Thông báo 14/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 14/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 14/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 09/01/2018 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Xây dựng |
tải Thông báo 14/TB-VPCP
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 14/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG NĂM 2017
Ngày 12 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Bộ Xây dựng, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ; đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng của các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Gia Lai, Trà Vinh, Sóc Trăng; Lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo tình hình chung về vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng toàn quốc và ý kiến tham luận của các Bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình và kết quả công tác đạt được:
Vật liệu xây dựng có vai trò hết sức quan trọng, là sản phẩm hỗ trợ chủ yếu của ngành xây dựng. Đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 70% đầu tư xã hội, trong đó vật liệu xây dựng chiếm 30 - 50% tổng đầu tư xây dựng. Do vậy, phát triển vật liệu xây dựng sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác xây dựng thể chế đã tạo ra hành lang pháp lý phục vụ việc quản lý, đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng. Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan đã chú trọng công tác quy hoạch quản lý vật liệu xây dựng và triển khai đồng bộ (Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; Quy hoạch phát triển các vật liệu xây dựng chủ yếu; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; Quy hoạch vật liệu xây dựng thông thường...); công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng được quản lý chặt chẽ; công tác đầu tư phát triển vật liệu xây dựng đã huy động được nhiều nguồn lực, quy mô công nghiệp, thiết bị tiên tiến, hiện đại; hầu hết các vật liệu xây dựng chủ yếu trong các công trình xây dựng đều sử dụng vật liệu xây dựng trong nước, một số sản phẩm được xuất khẩu (gạch ốp lát, kính xây dựng, xi măng...).
Về phát triển vật liệu xây không nung: đến nay, tổng công suất thiết kế của 03 loại sản phẩm chính đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 27% so với tổng sản lượng vật liệu xây ước khoảng 24 tỷ viên. Chương trình đã đạt mục tiêu đề ra “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015; 30-40% vào năm 2020”
Thực tế, ngành sản xuất vật liệu xây dựng trở thành ngành kinh tế công nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã tạo ra nhiều chủng loại vật liệu xây dựng mới đảm bảo chất lượng, sản lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
2. Những vấn đề, thách thức cần khắc phục trong thời gian tới
Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, ngành vật liệu xây dựng còn nhiều vấn đề, thách thức cần khắc phục trong thời gian tới:
- Về công tác quy hoạch: Chất lượng quy hoạch chưa cao, công tác dự báo nhu cầu chưa sát với thị trường.
- Về quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng: Công tác thăm dò dự báo tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn hạn chế, trong đó có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu do kinh phí phục vụ điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản còn hạn hẹp; công tác điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản còn thiếu và chất lượng chưa cao dẫn đến thiếu thông tin để làm cơ sở xây dựng các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng có chất lượng và các chính sách phát triển vật liệu xây dựng trong tương lai.
- Về đầu tư phát triển vật liệu xây dựng: Hiện nay, việc đầu tư phát triển vật liệu xây dựng đã đạt được nhiều kết quả, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, song còn thiếu các loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường, giá thành thấp, chất lượng cao; việc đầu tư sản xuất một số sản phẩm vật liệu xây dựng còn theo phong trào, chưa theo quy hoạch, dẫn đến một số thời điểm cung vượt quá cầu làm lãng phí tài nguyên khoáng sản, lãng phí vốn đầu tư; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng nói chung còn thấp, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng còn gây ô nhiễm môi trường dẫn đến bức xúc của người dân; công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, năng lực dự báo, lựa chọn sản phẩm đầu tư, công nghệ, vị trí, thời gian đầu tư chưa chính xác, phù hợp... dẫn đến nhiều dự án đầu tư kéo dài, sản phẩm không tiêu thụ được, hiệu quả thấp.
- Về thực hiện Chương trình vật liệu xây dựng không nung: Một số tiêu chuẩn và hành lang pháp lý liên quan đến sản phẩm, thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng vật liệu xây không nung còn chậm ban hành, chưa đáp ứng được việc đưa các sản phẩm vật liệu xây không nung sử dụng trong các công trình xây dựng.
- Về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện hóa chất, phân bón làm vật liệu xây dựng: Việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện hóa chất, phân bón làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp còn chậm; việc sử dụng, vận chuyển tro, xỉ gặp khó khăn do coi đó là phế thải nguy hại. Nhiều nhà máy nhiệt điện có nguy cơ đóng cửa vì không có bãi chứa chất thải, trong khi các công trình xây dựng thiếu các vật liệu để san lấp mặt bằng, làm vật liệu xây không nung; nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế vật liệu xây dựng thông thường như cát xây dựng, cát san nền còn chậm.
- Phát triển vật liệu xây dựng với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường chưa hiệu quả; xử lý chất thải rắn, khí thải tại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất diễn ra phổ biến, trong cả khâu vận chuyển; khai thác khoáng sản làm lãng phí nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái như phá rừng, sạt lở bờ...
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta đang đặt ra nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng; trước hết phải phát triển vật liệu xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành xây dựng trong nước và tiến tới nâng cao giá trị xuất khẩu để khai thác lợi thế, tiềm năng của đất nước. Do đó để đảm bảo cho ngành vật liệu xây dựng phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Bộ Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch vật liệu xây dựng; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ các Quy hoạch: Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu ở Việt Nam; xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng; nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam;
- Chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo.
- Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, sử dụng san lấp; chỉ đạo các địa phương và các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2014 và Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2017 để đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng;
- Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện, quá trình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung có hiệu quả.
- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ bảo đảm phát triển công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển vật liệu xây dựng mới, giá thành thấp, chất lượng cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát quá trình phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo bền vững, cân đối cung cầu;
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong đó có khoáng sản làm vật liệu xây dựng để có đầy đủ thông tin, số liệu phục vụ cho công tác lập quy hoạch; Nghiên cứu, sửa đổi QCVN 07:2009/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng đối với tro, xỉ nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất không thuộc danh mục chất thải nguy hại; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc thực hiện và phê duyệt các đề án đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là các đề án đánh giá khai thác đá ốp lát, đá vôi sản xuất xi măng và cát trắng silic.
3. Bộ Tài chính: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phí bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tế bảo đảm phát triển vật liệu xây dựng bền vững; có cơ chế ưu đãi khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng vật liệu từ phế thải, vật liệu mới thay thế vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ: Chủ trì nghiên cứu triển khai các tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra các vật liệu mới thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ trì xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường; kiểm soát các công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng bảo đảm phát triển bền vững; tổ chức thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm vật liệu xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trước khi cấp phép các dự án đầu tư sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng theo quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; dừng đầu tư mới đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; kiểm soát đầu tư phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt sản xuất gạch đất sét nung và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát việc khai thác đá, cát, sỏi đúng quy hoạch, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chống sạt lở bờ biển, lòng sông...; tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, có kế hoạch đáp ứng nhu cầu san lấp từng địa phương; ưu tiên sử dụng vật liệu thay thế, vật liệu nhân tạo có sẵn tại địa phương; thực hiện nghiêm quy định về báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản;
6. Các doanh nghiệp:
Lựa chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường và nền kinh tế, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp như nâng cao năng lực đầu tư, quản trị, giảm chi phí quản lý; đào tạo, lựa chọn đội ngũ nhân lực tốt đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế - xã hội; từng bước đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giá thành thấp tạo sức cạnh tranh.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan biết, phối hợp thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây