Dự thảo Nghị định về quản lý đối với người lưu trú chờ xuất cảnh

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh lần 2
Lĩnh vực: Xuất nhập cảnh Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức quản lý và các chế độ (bao gồm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, thăm gặp, khám bệnh, chữa bệnh, chi phí mai táng) đối với người chấp hành án phạt trục xuất, người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất và người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an trong thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

CHÍNH PHỦ
--------

Số:          /2019/NĐ-CP

DỰ THẢO 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------------

Hà Nội, ngày       tháng      năm 2019

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Về việc ban hành Nghị định quy định về tổ chức quản lý và các chế độ

đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức quản lý và các chế độ (bao gồm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, thăm gặp, khám bệnh, chữa bệnh, chi phí mai táng) đối với người chấp hành án phạt trục xuất, người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất và người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an trong thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh (gọi chung là người lưu trú).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với người lưu trú; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức quản lý, bảo đảm các chế độ đối với người lưu trú. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Kinh phí thực hiện

Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú do ngân sách nhà nước bảo đảm và bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Công an.

 

Chương II

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LƯU TRÚ

 

Điều 4. Tổ chức quản lý người lưu trú

1. Người lưu trú phải ở tập trung tại cơ sở lưu trú và chịu sự quản lý, giám sát của cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú tổ chức tiếp nhận, quản lý người có quyết định đưa vào cơ sở lưu trú và bàn giao người lưu trú ra khỏi cơ sở lưu trú theo đúng quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Cơ sở lưu trú thực hiện các quy định về canh gác, dẫn giải, quản lý chặt chẽ người lưu trú trong thời gian lưu trú; xây dựng phương án và tổ chức các biện pháp bảo vệ an toàn cơ sở lưu trú; phối hợp truy tìm người lưu trú bỏ trốn khỏi cơ sở lưu trú; kiểm tra thư, bưu phẩm, tiền mặt, đồ vật của người lưu trú nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý đồ vật cấm mang vào cơ sở lưu trú; tiếp nhận, trả lời đơn thư, đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến cơ sở lưu trú, người lưu trú và quản lý hồ sơ, cơ sở dữ liệu của người lưu trú theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ sở lưu trú.

Điều 5. Xử lý người lưu trú vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú

1. Trường hợp người lưu trú vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú, chống đối, không chấp hành sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú thì phải lập biên bản, có người chứng kiến và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cán bộ cơ sở lưu trú giải thích các quy định của pháp luật về việc quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lưu trú, yêu cầu họ chấp hành Nội quy cơ sở lưu trú và mệnh lệnh của cán bộ cơ sở lưu trú; trường hợp cần thiết, cán bộ cơ sở lưu trú tiến hành sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để khống chế, cách ly người lưu trú sang phòng riêng, vô hiệu hóa hành vi chống đối của người lưu trú, phòng ngừa, ngăn chặn người lưu trú bỏ trốn, có hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân, người lưu trú khác hoặc cán bộ cơ sở lưu trú; hủy hoại tài sản của cơ sở lưu trú, thời gian quản lý tại phòng riêng do Trưởng cơ sở lưu trú quyết định.

Cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với trường hợp người lưu trú là người chấp hành án phạt trục xuất) hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) để phối hợp, giải quyết và thông báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc; thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đang ở Việt Nam (nếu có) biết, phối hợp động viên, giáo dục, quản lý người lưu trú.

2. Trường hợp hành vi vi phạm của người lưu trú có dấu hiệu tội phạm thì cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này biết, phối hợp giải quyết.

Điều 6. Chế độ ở đối với người lưu trú

1. Người lưu trú được bố trí ở buồng tập thể theo giới tính (nam, nữ); diện tích chỗ nằm tối thiểu là 03 m2/người (người lưu trú có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 04 m2), có bệ gạch men, ván sàn hoặc giường, có phòng vệ sinh, có chiếu, chăn và màn. Người lưu trú là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được bố trí ở riêng.

2. Người lưu trú mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải được bố trí ở riêng trong phòng cách ly.

Điều 7. Chế độ ăn, mặc đối với người lưu trú

1. Người lưu trú được ăn 03 bữa/ngày, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ thường; 15 kg rau xanh; 01 kg thịt; 01 kg cá; 0,5 kg đường; 01 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 01 kg muối; gia vị khác: tương đương 01 kg gạo tẻ; chất đốt: tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than. Tiêu chuẩn ăn của người lưu trú do Nhà nước cấp, lương thực, thực phẩm, chất đốt có giá cả trung bình và chất lượng hàng hóa tương xứng theo thời giá thị trường tại địa phương nơi có cơ sở lưu trú. Ngày lễ, tết của Việt Nam theo quy định của pháp luật, người lưu trú được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường; ngoài ra, người lưu trú được ăn gấp 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường vào 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước mà họ mang quốc tịch. Cơ sở lưu trú có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để người lưu trú có thể ăn hết tiêu chuẩn.

2. Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định tại khoản 1 Điều này, người lưu trú được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm theo quy định của cơ sở lưu trú.

3. Người lưu trú được bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Cơ sở lưu trú được tổ chức bếp ăn tập thể, định mức dụng cụ cấp dưỡng của một bếp tập thể gồm: Bếp nấu; các loại nồi nấu cơm, nước, thức ăn; chảo, tủ đựng thức ăn, bình đựng nước uống; rổ, rá, bát, đũa, bàn, ghế và các dụng cụ, đồ dùng cần thiết khác phục vụ cho việc nấu ăn, bảo quản thức ăn, đun nước uống và chia đồ ăn cho người lưu trú theo khẩu phần tiêu chuẩn.

4. Chế độ ăn của người lưu trú bị ốm, bị bệnh do Trưởng cơ sở lưu trú quyết định theo chỉ định của cán bộ y tế. Người lưu trú là nữ trong thời gian mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì định lượng ăn được tăng thêm 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định tại khoản 1 Điều này và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ.

5. Người lưu trú được mang vào cơ sở lưu trú đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an. Trường hợp người lưu trú thiếu quần, áo thì tùy theo thời gian lưu trú, khí hậu theo mùa, được cấp từ một đến hai bộ quần áo bằng vải thường.

Điều 8. Chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thông tin liên lạc và quản lý tài sản của người lưu trú

1. Người lưu trú được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú được trang bị một hệ thống truyền thanh nội bộ; mỗi phòng ở được trang bị 01 ti vi và người lưu trú được mượn sách, báo của cơ sở lưu trú. Thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình của người lưu trú được thực hiện theo Nội quy cơ sở lưu trú.

2. Người lưu trú được liên lạc bằng điện thoại, gửi thư cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của mình và cơ quan lãnh sự theo quy định của cơ sở lưu trú; cước phí điện thoại, gửi thư do người lưu trú tự chi trả. Việc liên lạc của người lưu trú được quy định cụ thể như sau:

a) Người lưu trú được gửi mỗi tháng 04 lá thư. Trưởng cơ sở lưu trú phải chỉ đạo kiểm tra, kiểm duyệt thư của người lưu trú gửi và nhận, nếu xét thấy nội dung không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý thì lập biên bản thu giữ. Người lưu trú đang bị điều tra, xử lý về hành vi phạm tội khác hoặc có liên quan đến những vụ án khác mà cơ quan thụ lý vụ án có văn bản đề nghị người lưu trú không được nhận, gửi thư thì Trưởng cơ sở lưu trú hạn chế việc nhận, gửi thư của người lưu trú;

b) Cơ sở lưu trú phối hợp với cơ quan bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt máy điện thoại cố định có dây hoặc không dây và tổ chức cho người lưu trú liên lạc điện thoại trong nước, mỗi tháng 04 lần, mỗi lần không quá 10 phút. Trường hợp cấp bách, căn cứ nội dung đơn trình bày của người lưu trú, Trưởng cơ sở lưu trú xem xét, giải quyết cho người lưu trú được liên lạc điện thoại nhưng không quá 10 phút. Khi liên lạc điện thoại, người lưu trú phải liên lạc đúng số điện thoại và nội dung đã đăng ký. Cước phí điện thoại được tính theo giá của cơ quan bưu chính viễn thông và do người lưu trú chi trả từ tiền lưu ký theo hình thức ký sổ hoặc nguồn tài trợ khác nhưng phải được sự đồng ý của Trưởng cơ sở lưu trú.

Người lưu trú đang bị điều tra, xử lý về hành vi phạm tội khác hoặc có liên quan đến những vụ án khác mà cơ quan thụ lý vụ án có văn bản đề nghị người lưu trú không được liên lạc điện thoại thì Trưởng cơ sở lưu trú không cho người lưu trú liên lạc điện thoại.

Trưởng cơ sở lưu trú cử cán bộ giám sát chặt chẽ nội dung trao đổi khi người lưu trú liên lạc điện thoại, nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng với đăng ký thì dừng ngay cuộc gọi và giải thích rõ cho người lưu trú biết, trường hợp xét thấy cần thiết phải lập biên bản.  

4. Người lưu trú có ngân phiếu, ngoại tệ, vàng bạc, đồng hồ, đồ trang sức quý, tư trang và những đồ vật có giá trị khác, cơ sở lưu trú phải lập biên bản và niêm phong, gửi vào lưu ký để quản lý, người lưu trú được nhận lại trước khi xuất cảnh. Trường hợp người lưu trú có đơn đề nghị được chuyển đồ, tư trang nêu trên cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của mình thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm lập biên bản giao cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú. Riêng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tiền mặt) thì gửi lưu ký để người lưu trú sử dụng.

Điều 9. Chế độ thăm gặp, nhận quà đối với người lưu trú                                                  

1. Người lưu trú được gặp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của mình tại phòng thăm gặp của cơ sở lưu trú. Mỗi tuần được gặp 01 lần, mỗi lần gặp không quá 02 giờ. Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác của Việt Nam đề nghị được gặp người lưu trú thì Trưởng cơ sở lưu trú xem xét, quyết định, nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của người lưu trú cũng như yêu cầu quản lý người lưu trú và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Người lưu trú chấp hành tốt Nội quy cơ sở lưu trú có thể được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng của cơ sở lưu trú mỗi tháng 01 lần, mỗi lần không quá 24 giờ. Người lưu trú vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú thì 01 tháng được gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ.

Người lưu trú đang bị điều tra, xử lý về hành vi phạm tội khác hoặc có liên quan đến những vụ án khác mà cơ quan thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người lưu trú gặp hoặc yêu cầu phối hợp với cơ sở lưu trú để giám sát chế độ thăm gặp của người lưu trú thì Trưởng cơ sở lưu trú hạn chế chế độ gặp của người lưu trú theo đề nghị của cơ quan thụ lý vụ án và giải thích rõ cho người đến thăm gặp người lưu trú.

2. Thân nhân được gặp người lưu trú gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến gặp người lưu trú tối đa không quá 03 người, trường hợp đặc biệt do yêu cầu quản lý, giáo dục người lưu trú, Trưởng cơ sở lưu trú có thể quyết định tăng số lượng thân nhân được gặp người lưu trú nhưng không quá 05 người và phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở lưu trú.

3. Thủ tục thăm gặp:

a) Thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú là người nước ngoài đến thăm gặp người lưu trú phải có đơn xin gặp, đơn phải viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc. Trường hợp nước mà người đó mang quốc tịch không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự thì đơn xin thăm gặp không phải xác nhận của các cơ quan này, đơn xin gặp do cơ quan lập hồ sơ đưa vào cơ sở lưu trú xem xét, xác nhận;

b) Thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú là người Việt Nam đến thăm gặp người lưu trú phải có đơn xin gặp có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập và phải có một trong những giấy tờ cá nhân sau (trừ người dưới 14 tuổi): Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác;

c) Người lưu trú được gặp vợ (hoặc chồng) ở phòng riêng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì vợ (hoặc chồng) người lưu trú phải có đủ thủ tục thăm gặp quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này và các giấy tờ, tài liệu chứng minh là vợ (hoặc chồng) của người lưu trú, có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú (đối với trường hợp vợ hoặc chồng người lưu trú là người Việt Nam); có đơn xin thăm gặp người lưu trú ở phòng riêng và cam kết việc chấp hành pháp luật, Nội quy nhà thăm gặp, thực hiện phòng, chống bệnh truyền nhiễm; đồng thời, người lưu trú phải có đơn xin gặp vợ (hoặc chồng) ở phòng riêng và cam kết việc chấp hành pháp luật, Nội quy cơ sở lưu trú, Nội quy nhà thăm gặp và các quy định của pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình; người lưu trú là nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai.

d) Việc giải quyết cho người lưu trú gặp thân nhân, thời gian gặp do người Trưởng cơ sở lưu trú quyết định tùy theo điều kiện và giờ làm việc của cơ sở lưu trú.

3. Thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự:

a) Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có yêu cầu thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú phải gửi văn bản đề nghị đến Bộ Ngoại giao. Nội dung văn bản đề nghị bao gồm: Tên cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự gửi văn bản; họ, tên, quốc tịch người lưu trú cần thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; cơ sở lưu trú nơi người lưu trú đang lưu trú; họ, tên, chức vụ của những người đến thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; họ, tên người phiên dịch;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú phải trả lời bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài đã đề nghị liên hệ cấp giấy giới thiệu thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.

4. Khi thăm gặp, người lưu trú được nhận thư, tiền, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm; cơ sở lưu trú có trách nhiệm bóc, mở, kiểm tra trước khi đưa vào cơ sở lưu trú. Việc quản lý, sử dụng tiền, đồ vật của người lưu trú được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này.

5. Người đến thăm gặp phải chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, Nội quy nhà thăm gặp và sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú.

Điều 10. Chế độ chăm sóc y tế đối với người lưu trú

1. Người lưu trú được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh. Người lưu trú bị ốm, bị thương tích được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở lưu trú; chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng do cơ sở y tế của cơ sở lưu trú chỉ định theo bệnh lý; tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người lưu trú được cấp tương đương 03 kg gạo tẻ thường loại trung bình/01 người/01 tháng. Trường hợp người lưu trú bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của y tế cơ sở lưu trú thì chuyển họ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu để điều trị. Trường hợp người lưu trú có yêu cầu đến cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyện vọng thì phải được Trưởng cơ sở lưu trú cho phép và tự chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ sở lưu trú phải thông báo việc người lưu trú điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này và thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đang ở Việt Nam (nếu có) để phối hợp chăm sóc, điều trị.

Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người lưu trú tại các cơ sở y tế do Nhà nước cấp. Nếu việc khám bệnh, chữa bệnh cho người lưu trú phải sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn, vượt quá định mức thì người lưu trú phải tự thanh toán.

2. Người lưu trú là nữ trong thời gian mang thai được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; đến thời gian sinh con thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm đưa người lưu trú đến cơ sở y tế Nhà nước gần nhất để sinh con và cấp các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương chế độ ăn 01 tháng của trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo quy định tại Điều 11 Nghị định này. Sau khi sinh con, nếu người lưu trú có yêu cầu, thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của người lưu trú theo quy định của pháp luật Việt Nam. Kinh phí chăm sóc y tế cho người lưu trú là nữ trong thời gian mang thai, sinh con tại cơ sở y tế do Nhà nước cấp.

3. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để quản lý người lưu trú trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh hoặc sinh con.

Điều 11. Chế độ đối với con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú

1. Trẻ em dưới 16 tuổi là con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú được bố trí diện tích chỗ nằm cùng phòng với cha, mẹ tại cơ sở lưu trú phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm lứa tuổi, giới tính. Các chế độ ăn, mặc, ở, khám bệnh, chữa bệnh và mai táng (nếu bị chết) được thực hiện như đối với người lưu trú, phù hợp với trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam. Riêng trẻ em dưới 36 tháng tuổi, mỗi tháng được cấp thêm sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ thường loại trung bình/01 trẻ em; ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 01 tháng 6 dương lịch), tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 02 lần ngày thường. Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ và điều kiện thực tế, Trưởng cơ sở lưu trú hoán đổi định lượng chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ hoặc quy đổi thành tiền và gửi lưu ký của cha, mẹ trẻ em sử dụng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

2. Trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú nhưng khác giới tính với cha, mẹ thì con của người lưu trú và người lưu trú có thể được bố trí ở riêng.

