Lê Việt Nga

Trưởng phòng quản lý VSATTP, Vụ khoa học và công nghệ, đại diện Bộ công thương.

14

Lê Minh Hồng

Vụ trưởng Vụ KH, CN và MT, VPQH.

15

Phạm Hữu Duệ

Thư ký Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và MT; Phó VT Vụ KH, CN và MT, VPQH.

16

Nguyễn Đức Thụ

Phó VT Vụ các vấn đề xã hội, VPQH.

17

Trần Ngọc Hoa

Chuyên viên Vụ KH, CN và MT, VPQH.

18

Lê Thanh Quang

Chuyên viên Vụ KH,CN&MT, VPQH.

19

Nguyễn Văn Tiền

Chuyên viên Vụ KH,CN&MT, VPQH.

20

Nguyễn Hạnh Thu

Chuyên viên Vụ tổng hợp, VPQH.

21

Đặng Phương Thuỷ

Phóng viên Báo người đại biểu nhân dân.

 


DANH SÁCH ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

TẠI AN GIANG, BÌNH DƯƠNG VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Từ ngày 15 - 20/02/2009)

 

1

Đặng Vũ Minh

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Trưởng Đoàn.

2

Nguyễn Đăng Vang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường, Phó Trưởng đoàn thường trực.

3

Nguyễn Vinh Hà

Uỷ viên thường trực Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường, Thành viên.

4

Trần Đông A

Đoàn ĐBQH tp. Hồ Chí Minh

5

Dương Kim Anh

Uỷ viên Uỷ ban KH,CN&MT, Đoàn ĐBQH Trà Vinh

6

Hứa Chu Khem

Uỷ viên Uỷ ban KH,CN&MT, Đoàn ĐBQH Sóc Trăng

7

Nguyễn Thanh Phong

Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, đại diện Bộ Y tế

8

Phùng Hữu Hào

Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT

9

Hoàng Hải

Phó Giám đốc Trung tâm lý luận, MTTQVN;đại biểu tham gia Đoàn.

10

Lê Việt Nga

Trưởng phòng QLVSATTP, Vụ KH,CN, Bộ Công thương.

11

Lê Minh Hồng

Vụ trưởng Vụ KH, CN và MT, VPQH.

12

Phạm Hữu Duệ

Thư ký Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và MT; Phó VT Vụ KH, CN và MT, VPQH.

13

Cư Văn Học

Phó Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam, VPQH

14

Trần Ngọc Hoa

Chuyên viên Vụ KH, CN và MT, VPQH.

15

Nguyễn Văn Tiền

Chuyên viên Vụ KH, CN và MT, VPQH.

16

Lê Thanh Quang

Chuyên viên Vụ KH, CN và MT, VPQH.

17

Trần Gia Vinh

Chuyên viên Cục Quản trị, VPQH

18

Nguyễn Văn Ninh

Nhân viên Cục Quản trị, VPQH

 


DANH SÁCH ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

TẠI KHÁNH HÒA, ĐÀ NẴNG VÀ QUẢNG TRỊ

(ngày 9 -14/3/2009)

 

1

Nguyễn Đức Kiên

Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

2

Đặng Vũ Minh

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Trưởng Đoàn.

3

Nguyễn Đăng Vang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường, Phó Trưởng đoàn thường trực.

4

Huỳnh Phước Long

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Thành viên.

5

Nguyễn Vinh Hà

Uỷ viên thường trực Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường, thành viên.

6

Nguyễn Danh

Ủy viên Ủy ban KH, CN và MT, ĐBQH tỉnh Gia Lai,

7

Nguyễn Thị Mai

Ủy viên Ủy ban KH, CN và MT, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, thành viên

8

Nguyễn Văn Ba

Ủy viên Ủy ban KH, CN và MT, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, thành viên

9

Võ Minh Thức

Ủy viên Ủy ban KH, CN và MT, ĐBQH tỉnh Phú Yên, thành viên.

10

Nguyễn Công Khẩn

Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện Bộ Y tế.

11

Nguyễn.T.Khánh Trâm

Phó Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện Bộ Y tế.

12

Phùng Hữu Hào

Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT.

13

Hoàng Minh Tuấn

Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Đại diện Bộ Công thương.

14

Trần Quốc Tuấn

Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng hàng hóa, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ.

15

Lê Việt Nga

Trưởng phòng quản lý VSATTP, Vụ khoa học và công nghệ, đại diện Bộ Công thương

16

Nguyễn Hoàng Ánh

Trưởng phòng, Cục kiểm soát ô nhiễm, Bộ tài nguyên và môi trường.

17

Lê Minh Hồng

Vụ trưởng Vụ KH, CN và MT, VPQH.

18

Nguyễn Hữu Đức

Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội

19

Phạm Hữu Duệ

Thư ký Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và MT; Phó VT Vụ KH, CN và MT, VPQH.

20

Trần Ngọc Hoa

Chuyên viên Vụ KH, CN và MT, VPQH.

21

Lê Thanh Quang

Chuyên viên Vụ KH,CN&MT, VPQH.

22

Trần Gia Vinh

Chuyên viên Cục Quản trị, VPQH

23

Phạm Thanh Tâm

Phóng viên Báo người đại biểu nhân dân

24

Nguyễn Hoàng Yến

Thông tấn xã Việt Nam

 

 



[1]Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Đặng Vũ Minh, Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn có đại diện Hội đồng dân tộc, Ủy ban KH,CN&MT, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và ngân sách, Ủy ban Pháp luật,Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.Đoàn đã đến giám sát và làm việc với Ủy ban nhân dân 10 tỉnh, tp, bao gồm: Lạng Sơn, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội, Quảng Trị, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh; khảo sát thực tế tại 6 cửa khẩu, 42  cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc các lĩnh vực chế biến sữa, sản xuất đường, bánh kẹo, nước uống đóng chai, rượu, sản xuất thực phẩm đóng hộp, sản xuất, kinh doanh nước mắm, mì ăn liền, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, rau an toàn, nuôi trồng, chế biến thủy sản; bếp ăn tập thể của một số doanh nghiệp và  một số chợ thực phẩm...

[2]Hiện tại, Việt Nam tham gia một số tổ chức quốc tế liên quan tới chất lượng VSATTP như WHO,  FAO,  OIE, CODEX,…và ký kết một số hiệp định về công nhận, thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động liên quan tới VSATTP như SPS, TBT,...

[3]Theo Báo cáo số 45/BC-CP ngày 07/4/2009 của Chính phủ có 134 văn bản QPPL, nhiều địa phương chỉ thống kế được từ 13 văn bản trở lên để áp dụng, trong khi thực tế có tới 337 văn bản QPPL do các cơ quan Trung ương ban hành.

[4]Ví dụ: Quy định về tiêu chuẩn nước mắm đóng chai, quy định tiêu chuẩn vùng sản xuất rau an toàn (Viet GAP), tiêu chuẩn về điều kiện VSATTP đối với thức ăn đường phố là cao so với điều kiện thực tế. Phản ánh của các địa phương cho Đoàn giám sát sở dĩ thức ăn đường phố được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP chỉ được 6,1% là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chỉ tiêu quá cao.

[5]Ví dụ: Nghị định 128/2005/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với cơ sở chế biến thủy sản 3 - 5 triệu đồng, tuy nhiên, Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định mức xử phạt từ 10-15 triệu, trong đó có thủy sản.

[6]Ví dụ Pháp lệnh VSATTP có hiệu lực thi hành từ 01/11/2003 nhưng đến 7/9/2004 mới có Nghị định 163/2004/NĐ - CP  hướng dẫn thi hành Pháp lệnh VSATTP.

[7]Báo cáo số 45/BC-CP ngày 07/4/2009 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP

[8]Nghị định 79/2008/NĐ-CP, ngày 18/7/2008 quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở Bộ Y tế có Cục an toàn vệ sinh thực phẩm; Bộ NN&PTNT có Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Bộ Công thương có Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Tổng cục Môi trường, Bộ KH&CN có Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trực thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL làm đầu mối.

[9]Tại một số địa phương, số người tham gia hoạt động quản lý chất lượng VSATTP cao (ví dụ tỉnh Cà Mau: ở cấp tỉnh có 24 người, trong khi theo báo cáo của Chính phủ trung bình cả nước là 7,1 người/tỉnh, ở cấp huyện có 38 người - gấp 3 lần trung bình cả nước; ở Bình Định cấp tỉnh có 11 người - gấp 1,5 lần trung bình cả nước, cấp huyện có 22 người - gấp 1,8 lần trung bình cả nước).

[10]Tính trung bình cho 642 huyện. (Nguồn: Niên giám thống kê năm 2007, tr. 15.).

[11]Tính trung bình cho 10.999 xã. (Nguồn: Niên giám thống kê năm 2007, tr. 15.).

[12]Ở TW có Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia; 04 Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm vùng; các phòng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và -PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ở địa phương cócác phòng xét nghiệm của các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế,các phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế cấp huyện, Ngoài ra còn có các trung tâm kiểm nghiệm, các phòng xét nghiệm của các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, các phòng xét nghiệm tư nhân.

[13]Ví dụ, Đà Nẵng đầu tư thêm 4 tỷ đồng cho trang bị hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm; Tp. Hồ Chí Minh đầu tư thêm 5,529 tỷ đồng từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính và 2,99 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho công tác bảo đảm VSATTP.

[14]Ở Nhật Bản có khoảng 13.000 thanh tra viên VSATTP từ TW đến địa phương; ở Thái Lan, riêng Thủ đô Băng Cốc có 5.000 thanh tra viên VSATTP; ở Trung Quốc có trên 50.000 thanh tra viên VSATTP; ở Mỹ, riêng Tổ chức FDA có khoảng 3.000 thanh tra viên VSATTP.

[15]Theo thống kê từ báo cáo của các địa phương, trung bình trong hai năm 2007-2008, số tiền bị phạt tại cơ sở ăn uống, nhà hàng, khách sạn là 900 ngàn đồng/cơ sở; SX thực phẩm là 1.041 ngàn đồng/cơ sở; chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm là 333 ngàn đồng/cơ sở; nuôi trồng thủy sản là 419 ngàn đồng/cơ sở; chăn nuôi gia súc, gia cầm là 1.158 ngàn đồng/cơ sở; SX-KD thuốc BVTV là 1.331 ngàn đồng/cơ sở; SX-KD thức ăn chăn nuôi là 4.143 ngàn đồng/cơ sở.

[16]Báo cáo số 16/BC-BCT ngày 3/3/2009 của Bộ Công thương cho thấy, trong 2 năm 2007-2008 số rượu bị thu giữ 14.702 chai; sữa hộp giả, kém chất lượng bị thu giữ có xu hướng tăng mạnh 3.043 hộp năm 2006, 21.998 hộp năm 2007 và 71.728 hộp năm 2008; nước mắm, nước chấm tăng 13.011 chai, lít năm 2006, 227.753 chai, lít năm 2007 và 215.711 chai, lít năm 2008.

[17]Ví dụ: Thanh Long của Bình Thuận, vú sữa của Tiền Giang,v.v…

[18]Theo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2008. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

[19]Nguồn: Báo cáo số 453/BC-BNN-QLCL ngày 2/3/2009 của Bộ NN&PTNT.

[20]Theo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình  mục tiêu quốc gia  về VSATTP năm 2008.

[21]Do thực hiện phương pháp canh tác ba giảm, ba tăng (giảm chi phí thuốc trừ sâu, phân bón, giảm chi phí lao động, giảm lượng giống; tăng chất lượng, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế).

[22]Ví dụ như:Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, v.v...

[23]Hoạt động giết mổ tư nhân thường diễn ra ban đêm nhưng hoạt động kiểm tra vệ sinh thú y lại theo giờ hành chính (trừ các cơ sở giết mổ tập trung).

[24]Báo cáo số 45/BC-CP ngày 07/4/2009 của Chinh phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý CLVSATTP.

[25]Theo báo cáo số 453/BC- BNN-QLCL ngày 2/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

[26]Báo các tình hình kinh tế - xã hội năm 2008, nguồn: Tổng cục Thống kê).

[27]Báo cáo tổng kết chương trình có mục tiêu về VSATTP năm 2008.

[28]Xuất khẩu hạt điều đứng thứ 2, cà phê đứng thứ 2, hồ tiêu đứng thứ nhất trên thế giới.

[29]Báo cáo số 38/BC-BCT ngày 2//4/2009 của Bộ Công thương.

[30]Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các đơn vị kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP (8/12 đơn vị), trong tổng số lượng/lô thực phẩm đã qua kiểm tra nhà nước năm 2008 là 165.672.936 kg/13.684 lô thì số lượng/lô thực phẩm không đạt yêu cầu nhập khẩu là 116.963 kg/32 lô. Nguồn: Báo cáo số  213/BC-BYT ngày 30/3/2009 của Bộ Y tế.

[31]Theo báo cáo của Hải quan tp Hồ Chí Minh, theo thống kê chưa đẩy đủ thì lượng thực phẩm nhập khẩu qua cảng biển Sài gòn chiếm 80% thực phẩm nhập khẩu qua cảng biển cả nước nhưng cơ quan này cũng chỉ kiểm tra được với các kho ngoại quan trên địa bàn thành phố. Nguồn: Báo cáo Hội nghị VSATTP toàn quốc năm 2007.

[32]Riêng năm 2008, Chi cục Thú y vùng Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai phối hợp với hải quan, bộ đội Biên phòng và các Chi cục Kiểm dịch động vật cửa khẩu đã bắt giữ và xử lý 624 vụ buôn lậu qua biên giới, tiêu huỷ hơn 72 tấn sản phẩm động vật các loại, 75 ngàn quả trứng gia cầm, trên 82 ngàn con gia cầm (Báo cáo số 453/BC-BNN-QLCL ngày 2/3/2009 của Bộ NN&PTNT).

[33]Trích Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về VSATTP năm 2007.

[34]Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh VSATTP của Bộ Y tế, trong 212.772 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong 6 tháng đầu năm 2007 được cấp mới là 3,6%, lũy tích là 6,1%, hiện còn 93,9% số cơ sở chưa được quản lý về VSATTP.

[35]Nguồn: Báo cáo số  107/BC- BYT ngày 23/2/2008 của Bộ Y tế.

[36]Kết quả lấy mẫu chủ động của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, trong số 1.110 mẫu (bao gồm các chủng loại thực phẩm như: bánh kẹo, mứt, nước giải khát, thịt và sản phẩm của thịt, hải sản, trứng, rau, củ, quả, rượu, hạt các loại và ngũ cốc), về phương diện hóa học, có 65% số mẫu (chủ yếu là giò chả và rau quả muối) có sử dụng hàn the; 19,4% số mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép; 7,8% số mẫu có sử dụng chất ngọt tổng hợp vượt quá giới hạn quy định hoặc sử dụng chất tạo ngọt không được phép (Cyclamat, Aspartame, Saccarin).

[37]Nguồn số liệu của Viện Chiến lược và chính sách y tế.

[38]Từ 29/9/2008 đến 29/10/2008, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận 11 ca tử vong trong tổng số 30 ca ngộ độc rượu. Nguồn: Sài gòn giải phóng online.

[39]Số rượu bị thu giữ là 18.126 chai (năm 2006), 8.278 chai (2007), 6.424 chai (2008), lượng nước giải khát các loại bị thu giữ là 33.874 chai (năm 2006), 41.714 chai (năm 2007), 46.962 chai (năm 2008). Nguồn: Báo cáo số 16/BC-BCT ngày 3/3/2009 của Bộ Công thương.

[40]Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện có khoảng 1.000 cơ sở SX nước uống đóng chai, qua kiểm tra 358 cơ sở phát hiện 150 cơ sở vi phạm quy định về VSATTP (27,9%). Nguồn: VnMedia.vn.

[41]Nguồn: http://www.nganhsuavn.org.vn ngày 24/4/2009

[42]Báo cáo số 16/BC-BCT ngày 3/3/2009 của Bộ Công thương.

[43]Báo cáo số 213/BC-BYT ngày 30/3/2009 của Bộ Y tế.

[44]So sánh với số liệu trong Báo cáo giám sát số 1381/UBKHCNMT11 ngày 21/10/2006 của Ủy ban KH,CN&MT.

[45]Báo cáo số 38/BC-BCT ngày 2/4/2009 của Bộ Công thương.

[46]Ngộ độcdo ăn cá nóc làm chết 12 người, ăn con sam biển chết 6 người, ăn thịt cóc chết 4 người, ăn lá ngón chết 4 người, ăn nấm độc tự nhiên chết 28 người, ăn bột ngô mốc chết 4 người, uống rượu chết 22 người.

([47]) Giám sát địa phương kết hợp các nội dung : Làm việc với UBND tỉnh/tp; khảo sát tại một số cửa khẩu, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể của khu công nghiệp/khu chế xuất, trường học, chợ đầu mối cung cấp thực phẩm, tổ chức khoa học và công nghệ có liên quan tới nghiên cứu về nguy cơ, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, tổ chức đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng VSATTP.

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi