Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13109:2020 BS 4764:1986 Sơn bột gốc xi măng

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiêu chuẩn liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
Mục lục Đặt mua toàn văn TCVN
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13109:2020

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13109:2020 BS 4764:1986 Sơn bột gốc xi măng
Số hiệu:TCVN 13109:2020Loại văn bản:Tiêu chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệLĩnh vực: Xây dựng
Ngày ban hành:31/12/2020Hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Người ký:Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 13109:2020

BS 4764:1986

SƠN BỘT GỐC XI MĂNG

Powder cement paints

 

Lời nói đầu

TCVN 13109:2020 được biên soạn trên cơ sở BS 4764:1986.

TCVN 13109:2020 do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

SƠN BỘT GỐC XI MĂNG

Powder cement paints

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho sơn bột gốc xi măng poóc lăng dùng để trang trí và bảo vệ bề mặt trong nhà và ngoài trời, sử dụng trên bề mặt có các lỗ mao quản như vữa trát, bê tông, lớp hoàn thiện xi măng, gạch, khối xây gạch, bê tông bọt và xi măng amiăng.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho sản phẩm dùng để thi công lên bề mặt thạch cao hoặc bất kỳ bề mặt nào khác có hàm lượng sunfat hòa tan đáng kể trong nước.

CHÚ THÍCH: Khuyến cáo sử dụng sơn bột gốc xi măng được đưa ra trong Phụ lục A.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 2090 (ISO 15528) Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn và vecni- Lấy mẫu;

TCVN 2097 (ISO 2409) Sơn và vecni - Phép thử cắt ô;

TCVN 2102 (ISO 3668) Sơn - Phương pháp xác định màu sắc;

TCVN 2231 Vôi canxi cho xây dựng;

TCVN 2682 Xi măng poóc lăng;

TCVN 4030 Xi măng - Phương pháp xác định độ mịn;

TCVN 5674 Công tác hoàn thiện trong xây dựng - Thi công nghiệm thu;

TCVN 11608-4 (ISO 16474-4), Sơn và vecni - Phương pháp phơi nhiễm với nguồn sáng phòng thử nghiệm - Phần 4: Đèn hồ quang cacbon ngọn lửa hở;

TCVN 12005-7 (ISO 4628-7), Sơn và vecni - Đánh giá sự suy biến của lớp phủ - Ký hiệu số lượng, kích cỡ của khuyết tật và mức biến đổi đồng nhất về ngoại quan - Phần 7: Đánh giá độ phân hóa bằng phương pháp vải nhung;

ISO 3262, Extender for paints - Specifications and methods of test (Chất độn cho sơn - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử);

ISO 3310-2, Test sieves - Technical requirements and testing - Part 2: Test sieves of perforated metal plate (Sàng thử nghiệm - Yêu cầu kỹ thuật và thử nghiệm - Phần 2: Sàng thử bằng tấm kim loại đục lỗ);

BS EN 12878, Pigments for the colouring of building materials based on cement and/or lime. Specification and methods of test (Bột màu cho vật liệu xây dựng gốc xi măng hoặc vôi. Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử).

3  Thuật ngữ định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:

3.1  Sơn bột gốc xi măng (Powder cement paints)

Loại sơn được đóng gói ở dạng bột, có chất kết dính là xi măng, được trộn với nước trước khi thi công.

3.2  Chất độn (Extender)

Vật liệu ở dạng hạt hoặc dạng bột, không hòa tan trong môi trường phân tán và được sử dụng để làm biến đổi hoặc làm ảnh hưởng đến những tính chất vật lý nhất định.

3.3  Bột màu (Pigment)

Vật liệu màu, thường ở dạng các hạt mịn, không tan trong môi trường phân tán và được sử dụng do có tính chất quang học, bảo vệ và/hoặc trang trí cho sơn.

4  Quy định chung

4.1  Sơn bột gốc xi măng có thành phần chính là xi măng poóc lăng, bột màu và chất độn.

4.2  Xi măng poóc lăng thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 2682.

4.3  Chất độn, là đá vôi (bao gồm đá phấn và đá trắng) hoặc vật liệu silic theo quy định trong tiêu chuẩn ISO 3262, hoặc lá vôi hydrat dạng bột theo TCVN 2231.

4.4  Bột màu nên tuân theo BS EN 12878. Các bột màu thường hay được sử dụng là các oxit sắt, oxit crôm, các bon đen, titan đioxit, bột phtaloxyanin màu xanh da trời và màu xanh lá cây.

CHÚ THÍCH: Thực nghiệm cho thấy thành phần của sơn bột như sau sẽ phù hợp với tiêu chuẩn này:

Xi măng poóc lăng, tối thiểu 65 % theo Khối lượng;

Canxi clorua (CaCl2), tối đa 4 % tính theo khối lượng khan;

Ngoài ra, lượng hợp chất hữu cơ không bay hơi hòa tan trong nước không được vượt quá tối đa 2,5 % theo khối lượng. Cũng có thể sử dụng các chất phụ gia nhưng không lớn hơn 10 % theo khối lượng vì sử dụng nhiều phụ gia có thể ảnh hưởng đến độ bền lâu.

5  Yêu cầu kỹ thuật

Các chỉ tiêu kỹ thuật của sơn bột gốc xi măng được quy định trong Bảng 1.

Bảng 1- Các Chỉ tiêu kỹ thuật

Tên chỉ tiêu

Mức

1. Trạng thái vật lý

Không bị vón cục

2. Độ mịn (phần còn lại trên sàng 1,5 mm), %, không lớn hơn

0

3. Tính đồng nhất

Hỗn hợp phải đồng nhất

4. Ngoại quan lớp phủ

Không có dấu hiệu bất thường trên bề mặt lớp phủ

5. Màu sắc

Đồng nhất và tương đương với mầu chuẩn

6. Độ bám dính, loại, không lớn hơn

1

7. Độ bền thời tiết nhân tạo, sau 1000 h

Độ phấn hóa dưới cấp độ 1, không rạn nứt phồng rộp, thay đổi màu sắc so với mẫu chuẩn

CHÚ THÍCH: Với các sản phẩm được sản xuất để tạo ra một bề mặt có vân, độ mịn của vật liệu có thể có kích thước lớn hơn quy định.

6  Phương pháp thử

6.1  Lấy mẫu

Lấy mẫu để xác định các chỉ tiêu được nêu trong Điều 5, khối lượng của mẫu thử không nhỏ hơn 1 kg.

Mẫu phải được bảo quản trong túi khô, kín gió, thùng đựng mẫu không thấm nước và phải được dán nhãn như mô tả trong TCVN 2090 (ISO 15528).

6.2  Thiết bị, dụng cụ

6.2.1  Tấm thử, là amiăng xi măng, có kích thước danh nghĩa (150 x 100 x 5) mm.

CHÚ THÍCH: Nếu có sự thỏa thuận giữa nhà cung cấp và người mua có thể sử dụng tấm thử khác.

CẢNH BÁO: Bụi amlăng-xi măng rất nguy hiểm đến sức khỏe. Khi có bụi phát sinh phải đảm bảo người sử dụng và môi trường được bảo vệ. Trong quá trình cắt và gia công cần tránh sử dụng các công cụ điện và cần phải đảm bảo để không hít phải bụi. Chuẩn bị các tấm thử bằng cách cắt ướt hoặc bằng cách rạch và bẻ gẫy. Sử dụng bảo hộ lao động phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

6.2.2  Hộp dưỡng hộ được làm bằng vật liệu chống ăn mòn có nắp đậy kín.

Ví dụ, hộp nhựa polyetylen có kích thước dài (225 ± 25) mm, rộng (175 ± 25) mm và sâu (80 ± 12,5) mm.

6.2.3  Khung đỡ, được làm từ vật liệu trơ (vật liệu phù hợp là thanh poly metyl metacrylat có kích thước (6 x 6) mm để đỡ các tấm thử theo chiều ngang, được đặt ở phía dưới có khoảng cách (25 ± 2,5) mm so với bề mặt dưới của nắp hộp dưỡng hộ (6.2.2).