Điều 12. Giải quyết trường hợp người lưu trú hoặc con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú chết

1. Trường hợp người lưu trú hoặc con của người lưu trú chết tại cơ sở lưu trú thì cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để xác định nguyên nhân chết. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú phải thông báo ngay bằng văn bản hoặc bằng fax cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt trục xuất (đối với trường hợp người lưu trú là người chấp hành án phạt trục xuất) hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) để phối hợp, giải quyết; đồng thời, báo ngay cho Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam và thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đang ở Việt Nam (nếu có) biết phối hợp, giải quyết. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú có trách nhiệm tổ chức mai táng. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết đề nghị được nhận tử thi, tro cốt về mai táng và tự chịu chi phí thì giải quyết theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi làm xong các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không có đề nghị xin nhận tử thi, tro cốt thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú tổ chức mai táng tử thi, chi phí mai táng do ngân sách Nhà nước cấp.

Điều 13. Giải quyết cho nhận tử thi, hài cốt, tro cốt người lưu trú

1. Trường hợp người lưu trú chết mà thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đề nghị được nhận tử thi về an táng, thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi làm xong các thủ tục quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định này, phải có đơn đề nghị viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất) hoặc gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù đang chờ làm thủ tục xuất cảnh) hoặc gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) để xem xét, quyết định.

2. Đơn đề nghị phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận tử thi, quan hệ với người lưu trú, nơi an táng, cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí; đơn phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người lưu trú mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc; trường hợp nước mà người đó mang quốc tịch không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự thì đơn không phải xác nhận của các cơ quan này. Nếu người đề nghị là công dân Việt Nam thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú. Trường hợp nhận tử thi về mai táng tại lãnh thổ Việt Nam thì phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mai táng.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng các cơ quan nêu tại khoản 1 Điều này phải quyết định việc cho nhận tử thi hay không và thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất, người lưu trú bị xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này về việc cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi khi có căn cứ cho rằng việc nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo cho nhận tử thi, các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở lưu trú và người có đơn đề nghị phải tiến hành việc giao, nhận tử thi, tiền, tài sản hợp pháp của người lưu trú (nếu có) và phải lập biên bản, có chữ ký của bên giao, nhận và người chứng kiến; hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận tử thi thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức mai táng tử thi theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

5. Việc giải quyết cho nhận hài cốt người lưu trú chỉ được thực hiện sau 03 năm kể từ ngày mai táng. Trường hợp hỏa táng, thì có thể giải quyết cho nhận tro cốt kể từ khi hoàn tất việc hỏa táng. Người đề nghị nhận hài cốt, tro cốt phải có đơn gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi an táng người lưu trú để xem xét, quyết định; nội dung đơn đề nghị phải có đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải quyết định việc cho nhận hài cốt, tro cốt và phải thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án và Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất), Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này về việc cho nhận hoặc không cho nhận hài cốt, tro cốt khi có căn cứ cho rằng việc nhận hài cốt, tro cốt ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

6. Việc bảo quản, vận chuyển tử thi, hài cốt, tro cốt người lưu trú do người có đơn đề nghị hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế nơi người đó làm việc chịu trách nhiệm và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý y tế; vệ sinh môi trường; phòng, chống bệnh truyền nhiễm và kiểm dịch y tế qua biên giới và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 14. Giải quyết trường hợp người lưu trú bỏ trốn

1. Trường hợp người lưu trú là người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn thì thực hiện theo quy định tại Điều 122, Luật Thi hành án hình sự.

2. Trường hợp người lưu trú là người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù đang trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú chờ làm thủ tục xuất cảnh bỏ trốn thì cơ sở lưu trú phải lập biên bản và báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để tổ chức truy tìm, thông báo cho Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

3. Trường hợp người lưu trú bị xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất bỏ trốn thì cơ sở lưu trú phải lập biên bản và báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất phối hợp, tổ chức truy tìm và giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 15. Giải quyết trường hợp đề nghị thay đổi nơi lưu trú đối với người lưu trú

1. Người lưu trú có nguyện vọng và thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp có nơi cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam có đề nghị cho người lưu trú được lưu trú tại đó, thì người lưu trú và thân nhân (hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú) phải có đơn đề nghị gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án và Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với người lưu trú thi hành án phạt trục xuất) hoặc gửi đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú (đối với người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù đang chờ làm thủ tục xuất cảnh) hoặc gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người lưu trú là người bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) để xem xét, quyết định. Không xem xét giải quyết các trường hợp người lưu trú thuộc điểm a, d, đ, e khoản 3 Điều 30 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; điểm b, d, đ, e khoản 2 Điều 121 Luật Thi hành án hình sự hoặc người lưu trú vi phạm pháp luật, bị các cơ quan chức năng Việt Nam hoặc nước ngoài đang điều tra, truy nã hoặc có văn bản đề nghị chưa cho ra khỏi cơ sở lưu trú.

2. Đơn đề nghị của người lưu trú phải ghi rõ họ, tên, năm sinh, quốc tịch, địa chỉ cư trú, mối quan hệ với người đề nghị cho lưu trú, địa chỉ dự kiến đến lưu trú khi được thay đổi nơi lưu trú, cam kết chấp hành mọi yêu cầu của các cơ quan nêu tại khoản 1 Điều này, tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định của chính quyền địa phương nơi đến lưu trú. Đơn phải viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt, có xác nhận của cơ sở lưu trú.

Đơn đề nghị của thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ cư trú, mối quan hệ với người lưu trú, địa chỉ nơi người lưu trú đến lưu trú, cam kết chấp hành mọi yêu cầu của các cơ quan nêu tại khoản 1 Điều này, tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định của chính quyền địa phương nơi người lưu trú đến lưu trú. Đơn phải viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt, có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc và Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi người lưu trú đến lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này phải quyết định việc cho người lưu trú thay đổi nơi lưu trú hay không và phải thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị; trường hợp đồng ý cho người lưu trú thay đổi nơi lưu trú phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở lưu trú, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi người lưu trú đến lưu trúcác cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này. Trong quá trình lưu trú, có căn cứ cho rằng người lưu trú buộc phải lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an thì Thủ trưởng các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này phải quyết định thay đổi nơi lưu trú, buộc người lưu trú quay lại lưu trú tại cơ sở lưu trú.

3. Trường hợp người lưu trú là người nước ngoài chấp hành xong án phạt tù còn phải thực hiện bồi thường dân sự, nộp các khoản tiền, tài sản theo quyết định của Tòa án thì người lưu trú ngoài đơn đề nghị phải có đơn cam kết thực hiện việc bồi thường, các khoản tiền, tài sản nêu trên; đồng thời, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ ngoài đơn đề nghị phải làm thủ tục bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự, nộp các khoản tiền, tài sản thay cho người người lưu trú nếu người lưu trú không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bồi thường dân sự, nộp các khoản tiền, tài sản theo cam kết hoặc bỏ trốn.

Điều 16. Giải quyết các vấn đề người lưu trú không có khả năng bồi thường, nộp các khoản tiền, tài sản theo quyết định của Tòa án; người lưu trú không quốc tịch, đa quốc tịch

Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao giải quyết các vấn đề người lưu trú không có khả năng bồi thường, nộp các khoản tiền, tài sản theo quyết định của Tòa án; người lưu trú không quốc tịch, đa quốc tịch. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP VÀ THI HÀNH

 

Điều 17. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày   tháng   năm 2020. Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật và các điều khoản sau đây:

a) Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự;

b) Điều 31, Điều 32 và khoản 1 Điều 33 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

2. Việc tổ chức quản lý và các chế độ đối với nguời lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quản lý và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú; bàn giao người lưu trú khi có yêu cầu; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người lưu trú.

2. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hướng dẫn giải quyết các thủ tục đối ngoại liên quan đến người lưu trú; trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người lưu trú cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam; chỉ đạo các Sở Ngoại vụ phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú đóng giải quyết theo chức năng những vấn đề phát sinh đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

3. Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí cho việc tổ chức quản lý và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lưu trú theo dự toán ngân sách được giao hàng năm của Bộ Công an.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách Xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT các Vụ,

Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, C10 (20b)

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Phúc

Ghi chú

văn bản tiếng việt

File văn bản tiếng Việt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi