Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Nghị định về sử dụng thiết bị kỹ thuật phát hiện VPHC về trật tự ATGT
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính | Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Công an | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chính
Nghị định này quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia; quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, để phát hiện vi phạm hành chính.
Tải Nghị định
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Hà Nội, ngày tháng năm 2021 |
NGHỊ ĐỊNH
Quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị
kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được
từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức
cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính
-----------
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng (sau đây viết chung là trật tự, an toàn giao thông), bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia; quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, để phát hiện vi phạm hành chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia (sau đây viết chung là vi phạm hành chính).
2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp, tiếp nhận, thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp theo quy định của Nghị định này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là các máy móc, thiết bị có công năng ghi âm, ghi hình, đo lường, phân tích, lưu trữ, trích xuất thông tin, dữ liệu, được trực tiếp sử dụng trong thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính của cơ quan, đơn vị.
2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật là các máy móc, thiết bị có công năng ghi hình, đo lường, phân tích, lưu trữ thông tin, dữ liệu do cá nhân, tổ chức tự mua sắm, trang bị;
3. Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật (sau đây viết chung là dữ liệu) là bản ảnh, hình ảnh, chỉ số đo, thông tin, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của phương tiện, thiết bị kỹ thuật.
Điều 4. Kinh phí mua sắm, thuê, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
1. Kinh phí mua sắm, thuê, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.
Chương II
DANH MỤC VÀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ
Điều 5. Danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và tiêu chuẩn, định mức sử dụng
1. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại rượu, bia.
2. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
a) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao và yêu cầu đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia;
b) Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, ban hành quy định chi tiết về tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị của các lực lượng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.
Điều 6. Nguồn hình thành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Nguồn hình thành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
a) Cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để sử dụng phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia, theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đấu thầu;
b) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thuê phải thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này; khi sử dụng phải tuân thủ theo các quy định về chế độ quản lý, sử dụng của Nghị định này.
3. Hàng năm, căn cứ vào danh mục, tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính của ngành và địa phương, các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí mua sắm, thuê, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước.
Điều 7. Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm:
a) Lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Kiểm ngư, được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục I, Mục II, Mục III, Mục IV, Mục V Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không dân dụng;
b) Lĩnh vực bảo vệ môi trường
Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, Cảnh sát giao thông, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý xuất nhập cảnh, Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn, được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục VI Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường;
c) Lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục VII Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
d) Lĩnh vực phòng, chống ma túy
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Thanh tra lao động - Thương binh và Xã hội, được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục VIII Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống ma túy;
đ) Lĩnh vực phòng, chống tác hại rượu, bia
Lực lượng Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Y tế, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Quản lý thị trường, Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra giao thông vận tải, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thanh tra tài nguyên và môi trường, được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại rượu, bia;
e) Các lực lượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản này khi tham gia phối hợp, được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng phối hợp, để phát hiện vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Thẩm quyền quyết định trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao và yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho các lực lượng thuộc quyền quản lý của mình quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 8. Lập, quản lý hồ sơ và báo cáo việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ đối với phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được giao quản lý, sử dụng.
2. Hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm:
a) Hồ sơ, lý lịch liên quan đến việc hình thành, biến động phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
b) Hồ sơ tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
c) Quy trình hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất;
d) Sổ hoặc phần mềm theo dõi tình trạng kỹ thuật, thời gian hoạt động của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
đ) Giấy chứng nhận đã qua kiểm định, hiệu chuẩn (nếu có);
e) Sổ giao, nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
g) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
h) Các tài liệu khác có liên quan.
3. Hàng năm, các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm kê, báo cáo số lượng, giá trị, tình hình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 9. Bảo dưỡng, sửa chữa và xử lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cơ quan nhà nước
1. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng, vận hành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có trách nhiệm thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định.
2. Việc thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, xử lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 10. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
a) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ, căn cứ quy định của pháp luật về đo lường, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sau khi thống nhất với các các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, ban hành quy định cụ thể danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa vào sử dụng;
b) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lắp đặt, sử dụng cố định hoặc di động trên tuyến, địa bàn để tự động phát hiện vi phạm hành chính hoặc do những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định này trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính.
2. Thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
a) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của người có thẩm quyền sau:
Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết chung là Trưởng Công an cấp huyện); Trưởng phòng nghiệp vụ hoặc tương đương thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết chung là Công an cấp tỉnh) gồm: Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát cơ động; Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Cục trưởng các Cục: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Quản lý xuất nhập cảnh; Tư lệnh Cảnh sát cơ động;
Chánh Thanh tra các Sở: Giao thông vận tải, Giao thông vận tải - xây dựng; Giám đốc các Cảng vụ: Đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Giao thông vận tải - xây dựng; Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải; Cục trưởng các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam; Cục trưởng Cục quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
Chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường; Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường;
Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng; Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
Chánh Thanh tra Sở Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Chánh Thanh tra Bộ Y tế; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế;
Chi cục trưởng các Chi cục: Hải quan, Kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng các Cục: Điều tra chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Hải quan cấp tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường; Cục trưởng các Cục: Quản lý thị trường cấp tỉnh, Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghiệp vụ quản lý thị trường; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;
Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng các Chi cục: Kiểm lâm, Kiểm lâm vùng, Kiểm ngư vùng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục trưởng các Cục: Kiểm lâm, Kiểm ngư; Tổng cục trưởng các Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản;
Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Trường hợp các chức danh có thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có sự thay đổi về tên gọi nhưng không có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của các chức danh đó được giữ nguyên.
Điều 11. Tiêu chuẩn, trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Tiêu chuẩn của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
a) Là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, thanh tra viên chuyên ngành, công chức thuộc các lực lượng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này;
b) Nắm vững chế độ quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
c) Được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan.
2. Trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
a) Thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn, giữ gìn, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Điều 12. Sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
a) Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản, gồm các thông tin cơ bản sau: Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm (nếu xác minh được), bản ảnh, hình ảnh (đối với các thiết bị ghi hình), chỉ số đo, địa điểm, thời gian vi phạm và các thông tin khác liên quan đến hành vi vi phạm;
b) Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính khi bảo đảm các yêu cầu:
Tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Đảm bảo thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Khi có kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải nhanh chóng xác định tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính và thực hiện như sau:
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm đang ở hiện trường (nơi xảy ra vi phạm), tuyến, địa bàn phụ trách, thì người có thẩm quyền xử phạt phải tổ chức lực lượng thực hiện kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không còn ở hiện trường, tuyến, địa bàn phụ trách, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo bằng văn bản (kèm theo kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) đến tổ chức, cá nhân vi phạm, yêu cầu họ đến trụ sở cơ quan, đơn vị để giải quyết vụ việc vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không còn ở hiện trường, tuyến, địa bàn phụ trách và thực hiện vi phạm ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác mà việc đi lại gặp khó khăn và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc vi phạm, thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện vi phạm hành chính, cơ quan, đơn vị phát hiện vi phạm chuyển kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được đến cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cơ quan, đơn vị cùng cấp, nơi tổ chức, cá nhân cư trú, đóng trụ sở và thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cơ quan, đơn vị cùng cấp để giải quyết vụ việc vi phạm;
Khi tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm, cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cơ quan, đơn vị cùng cấp, căn cứ vào kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành lập biên bản làm việc ghi nhận sự việc, nêu rõ các tình tiết vụ việc vi phạm, lời khai, ý kiến của cá nhân hoặc đại diện tổ chức vi phạm và tạm giữ giấy tờ có liên quan đến hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính (biên bản làm việc là căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính và gắn liền với biên bản vi phạm hành chính);
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập xong biên bản làm việc, phải chuyển ngay biên bản, tài liệu, giấy tờ có liên quan cho cơ quan, đơn vị đã chuyển kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước đó, để lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật. Biên bản vi phạm hành chính được lập, gửi cho tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, áp dụng trong trường hợp cá nhân, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính hoặc bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm đáp ứng điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thông tin;
Trường hợp chưa xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm, thì cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cơ quan, đơn vị cùng cấp vẫn phải lập biên bản làm việc ghi nhận sự việc và chuyển cho cơ quan, đơn vị đã chuyển kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước đó để tiếp tục xác minh, xác định tổ chức, cá nhân vi phạm.
3. Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm
Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm được áp dụng theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khi hết thời hạn quy định mà không xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính thì kết quả thu thập được sẽ không sử dụng để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính.
4. Ngoài việc sử dụng kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Nghị định này để xử phạt vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt, được sử dụng thông tin lưu trữ tại cơ sở dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị, kết luận giám định, xét nghiệm của cơ quan, tổ chức làm căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật, gồm:
a) Thông tin lưu trữ tại hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, bao gồm: Hệ thống quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện; hệ thống quản lý cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
b) Kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe, thiết bị ghi hình, hệ thống camera điều hành giao thông của các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;
Việc sử dụng phương tiện, thiết bị trên phải tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính;
Người sử dụng phương tiện, thiết bị phải là nhân viên của các tổ chức có các phương tiện, thiết bị, phải đảm bảo yêu cầu, trách nhiệm quy định tại điểm b, c khoản 1, khoản 2 Điều 11 Nghị định này;
c) Kết luận giám định, kết quả xét nghiệm của cơ quan, tổ chức giám định, cơ sở Y tế theo quy định của pháp luật về giám định, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
d) Việc sử dụng, bảo quản thông tin, kết quả thu được từ các hệ thống cơ sở dữ liệu, phương tiện, thiết bị, kết luận giám định, kết quả xét nghiệm quy định tại các điểm a, b, c khoản này phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 1, 2, 3, 5 Điều này;
5. Kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được bảo quản chặt chẽ lưu vào hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Chương III
QUY TRÌNH THU THẬP, SỬ DỤNG DỮ LIỆU THU ĐƯỢC
TỪ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT
DO CÁ NHÂN, TỔ CHỨC CUNG CẤP
Điều 13. Cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật
1. Hình thức cung cấp dữ liệu
Dữ liệu được cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt thông qua một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để cung cấp;
b) Thông qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng;
c) Thông qua dịch vụ bưu chính;
d) Thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.
2. Quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu
a) Có quyền cung cấp dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc các lực lượng quy định tại Điều 15 Nghị định này;
b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
c) Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp;
d) Cung cấp thông tin về họ tên, địa chỉ, cách thức liên lạc khi cần liên hệ;
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của dữ liệu đã cung cấp;
e) Hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi có yêu cầu.
Điều 14. Yêu cầu và giá trị sử dụng của dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật
1. Yêu cầu của dữ liệu
a) Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức;
b) Phản ánh khách quan, đầy đủ, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
c) Còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Giá trị sử dụng của dữ liệu
Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm hành chính.
Điều 15. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu
Các cơ quan, đơn vị của các lực lượng sau đây, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm:
1. Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đường sắt.
2. Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa, Cảng vụ đường thủy nội địa, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về giao thông đường thủy nội địa.
3. Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải, Cảng vụ hàng hải, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về hàng hải.
4. Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng không, Cảng vụ hàng không, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về hàng không dân dụng.
5. Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, Cảnh sát giao thông, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý xuất nhập cảnh, Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
6. Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
7. Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Thanh tra lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về phòng, chống ma túy.
8. Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Y tế, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Quản lý thị trường, Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra giao thông vận tải, thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại rượu, bia.
Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu
1. Công khai địa chỉ trụ sở cơ quan, đơn vị, địa chỉ bưu chính, thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị mình để cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu.
2. Bố trí cán bộ thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu.
3. Bảo đảm bí mật các thông tin của cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định này.
4. Không lạm dụng việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu làm hạn chế quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc làm hư hỏng, chiếm giữ, quản lý, sử dụng trái phép phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cá nhân, tổ chức.
Điều 17. Tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu
1. Dữ liệu được tiếp nhận, thu thập từ các nguồn sau:
a) Dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến đề nghị kiểm tra, xác minh;
b) Dữ liệu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng;
c) Dữ liệu do cá nhân, tổ chức khác cung cấp.
2. Trình tự tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu
a) Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện cung cấp dữ liệu theo quy định tại Nghị định này;
b) Thực hiện việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu từ các nguồn quy định tại khoản 1 Điều này;
Trường hợp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật được cung cấp không có tên, địa chỉ rõ ràng cụ thể của cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu hoặc qua công tác kiểm tra, xác minh của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền không xác định được cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu hoặc cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu sử dụng tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức khác để cung cấp dữ liệu thì cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền không tiếp nhận, xử lý dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp quy định ở trường hợp trên, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm và có cơ sở để kiểm tra, xác minh thì cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp nhận, tiến hành việc kiểm tra, xử lý theo quy định;
c) Vào sổ và báo cáo công tác tiếp nhận, thu thập dữ liệu;
Dữ liệu tiếp nhận, thu thập được phải ghi chép vào sổ hoặc phần mềm theo dõi và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Xem xét, xử lý dữ liệu;
Trường hợp khi tiếp nhận, thu thập được dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính đang diễn ra có tính chất, mức độ nghiêm trọng và thuộc thẩm quyền, tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức ngay lực lượng đến hiện trường để kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định. Trường hợp không thuộc thẩm quyền, tuyến, địa bàn phụ trách thì thông báo và chuyển ngay cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện;
Trường hợp dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính đã kết thúc hoặc các trường hợp khác, thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận, thu thập được, người có thẩm quyền thực hiện như sau:
Vụ việc phản ánh thuộc thẩm quyền, tuyến, địa bàn phụ trách thì thực hiện các biện pháp xác minh và xử lý theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;
Vụ việc không thuộc thẩm quyền, tuyến, địa bàn phụ trách thì chuyển dữ liệu đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để xác minh và xử lý theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;
đ) Thực hiện kiểm tra, xác minh dữ liệu, kết luận vụ việc và xử lý theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;
e) Gửi văn bản thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu cho cá nhân, tổ chức đã cung cấp nếu họ có yêu cầu;
g) Lưu trữ dữ liệu, tài liệu tiếp nhận, thu thập được vào hồ sơ vụ việc theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Xác minh dữ liệu, kết luận vụ việc và xử lý vi phạm
1. Căn cứ dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, người có thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 15 Nghị định này, phải nhanh chóng tiến hành xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, kết luận vụ việc.
2. Nội dung xác minh
a) Có hay không có hành vi vi phạm hành chính; thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm hành chính;
b) Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính; lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;
c) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
d) Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra;
đ) Giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
e) Các tình tiết khác có liên quan.
3. Biện pháp xác minh
a) Người có thẩm quyền có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp nghiệp vụ sau đây để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm rõ vụ việc:
Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị để phát hiện, xác định vi phạm hành chính;
Làm việc trực tiếp với cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu; cá nhân, tổ chức bị phản ánh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức có liên quan, người làm chứng, biết vụ việc xảy ra, để thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc;
Xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết để thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung vụ việc;
Trưng cầu giám định dữ liệu, mẫu tang vật, phương tiện và các tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về giám định;
Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật;
b) Khi tiến hành xác minh thực tế, làm việc với cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu, cá nhân, tổ chức bị phản ánh vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức có liên quan, phải lập thành biên bản, có chữ ký của những người có liên quan trong buổi làm việc. Trường hợp cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã sở tại hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản;
Các tài liệu, tình tiết tiếp nhận, thu thập trong quá trình xác minh phải được ghi nhận bằng văn bản và lưu trong hồ sơ vụ việc theo quy định của pháp luật.
4. Thời hạn sử dụng dữ liệu để xác minh
Thời hạn sử dụng dữ liệu để xác minh được áp dụng theo quy định tại Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính; khi hết thời hạn quy định mà không xác minh, làm rõ được vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền dừng việc sử dụng dữ liệu để xác minh, phát hiện vi phạm hành chính.
5. Kết luận vụ việc và xử lý vi phạm
Căn cứ vào dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, giải trình của tổ chức, cá nhân bị phản ánh vi phạm hành chính, kết quả xác minh, tài liệu, tình tiết có liên quan, người có thẩm quyền phải kết luận nội dung vụ việc;
a) Trường hợp, phát hiện có vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp, xác định không có vi phạm hành chính hoặc không đủ căn cứ để chứng minh vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại Điều 11, Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không xử phạt vi phạm hành chính, kết thúc hồ sơ vụ việc;
c) Trường hợp khi xác minh, xem xét vụ việc, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ….. tháng …… năm 2022 và thay thế Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; khoản 11 Điều 80, Điều 83 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Điều 39 Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Điều 20. Quy định chuyển tiếp
1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được trang bị, sử dụng theo đúng quy định được tiếp tục sử dụng để phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính.
2. Trong thời hạn chuyển tiếp, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được trang bị, sử dụng quy định tại Khoản 1 Điều này phải thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 21. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này. Các Bộ trưởng: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nhiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao ban hành văn bản quy định về quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ
|
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!