6.2.4  Sàng, có kích thước lỗ 1,5 mm phù hợp theo ISO 3310-2.

6.2.5  Máy khuấy, được làm từ vật liệu inox có hình mái chèo, có tốc độ khuấy tối thiểu 1000 vòng/min

6.2.6  Thùng trộn, được vệ sinh sạch sẽ không dính cát và dầu mỡ, dễ dàng vệ sinh và dễ quan sát

6.2.7  Thiết bị, dụng cụ thử độ bền thời tiết nhân tạo theo TCVN 9277 (ISO 11507).

6.3  Chuẩn bị tấm mẫu thử

6.3.1  Chuẩn bị tấm thử Ngay trước khi sử dụng, nhúng chìm tấm thử trong nước (24 ± 1) h. Sau đó, lấy tấm thử ra khỏi nước và dùng miếng vải khô sạch lau phần nước đọng.

6.3.2  Chuẩn bị các hộp dưỡng hộ để sử dụng

Đặt vào mỗi hộp dưỡng hộ (6.2.2) một khung đỡ (6.2.3) và cho dung dịch natriclorua quá bão hòa vào hộp sao cho mức dung dịch cách bề mặt dưới của nắp là (50 ± 5) mm. Đậy kín nắp lại. Duy trì nhiệt độ phòng đặt các hộp dưỡng hộ ở (27 ± 2) °C.

6.3.3  Chuẩn bị sơn

Ổn định tất cả các vật liệu ở (27 ± 2) °C trước khi sử dụng.

Trộn mẫu thử với nước theo thời gian và tỷ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất thành hỗn hợp đồng nhất. Nếu tỷ lệ giữa sơn và nước được đưa ra trong một dải thì sử dụng tỷ lệ trung bình.

Để ổn định hỗn hợp sơn khoảng (30 ± 5) min, sau đó khuấy trộn lại ngay trước khi dùng.

CHÚ THÍCH: Để hỗ trợ đầy đủ quá trình khuấy trộn, cần tối thiểu 100 g sơn bột gốc xi măng ở dạng khô.

6.3.4  Sơn và dưỡng hộ tấm mẫu thử

Dùng chổi quét sơn vào bề mặt thô ráp của mỗi tấm thử đã được làm sạch (6.3.1), lượng dùng là (5 ± 1) m2/kg tính theo chất khô.

Ngay sau khi sơn phủ, đặt mỗi tấm mẫu thử vào trong hộp dưỡng hộ sao cho bề mặt được sơn hướng xuống phía dưới.

CHÚ THÍCH: Các hộp dưỡng hộ được mở ra trong thời gian ngắn nhất có thể.

Lấy các tấm mẫu thử ra ngoài sau (24 ± 0,5) h dưỡng hộ và tiến hành sơn lớp thứ hai. Dưỡng hộ theo cách tương tự thêm (24 ± 0,5) h, sau đó lấy các tấm thử ra ngoài và để khô tự nhiên.

6.4  Xác định trạng thái vật lý

Mở thùng đựng mẫu, đảo trộn đều nếu thấy bột không bị vón cục cứng thì kết luận sơn đạt yêu cầu.

6.5  Xác định độ mịn

Xác định độ mịn theo TCVN 4030:2003, nhưng sử dụng sàng có kích thước lỗ 1,5 mm (6.2.4).

6.6  Xác định tính đồng nhất

Khuấy trộn đều bột và nước theo thời gian và tỷ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi khuấy trộn, vật liệu bột phải được thấm ướt hết. Nếu hỗn hợp sau khi khuấy trộn không bị vón cục và đồng nhất thì được đánh giá là “hỗn hợp đồng nhất”.

6.7  Xác định ngoại quan lớp phủ

Lấy tấm mẫu thử đã được chuẩn bị ở 6.3.4, lưu giữ trong 24 h ở nhiệt độ phòng. Sau đó đánh giá ngoại quan lớp phủ bằng cách dùng mắt thường quan sát lớp phủ dưới ánh sáng tự nhiên ban ngày, nếu lớp phủ đồng đều không bị rạn nứt và không có lỗ chân kim thì kết luận “Không có dấu hiệu khác thường trên bề mặt lớp phủ”

6.8  Xác định màu sắc

Lấy tấm mẫu thử được chuẩn bị ở 6.3.4 và tiến hành xác định màu sắc theo mô tả trong TCVN 2102 (ISO 3668). Màu sắc của lớp phủ phải đồng nhất và không có vết sọc, vết đốm hoặc lốm đốm và phải tương đương với màu chuẩn.

CHÚ THÍCH: Dải màu sắc có thể bị giới hạn bởi bản chất của sản phẩm, vì thế nhà cung cấp và khách hàng nên thỏa thuận màu sắc của mẫu chuẩn.

6.9  Xác định độ bám dính

Xác định độ bám dính theo TCVN 2097:2015.

6.10  Xác định độ bền thời tiết nhân tạo

6.10.1  Quy định chung

Độ bền thời tiết nhân tạo của lớp phủ được xác định theo TCVN 11608-4 (ISO 16474-4) và các hướng dẫn sau:

6.10.2  Chuẩn bị mẫu thử nghiệm: Tiến hành tạo 4 tấm mẫu thử như được mô tả ở 6.3 để khô tự nhiên mẫu trong 7 ngày, sau đó tiến hành thử nghiệm với 3 tấm mẫu, tấm còn lại sử dụng làm mẫu đối chứng.

6.10.3  Điều kiện tiến hành thử nghiệm: Thử theo TCVN 11608-4 (ISO 16474-4), với điều kiện độ ẩm là (50 ±10) % và thời gian chiếu xạ tia UV là 1000 h. Sau khoảng thời gian này, lấy mẫu ra và bảo quản mẫu trong vòng 1 h, sau đó tiến hành đánh giá.

6.10.4  Phương pháp đánh giá kết quả: Phải kiểm tra mức độ phấn hóa, tình trạng bong tróc, phòng rộp, rạn nứt và thay đổi màu sắc của sơn.

Cấp độ phấn hóa của lớp phủ được kiểm tra theo TCVN 12005-7 (ISO 4628-7), sử dụng miếng mút đã ngâm đủ mềm với nước, chà nhẹ lên bề mặt lớp phủ dưới dòng nước chảy để loại bỏ mọi chất bám dính trên bề mặt lớp phủ mà không gầy trầy xước bề mặt. Sau đó đem tấm mẫu thử vào trong phòng nơi sạch sẽ, dựng lên và để khô. Sau khi bề mặt lớp phủ sơn khô, tiến hành kiểm tra ngoại quan bằng phương pháp trực quan. Kiểm tra mức độ thay đổi màu sơn của lớp phủ sơn bằng cách so sánh tấm mẫu thử đã được chiếu xạ tia UV trong 1000 h với tấm mẫu thử không chiếu xạ tia UV (mẫu đối chứng).

6.10.5  Kết luận: Mẫu sơn đạt yêu cầu khi độ phấn hóa dưới cấp độ 1, không có hiện tượng bong tróc, rạn nứt và thay đổi màu sắc không đáng kể khi so sánh với mẫu đối chứng.

CHÚ THÍCH: Sự xuất hiện của phấn vôi (ví dụ canxi sunfat hoặc canxi cacbonat) và sự phai màu có thể xảy ra trên lớp phủ sơn xi măng đã được thi công lên các bề mặt nền gốc xi măng. Trong trường hợp có tranh chấp, phép thử cần được tiến hành trên tấm thử là tấm amiăng xi măng.

7  Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản

7.1  Ghi nhãn

Trên bao bì sản phẩm phải gồm các thông tin sau:

a) tên sản phẩm;

b) tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) xuất xứ hàng hóa;

d) màu sắc (hoặc mã màu);

e) số lô hoặc số mẻ, bao gồm tháng và năm sản xuất;

f) hướng dẫn sử dụng;

g) viện dẫn tiêu chuẩn này;

7.2  Bao gói

Sơn bột gốc xi măng được bao gói bằng vật liệu cách ẩm, đảm bảo bền, không rách vỡ trong quá trình vận chuyển.

Khối lượng mỗi bao do nhà sản xuất qui định nhưng sai lệch khối lượng phải đảm bảo theo quy định hiện hành.

7.3  Vận chuyển

Sơn bột gốc xi măng được vận chuyển bằng mọi phương tiện, đảm bảo có che chắn, chống mưa và ẩm ướt. Không được chở sơn bột gốc xi măng chung với các loại hóa chất khác có ảnh hưởng đến chất lượng của sơn.

7.4  Bảo quản

Kho chứa sơn bột gốc xi măng phải đảm bảo khô, sạch, nền cao, có tường bao và mái che chắc chắn, có lối cho xe ra vào xuất nhập dễ dàng. Các bao sơn bột gốc xi măng không được xếp cao quá 10 bao, phải cách tường ít nhất 20 cm và riêng theo từng lô.

Sơn bột gốc xi măng phải bảo hành chất lượng trong 12 tháng kể từ ngày xuất xưởng.

CHÚ THÍCH: Nếu điều kiện bảo quản không bình thường, nhà sản xuất cần phải đưa ra thông tin cho bất kỳ khuyến cáo đặc biệt nào có thể thực hiện được.

 

Phụ lục A

(tham khảo)

Khuyến cáo sử dụng sơn bột gốc xi măng

A.1  Quy định chung

Sơn bột gốc xi măng được sử dụng cho mục đích trang trí để hoàn thiện một bề mặt thô. Có thể sử dụng sơn để cải thiện khả năng chống thấm nước mưa do sơn bít kín được các vết nứt nhỏ và ngăn chặn các lỗ rỗng phát triển rộng. Lưu ý, màu sắc sẽ phai nhạt dần khi bị phơi sáng. Vì vậy, nên sử dụng loại sơn này cho các bức tường khô và có che chắn. Nếu độ bền màu là quan trọng thì cần phải có sự tư vấn của nhà sản xuất sơn.

Sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn này sẽ phù hợp cho hầu hết các vùng khí hậu và được thiết kế để hạn chế tốc độ ăn mòn lớp phủ, lớp phủ có thể tồn tại từ 5 năm hoặc lâu hơn trong vùng khí hậu ôn đới nếu được thi công hai lớp. Tuy nhiên, sơn có thể bị bẩn trong vùng không khí bị ô nhiễm nặng và sự ăn mòn sẽ nhanh hơn trong môi trường không khí axit mạnh.

Sơn sử dụng phù hợp trên vật liệu xây dựng có các lỗ mao quản như khối xây gạch, khối xây đá, bê tông, bề mặt trát vữa xi măng, bê tông bọt, gạch và amiăng xi măng, nhưng không sử dụng được trên nền kim loại, các sản phẩm từ gỗ, lớp trát thạch cao và phết tẩm bitum. Vì sơn bền với các chất kiềm trong xi măng và cho phép hơi ẩm thoát ra để làm khô một cách tự nhiên nên có thể sử dụng để trang trí hoàn thiện bề mặt nền ngay mà không cần chờ khô. Không nên sử dụng sơn trên bề mặt không hút nước như gạch đặc và ngói đặc, nơi có lượng sunfat đáng kể hoặc trên các bức tường bị ẩm ướt liên tục (ví dụ, bên dưới lớp ngăn ẩm), trong từng trường hợp cụ thể cần có sự tư vấn của nhà sản xuất sơn.

A.2  Chuẩn bị bề mặt

Trước khi làm sạch bề mặt, nên tham khảo thêm TCVN 5674. Bề mặt phải có các lỗ xốp và hút nước tự do. Đối với bề mặt không hút nước có thể cần xử lý riêng, trong trường hợp này cần có sự tư vấn của nhà sản xuất sơn. Bề mặt phải được làm sạch bụi bẩn, dầu mỡ, hoặc lớp phủ sơn xi măng cũ đã bị phấn hóa. Làm sạch bằng bàn chải lông cứng (không dùng bản chải dây kim loại), lau chùi hoặc rửa sạch hoặc là làm sạch theo cách khác. Một bức tường đã được phủ bằng loại sơn khác thường không phù hợp để trang trí bằng sơn xi măng.

Đối với những khu vực bề mặt có sự phát triển của tảo và nấm mốc, cần phải loại bỏ chúng bằng thuốc diệt nấm phù hợp, khi bề mặt khô dùng chổi lông cứng quét sạch nấm và tảo đã chết. Khi lớp phủ của sơn xi măng mới đã khô cứng, nên rửa ngay bằng thuốc diệt nấm để làm chậm sự tái phát triển của nấm.

A.3  Khuấy trộn

Cần phải tuân thủ việc khuấy trộn đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không nên sử dụng hai hỗn hợp sơn khác nhau do khi đó dễ nhận thấy chỗ tiếp giáp vì có thể có sự khác biệt nhỏ về sắc thái màu".

Có thể sử dụng sơn xi măng và cát của nhà sản xuất hoặc tự bổ sung thêm cát mịn vào sơn để điền đầy khoảng hở chỗ giao nhau trên kết cấu thô sần của khối bê tông. Ngoài ra, vữa xi măng/cát có thể trám vào bề mặt đó trước khi sơn. Trong tất cả các trường hợp này cần phải có sự tư vấn trước của nhà sản xuất sơn.

A.4  Thi công

Làm ẩm bề mặt để hỗ trợ sự đóng rắn của sơn xi măng, nhưng không được để nước tự do còn đọng lại trên bề mặt khi thi công sơn. Không thi công sơn dưới ánh nắng trực tiếp. Đối với lớp phủ thứ nhất nên dùng chổi quét hoặc bàn chải để chải, tốt nhất là sử dụng bàn chải lông cứng để quét. Để có được ngoại quan tốt nhất nên thi công lớp thứ hai không sớm hơn 24 giờ kể từ sau khi thi công lớp thứ nhất và vẫn phải làm ẩm bề mặt, loại bỏ nước dư trước khi thi công. Lớp phủ thứ hai có thể thi công bằng chổi quét, phun hoặc con lăn. Nếu thi công bằng phương pháp phun, phải yêu cầu cung cấp thiết bị khuấy trong nồi, và việc cần thiết là phải kiểm tra đầu phun cho phù hợp với việc sử dụng sơn xi măng.

Tham khảo hướng dẫn của nhà sàn xuất về tốc độ thi công. Lưu ý sơn xi măng không nên sử dụng dưới điều kiện đóng băng hoặc khí hậu ẩm ướt.

A.5  Dưỡng hộ

Để đạt được các tính chất tối ưu, sơn xi măng cần phải được duy trì độ ẩm trong suốt giai đoạn dưỡng hộ. Việc làm ẩm bề mặt nền trước khi sơn thường lá cần thiết để đảm bảo điều này, nên tạo bóng râm che bề mặt khi thi công lớp phủ đầu tiên. Trong điều kiện khô đặc biệt, có thể cần thiết sử dụng lớp sương mù mỏng từ nước sạch trong 24 h đầu tiên sau khi thi công.

A.6  Tẩy sơn

Có thể tẩy sạch lớp phủ sơn xi măng bằng các biện pháp cơ học như mài hoặc phun cát. Nếu các biện pháp cơ học làm hư hại nền thì có thể tẩy sạch lớp phủ sơn bằng cách sử dụng cẩn thận axit loãng (ví dụ như dung dịch axit clohydric loãng). Không nên dùng dung dịch axit loãng khi tẩy sơn trên các kết cấu bê tông ứng lực trước hoặc lớp hoàn thiện có gắn sỏi. Nếu sử dụng dung dịch axit, thì cần bảo vệ tất cả các bề mặt liền kề có thể bị ảnh hưởng và thực hiện việc tẩy sạch lớp phủ sơn theo quy trình sau:

a) Thấm ướt bề mặt cần được làm sạch bằng nước sinh hoạt và dùng chổi quét dung dịch axit lên bề mặt;

b) Dùng chổi quét toàn bộ bề mặt và rửa sạch axit bằng cách phun nước có áp lực cao không sớm hơn 10 min và không muộn hơn 30 min kể từ sau khi quét dung dịch axit.

Thận trọng: Cả hai phương pháp cơ học và hóa học đều có mức độ nguy hại nhất định, do vậy cần đưa ra giải pháp phòng ngừa an toàn thích hợp. Bao gồm các thiết bị thông khí phù hợp và/hoặc quần áo bảo hộ, và biện pháp bảo vệ môi trường.

Không để bề mặt đã được quét bằng axit khô trước khi rửa. Tuy nhiên, nếu điều đó vô tình xảy ra thì nên quét lại bằng dung dịch axit mới để xử lý lại, không nên cố gắng rửa sạch lớp axit cũ đã quét trước đó.

Trong một vài trường hợp có thể phải xử lý hóa học vài lần mới có được bề mặt sạch.

 

Mục lục

Lời nói đầu

1  Phạm vi áp dụng

2  Tài liệu viện dẫn

3  Thuật ngữ định nghĩa

4  Quy định chung

5  Yêu cầu kỹ thuật

6  Phương pháp thử

7  Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản

Phụ lục A (tham khảo) Yêu cầu sử dụng sơn bột gốc xi măng

Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
Vui lòng đợi