Công văn 66/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng về việc trả lời vướng mắc nêu tại Văn bản số 144/SXD-KTXD ngày 22/03/2010
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 66/BXD-KTXD
Cơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 66/BXD-KTXD |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Phạm Văn Khánh |
Ngày ban hành: | 07/06/2010 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Xây dựng |
tải Công văn 66/BXD-KTXD
BỘ XÂY DỰNG ---------------- Số: 66/BXD-KTXD V/v: Trả lời vướng mắc nêu tại văn bản Số 144/SXD-KTXD ngày 22/3/2010. | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2010 |
Kính gửi: Sở Xây dựng Cà Mau
Trả lời công văn số 144/SXD-KTXD ngày 22/03/2010 của Sở Xây dựng Cà Mau về việc kiến nghị giải đáp một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành xây dựng Cà Mau, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Trả lời điểm 1, công văn số 144:
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ). Tại khoản 2 Điều 17 của Thông tư quy định: “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở có liên quan căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư này và tình hình biến động giá cả của địa phương tổ chức xác định và công bố kịp thời hệ thống giá xây dựng công trình, giá vật liệu, giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công phổ biến làm cơ sở tham khảo trong việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình”. Về danh mục vật liệu thì tuỳ theo các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, phổ biến có trên địa bàn để công bố.
2. Trả lời điểm 2, công văn số 144:
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 05/2010/TT-BXD ngày 27/5/2010 hướng dẫn về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng theo Nghị định số 112/2009/NĐ-CP. Vì vậy, việc cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Trả lời điểm 3, công văn số 144:
Tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng đã quy định: “Trong khung tên từng bản vẽ phải có tên, chữ ký của người trực tiếp thiết kế, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế, người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế và dấu của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, trừ trường hợp nhà thầu thiết kế là cá nhân hành nghề độc lập”. Quy định này được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế công trình xây dựng không phân biệt quy mô và cấp công trình. Riêng đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn bằng hoặc nhỏ hơn 250 m2, có từ 2 tầng trở xuống, việc lập thiết kế công trình thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 9 Thông tư số 39/2009/TT-BXD ngày 09/12/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ.
4. Trả lời điểm 4, công văn số 144:
Nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã được quy định tại Điều 19 Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và khoản 2 Điều 10 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng thay thế các quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng của Nghị định 99/2007/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2010). Đồng thời, tại Điều 29 Nghị định 99/2007/NĐ-CP và Điều 41, 42 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP cũng đã qui định việc bồi thường thiệt hại của các bên giao thầu, nhận thầu do vi phạm hợp đồng xây dựng. Như vậy, việc chủ đầu tư và các nhà thầu khi ký kết hợp đồng trong hoạt động xây dựng như phản ánh của Sở Xây dựng mà không có điều khoản quy định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng của các bên là trái với các quy định của pháp luật.
Hiện nay, pháp luật không quy định mức bồi thường giữa các tổ chức tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra, giữa cá nhân thực hiện chủ trì thiết kế và chủ nhiệm thiết kế khi cùng tham gia thực hiện 01 hồ sơ công trình mà để xảy ra sự cố. Việc bồi thường trách nhiệm khi để công trình xảy ra sự cố giữa các tổ chức tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra do chủ đầu tư, tư vấn thiết kế hoặc tư vấn thẩm tra thoả thuận đối với từng trường hợp cụ thể khi ký kết hợp đồng. Còn việc bồi thường trách nhiệm khi để công trình xảy ra sự cố giữa cá nhân thực hiện chủ trì thiết kế và chủ nhiệm thiết kế do tổ chức tư vấn thực hiện hợp đồng thiết kế với chủ đầu tư khi giao việc cho trì thiết kế và chủ nhiệm thiết kế quy định, pháp luật không quy định cụ thể về nội dung này.
5. Trả lời điểm 5, công văn số 144:
a) Về quy định thế nào là khu dân cư, dự án khu dân cư, nội dung dự án khu dân cư, tỷ lệ góp vốn của chủ đầu tư vào dự án khu dân cư: trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định và định nghĩa riêng về khu dân cư, dự án khu dân cư, nội dung dự án khu dân cư. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang rà soát, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công trình xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế. Trường hợp Sở Xây dựng hỏi nếu dự án đầu tư xây dựng không phải là dự án Khu đô thị mới theo quy định của Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006, dự án đầu tư xây dựng công trình đặc thù theo quy định của Nghị định 71/2005/NĐ-CP ngày 06/6/2005 và dự án phát triển nhà ở theo quy định của Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (Nghị định 12/2009/NĐ-CP và Nghị định 83/2009/NĐ-CP).
b) Về tỷ lệ góp vốn của chủ đầu tư vào “dự án khu dân cư”: Theo quy định của Luật Đầu tư, việc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư, trách nhiệm của mỗi bên, quan hệ hợp tác giữa các bên và tổ chức quản lý do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
c) Quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế khu đô thị mới (KĐTM) chưa thể hiện chi tiết nội dung của Điều lệ quản lý thực hiện dự án KĐTM. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức soạn thảo Thông tư thay thế Thông tư 04/2006/TT-BXD hướng dẫn thực hiện quy chế KĐTM ban hành kèm theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP. Nội dung quý Sở đề nghị sẽ được nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Thông tư mới.
6. Trả lời điểm 6, công văn số 144:
a) Về yêu cầu, nội dung, điều kiện, thủ tục để tổ chức chuyên môn được Bộ Xây dựng thẩm định, công bố có đủ điều kiện thực hiện giám định tư pháp:
Thông tư 35/2009/TT-BXD ngày 05/10/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn giám định tư pháp xây dựng chưa quy định về trình tự thẩm định và công bố tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện thực hiện giám định tư pháp. Tuy nhiên, để được Bộ Xây dựng thẩm định và công bố danh sách là tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện thực hiện giám định tư pháp xây dựng trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng thì tổ chức chuyên môn đó phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 của Thông tư 35/2009/TT-BXD và được Sở Xây dựng lựa chọn và đề xuất danh sách gửi về Bộ Xây dựng.
b) Đối với trường hợp những đơn vị tư vấn không muốn tham gia hoạt động giám định tư pháp xây dựng
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 35/2009/TT-BXD đã quy định “ Giám định tư pháp xây dựng là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để đánh giá, kết luận những vấn đề chuyên môn liên quan đến hoạt động xây dựng, công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, sản phẩm xây dựng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (sau đây gọi chung là người trưng cầu giám định) nhằm phục vụ giải quyết các vụ án và vụ việc dân sự”.
Theo quy định trên thì cho dù tổ chức chuyên môn không muốn tham gia giám định tư pháp xây dựng hoặc chưa được Bộ Xây dựng công bố có đủ điều kiện thực hiện giám định tư pháp xây dựng thì vẫn phải thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Thông tư 35/2009/TT-BXD, cụ thể là khi cơ quan trưng cầu gửi quyết định trưng cầu giám định tư pháp xây dựng, tổ chức chuyên môn có trách nhiệm tiếp nhận quyết định trưng cầu và tổ chức thực hiện giám định theo nội dung được trưng cầu trừ trường hợp được quyền từ chối theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
Trường hợp từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định, tổ chức chuyên môn được trưng cầu phải có văn bản gửi người trưng cầu giám định và nêu rõ lý do không thực hiện (Điều 9 Thông tư 35/2009/TT-BXD).
Nếu tổ chức chuyên môn không thực hiện theo các quy định nêu trên thì bị xử lý theo quy định tại Điều 26 Nghị định 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chinh phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp.
7. Trả lời điểm 7, công văn số 144:
Về hoạt động giám định tư pháp xây dựng trước ngày 01/7/2010:
Những tổ chức chuyên môn tuy chưa được Bộ Xây dựng công bố theo quy định nhưng đã có đủ yêu cầu nêu tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 của Thông tư 35/2009/TT-BXD và được Sở Xây dựng rà soát, lựa chọn và đề xuất danh sách là được thực hiện giám định tư pháp xây dựng trước ngày 01/7/2010.
8. Trả lời điểm 8, công văn số 144:
Theo quy định của Luật Xây dựng, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp với công việc đảm nhận. Do đó, tại Điều 10 Mục II Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24/6/2009 của Bộ Xây dựng đã hướng dẫn chi tiết các lĩnh vực hành nghề để các Sở Xây dựng thống nhất cách ghi. Căn cứ hướng dẫn nêu trên thì nội dung trong chứng chỉ hành nghề không thể ghi chung chung là thiết kế công trình được, vì công trình xây dựng gồm rất nhiều công việc, như thiết kế kiến trúc, thiết kế nội, ngoại thất, thiết kế cơ-điện...., Nếu cá nhân có chuyên môn là thiết kế kết cấu thì phải ghi rõ nội dung là thiết kế kết cấu công trình xây dựng (dân dụng hay giao thông, thuỷ lợi...). Như vậy, cá nhân được hành nghề lĩnh vực nào mới được chủ trì thiết kế lĩnh vực đó (trừ nhà ở riêng lẻ có quy mô bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, 2 tầng trở xuống).
9. Trả lời điểm 9, công văn số 144:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì cá nhân được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng phải có điều kiện là đã trực tiếp tham gia thiết kế hoặc thi công xây dựng. Như vậy, nếu cá nhân đã là giám sát kỹ thuật của đơn vị thi công thì được xem là có kinh nghiệm để xét cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng. Tuy nhiên, người được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 40 Nghị định 12/2009/NĐ-CP.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ xây dựng về một số vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước đối với ngành xây dựng tại tỉnh Cà Mau, Sở Xây dựng Cà Mau căn cứ hướng dẫn trên để thực hiện.
Nơi nhận : - Như trên; - Lưu VP, KTXD (Nh5). | TL. BỘ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG VỤ KINH TẾ XÂY DỰNG Đã ký
Phạm Văn Khánh |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây