BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ------- Số: 1501/TCHQ-GSQL V/v: Báo cáo quyết toán NVL theo năm tài chính và triển khai thực hiện Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 2016 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Theo quy định tại Luật Hải quan, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hải quan, phương thức quản lý và thủ tục hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất căn bản đã đơn giản hóa tối đa để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, cơ quan hải quan, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện theo phương thức quản lý mới đối với các loại hình này, đặc biệt là việc lập, tiếp nhận, xử lý báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu theo năm tài chính. Để thống nhất thực hiện, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố quán triệt đến các Chi cục Hải quan trực thuộc nơi quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất một số nội dung sau:
- Loại hình gia công;
- Loại hình sản xuất xuất khẩu không có đề nghị hoàn thuế/không thu thuế, trừ trường hợp đã thực hiện hoàn thuế/không thu thuế theo hướng dẫn tại công văn số 16120/BTC-TCHQ ngày 01/11/2015 của Tổng cục Hải quan;
- Doanh nghiệp chế xuất (gồm loại hình gia công và SXXK).
2. Về số liệu thể hiện trên mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC:
2.1) Đối với loại hình gia công:
- Đề nghị hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc lập sổ theo dõi nguyên liệu, vật tư và thành phẩm tương tự các tài Khoản 152, 155 quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC; trường hợp doanh nghiệp theo dõi hoạt động gia công theo trị giá thì cách thức lập báo cáo quyết toán thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 2.2 dưới đây.
- Trường hợp hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp theo dõi chi tiết theo lượng hàng hóa, không theo trị giá thì được kết xuất số liệu theo lượng để báo cáo. Biểu mẫu sử dụng để báo cáo quyết toán là biểu mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL trong đó số tiền được thay bằng số lượng và theo từng chủng loại nguyên vật liệu.
Số liệu thể hiện trên báo cáo quyết toán là số liệu phản ánh trên hệ thống sổ kế toán theo các tài Khoản tương ứng 152, 155 theo nguyên tắc tổng trị giá nhập-xuất-tồn kho nguyên liệu, vật tư và thành phẩm trong kỳ báo cáo; các tài Khoản liên quan khác (như 151, 154, 621, 631, 632,...) doanh nghiệp có trách nhiệm xuất trình, giải trình khi cơ quan hải quan yêu cầu trong quá trình kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp.
a) Đối với nguyên vật liệu nhập khẩu:
Số liệu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu phát sinh trong kỳ gồm:
- Trị giá tồn đầu kỳ (cột số 4) là tổng trị giá tồn kho cuối kỳ của nguyên vật liệu được chốt đến ngày kết thúc năm tài chính từ kỳ trước chuyển sang;
- Trị giá nhập trong kỳ (cột số 5) là tổng trị giá nguyên vật liệu nhập kho trong kỳ, bao gồm: nhập khẩu từ nước ngoài, nhập khẩu từ khu phi thuế quan, nhập khẩu tại chỗ, nhập chuyển tiếp từ hợp đồng gia công khác sang, nhập khẩu từ nội địa (áp dụng cho DNCX)...được kết xuất từ tài Khoản 152.
- Trị giá xuất trong kỳ (cột số 6) là tổng trị giá nguyên vật liệu xuất kho, bao gồm: xuất kho để sản xuất, xuất kho đi gia công lại theo các đơn hàng, xuất bán nội địa sau khi chuyển Mục đích sử dụng, xuất trả nguyên liệu, vật tư... được kết xuất từ tài Khoản 152.
Trị giá nguyên vật liệu phản ánh trên báo cáo quyết toán là giá gốc của nguyên vật liệu, bao gồm: giá mua ghi trên hóa đơn (tờ khai hải quan), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có), chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, phân loại, bảo hiểm,... nguyên vật liệu từ nơi mua về đến kho của doanh nghiệp, công tác phí của cán bộ thu mua, chi phí của bộ phận thu mua độc lập, các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc thu mua nguyên vật liệu và số hao hụt tự nhiên trong định mức (nếu có).
Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ thì giá trị của nguyên vật liệu mua vào được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT. Nếu thuế GTGT hàng nhập khẩu không được khấu trừ thì giá trị của nguyên vật liệu mua vào bao gồm cả thuế GTGT.
b) Đối với thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu:
Số liệu các thành phẩm được sản xuất để xuất khẩu gồm:
- Trị giá nhập trong kỳ (cột số 5) là tổng trị giá thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong kỳ nhập kho (bao gồm cả thành phẩm nhận lại sau khi thuê gia công lại) được kết xuất từ tài Khoản 155;
- Trị giá xuất trong kỳ (cột số 6) là tổng trị giá thành phẩm xuất kho, bao gồm: xuất ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quan, xuất khẩu tại chỗ, xuất chuyển tiếp sang hợp đồng gia công khác, xuất bán nội địa sau khi chuyển Mục đích sử dụng được kết xuất từ tài Khoản 155.
Lưu ý:
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cần hướng dẫn doanh nghiệp tích hợp số liệu từ 03 bộ phận: (1) bộ phận quản lý kho, (2) bộ phận kế toán và (3) bộ phận xuất nhập khẩu thành một để số liệu thể hiện trên báo cáo quyết toán thống nhất, phù hợp với hệ thống sổ, chứng từ kế toán đang theo dõi tại doanh nghiệp, tránh trường hợp số liệu chênh lệch, không chính xác giữa 03 bộ phận này, doanh nghiệp mất thời gian giải trình khi có yêu cầu; khi lập báo cáo quyết toán doanh nghiệp không phải quy đổi bán thành phẩm (từ tài Khoản 154 hoặc tài Khoản tương tự) sang nguyên vật liệu để thể hiện trong báo cáo quyết toán.
3. Nộp, tiếp nhận báo cáo quyết toán:
Hiện tại năm tài chính của các doanh nghiệp hoạt động theo hệ thống pháp luật Việt Nam được kết thúc ở các mốc sau: 31/12, 31/3, 30/6, 30/9. Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị hải quan trực thuộc nắm bắt cụ thể ngày bắt đầu, ngày kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp thuộc quyền quản lý để có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán đúng thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Các Chi cục Hải quan thực hiện việc tiếp nhận báo cáo quyết toán, lập sổ theo dõi việc nộp báo cáo quyết toán theo năm tài chính của doanh nghiệp để có kế hoạch đôn đốc, xử lý các trường hợp không nộp hoặc chậm nộp báo cáo quyết toán theo quy định. 4. Xử lý báo cáo quyết toán:
a) Các trường hợp kiểm tra báo cáo quyết toán:
a1) Báo cáo quyết toán của tổ chức, cá nhân nộp lần đầu;
a2) Báo cáo quyết toán có sự chênh lệch bất thường về số liệu so với Hệ thống của cơ quan hải quan;
a3) Kiểm tra sau khi ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế tại trụ sở người nộp thuế;
a4) Kiểm tra báo cáo quyết toán trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Đối với doanh nghiệp ưu tiên, việc kiểm tra báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa đối với doanh nghiệp.
b) Cách thức kiểm tra báo cáo quyết toán:
Thực hiện theo quy định tại Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC; các mẫu biểu quyết định kiểm tra, kết luận kiểm tra vận dụng tương tự như các mẫu biểu sử dụng cho hoạt động kiểm tra sau thông quan. Lưu ý các đơn vị hải quan cần chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kế toán cho cán bộ công chức hải quan để đáp ứng yêu cầu theo phương thức quản lý mới.
5. Triển khai thực hiện phần III Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ:
Việc triển khai theo dõi, thu thập, phân tích thông tin, đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục; ngoài ra, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thêm việc thu thập, xử lý thông tin liên quan đến doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Điều 17 Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ như sau: 5.1) Thu thập thông tin về doanh nghiệp:
a) Về nhân thân doanh nghiệp:
- Loại hình doanh nghiệp (đầu tư nước ngoài (DNCX), doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ cá thể,...)
- Tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, quốc tịch;
- Tổng số vốn pháp định, vốn Điều lệ;
- Ngành nghề kinh doanh theo giấy chứng nhận kinh doanh/giấy phép đầu tư;
- Địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh; số lượng, địa chỉ cơ sở sản xuất;
b) Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp:
- Thời gian bắt đầu hoạt động của doanh nghiệp (ngày/tháng/năm);
- Năng lực sản xuất của doanh nghiệp (số lượng máy móc, thiết bị, số lượng công nhân viên, công suất sản xuất ra sản phẩm theo tháng/quý/năm);
- Mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu;
- Tổng số tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu theo năm
- Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo năm
- Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu
c) Về tình hình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp:
- Chấp hành pháp luật về hải quan; pháp luật về thuế: tần suất vi phạm, mức độ vi phạm; xếp hạng doanh nghiệp,...
- Chấp hành pháp luật khác (hình sự, dân sự, hành chính,...)
d) Từ các nguồn thông tin khác,...
5.2) Phân tích, đánh giá thông tin, xếp loại doanh nghiệp:
Trên cơ sở các thông tin thu thập được từ các nguồn dữ liệu khác nhau, công chức được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phân tích, đánh giá, xác định doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao để đưa vào kế hoạch kiểm tra hàng năm.
5.3) Định kỳ theo hướng dẫn tại Điểm 1.b.2, Điều 21 Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo danh sách doanh nghiệp thuộc đối tượng phải kiểm tra báo cáo quyết toán về Tổng cục Hải quan (Cục GSQL) để được phê duyệt. Nhận được công văn này yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai hướng dẫn để doanh nghiệp biết, thực hiện. Trường hợp có vướng mắc kịp thời phản ánh về Tổng cục Hải quan để có chỉ đạo./.
Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, GSQL(5b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Vũ Ngọc Anh |