Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Luật
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính, Hành chính | Loại dự thảo: | Luật |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Tư pháp | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Dự kiến thông qua tại: | Kì họp đang cập nhật - Khóa đang cập nhật |
Nội dung tóm lược
Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi dự kiến tăng thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác định giá trị từ “không quá 24 giờ” lên “không quá 48 giờ”, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 48 giờ (so với hiện tại là 24 giờ).
Tải Luật
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
DỰ THẢO 1
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13
1. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 5: Quy định cụ thể việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài.
2. Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 Điều 6: Quy định việc xác định thời hiệu đối với đối tượng cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8: Thống nhất cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính.
4. Bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18 như sau: Quy định cụ thể về sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành mới quyết định về xử lý vi phạm hành chính.
4. Bổ sung Điều 19a vào sau Điều 19: Quy định cụ thể về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 25: Bổ sung quy định về cách thức xác định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể tương tự như quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật XLVPHC .
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 40: Quy định bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện cho Đồn trưởng Đồn biên phòng và Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 54: Quy định cụ thể một số nội dung liên quan đến việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính.
8. Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 52: Quy định cụ thể một số nọi dung liên quan đến xác định thẩm quyền xử phạt và tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 60:
- Bổ sung từ “phương tiện” vào sau từ “tang vật” tại tên Điều và nội dung Điều 60.
- Tăng thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác định giá trị từ “không quá 24 giờ” lên “không quá 48 giờ”, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 48 giờ (so hvới hiện tại là 24 giờ”.
- Sửa đổi thời điểm xác định thời hạn bắt đầu tạm giữ, từ “thời điểm ra quyết định tạm giữ” thành “thời điểm tạm giữ thực tế” cho thống nhất với quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật XLVPHC.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 64: Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ việc vi phạm hành chính được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 65:
Quy định cụ thể các vấn đề sau đây:
- Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng phải (hiện tại là “có thể”) ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để khắc phục hậu quả dohành vi vi phạm hành chính gây ra.
- Việc tịch thu được thực hiện đối với tất cả các loại tang vật và xử lý đối với tang vật vi phạm hành chính sau khi bị tịch thu sẽ do người có thẩm quyền xử phạt quyết định căn cứ vào tính chất của tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu (sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy đối với tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành) theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật XLVPHC.
- Việc ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định về việc áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì phải tịch thu.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 71 như sau:
Quy định cụ thể: cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 71 lập hồ sơ thành hai bản, bản gốc lưu tại cơ quan lập hồ sơ, bản sao hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) được chuyển cho cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành theo quy định của Luật này. Cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm trả chi phí vận chuyển hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
13. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 82 như sau:
Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 82 Luật XLVPHC theo hướng như sau:
Đối với giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại điểm d khoản này.
Trường hợp giấy tờ, tài liệu, chứng từ bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc không còn giá trị sử dụng thì phải tiến hành tiêu hủy”.
14. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 87:
Bổ sung quy định cụ thể về người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành:
- Trường hợp chuyển quyết định xử phạt để thi hành theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 71 của Luật, nếu cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Trường hợp người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế được quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật để xem xét ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
15. Sửa đổi khoản 4 Điều 92:
Bỏ quy định về việc đối tượng phải vi phạm “02 lần trong 06 tháng” và quy định về việc đối tượng phải trải qua biện pháp tiền đề giáo dục tại xã phường thị trấn trước khi bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
16. Sửa đổi khoản 1 Điều 94:
Bỏ quy định về việc đối tượng phải vi phạm “02 lần trong 06 tháng” và quy định về việc đối tượng phải trải qua biện pháp tiền đề giáo dục tại xã phường thị trấn trước khi bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
17. Sửa đổi khoản 1 Điều 96:
Bỏ quy định về việc đối tượng phải trải qua biện pháp tiền đề giáo dục tại xã phường thị trấn trước khi bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 122:
Quy định bổ sung một số trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan:
- Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;
- Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
- Để bảo đảm việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trưởng giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này;
- Để xác định tình trạng nghiện ma túy;
- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật phòng chống bạo lực gia đình.
19. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 123:
Hướng sửa đổi, bổ sung: Người có thẩm quyền tạm giữ người quy định tại các điểm từ a đến i khoản 1 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính khi vắng mặt và được giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính khác.
20. Bổ sung điểm c và điểm d vào sau điểm b khoản 1 Điều 124:
Quy định bổ sung thêm một số trường hợp được áp giải người vi phạm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn:
- Đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc khi hết thời hạn được hoãn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không tự giác chấp hành quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật XLVPHC.
- Đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc khi hết thời hạn được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không tự giác đến trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để tiếp tục chấp hành quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 112 của Luật XLVPHC.
21. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 126:
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Đoạn 2 khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC theo hướng cụ thể về trình tự, thủ tục áp dụng, bảo đảm tính khả thi hơn.
22. Bãi bỏ một số điểu khoản sau:
- Bãi bỏ khoản 3 Điều 49, vì theo Điểm b khoản 1 Điều 163 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã bị bãi bỏ bởi khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014 thì chức danh Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản không được xử phạt vi phạm hành chính.
- Bãi bỏ khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 90: Vì các Điều 92, 94, 96 Luật XLVPHC được sửa đổi theo hướng không áp dụng biện pháp tiền đề giáo dục tại xã phường thị trấn trước khi áp dụng các biện pháp: Đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13
a) Bổ sung từ “, tổ chức” vào sau từ “cá nhân” tại điểm c khoản 1 Điều 6;
b) Bổ sung cụm từ “; văn hóa; đất đai; xây dựng” vào sau cụm từ “an ninh trật tự, an toàn xã hội” tại khoản 1 Điều 23;
c) Bổ sung từ “tín ngưỡng;” vào trước từ “tôn giáo”, từ “; đối ngoại” vào sau từ “thống kê” tại điểm a khoản 1, cụm từ “; kiểm toán nhà nước” vào sau cụm từ “bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản” tại điểm đ khoản 1 Điều 24.
d) Bổ sung từ “, tổ chức” vào sau từ “cá nhân” tại khoản 4 Điều 62.
đ) Bổ sung cụm từ “phương tiện vi phạm hành chính,” vào sau cụm từ “tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật,” tại khoản 8 Điều 125.
2. Thay thế cụm từ tại các điều, khoản sau đây của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13
a) Thay thế cụm từ “xử phạt một người thực hiện” bằng cụm từ “một vụ việc có” tại khoản 4 Điều 52;
b) Thay thế cụm từ “khoản 1 Điều này” bằng cụm từ “khoản 3 Điều này” tại khoản 4, thay thế cụm từ “làm chứng” bằng cụm từ “chứng kiến” tại khoản 9 Điều 125.
3. Bỏ cụm từ, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13
a) Bỏ cụm từ “Vi phạm hành chính nhiều lần;” tại điểm b khoản 1 Điều 10;
b) Bỏ cụm từ “06 tháng,” tại khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 Điều 17.
c) Bỏ cụm từ “có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này” tại điểm c khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 38; điểm c khoản 3, điểm d khoản 4, điểm d khoản 5 Điều 39; điểm c khoản 3 Điều 40; điểm c khoản 4, điểm c khoản 5 điểm c khoản 6 Điều 41; điểm c khoản 3, điểm d khoản 4 Điều 42; điểm c khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 43; điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 44; điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 45; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 46; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 47; điểm c khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 48; điểm c khoản 2, điểm c khoản 4 Điều 49;
d) Bỏ cụm từ “tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ;” tại khoản 2 Điều 58;
đ) Bỏ cụm từ “người tiến hành tịch thu,” tại khoản 1 Điều 81;
e) Bỏ cụm từ “và 3” tại khoản 6 Điều 90;
g) Bỏ cụm từ “người ra quyết định tạm giữ,” tại khoản 9 Điều 125.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2020.
2. Quy định chi tiết
Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ thông qua ngày tháng năm 2019.
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!