BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ------------------ Số: 3162/TCHQ-GSQL V/v: Vướng mắc tái xuất, nhập khẩu xăng dầu. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2012 |
Kính gửi: Bộ Công thương.
Hiện nay, một số doanh nghiệp và Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đang có vướng mắc về tái xuất, nhập khẩu xăng dầu, cụ thể như sau:
1. Trường hợp doanh nghiệp đưa xăng dầu từ nội địa vào Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo để bán xăng dầu trong Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo:
a) Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công thương cấp có nhu cầu đưa xăng dầu (xăng dầu đã nhập khẩu theo chế độ tạm nhập) từ nội địa vào Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo theo chế độ tái xuất xăng dầu để cung cấp cho trạm xăng dầu (còn gọi là cây xăng) của chính doanh nghiệp nhằm mục đích bán xăng dầu trong Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo.
Ý kiến của Tổng cục Hải quan:
Căn cứ Điều 1 Thông tư số 126/2011/TT-BTC ngày 07/9/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 165/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và pha chế xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để gia công xuất khẩu xăng dầu thì doanh nghiệp không được đưa xăng dầu từ nội địa vào Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo theo chế độ tái xuất xăng dầu nêu trên để nhằm mục đích bán xăng dầu trong khu. Doanh nghiệp được phép bán xăng dầu để phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu bảo thuế….
b) Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có nhu cầu bán xăng dầu (xăng dầu đã nhập khẩu theo chế độ tạm nhập) cho doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xăng dầu theo chế độ tái xuất xăng dầu để doanh nghiệp này bán xăng dầu trong Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo tại các cây xăng của chính doanh nghiệp này.
Ý kiến của Tổng cục Hải quan:
Doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xăng dầu được nhập khẩu xăng dầu (mua xăng dầu), nộp đủ các loại thuế hiện hành và đưa xăng dầu vào Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo để bán xăng dầu tại cây xăng.
2. Trường hợp Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (là doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài) có Dự án đầu tư tại Khu kinh tế cảng Vũng Áng; theo đó, Công ty phải đưa phương tiện chuyên dụng là tàu hút cát (có chứa nhiên liệu dầu) vào Việt Nam làm phương tiện san lấp mặt bằng.
Ý kiến của Tổng cục Hải quan:
Theo quy định của Luật Hải quan thì phương tiện chuyên dụng nêu trên là hàng hóa và khi đưa từ nước ngoài vào Việt Nam để làm phương tiện san lấp mặt bằng phải làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, trường hợp phương tiện chuyên dụng này là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa là phương tiện vừa là hàng hóa; do vậy, Tổng cục Hải quan đề xuất thực hiện thủ tục đối với phương tiện chuyên dụng như sau:
a) Đối với phương tiện chuyên dụng:
Thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định.
b) Đối với nhiên liệu dầu đang chứa trong phương tiện chuyên dụng:
- Khi phương tiện chuyên dụng nhập cảnh:
Vì nhiên liệu dầu đang chứa trong phương tiện được mua ở nước ngoài để phương tiện tự hành đến Việt Nam và sử dụng khi san lấp mặt bằng; theo đó, Công ty không có hợp đồng mua bán, không có hóa đơn thương mại. Do vậy, thủ tục nhập khẩu đối với nhiên liệu dầu thực hiện theo chế độ phi mậu dịch, nộp đủ các loại thuế hiện hành.
- Khi phương tiện chuyên dụng xuất cảnh:
Thủ tục xuất khẩu đối với nhiên liệu dầu đang chứa trong phương tiện thực hiện theo chế độ phi mậu dịch, nộp đủ các loại thuế hiện hành.
Tổng cục Hải quan trân trọng đề nghị Bộ Công thương sớm có ý kiến về các nội dung nêu trên để Tổng cục Hải quan có cơ sở hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp thực hiện thống nhất.
Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, GSQL (3b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Vũ Ngọc Anh |